For soul: Stories
Cọng rơm quý giá hay Bí Quyết Làm Giàu Lâm Thanh Huyền Dịch giả : Phạm Huê
Có một chàng thanh niên từ lúc nhỏ đã mang mộng ước sau này sẽ trở thành triệu phú, khi lớn lên anh đi chu du mọi miền, thăm hỏi nhiều người ở đủ mọi ngành nghề để tìm học cho được bí quyết làm giàu. Anh đã đi qua nhiều thành phố, thế nhưng mỗi người lại chỉ cho anh một kiểu cách khác nhau, đôi khi những phương thức này còn mâu thuẫn khiến anh không học hỏi được những bí quyết của họ. Nhiều năm trôi qua, không những anh không kiếm được tiền, mà của cải mang theo đi đường càng lúc càng vơi dần, cho đến một hôm nọ thì túi anh không còn một đồng ten, anh phải lang thang đầu đường xó chợ. Một hôm, khi đi ngang qua một thiền viện thờ phụng đấng Quán Thế Âm, anh ta được mọi người cho biết là đấng Cứu Khổ Cứu Nạn Ðại Từ Ðại Bi là một vị Bồ Tát luôn giúp kẻ khốn cùng. Chàng thanh niên đứng trước Phật đài khấn nguyện, anh thành tâm cầu xin đức Quán Thế Âm giúp cho anh tìm được phương thức làm giàu, vì đó là mộng ước duy nhất trong đời của anh. Trước lời khấn nguyện chân thành này, Quán Thế Âm đã động lòng nên hiển linh chỉ bảo cho anh ta: "Muốn giàu có thật ra không phải là một điều khó khăn, từ thiền viện này bước ra, bất kỳ gặp được vật gì đáng giá hoặc vô giá trị con cũng đừng bao giờ bỏ phí. Bất kỳ gặp được người nào từ già đến trẻ, con cũng phải luôn luôn nghĩ đến họ và giúp đỡ họ tận tình. Nếu làm được như vậy thì mộng ước của con sẽ thực hiện được dễ dàng. Không riêng chỉ một mình con, tất cả mọi người trên đời nếu làm được như vậy cũng sẽ trở thành giàu có ngay."
Chàng thanh niên nghe lời của Quán Thế Âm dạy như vậy thì mừng rỡ vô cùng. Chiếu theo lời của ngài dạy bảo thì phương thức làm giàu này đâu có gì khó khăn. Anh chàng lạy tạ tượng Bồ Tát và hăm hở bước ra. Trong lúc hấp tấp anh ta vấp phải bực thềm té nhào đầu. Lồm cồm bò dậy, tay lại vớ nhầm một cọng rơm dưới đất, anh định vứt bỏ đi, thế nhưng chợt nhớ lại lời Bồ Tát dặn cho nên anh cẩn thận nắm cọng rơm trong tay rồi tiếp tục ra đi. Một lúc sau, có một con ong bay ngang vướng vào cọng rơm của anh đang cầm. Nghe con ong reo vo ve cũng vui tai, nên anh cứ để yên mà không chịu gỡ ra. Ði đến một ngã ba đường, anh trông thấy một người phụ nữ cố gắng dỗ dành một đứa bé đang khóc thét trên tay của bà. Chàng thanh niên bước tới quơ cọng rơm qua lại trước mặt đứa bé để tạo sự chú ý. Ðứa bé thấy có con ong vướng trên cọng rơm kêu vo ve nên hiếu kỳ nhìn vào đó mà ngưng khóc. Nhớ lời của Quán thế Âm Bồ Tát dặn, người thanh niên tặng cọng rơm có mang con ong trên đó cho đứa bé. Ðứa bé khoái trá nhe răng cười toe toét. Người đàn bà là mẹ đứa bé lúc nãy đã tìm đủ cách mà không làm cho đứa bé ngưng khóc được, bà ta mừng rỡ vì chàng thanh niên đã giúp bà tránh được khá nhiều phiền phức nên mở chiếc giỏ đi chợ lôi ra ba trái quít chín đỏ tặng cho anh ta để thay thế lời cảm ơn.
Tiếp tục lên đường, đi được một đỗi, chàng thanh niên thấy một người buôn vải đang ngồi thở dốc bên đường. Ðó là một chàng lái buôn vì khát nước nên mệt lả người. Ðộng lòng trắc ẩn, chàng thanh niên tặng cho ông ta ba trái quít mà anh đang cầm trên tay. Cảm động trước tấm lòng tốt này, người lái buôn sau khi lấy lại sức đã mang tặng cho anh một xấp vải rất đẹp để đổi lấy ba trái quít của anh.
Cầm lấy xấp vải, chàng thanh niên cảm thấy vui vui vì đã làm được vài điều tốt mà lại được người ta đền bù xứng đáng. Ði thêm một đỗi anh ta thấy có một con ngựa bị đau nằm lăn dưới đất, người chủ cỡi con ngựa đứng bên cạnh đang rầu rĩ không biết phải làm sao? Chàng thanh niên thấy con ngựa gầy gò tội nghiệp cho nên mới đề nghị với người chủ đổi con ngựa lấy xấp vải trên tay của anh. Hơi lưỡng lự một chút, người chủ con ngựa bằng lòng vì thấy rằng con vật có vẻ như không thể nào đứng dậy được nữa. Chàng thanh niên chạy đến bờ sông mượn chiếc thùng múc nước về đổ cho ngựa uống. Anh vuốt ve con vật tỏ vẻ thương yêu, không ngờ vài phút sau đó thì con ngựa đứng dậy được. Thì ra con vật chỉ vì khát nước và mệt lả người cho nên mất sức chứ chẳng bệnh hoạn gì cả. Khi con ngựa đã hoàn toàn bình phục, anh ta cỡi con ngựa tiếp tục lên đường.
Ði đến trước một tòa nhà kia thì có một ông già trong nhà chạy ra chận anh lại và năn nỉ mượn đỡ con ngựa. Ông ta cho biết có việc cần kíp cần phải đi xa. Nhớ lời Quán Thế Âm Bồ Tát căn dặn, anh ta vui vẻ nhận lời. Ông già cho biết ông là chủ nhân của căn nhà, ông đề nghị với chàng thanh niên là hãy ở tạm lại căn nhà cho đến khi nào trở về thì ông sẽ trả ơn. Trong trường hợp ông không trở lại thì anh ta sẽ làm chủ căn nhà và luôn cả đất đai rộng lớn chung quanh. Không đợi chàng thanh niên trả lời, ông ta nhảy tót lên lưng ngựa dông tuốt.
Chàng thanh niên đành phải ở lại trông nom căn nhà. Căn nhà này có đầy đủ tiện nghi, lương thực, tiền bạc nhưng lại không có người vì ông già vừa rời khỏi là người giữ hương hỏa cuối cùng. Ðợi hết ngày này qua tháng nọ vẫn không thấy ông già trở lại, chàng thanh niên "bất đắt dĩ" trở thành chủ nhân căn nhà và đất đai rộng lớn chung quanh. Trải qua nhiều năm anh ta sống một cuộc đời thật đầy đủ về vật chất, lúc đó anh ta mới sực nhớ lại lời dạy của Quán Thế Âm Bồ Tát. Thì ra người đã chỉ đường cho anh trở thành triệu phú nhờ vào lòng thương người, sự quan tâm, tánh bao dung và chỉ đơn giản có vậy mà thôi.
Trên đây là một câu chuyện ngụ ngôn nhà Phật của xứ Nhật Bản. Ngụ ý của câu chuyện này nói lên rằng đa số con người sống trong cõi đời ai ai cũng muốn mưu cầu cho mình một cuộc sống thật đầy đủ. Những người đã giàu sang thì lại muốn tinh thần và sức khỏe của họ cũng được dồi dào. Thế nhưng rất khó mà định nghĩa được thế nào là giàu cho đủ với lòng mong ước của con người. Theo định nghĩa của nhà Phật, giàu có không thể đo lường bằng số lượng ít nhiều của tiền bạc, mà là căn cứ vào sự rộng rãi, từ tâm bố thí của bạn. Những người có thể cho đi những gì họ có trong người mới có thể gọi là giàu. Những người lúc nào cũng khư khư giữ lấy cho riêng mình thì dù tiền bạc của họ có chất đầy kho đi nữa thì cũng chỉ được xem là người rất nghèo nàn về mặt từ tâm mà thôi.
