Tuesday, August 29, 2006

Đầu tư mạo hiểm - Họ là ai?

Với nhiều người các quĩ đầu tư mạo hiểm (venture capital) là các nhà đầu tư đầy vẻ bí hiểm. Vậy họ là ai? Bạn có thể mong chờ gì ở họ và ngược lại họ mong chờ gì từ bạn?



Michael Arrington - Thủ lĩnh của các nhà đầu tư mạo hiểm vào web 2.0
Nói chung mọi cuộc đầu tư đều có không ít thì nhiều mạo hiểm. Trong tiếng Anh, hình thức liên doanh được hiểu là joint-venture, tức là "cùng mạo hiểm", tuy nhiên, các quĩ đầu tư mạo hiểm (từ nay tôi sẽ dùng chữ viết tắt VC - Venture Capital) có hình thức đầu tư hơi khác với các quĩ đầu tư thông thường. Các VC đã tồn tại từ lâu, nhưng vai trò của họ đặc biệt nổi bật trong thời kỳ bùng nổ của Internet và bây giờ là trong làn sóng Web 2.0 do phong cách đầu tư "thoáng" của mình. Chúng ta sẽ tìm hiểu các nguyên tắc đầu tư của VC, cách nhìn nhận của họ với web 2.0 và những điều bạn có thể cũng như không thể hy vọng từ VC.

1. Nguyên tắc của Georges Doriot

Có thể coi Georges Doriot là cha đẻ của các VC. Năm 1946, ông lập một công ty American Research and Development Corporation và bắt đầu nghiên cứu hàng ngàn đề án kinh doanh rồi chọn ra những cái tốt nhất để đầu tư. Trong cuốn "Căn bản về đầu tư mạo hiểm", Joseph W. Bartlett đã tổng kết các nguyên tắc đầu tư của Doriot. Đây là những điều kiện cho một cuộc đầu tư mạo hiểm:
  1. Dự án phải có công nghệ mới, ý tưởng marketing mới và các sản phẩm mới có khả năng ứng dụng trong cuộc sống.
  2. Nhà đầu tư phải có vai trò quan trọng, nhưng không nhất thiết là vai trò chi phối, trong các quyết định quản trị của công ty được đầu tư.
  3. Đầu tư vào những dự án của những người có quyết tâm và kiên định (nguyên tắc "đặt cược vào nài ngựa chứ không đặt cược vào con ngựa").
  4. Sản phẩm hoặc dịch vụ tối thiểu phải đã qua giai đoạn định hình và có bảo vệ bằng pháp lý như bản quyền, bằng phát minh, sáng chế...
  5. Sản phẩm hoặc dịch vụ có triển vọng sẽ phát triển đầy đủ trong vòng vài năm (lý tưởng là 3 -5 năm) để có thể cổ phần hóa. (người ta gọi đây là chiến lược "hạ cánh an toàn" - exit strategy).
  6. Nhà đầu tư có cơ hội đóng góp vào công ty những "giá trị gia tăng" khác ngoài tiền bạc.
Có thể thấy, khác với các quĩ đầu tư thông thường, các VC chỉ đòi hỏi những cái thuộc về ý tưởng và triển vọng. Bạn không nhất thiết phải trình ra các báo cáo lãi lỗ hay bảng cân đối kế toán của công ty mình (mặc dù thực ra họ vẫn nghiên cứu kỹ các báo cáo tài chính của các công ty đầu tư vào trong phần lớn trường hợp). Câu cửa miệng của các VC là "chúng tôi đầu tư vào con người", vâng, họ nói thật vì nếu không có các báo cáo lãi lỗ hay bảng cân đối kế toán đẹp đẽ thì điều trông mong duy nhất có thể chính là con người.