Vì vậy con đường chân chính để chỉ dẫn bạn tìm đến sự sung túc không phải để tìm nhiều của cải vật chất, không phải để tìm sự thành công trên danh lợi, mà là quí trọng mỗi một món đồ vật trên tay của bạn, quan tâm đến từng người mà bạn gặp gỡ, lúc nào cũng có thể giúp đỡ cho kẻ khác, bố thí cho kẻ khác.
Thế nào mới gọi là một con người có lòng dạ bố thí ? Ðó là một con người biết tạo duyên, tạo phúc, giúp đỡ những người khốn cùng, dù là với người chỉ lần đầu gặp gỡ. Ðó mới chính là sự bố thí cao cả, cho ra mà không bao giờ tiếc rẻ, nên nhớ một điều, cho mà còn tiếc, chứng tỏ rằng bạn chưa phải là một người rộng lượng, giàu có lòng nhân.
Người Trung Hoa có một câu ngụ ngôn "Một cọng cỏ, một giọt sương", nghĩa là mỗi một con người sinh ra đều có những phúc phần khác nhau, cọng cỏ nhỏ thì nhận được giọt sương nhỏ, lá cây lớn thì nhận được giọt sương to, dù có miễn cưỡng cũng không được. Họ còn có một câu nói là "Cọng rơm có thể làm té con ngựa", hay nói ngược lại, biết đâu ta chẳng thành công chỉ vì một cọng rơm nhỏ bé. (Như chàng thanh niên trong câu chuyện này).
Bí quyết để làm giàu chẳng qua là biết tạo duyên, tạo phúc và bố thí. Tạo duyên, tạo phúc khiến cho chúng ta cảm thấy lòng dạ được quang minh lỗi lạc. Bố thí khiến bạn thực sự trở thành một người giàu có, sự giàu có tinh thần mà không một triệu phú nào trên thế gian này có thể so sánh được.
Phạm Huê
Những Chậu Hoa Phong Lữ
Là con thứ năm trong một gia đình có bảy đứa trẻ, tôi theo học cấp một cùng trường với các anh chị tôi. Mỗi năm, mẹ tôi lại dự cùng một lễ khai giảng, tham gia cuộc họp với cùng những giáo viên, điều khác biệt duy nhất là tên của những đứa con. Và các con của bà đều có dịp tham gia ngày hội hoa truyền thống hằng năm của trường, tổ chức vào đầu tháng năm, đúng dịp lễ Các bà mẹ.
Tôi được tham gia ngày hôi hoa khi lên lớp ba. Tôi muốn dành cho mẹ một điều ngạc nhiên nhưng tôi không có xu nào cả. Tôi tìm đến chị lớn của tôi, cho chị biết dự tính của mình,chị cho tôi ít tiền, và tôi chạy ngay đến trường tìm chậu hoa đẹp nhất. Tôi bí mật mang về nhà, và với sự giúp sức của chị tôi, chúng tôi giấu chậu hoa trên cổng nhà hàng xóm. Tôi rất lo mẹ tôi sẽ khám phá ra món quà, nhưng chị tôi trấn an mẹ sẽ không biết đâu và sự thật đúng như thế...
Khi ngày lễ đến, tôi hãnh diện tặng mẹ tôi chậu hoa phong lữ đỏ thắm. Tôi nhớ mãi đôi mắt ngời sáng niềm vui của mẹ khi nhận món quà...
Năm tôi mười lăm tuổi, đến lượt em tôi vào lớp ba. Cũng vào đầu tháng năm, con bé đến thì thầm với tôi rằng nó muốn cho mẹ một sự ngạc nhiên. Giống như chị tôi đã làm với tôi, tôi cho con bé ít tiền. Em tôi háo hức chạy vụt đi. Từ trường trở về, con bé khoe với tôi chậu hoa phong lữ đỏ thắm bọc trong túi giấy, được giấu dưới áo. " Em đã tìm được chậu hoa đẹp nhất ", con bé thì thầm...
Với niềm vui đang nắm giữ một điều bí mật, tôi giúp em tôi giấu chậu hoa trên cổng rào của nhà hàng xóm, khẽ trấn an em mẹ sẽ không phát hiện trước khi ngày lễ đến. Khi em tôi trao quà cho mẹ, tôi đang nép sau bờ rào chia sẽ sự hãnh diện của em với niềm vui của mẹ. Nhác trông thấy tôi, mẹ gửi cho tôi một nụ cười đầy ý nghĩa...Tôi mỉm cười đáp lại, thầm hiểu rằng mẹ đã biết tất cả...Tôi tự hỏi làm thế nào mẹ có thể ngạc nhiên và thích thú trước cùng một món quà mà mẹ đã biết trước của sáu đứa con. Nhưng nhìn đôi mắt mẹ lấp lánh niềm vui khi nhận quà từ tay đứa em bé bỏng, tôi biết mẹ đã không hề giả vờ...
(Theo bản dịch của VÕ HOÀNG LAN)
Một Chuyện Tình
( Theo bản dịch của Nguyễn Trung Hiếu )
Câu chuyện xãy ra ở một bệnh viện nhỏ ở vùng quê hẻo lánh.
Ở khoa hóa trị có một phụ nữ trẻ đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư. Tuy luôn bị những cơn đau hành hạ nhưng chưa bao giờ người phụ nữ ấy quên trao cho cho chúng tôi một nụ cười biết ơn sau những lần điều trị. Những khi chồng cô tới thăm, mắt cô rạng ngời hạnh phúc. Đó là một người đàn ông đẹp trai, lịch thiệp và cũng thân thiện như vợ mình. Tôi rất ngưỡng mộ chuyện tình của họ. Hằng ngày anh mang đến cho cô những bó hoa tươi thắm cùng nụ cười rạng rỡ, anh đến bên giường nắm lấy tay cô và trò chuyện cùng cô. Những lúc quá đau đớn, cô khóc và trở nên cáu ghắt, anh ôm chặt cô vào lòng, an ủi động viên cho vợ mình cho đến khi cơn đau dịu đi. Anh luôn bên cô mỗi khi cô cần, anh giúp cô uống từng ngụm nước và không quên vuốt nhẹ đôi chân mày của cô. Mỗi đêm, trước khi ra về anh luôn đóng cửa để hai người có những giây phút bên nhau. Khi anh đi, chúng tôi thấy cô ấy đã say ngủ mà trên môi vẫn phảng phất nét cười.
Nhưng đêm ấy mọi chuyện đã thay đổi. Khi nhìn vào bảng theo dõi, kết quả cho thấy người vợ trẻ ấy sẽ không qua khỏi đêm nay. Mặc dù rất buồn nhưng tôi biết đó là cách tốt nhất cho cô ấy, từ nay cô sẽ không chịu những cơn đau thêm nữa.
Để bảng theo dõi trên bàn, tôi muốn đến phòng bệnh. Khi tôi bước vào phòng, cô mở mắt nhìn tôi hé môi cười một cách yếu ớt, nhưng hơi thở của cô nghe thất khó nhọc. Chồng cô ngồi bên cô mỉm cười nói: " Cho đến bây giờ món quà tuyệt vời nhất tôi dành cho cô ấy chính là tình yêu của tôi ".
Và tôi đã khóc khi nghe điều đó, tôi nói nếu họ cần bất cứ điều gì thì đừng ngại.Đêm ấy cô đã ra đi trong vòng tay người chồng yêu dấu. Tôi không biết làm gì hơn ngoài việc cố an ủi và chia sẻ nỗi đau này cùng chồng cô. Với khuôn mặt đẫm nước mắt, anh nghẹn ngào: " Xin hãy cho tôi ở bên cô ấy thêm một lúc ".
Bước ra khỏi phòng, đứng ở hành lang lau những giọt nước mắt, nhớ nụ cười, nhớ ánh mắt, nhớ những cái ôm ghì chặt mà cô ấy dành cho chúng tôi...Tôi nhớ tất cả về cô ấy như một người bạn thân thiết, tôi cũng phần nào có thể cảm nhận được nỗi đau mà chồng cô đang chịu đựng. Bỗng nhiên từ trong phòng vọng ra một giọng hát trầm ấm mà tôi chưa từng được nghe. Không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều bị cuốn hút bởi giọng hát của anh khi anh cất lời bài Beautiful brown eyes.
Rồi giai điệu khúc ca nhỏ dần, anh mở cửa gọi tôi đến, anh nhìn sâu vào mắt tôi, ôm chầm lấy tôi rồi nói:" Tôi đã hát bài này mỗi đêm cho cô ấy nghe kể từ ngày chúng tôi quen nhau. Mọi ngày tôi vẫn thường cố giữ cho giọng mình thật nhỏ để khỏi làm phiền bệnh nhân khác. Và tôi chắc rằng đêm nay trên thiên đường cô ấy cũng vẫn nghe tôi hát. Tôi xin lỗi đã quấy rầy mọi người.Tôi chỉ không biết sống ra sao khi thiếu vắng cô ấy, nhưng mỗi đêm tôi vẫn tiếp tục hát cho cô ấy. Chị có nghĩ rằng cô ấy nghe thấy tiếng tôi không?".
Tôi khẽ gật đầu mà nước mắt vẫn tuôn. Anh ôm tôi một lần nữa, hôn lên má tôi và cảm ơn tôi cùng tất cả mọi người. Đoạn anh quay bước, cúi đầu khẽ húyt sáo giai điệu thân quen.
Khi anh bước đi, tôi nhìn theo, thầm cầu nguyện cho cô ấy, cho anh và cho tôi một ngày nào đó.
Cái Chậu Nứt
Một người có hai cái chậu lớn để khuân nước. Môt trong hai cái chậu có vết nứt, vì vậy khuân nước từ giếng về nước trong chậu chỉ còn một nửa. Chiếc chậu còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc chậu nứt luôn bị cắn rứt vì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Một ngày nọ chiếc chậu nứt nói với người chủ:" Tôi thật xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông!". "Ngươi xấu hổ về chuyện gì?". " Chỉ vì lỗi của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông!". " Không đâu, khi đi về ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường ". Quả thật, dọc bên vệ đường là những luống hoa rực rỡ. Cái chậu nứt cảm thấy vui vẻ một lúc, nhưng rồi vế đến nhà nó vẫn còn phân nửa nước. " Tôi Xin lỗi ông!"." Ngươi không chú ý rắng hoa chỉ mọc bên này đường, phía của ngươi thôi sao? Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi và trong những năm qua ngươi đã vui tưới cho chúng. Ta hái nhửng cánh hoa đó để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi nhà ta sẽ không ấm cúng và duyên dáng như thế này đâu".
Mỗi con người chúng ta đều là cái chậu nứt hãy tận dụng vết nứt của mình.
Nếu Không Có Tình Yêu
Ngày ấy, tôi dạy mẫu giáo tại một ngôi trường nhỏ nằm gọn trong khuôn viên của một tòa nhà ba tầng xinh đẹp. Mỗi sáng, cứ đúng 9 giờ, tất cả học sinh lại tụ tập trong căn phòng lớn, bắt đầu một ngày mới bằng bài thể dục đầu giờ. Hơn 50 đứa trẻ, 3 đến 6 tuổi, ngồi san sát trên những chiếc ghế xinh xinh đủ màu đặt trên tấm thảm dày. Những gương mặt thơ ngây bừng sáng khi chúng háo hức hát vang những bài ca, cùng chia sẻ cho nhau về mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống...
Một buổi sáng, cô hiệu trưởng gặp toàn thể học sinh trong căn phòng lớn và thông báo:" Hôm nay chúng ta sẽ tiến hành một thí nghiệm mới". Cô giơ cao hai cây thường xuân bé xíu đựng trong hai cái chậu con giống hệt nhau. " Chúng ta có hai cây con trông chúng giống hệt nhau đúng không? ". Tất cả bọn trẻ, tò mò nhìn vào hai chậu cây, đồng thanh đáp:" Dạ phải ".
" Chúng ta sẽ nuôi dưỡng hai cây con này với cùng chế độ ánh sáng, cùng chế độ tưới nước, nhưng...với sự chăm sóc khác nhau ". Cô nói tiếp:" Chúng ta sẽ theo dõi xem, điều gì sẽ xãy ra khi đặt một cây trong nhà bếp, cách xa chúng ta, một cây ngay tại đây, trong phòng này, trên lò sưởi ".
Sau khi đặt một chậu trên mép lò sưởi, cô hiệu trưởng dắt bọn trẻ vào bếp, đặt chậu cây còn lại lên quầy. Sau đó cô dẫn những đứa trẻ với những đôi mắt mở to vì bỡ ngỡ trở lại căn phòng lớn.
"Chúng ta sẽ đối xử với cây như với một người bạn. Trong vài tháng tới, mỗi ngày chúng ta sẽ hát cho cây thường xuân nghe. Chúng ta sẽ nói cho bạn ấy biết bạn ấy xinh đẹp như thế nào và chúng ta yêu quí bạn ấy biết bao. Chúng ta luôn chúc bạn ấy mọi điều tốt đẹp..." Một bé gái giơ tay:" Nhưng thưa cô, thế còn cái cây trong bếp thì sao?". Cô hiệu trưởng mỉm cười thích thú " Chúng ta sẽ dùng cây ấy làm cây 'đối chứng' trong thí nghiệm tuyệt vời của chúng ta. Theo các em chúng ta phải làm gì?"
" Chúng ta sẽ không nói chuyện với nó?"
" Đúng, dù chỉ một lời thì thầm ".
" Chúng ta sẽ không gởi cho nó lời chúc tồt đẹp nào ".
" Đúng, và chúng ta xem chuyện gì sẽ xãy ra.."
Bốn tuần sau mắt của tôi cũng mở to ngạc nhiên như bọn trẻ. Cây thường xuân trong bếp yếu ớt, mảnh khảnh và chẳng lớn được tí nào. Còn chậu cây đặt trong phòng lớn, được bao bọc bởi những lời yêu thương êm dịu, được bọn trẻ hát cho nghe mỗi ngày, đã lớn gấp ba với những chiếc lá xanh biếc tràn đầy nhựa sống...Để chứng minh kết quả của cuộc thí nghiệm và cũng để lau khô nước mắt của những đứa trẻ nhạy cảm, lo lắng cho số phận của cây thường xuân kia, cô hiệu trưởng giải thoát cho cảnh lẻ loi của chậu cây thứ hai trong bếp và mang đặt nó trong phòng lớn, bên cạnh chậu thứ nhất.
Ba tuần sau, chậu cây thứ hai đã bắt kịp chậu cây thứ nhất. Bốn tuần sau, chúng cùng lớn mạnh như nhau...Tôi ghi nhớ mãi bài học này và tự đúc kết cho mình một câu kết luận: Không ai, không vật gì lớn lên được nếu không có tình yêu...
Bài Học Cho Cuộc Sống
(Theo bản dịch của Phan Đào Khương Như )
Đôi khi có một số người lướt qua cuộc đời bạn và ngay tức khắc bạn nhận ra rằng sự có mặt của họ ý nghĩa như thế nào. Họ đã dạy bạn những bài học, đã giúp bạn nhận ra giá trị của chính mình hoặc trở thành con người mà bạn từng mơ ước. Có lẽ bạn sẽ không biết được những con người này từ đâu đến ( bạn cùng phòng,người hàng xóm,vị giáo sư,người bạn mất liên lạc từ lâu hay thậm chí là một người hoàn toàn xa lạ ). Nhưng khi bạn thờ ơ với họ,hãy nhớ rằng trong từng khoảnh khắc họ sẽ ảnh hưởng rất sâu sắc đến cuộc đời bạn.
Ban đầu sự việc xãy ra trông có vẻ kinh khủng, đau khổ và bất công, nhưng khi lấy tấm gương của cuộc đời ra để đối chiếu, bạn sẽ hiểu được là nếu không có những giây phút ấy để bạn vượt qua mọi khó khăn thì bạn khó có thể thấy được tài năng, sức mạnh, ý chí và tấm lòng của bạn. Mọi việc đều diễn ra có chủ đích mà không có gì gọi là tình cờ hay may rủi cả. Bệnh tật, tổn thương trong tình yêu, giây phút tuyệt vời nhất của cuộc sống bị đánh cắp hoặc mọi thứ ngu ngốc khác đã xãy đến với bạn, hãy nhớ rằng đó là bài học quí giá. Nếu không có nó cuộc đời này chỉ là một lối đi thẳng tắp, một con đường mà không hề có đích đến cũng như bạn sồng từng ngày mà không hề ước mơ. Thật sự con đường đó rất an toàn và dễ chịu, nhưng sẽ rất nhàm chán và vô nghĩa.