2. VC và web 2.0

Trong thời kỳ bùng nổ dot-com, các nhà đầu tư mạo hiểm đã hăm hở chi ra những khoản đầu tư rất lớn vào các công ty internet. Khi thị trường sụp đổ phần lớn số tiền họ bỏ ra đều không thu hồi được và do đó có một tâm lý thận trọng khi khái niệm web 2.0 ra đời. Nhiều VC thẳng thừng từ chối đầu tư vào web 2.0, số khác luôn đặt ra câu hỏi "làm thế nào để thu được tiền từ dịch vụ web 2.0 của bạn?". Gần hai năm đã qua đi và nhiều công ty web 2.0 đã có được những thành công nhất định, các nhà đầu tư mạo hiểm buộc phải xem xét mô hình web 2.0 dưới góc độ khác hơn là các dot-com kiểu mới.

Khi MySpace được mua với giá 500 triệu USD thì ai cũng nghĩ chắc nhà đầu tư bị điên, nhưng bây giờ chắc ai cũng muốn được "điên" như tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch vì giá trị của MySpace hiện đã gấp nhiều lần giá tiền mua vào. Còn Facebook, một mạng xã hội web 2.0 tương tự MySpace nhưng tập chung vào đối tượng học sinh/sinh viên, vừa ký hợp đồng quảng cáo trị giá 65 triệu USD với Microsoft. Có thể thấy mô hình kiếm tiền của web 2.0 chủ yếu sẽ là quảng cáo trực tuyến, một thị truờng sẽ có trị giá hơn 20 tỷ USD vào năm 2010 và đang cuớp dần "miềng bánh" của báo chí và TV.

Những mô hình kinh doanh khác của web 2.0 cũng tích cực hướng tới việc kiếm tiền hơn là các dịch vụ web 1.0 miễn phí tiền nhiệm. Phần lớn các web 2.0 cho phép bạn đăng ký và sử dụng miễn phí, nhưng nếu bạn thực sự muốn dùng nó vì mục đích kinh doanh thì các tùy chọn trả tiền sẽ là lựa chọn của bạn vỉ các chức năng thực sự hữu ích của nó.

Khi đầu tư vào web 2.0, các VC chú trọng nhất tới nguyên tắc số 3: "đặt cược vào nài ngựa chứ không đặt cược vào con ngựa", tức là yếu tố người khởi nghiệp, theo một trong hai kiểu:
  • Đầu tư vào các web 2.0 do những người tiên phong đã có "số má" trong thời kỳ web 1.0 khởi nghiệp. Ví dụ, ShopWiki của Kevin Ryan - cựu CEO của DoubleClick - đã nhận được khoản đầu tư 6,3 triệu USD của Generation Partners.
  • Hoặc đầu tư vào các web 2.0 do những lập trình viên "tay ngang" làm trong thời gian rảnh rỗi như Digg.