Những người bạn gặp sẽ ảnh hưởng đến đến cuộc đời bạn. Thành công hay thất bại, thậm chí là những kinh nghiệm tồi tệ nhất cũng chính là bài học đáng giá nhất, sẽ giúp bạn nhận ra được giá trị của chính mình.Nếu có ai đó làm tổn thương bạn, phản bội bạn hay lợi dụng tấm lòng của bạn, hãy tha thứ cho họ bởi vì chính họ đã giúp bạn nhận ra được ý nhĩa của sự chân thật và hơn nữa, bạn biết rộng mở tấm lòng với ai đó. Nhưng nếu có ai thương yêu bạn chân thành, hãy yêu thương họ một cách vô điều kiện, không chỉ đơn thuần là họ đã yêu bạn mà họ đang dạy bạn cách để yêu.
Hãy trân trọng khoảnh khác và hãy ghi nhớ từng khoảnh khắc những cái mà sau này bạn không còn có cơ hội để trải qua nữa. Tiếp xúc với những người mà bạn chưa từng nói chuyện, và biết lắng nghe. Hãy để trái tim biết yêu thương người khác. Bầu trời cao vời vợi vì thế hãy ngẩng đầu nhìn lên, tự tin vào bản thân. Hãy lắng nghe nhịp đập của trái tim mình:" Bạn là một cá nhân tuyệt vời. Tự tin lên và trân trọng bản thân bạn, vì nếu bạn không tin bạn thì ai sẽ làm điều ấy?".
Hãy sở hữu cuộc sống của bạn và đừng bao giờ hối tiếc về lối sống ấy. Nếu bạn thương yêu ai đó thì hãy nói cho họ biết, dù rằng sẽ bị từ chối nhưng nó có thể làm cho một trái tim tan nát có thể đập trở lại.
Kho Báu Dưới Lòng Đất
( Theo bản dịch của Mao Trí Hùng )
Mẹ tôi là người thích lưu giữ mọi đồ vật cũng như niềm vui thú trồng trọt thừa hưởng từ ông ngoại.Sau khi cưới nhau, bố mẹ mua nhà ở California và chuyển đến sống ở đó nhưng thói quen tiết kiệm vẫn còn. Bằng xẻn và cuốc, khu vườn cằn cỗi dần dần xanh tốt với đầy đủ những cây lê, hạnh, ổi, hoa hồng, loa kèn...
Trong nhiều năm làm việc trong vườn, mẹ đã đào một số món đồ chơi hỏng bị ai đó bỏ đi. Chú lính hựa cầm súng đã sứt hỏng, các chàng cao bồi cưỡi ngựa bị gãy chân, những viên bi rạn nứt. Phần lớn những người sẽ ném những món đồ chơi hỏng này vào sọt rác nhưng mẹ lại xem chúng như báu vật. Khi anh em chúng tôi trêu mẹ về việc này, mẹ chỉ nhẹ nhàng lắc đầu và mỉm cười.
" Các con hãy nghĩ đến ngôi nhà cũng có lịch sử riêng của chúng. Phải có con trẻ của ai đó đã từng sống và trưởng thành ở đây " - Mẹ thừơng bảo như thế.
Những món đồ chơi tìm được trong vườn được mẹ lau sạch bùn đất rồi nhẹ nhàng cất vào trong một hộp đựng giầy đặt trên kệ phía trên máy giặt. Năm này sang năm khác, chúng chiếm không gian và bám đầy bụi nhưng mẹ không chịu đem bỏ đi. Mẹ biết rằng có một đứa trẻ đã từng xem những chú lính nhựa, chàng cao bồi, và các viên bi này như là báu vật. Và chỉ riềng điều này cũng khiến chúng đủ tầm quan trọng để được lưu giữ.
Một ngày nọ, có một người lạ trạc tuổi trung tuần đến gõ cửa nhà chúng tôi. Ông tự giới thiệu về mình với chút bối rối
" Tôi lớn khôn từ ngôi nhà này, tôi ra thị trấn vì tang cha và cảm thấy nhớ về quá khứ của mình. Bà có phiền nếu tôi dạo quanh ngôi nhà?" - Ông giải thích.
Mẹ thở dài biểu hiện sự thương cảm và nói:" Tôi tin rằng mình đang giữ một ít đồ vật thuộc về ông ". Nói xong mẹ ra phía sau nhà, mang chiếc hộp và đưa cho người khách lạ. Lấy làm khó hiểu, ông mở nắp rồi thở hắt vì kinh ngạc khi những món đồ chơi thuở bé của mình vẫn còn được giữ gìn cẩn thận. Ngập tràn cảm xúc ùa về từ ký ức, ông lắp bắp cảm ơn trong đôi mắt nhòe lệ.
Mẹ mỉm cười. Mẹ luôn hiểu rằng sớm hay muộn, những kho báu trong khu vườn sẽ lại được cần đến. Như những hạt giống ngủ quên, ký ức nằm trong món đồ chơi chỉ chờ đúng lúc để đâm chồi.
Bốn Ngón Tay
(Theo bản dịch của L.T.P.A)
Lúc mới sinh ra, George Campbell đã bị mù.
Khi George lên 6, một việc xãy ra làm em không tự giải thích được. Buổi chiều nọ, George đang chơi đùa cùng các bạn, một cậu bé khác đã ném trái banh về phía George. Chợt nhớ ra cậu bé la lên:" Coi chừng! quả banh sắp văng trúng đấy".
Quả banh đã đập trúng người George - và cuộc sống của George không như trước đây nữa. George không bị đau, nhưng cậu bé thật sự băng khoan. Cậu quyết định hỏi mẹ:" Làm sao Bill biết điều gì sắp xãy ra cho con trước khi chính con nhận biết được điều đó?".
Mẹ George thở dài, bởi cái giây phút bà e ngại đã đến! Đã đến cái thời khắc đầu tiên mà bà cần nói rõ cho con trai mình biết " Con bị mù!".
Rất dịu dàng bà cầm bàn tay của con, vừa nắm từng ngón tay và đếm:" Một - hai - ba - bốn - năm. Các ngón tay này tựa như năm giác quan của con vậy.Ngón tay bé nhỏ này là nghe, ngón tay xinh xắn này là sờ chạm, ngón tay tí hon này là ngửi, còn ngón bé tí này là nếm...".
Ngần ngừ một lúc, bà tiếp:
"..Còn ngón tay tí xíu này là nhìn. Mỗi giác quan của con như mỗi ngón tay, chúng chuyên chở bức thông điệp lên bộ não con."
Rồi bà gập ngón tay bà đặt tên " nhìn ", khép chặt nó vào lòng bàn tay của con,bà nói:" Con ạ! con là một đứa trẻ khác với những đứa khác, vì con chỉ có bốn giác quan, như là chỉ có bốn ngón tay vậy: một - nghe, hai - sờ, ba - ngửi, bốn - nếm. Con không thể sử dụng giác quan nhìn. Bây giờ mẹ muốn chỉ cho con điều này. Hãy đứng lên con nhé ".
George đứng lên. Bà mẹ nhặt trái banh lên bảo:" Bây giờ con hãy đặt bàn tay của con trong tư thế bắt trái banh".
George mở lòng bàn tay và trong khoảnh khắc cậu cảm nhận được quả banh cứng chạm vào các ngón tay của mình. Cậu bấu chặt quả banh và giơ lên cao.
" Giỏi! giỏi!.." Bà mẹ nói: " Mẹ muốn con không bao giờ quên điều con vừa làm. Con cũng có thể giơ cao quả banh bằng bốn ngón tay thay vì năm ngón. Con cũng có thể có và giữ được một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc với chỉ bốn giác quan thay vì năm nếu con bước vào cuộc sống bằng sự nỗ lực thường xuyên!".
George không bao giờ quên hình ảnh " bốn ngón tay thay vì năm ". Đối với George đó là biểu tượng của niềm hy vọng. Và hễ cứ mỗi khi nhụt chí vì sự khiếm khuyết của mình. George lại nhớ đến biểu tượng này để động viên mình.
George hiểu ra rằng mẹ cậu đã nói rất đúng. George vẫ có thể tạo được một cuộc sống trọn vẹn và giữ lấy nó chỉ với bốn giác quan mà cậu có được.
Sự Bình Yên
( Theo bản dịch của Đào Thị Diễm Tuyết )
Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên.
Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.
Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh.Bên trên là bầu trới xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ an nhiên đậu trên tổ của mình...Bình yên thật sự.
" Ta chấm bức tranh này! - Nhà vua công bố - Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc.Bình yên có nghĩa ngay chính khi ta đang trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên ".
Nhật Ký Một Người Điên
Nó ngồi đó, cuối gầm đầu lượm từng hạt thóc nhỏ trong cái thúng to đùng ấy. Trông nó thật thê thảm, ai đó đã vô tình tự hỏi:
- Tại sao nó không lượm thóc cho nó mà chỉ biết đi lượm thóc cho người?
Chỉ cái công việc ấy mà nó làm không biết mỏi. Ngồi làm việc nó cũng thò tay lượm thóc, nói chuyện vui nó cũng thò tay lượm thóc, ăn cơm nó cũng thò tay lượm thóc, dù đang làm gì hắn cũng lượm thóc.
Thế rối một ngày kia, nó trở về nhà của mình, ôi thóc nhiều quá mẹ ơi.
Sắc Màu Của Tình Bạn
( Theo bản dịch của Phan Đào Khương Như )
Có một ngày sắc màu của thế giới này bắt đầu tranh luận với nhau xem ai có gam màu đẹp nhất, quan trọng nhất, hữu dụng nhất và được yêu thích nhất.
Xanh lá cây nói:" Tôi quan trọng nhất. Tôi là dấu hiệu của sự sống và hy vọng. Tôi được chọn màu cho cỏ cây, hoa lá. Không có tôi, tất cả mọi loài trên thế gian này sẽ không thể tồn tại. Cứ hãy nhìn về cánh đồng kia, bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn của tôi ".
Xanh dương chen vào:" Bạn có nghĩ về trái đất. Vậy bạn hãy nghĩ về bầu trời và đại dương xem sao. Nước chính là nguồn sống cơ bản nhất, được tạo ra bởi những đám mây hình thành bởi những vùng biển rộng lớn này. Hơn nữa, bầu trời sẽ cho khoảng không rộng lớn, hòa bình và sự êm ả ".
Màu vàng cười lớn:" Ôi các bạn cứ quan trọng hóa. Tôi thì thực tế hơn, tôi đem lạ tiếng cười, hạnh phúc và sự ấm áp cho thế giới này. Này nhé, mặt trời màu vàng, mặt trăng màu vàng và các vì sao cũng màu vàng. Mỗi khi bạn nhìn vào một đóa hướng dương, bạn sẽ cảm thấy cả thế giới này đang mỉm cười. Không có tôi cả thế giới này sẽ không có niềm vui ".
Màu cam lên tiếng:" Tôi là gam màu của sự mạnh khoẻ và sức mạnh. Mặc dù lượng màu của tôi không nhiều bằng các bạn, nhưng tôi mới đáng giá nhất vì tôi là nhu cầu của sự sồng. Tôi mang đến hầu hết các vitamin tối quan trọng như cà rốt, cam, xoài, bí ngô, đu đủ...Tôi không ở bên ngoài nhiều nhưng khi bình minh hay hoàng hôn xuất hiện là màu sắc của tôi. Ở đây có bạn nào sánh kịp được với vẻ đẹp ấy không?".
Màu đỏ không thể nhịn được cũng nhảy vào cuộc:" Tôi là máu, cuộc sống này là máu. Tôi là màu sắc của sự đe dọa nhưng cũng là biểu tượng của lòng dũng cảm. Tôi mang lửa đến cho con người. Tôi sẵn sàng chiến đấu vì mục đích cao cả. Không có tôi, trái đất này sẽ trống rỗng như mặt trăng. Tôi là sắc màu của tình yêu và đam mê, của hoa hồng đỏ, của hoa anh túc ".
Màu tím bắt đầu vươn lên góp tiếng:" Tôi tượng trưng cho quyền lực và lòng trung thành. Vua chúa thường chọn tôi vì tôi là dấu hiệu của quyền lực và sự xuất chúng. Không ai dám chất vấn tôi. Họ chỉ nghe lệnh và thi hành!".
Cuối cùng, màu chàm lên tiếng, không ồn ào nhưng đầy quyết đoán:" Hãy nghĩ đến tôi. Tôi là sắc màu im lặng và hầu như không ai chú ý đến tôi. Nhưng nếu không có tôi thì các bạn cũng chỉ là vẻ đẹp bên ngoài. Tôi tượng trưng cho suy nghĩ và sự tương phản, bình minh và đáy sâu cả biển cả. Các bạn phải cần đến tôi để cân bằng cho bề ngoài của các bạn. Tôi chính là vẻ đẹp bên trong ".
Và cứ thế các sắc màu cứ tiếp tục tranh luận, thuyết phục màu khác về sự trội hơn của mình. Bỗng một ánh chớp sáng lóe trên nền trời, âm thanh dữ dội của sấm sét và mưa bắt đầu nặng hạt. Các sắc màu sợ hãy đứng nép sát vào nhau để tìm sự ấm áp.
Mưa nghiêm nghị nói:" Các bạn thật là ngớ ngẩn khi chỉ cố gắng vật lộn với chính các bạn. Các bạn không biết các bạn được tạo ra từ một mục đính thật đặc biệt, đồng nhất nhưng cũng khác nhau? các bạn là những màu sắc thật tuyệt vời. Thế giới này sẽ trở nên nhàm chán nếu thiếu một trong các bạn. Nào, bây giờ hãy nắm lấy tay nhau và bước nhanh đến tôi ".
Các màu sắc cùng nắm lấy tay nhau và tạo thành những màu sắc đa dạng.
Mưa tiếp tục:" Và từ bây giờ, mỗi khi trời mưa tất cả các bạn sẽ vươn ra bầu trời bằng chính màu sắc của mình và phải hợp lại thành vòng để nhắc nhở rằng các bạn phải luôn sống trong hòa thuận, và ta gọi đó là cầu vồng. Cầu vồng tượng trưng cho niềm hy vọng của ngày mai ".
Và cứ như thế mỗi khi trời mưa, để gội rửa thế giới này, trên nền trời sẽ ánh lên những sắc cầu vồng làm đẹp thêm cho cuộc sống, để nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn tôn trọng lẫn nhau.
Sự Yêu Thương Dẫn Đường
Khi còn trẻ, tôi thích hầu như tất cả mọi thứ: kem sôcôla, khiêu vũ, cái máy đánh chữ.
Tôi cũng yêu thương rất nhiều người: cha mẹ, người yêu - sau này là chồng, sau đó là con cái, các sinh vật mà chồng tôi nuôi trong nhà. "Tôi thích cái này!" - Tôi có thể dễ dàng nói câu đó. Và một phút sau, tôi lại có thể thích thêm mộ thứ khác. Không có biên giới cho sự yêu thương và thích thú.
Nhưng bây giờ tôi đã cẩn thận hơn về sự yêu thương của mình. Vì tôi đã biết cảm giác yêu thương một điều gì rồi bị đánh mất chính thứ đó. Lúc đó, tình yêu thương trở nên dằn vặt và đau đớn lắm, trở thành vết thương mãi mãi không hàn gắn được. Ấy là khi chồng tôi qua đời.
Tôi vừa phải phẫu thuật dạ dày. Tôi khó chịu về tất cả mọi thứ. Tiếng TV quá ồn ào. Chuông điện thoại thật phiền. Tôi không muốn nhìn ra cửa sổ và nhìn người ta đang tận hưởng một ngày tốt lành. Tôi cảm thấy mình già nua và vô dụng. Tôi khó chịu về cơ thể của mình, về tuổi tác, về sức khỏe...
Cho đến ngày thứ ba kể từ khi phải nằm bẹp trên giường, tôi cảm thấy đỡ mệt hơn. Tôi ngồi dậy, nhìn quanh. Căn phòng trống rỗng. Tôi ngồi yên lặng, than thân trách phận.
Bỗng một chiếc máy bay giấy phi vèo vào phòng, đậu ngay ở chân giường tôi. Giở cái máy bay ra, tôi thấy một dòng chữ nguệch ngoạc. "Chúc bà mau khỏe. Cháu yêu bà. Ryan."
Tôi nghe có tiếng rậm rịch bên ngoài. Trời rất gió, hình như có tuyết, vì tôi nghe tiếng mọi người giậm lịch bịch những đôi ủng đi trời tuyết. Tôi đi ra phía cửa, cầm theo chiếc máy bay giấy.
Đã đến lúc bước vào thế giới một lần nữa. Với sự yêu thương dẫn đường.
Tàn Nhang
Một bà cụ đang nắm tay một bé xếp hàng trong công viên. Mặt cậu bé rất nhiều những đốm tàn nhang nhỏ, nhưng đôi mắt thì sáng lên vì háo hức. Rất nhiều trẻ con cũng đang xếp hàng chờ được một họa sĩ trang trí lên mặt để trở thành những "người da đỏ" hay "người ngoài hành tinh"...
- Cậu lắm tàn nhang thế, làm gì còn chỗ nào trên mặt mà vẽ! - Cô bé xếp hàng sau cậu bé nói to.
Ngượng ngập, cậu bé cúi gầm mặt xuống. Thấy vậy, bà cậu cũng ngồi xuống bên cạnh:
- Sao cháu buồn thế? Bà yêu những đốm tàn nhang của cháu mà! Hồi còn nhỏ, lúc nào bà cũng mong có tàn nhang đấy! - Rồi bà cụ đưa những ngón tay nhăn nheo vuốt má cậu bé - Tàn nhang cũng xinh lắm, chắc chắn chú họa sĩ sẽ thích những vết tàn nhang của cháu!
Cậu bé mỉm cười:
- Thật không bà?
- Thật chứ!- bà cậu đáp - Đấy, cháu thử tìm thứ đẹp hơn những đốm tàn nhang!
Cậu bé nhìn bà, suy nghĩ một chút rồi thì thầm:
- Những nếp nhăn, bà ạ!
Tiếng nói của cuộc sống
Xin chào! Tôi là cuộc sống đây. Hôm nay tôi sẽ cố giải quyết mọi vấn đề bạn đang gặp phải để bạn đừng than trách tôi nữa…
Nếu bạn bị tắc đường và kẹt xe, đừng thất vọng. Còn rất nhiều người trên thế giới này, mà đối với họ, lái xe là một niềm mơ ước không thể thực hiện.
Nếu bạn cảm thấy học hành thật chán ngán. Hãy nghĩ đến người đã hàng năm trời rồi không được đi học.
Nếu bạn thất vọng vì một chuyện tình cảm đang đến hồi tan vỡ. Hãy nghĩ đến người chưa bao giờ biết yêu thương và được yêu thương là như thế nào.
Nếu bạn buồn vì một cuối tuần nữa lại sắp trôi qua. Hãy nghĩ đến những người phụ nữ ở môi trường làm việc khắc nghiệt, phải làm việc 12 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần để nuôi con.
Nếu bạn cảm thấy mất mát và tự hỏi mình cuộc sống là gì và có mục đích gì. Hãy nghĩ đến những người bệnh tật, biết trước mình không còn sống được bao lâu nữa, và không còn cơ hội để tự hỏi mình nữa.
Nếu bạn cảm thấy khủng khiếp khi là nạn nhân của những trò đùa, những sự nhỏ mọn… của người khác. Hãy nhớ: Thế nhưng vẫn chưa là gì đâu, vì tồi tệ hơn nữa là khi: bạn có thể là chính những người đó!
Trẻ Em Học Được Gì Từ Cuộc Sống
Những đứa trẻ sống giữa những người phê phán thì học lên án.
Những đứa trẻ sống trong bầu không khí thù địch thì hay đánh nhau.
Những đứa trẻ sống trong sự hãi hùng thì học được thói sợ sệt.
Những đứa trẻ sống trong cảnh đau xót thì học được sự đồng cảm.
Những đứa trẻ sống trong bầu không khí đố kỵ thì học được thế nào là tham vọng.
Những đứa trẻ sống trong bầu không khí khaon dung thì học được sự nhẫn nại.
Những đứa trẻ sống giữa những nguồn động viên thì học được lòng tin.
Những đứa trẻ sống giữa những lời khen tặng đúng lúc thì học đánh giá cao những gì bao quanh chúng.
Những đứa trẻ sống trong niềm tự hào thì học được cách phấn đấu.
Những đứa trẻ sống trong sự san sẻ thì học để trở nên hào hiệp.
Những đứa trẻ sống trong sự trung thực và sự công minh thì học được chân lý và lẽ công bằng.
Những đứa trẻ sống trong hạnh phúc thì học được rằng thế giới là nơi tốt đẹp để sống.
Việc Thêu Tranh
Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nhận đồ về thêu. Mẹ luôn ngồi trên ghế vào buổi sáng sớm, thêu rất nhanh. Tôi ngồi dưới đất, háo hức ngước nhìn lên cái khung thêu của mẹ với đôi mắt mở to. Tôi muốn nghe mẹ lời mẹ giải thích rằng mẹ đang làm gì. Mẹ bảo đó là việc thêu. Tôi bảo mẹ rằng nhìn từ phía dưới cái khung thêu thì nó cực kỳ lộn xộn và thực tình tôi chẳng biết nó là hình gì. Mẹ cười, mẹ bảo tôi cứ ra ngoài sân chơi, khi nào xong mẹ sẽ cho ngồi lên ghế xem.
Tôi cứ tự hỏi tại sao mẹ dùng chỉ sẫm với chỉ màu sáng xen kẽ nhau, tự hỏi nó có đem lại hiệu ứng gì không và tại sao mẹ lại làm ra một thứ lộn xộn đến thế. Chỉ vài phút sau, mẹ đã gọi tôi vào ngồi ghế cùng mẹ để xem.
Tôi vẫn còn nhớ tôi đã hào hứng đến thế nào khi trèo lên ghế. Và khi tôi trèo lên ghế, tôi gần như kêu ầm lên: trước mắt tôi là bức tranh có trời, có hoa… có đủ màu sáng và màu tối, đẹp đến mức tôi không thể tin được.
Và mẹ tôi bảo, cuộc sống cũng như vậy. Ta nhìn từ một mặt, nó có thể hoàn toàn hỗn độn, nhưng nếu ta chịu chờ đợi, chịu chấp nhận cả những sợi chỉ sáng và tối và nhìn từ một mặt khác, ta sẽ thấy cuộc sống có mục đích và đẹp đẽ tới mức nào.
Trên lòng bàn tay
Lâm Thanh Huyền
Dịch giả : Phạm Huê
Tương truyền dưới triều nhà Minh, tại phủ Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến có một chàng tú tài tên là Lương Bính Lân là một người tài cao học rộng. Ngoài chữ nghĩa văn chương anh còn có đủ tài về cầm, kỳ, thi, họa, lại thêm khéo tay trong nghề điêu khắc, tạc tượng. Một năm nọ, Lương tú tài lên kinh đô ứng thí. Anh rất hài lòng về những bài làm trong thi trường, vì vậy Lương Sinh mang một tâm trạng hớn hở trở về nhà chờ đợi tin vui.
Khi đi ngang qua phủ Dương Châu, anh vào tá túc qua đêm trong một ngôi cổ miếu. Ðêm hôm ấy, trong giấc mộng, Lương Sinh thấy ba vị tiên Phúc, Lộc, Thọ đến viếng thăm chuyện trò cùng anh. Những vị tiên này còn cùng anh hát xướng rất là vui vẻ. Khi tỉnh giấc điệp, Lương Sinh cảm thấy lòng dạ lâng lâng, anh nghĩ rằng đây có thể là những điềm báo tốt đẹp về bước đường công danh của anh sẽ được rực rỡ sau này. Sáng ngày hôm sau, trước khi rời khỏi ngôi cổ miếu lên đường trở về nhà, anh đứng van vái với trời đất rồi xin một quẻ xâm. Quẻ xâm anh rút được là xâm thượng và có lời lẽ như sau:
Ba đoạn văn chương nhập triều ca,
Trúng được khôi nguyên ấy chẳng xa,
Công danh hiển hách qui chưởng thượng,
Phú quí vinh hoa tại nhãn tiền.
Chưởng thượng nghĩa là trên lòng bàn tay, nếu đoán theo nghĩa xâm thì đường công danh của anh nằm trong lòng bàn tay. Lương Sinh nghĩ rằng lần này chắc chắn sẽ đậu được khôi nguyên, vì chính thần linh đều đến chúc mừng và lời tiên đoán trong quẻ xâm tốt lành như vậy thì còn nghi ngờ gì nữa. Về đến nhà, anh vội vàng mở tiệc linh đình đãi đằng thân thuộc. Nào ngờ khi kết quả của triều đình công bố thì không có tên của Lương Sinh, ngay đến hàng tiến sĩ cũng không có thì còn nói gì đến khôi nguyên. Lương Sinh đâm ra chán nản. Ðiều mà anh cảm thấy thắc mắc là tại sao ngay đến thần linh cũng trêu chọc, đùa cợt anh đến mức độ này.
Từ đỉnh cao hy vọng, tụt xuống hố sâu tuyệt vọng, Lương Sinh không còn luyến tiếc đến công danh nữa. Anh quyết chí từ bỏ con đường khoa bảng, từ đó anh vận dụng sự khéo léo của đôi bàn tay để điêu khắc những tượng gỗ, từ những tượng gỗ này, anh bỗng nảy ra ý định dùng chúng làm trò múa rối. Trước hết anh dùng chỉ xỏ vào tay chân của hình nộm để điều khiển sự hoạt động, sau đó anh soạn cốt truyện, đặt lời ca. Những hình nộm được sáng chế càng lúc càng nhiều, những nhân vật từ văn quan, võ tướng, Thừa Tướng, Trạng Nguyên cho đến tiểu thư, ca kỹ và đầy đủ những hạng người trong xã hội.
Lúc đầu việc làm của anh chỉ là một trò tiêu khiển, sau đó anh mang gánh hát múa rối ra trình diễn cho dân trong làng thưởng thức. Người dân thôn dã ít có những môn giải trí, cho nên sau giờ làm việc đồng áng cực nhọc ban ngày, người ta tụ lại nhà anh để xem hát vào lúc ban đêm. Nhờ cốt truyện được chọn lựa công phu, lời ca tiếng nhạc có ý nghĩa nên trò múa rối của Lương Sinh dần dà trở thành món ăn tinh thần của người dân quê. Nhiều người ham muốn môn nghệ thuật này đã tìm đến thọ giáo, cũng có nhiều người không ngại đường xa ngàn dặm đã đến xem và học hỏi.
Một hôm, Lương Sinh soạn cốt truyện cho một vở tuồng mới mà trong đó nhân vật chánh sau bao năm vất vả, cuối cùng đã thi đỗ Trạng Nguyên cưới được vợ đẹp, trở thành một nhân vật cột trụ của triều đình và sống một đời vinh hoa phú quí. Lương Sinh bỗng sực nhớ lại hai câu trong lá xâm mà anh đã xin được ngày xưa: Công danh hiển hách qui chưởng thượng, Phú quí vinh hoa tại nhãn tiền. Phải chăng lời xâm của thần linh đã tiên đoán có một ngày anh sẽ đạt được công danh hiển hách trên "lòng bàn tay", và sẽ nhìn thấy phú quí vinh hoa ở ngay "trước mắt".
Từ đó, Lương Sinh càng chăm chú hơn nữa trong việc phát huy ngành nghệ thuật múa rối. Sau nhiều năm trau dồi, cải tiến anh đã trở thành một bậc tôn sư. Nghệ thuật múa rối tiếp tục hơn 400 năm và hãy còn lưu truyền lại ở những vùng nông thôn các tỉnh Phúc Kiến, Ðài Loan. Tên tuổi của Lương Bính Lân luôn được người ta nhắc nhở đến như là thánh tổ của một ngành nghệ thuật.
Xưa nay đã có biết bao nhiêu bậc Trạng Nguyên, Tiến Sĩ, Công Hầu, Khanh Tướng, thế nhưng có được bao nhiêu vị mà tên tuổi được người đời sau nhớ đến. Nếu đem ra so sánh thì có lẽ "phú quí vinh hoa nhất thời" của họ không thể nào qua mặt "tên tuổi" anh chàng Lương Bính Lân dù chỉ có "công danh hiển hách trên lòng bàn tay" này.
Trong những gánh hát múa rối, người ta thường thấy có những câu đối liễn với nhiều ngụ ý sâu xa và triết lý như:
"Ngàn dặm đong đưa hai ba bước,
Trăm năm nhúc nhích một đôi giờ"
Trong một rạp hát múa rối bé tí teo thì không gian và thời gian đều bị rút ngắn lại. Khoảng cách muôn ngàn dặm chỉ đi lại trong vòng hai ba bước. Thời gian cả trăm năm cũng chỉ diễn đạt trong một vài phút, một vài giờ.
Hoặc:
"Vào cổng này, Công, Hầu, Khanh, Tướng,
Ra cửa kia, Sĩ, Nông, Công, Thương"
Những bậc Công Hầu Khanh Tướng xưa nay có mấy ai ngồi tại vị suốt trăm năm. Trong cuộc đời của những kẻ làm nên nghiệp cả chắc chắn cũng có những phút giây trôi nổi lên voi xuống chó, kẻ được người thua hôm nay làm vua ngày mai làm giặc kể sao cho xiết.
Hoặc như:
"Trung Hiếu lưỡng toàn tam nghĩa tiết,
Văn võ cao thăng Vạn Lý Hầu"
Lời lẽ trong những câu đối liễn này thật đáng để cho ta ngẫm nghĩ. Tổ sư Lương bính Lân của ngành múa rối, mãi cho đến lúc thành danh mới ngộ ra được cái câu "công danh hiển hách trên lòng bàn tay". Nếu như chúng ta dùng một phương thức qui nạp để nhận định thì sẽ thấy rằng không những chỉ có những hình nộm trong nghệ thuật múa rối, mà ngay đến cuộc sống của con người, chẳng phải đều bị điều khiển bởi chính bàn tay của chúng ta hay sao? Công danh hiển hách có thể nằm trên lòng bàn tay, mà ngay cả một đời lận đận cũng không thể nhảy khỏi số mạng của lòng bàn tay.
Trong gánh hát múa rối, người đứng sau lưng cánh gà điều khiển cốt truyện mới thực sự là nhân vật chánh. Trong tay anh ta chỉ huy lủ khủ hàng chục, hàng trăm hình nộm. Do cái ý niệm trong đầu, anh ta có thể biến hình nộm này thành người hiền lương, hình nộm kia thành kẻ gian ác, tất cả sự sống, cái chết, thành công, thất bại của những hình nộm đều được điều khiển bởi hai bàn tay của anh. Trong khi diễn tuồng, anh ta có đầy đủ quyền lực sinh sát hàng trăm con người vô tri không cử động kia, nhưng đến khi vở tuồng chấm dứt, khách xem tản mát ra về, tất cả những con người gỗ, hình nộm đều đã nằm trong đáy rương, anh ta ngồi xề xuống gánh hàng rong bán lúc giữa khuya húp sùm sụp tô cháo gà thì bạn có thể nhìn thấy ngay chính cuộc đời của anh ta cũng chẳng khác gì một thứ hình nộm bị điều khiển trong chính đôi bàn tay của anh ta.
Ngày xưa lúc còn ở quê nhà, khi xem xong một tuồng hát, tôi thường lang thang trước cổng rạp, trong cõi lòng có một chút gì luyến tiếc hình như không muốn ra về. Mỗi một câu chuyện đều có đoạn kết thúc, mỗi một tuồng hát đều phải đi đến chỗ chung cuộc. Ðôi khi bước ra khỏi rạp hát tôi có cái ảo giác, nghĩ rằng nếu như linh hồn của chúng ta bị rút khỏi thân xác hiện hữu thì con người có khác gì những thằng người gỗ trên sân khấu đâu? Chúng ta đi xem hát mà cảm thấy cõi lòng rung động là vì chúng ta có được một linh hồn bất diệt.
Nếu như chúng ta chân thật hóa kịch bản của những tuồng tích thì sẽ thấy rằng cuộc đời của con người và những nhân vật múa rối không một chút khác biệt. Hằng ngày chúng ta vượt qua bao nhiêu thời gian và không gian cũng chẳng qua là do vấn đề cảm giác. Từ giờ này qua giờ kia không có sự gián đoạn. Từ ban ngày bước vào ban đêm cũng không có sự cắt đứt. Trước khi chúng ta sinh ra trên cõi đời này, thời gian và không gian đã hiện hữu, sau khi chúng ta lìa khỏi thế gian này, thời gian và không gian cũng vẫn còn tiếp tục tồn tại. Khi chúng ta tập trung tinh thần vào cốt truyện thì thấy những hình nộm đã chiếm trọn vẹn không gian của sân khấu, thế nhưng khi ta thờ ơ lãnh đạm với vở tuồng thì những hình nộm kia lại trở thành nhỏ bé đáng thương. Cũng như lúc ta đặt trọng tâm vào cuộc sống hàng ngày ta sẽ thấy bản thân là trung tâm của vũ trụ, nhưng một lúc nào đó khi đứng trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ thì sẽ thấy con người chúng ta mới bé bỏng làm sao.
Vận mệnh của những hình nộm nằm trên lòng bàn tay. Vận mệnh của chúng ta cũng nằm trên lòng bàn tay.
Một điều khác biệt là những hình nộm thì bị kẻ khác điều khiển, còn chúng ta may mắn hơn, có thể dùng đôi tay của mình để sáng tạo một cõi trời đất mới.
Giở đôi bàn tay ra, chắc chắn ta sẽ thấy được những chỉ tay chằng chịt. Tướng mệnh học có thể dự đoán tương lai của con người nhờ lòng bàn tay, những nhà tướng số thì cho biết trên thế gian này không có một bàn tay nào giống bàn tay nào, do đó không có vận mệnh của người nào giống người nào cả. Thế nhưng thế gian mà chúng ta đang ở đã do nhiều bàn tay họp lại xây dựng, những sự sáng tạo vĩ đại trên đời cũng đều do bàn tay con người làm ra.
Có một lần tôi gặp một nhà tu hành, tôi nhờ ông dùng phương cách đơn giản nhất để tóm tắt phương pháp tu luyện của tín đồ Phật giáo. Nhà sư trả lời:
- Chỉ có ba chữ Thân, Khẩu, ý. Mỗi ngày chỉ có thân, khẩu, ý, mỗi ngày hãy tự hỏi ta đã làm gì, ta đã nói gì, và ta đã nghĩ gì? Mỗi tháng cũng thân, khẩu, ý. Mỗi năm cũng thân, khẩu, ý, và cả đời cũng chỉ thân, khẩu, ý. Ðó chính là phương cách tu hành tốt nhất.
Nhiều chuyện nói ra thì thật đơn giản, thế nhưng muốn tuân theo nguyên tắc để làm thì không dễ đâu. Nếu như chúng ta hàng ngày giở đôi bàn tay ra và tự hỏi rằng: "Ðôi tay của ta trước kia đã làm gì? Hiện nay đang làm gì? Tương lai sẽ làm gì?" Ðược như vậy, bạn có thể tưởng tượng rằng trên lòng bàn tay của ta lúc nào cũng là một kịch trường sống động, mà bạn có thể diễn được tấn tuồng và vai trò mà bạn thích.
Phạm Huê
Trái tim bình yên Lâm Thanh Huyền Dịch giả : Phạm Huê
Một chàng tiều phu hàng ngày lên núi đốn củi, anh ta sống một cuộc đời chất phác mộc mạc cho nên tâm tư rất bình thản và không phải lo nghĩ đến những sự việc xa xôi. Hôm nọ anh gặp một người lạ mặt giữa rừng già, người này chận anh lại để trò chuyện. Trong câu chuyện, hắn tự xưng là Yêu Quái có biệt tài về cảm ứng, nghĩa là hắn có thể đoán được những gì mà người khác đang suy nghĩ, đại để là hắn có thể đi guốc trong gan ruột của người khác. Con yêu quái nói với anh tiều phu rằng: - Lâu này ta ở trên rừng cảm thấy buồn quá, cho nên lần này ta định đi xuống tỉnh thành của loài người để quấy phá thiên hạ chơi. Chàng tiều phu giật mình kinh hãi, anh nghĩ rằng lần này chắc chắn thiên hạ sẽ đại loạn. Thử hỏi nếu như có ai biết trước điều gì trong lòng của ta rồi đem điều đó nói ra cho người khác biết thì có phải là một sự việc đáng sợ hay không? Những sự việc thị phi này sẽ làm cho tương quan giữa con người và con người càng lúc càng phức tạp, rối rấm hơn. Lấy một thí dụ đơn giản như thế này, trong cuộc sống của vợ chồng nếu như những gì ta suy nghĩ trong lòng mà người phối ngẫu của ta không biết được thì bản thân ta còn được một chút xíu không gian tự do; còn nếu như trong lòng ta đang suy nghĩ điều gì mà đối phương đều biết trước thì còn gì mà gọi là chuyện tư hữu được nữa. Anh chàng tiều phu nghĩ thầm trong lòng: "Nếu như con yêu quái này xuống ở chung chạ với loài người thì chắc chắc thiên hạ sẽ đại loạn, đại đại loạn. Không được, mình phải làm một cái gì để ngăn chặn, không nên để cho hắn xuống làm náo loạn trần gian". Anh vừa nghĩ đến đây thì con yêu quái bỗng trổi lên một tràng cười ha hả: - A, cái anh này, anh định tìm cách chặn đứng ta lại đó phải không? Ðừng hòng anh ơi! Mỗi khi ta đã quyết định điều gì thì không ai có thể ngăn cản ta được. Chàng tiều phu giật mình kinh hãi: "Cha chả, con yêu quái này đúng là có thể đi guốc trong gan ruột của ta rồi, ta phải giết chết hắn mới được". Thế nhưng ý tưởng của anh vừa lóe lên thì con yêu quái tức thì vỗ tay la ré lên: - Ha ha, bây giờ anh tức giận định giết ta nữa hay sao? Làm sao được? Anh định chém ta từ phía nào, ta đều biết trước để né tránh thì làm sao mà anh có thể giết ta được? Tuy biết rằng con yêu quái có thể biết trước được những gì anh sắp sửa làm, thế nhưng ý chí đã quyết nên anh chàng tiều phu cũng giục búa chém nhầu. Quả nhiên anh không có cách nào chém trúng con yêu quái được. Nó nhảy bên này, tránh bên kia một cách lẹ làng khéo léo y hệt như nó đã biết trước được đường búa của anh sẽ đưa về hướng nào vậy. Chàng tiều phu đã cố gắng nhiều lần mà không thành công nên nghĩ thầm rằng: - Bây giờ không giết được nó thì mình đành phải để mặc kệ chứ biết làm sao bây giờ. Mình đã "tận nhân lực", bây giờ chỉ còn biết "tri thiên mệnh" mà thôi. Tốt nhất là hãy trở về công việc chính của ta trước. Nghĩ như vậy, anh chàng tiều phu không thèm nói năng đếm xỉa gì đến con yêu quái nữa. Anh ta tiếp tục công việc đốn củi, xem sự có mặt của con yêu quái kia như pha. Thế nhưng con yêu quái đâu chịu để yên, hắn tiếp tục trêu chọc chàng tiều phu: - Bây giờ anh chém không trúng ta, giết không được ta cho nên giả bộ đốn củi đấy phải không? Chàng tiều phu không thèm đếm xỉa gì đến hắn nữa. Anh ta tiếp tục từng nhát, từng nhát bổ vào thân cây cổ thụ trước mặt. Anh làm việc chuyên cần chăm chỉ cho đến đỗi lưỡi búa đã lỏng dần khỏi cán mà anh vẫn không hay. Thế là vù một tiếng, cái lưỡi búa tầm sét của anh sút khỏi cán búa mà anh đang cầm bay vèo đến đập trúng vào đầu con yêu quái. Con yêu đang ngồi cười ha hả trêu chọc anh tiều phu chứ đâu ngờ tai họa tày trời này lại xảy ra đột ngột như vậy. Nó chỉ có thể đoán được những điều suy nghĩ trong gan ruột thiên hạ nhưng làm sao có thể phòng bị được những việc bất trắc cho nên đã bị lưỡi búa đập bể sọ chết tốt. Câu chuyện ngụ ngôn này đã khuyên nhủ chúng ta điều gì? Chỉ có sự bình yên trong tâm hồn mới có thể hàng phục được tà ma ngoại đạo. Ma quỷ, yêu quái, những ý nghĩ xấu, tính tò mò trong đầu chúng ta chung qui đều có thể liệt vào hàng ma đạo. Nếu như anh tiều phu trong câu chuyện vừa kể không kềm chế tâm tư để giữ vững được sự bình yên thì không có cách nào mà anh có thể giết được con yêu quái cả. Trái tim bình yên là một trái tim không chạy lang thang, không đập tán loạn, mà là một sự cố định, kiên cường, không ai có thể lôi cuốn được. Một vị cao tăng đắc đạo đương thời là cố hòa thượng Quảng Khâm có