3. Bạn có thể và không thể chờ đợi điều gì từ VC?

Hầu hết những ai khởi nghiệp bằng các dịch vụ trên Net đều mong một ngày nào đó nhận được sự đầu tư của VC đơn giản vì không phải ai sinh ra cũng đã là triệu phú. Nhưng bức tranh đó có thực sự toàn màu hồng không? Nếu bạn nhận được đầu tư của VC thì đây là những điều bạn có thể hy vọng:
  1. Tiền (dĩ nhiên), nhưng nó sẽ được rót vào theo nhiều giai đọan tùy theo các mục tiêu đạt được.
  2. Sự thúc đẩy: bạn sẽ không bao giờ được "nghỉ ngơi" cho đến khi hoàn vốn (hay phá sản!). Người của VC ờ trong hội đồng quản trị sẽ luôn nhắc bạn về các mục tiêu phải đạt được nếu bạn muốn được đầu tư tiếp.
  3. Sự tư tin: bạn sẽ tự tin hơn nếu dự án của bạn được đánh giá cao và ông bà ta có câu "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" mà!
  4. Sự chú ý: Hầu hết các cuộc đầu tư của VC, đặc biệt là cho web 2.0, đều gây được sự chú ý của giới truyền thông và các giới quan tâm tới internet. Ít nhất, họ sẽ tò mò xem "tại sao cái công ty may mắn ấy lại nhận được hàng triệu đô-la nhỉ?".
  5. Kinh nghiệm/quan hệ: Hầu hết các công ty được VC là các công ty mới nên kinh nghiệm quản tri và các mối quan hệ còn thiếu. Ở một mức nào đó các VC có thể giúp bạn nếu đó thực sự là một VC mạnh.
Còn đây là những điều không phải lúc nào cũng có thật:
  1. Sự giàu có: mặc dù bạn có thể có hàng triệu đô-la tiền đầu tư nhưng không có nghĩa bạn sẽ giàu có vì bạn không thể tùy tiện tiêu số tiền này và số tiền này thường không được chuyển ngay vào tài khoản công ty bạn cùng một lúc mà theo từng vòng (round) đầu tư (phụ thuộc vào kết quả/mục tiêu mà công ty bạn đạt được). Bạn sẽ chỉ có thể trở nên giàu có khi công ty của bạn cổ phần hóa thành công hay được mua lại (M&A) và thực tế cho thấy không có nhiều công ty đi được tới giai đoạn này.
  2. Sự đảm bảo thành công: Không phải lúc nào sự có mặt của VC trong ban quản trị công ty cũng là điều tốt, hãy cân nhắc kỹ nếu bạn thuộc tuýp người có cá tính mạnh. Ngoài ra, do áp lực thu hồi vốn nhanh, các VC có thể quá "nôn nóng" và làm hỏng kế hoạch kinh doanh của bạn.
  3. Sự phân chia (cổ phần/lợi nhuận) bình đẳng: Nói chung trong giai đoạn khởi điểm các VC sẽ đòi gần phân nửa cổ phần trong công ty bạn. Nhưng một số điều khoản về phân chia tài sản khi công ty bị bán đi (liquidation preferences) có thể làm bạn ngậm ngùi về sau vì các VC thường bảo vệ lợi ich phía họ (không có gì đáng ngạc nhiên) mà không quan tâm tới lới ích của các cổ đông khác. Bạn phải rất thận trọng khi ký kết vào bản hợp đồng đầu tư đầy những rằng buộc và đòi hỏi của VC.
  4. Sự trợ giúp: Đừng hy vọng quá nhiều về sự trợ giúp trong các doanh nghiệp mà VC này đầu tư cho dù các VC có hứa hẹn như vậy. Các công ty đều có các mục tiêu khác nhau và họ chẵng có lý do gì hy sinh vì bạn. VC cũng chỉ hy vọng 30% trong số các dự án họ đầu tư là thành công nên sẽ không có việc "dàn hàng ngang tiến lên". Câu châm ngôn "hồn ai nấy giữ" luôn đúng trong mọi trường hợp!
  5. Thiên thần đầu tư: Nếu bạn khởi nghiệp với 0$ thì VC không phải là chỗ bạn tìm đến vì họ không phải là các "thiên thần đầu tư" (angel investor - các nhà đầu tư ngay từ khi doanh nghiệp còn ở giai đoạn "trứng nuớc"). Xin lưu ý, theo nguyên tắc 4, VC chỉ đầu tư khi doanh nghiệp của bạn đã qua giai đoạn hình thành.
Tóm lại, chẳng có gì là cho không cả. Nếu bạn chuẩn bị nhận vốn của VC thì hãy chuẩn bị đối mặt với các áp lực và có thể cả mất mát. Bạn phải học cách làm việc với nhà đầu tư VC sao cho vừa đảm bảo kế hoạch kinh doanh của mình không bị bóp méo trong khi vẫn thỏa mãn các mục tiêu đã ký kết. Cuối cùng, không phải mọi VC đều giống nhau, hãy chọn nhà đầu tư tâm huyết và thông hiểu dự án của bạn nhất, thiếu điều này mọi sự hợp tác và tiền bạc đều sẽ thành vô nghĩa.

No comments: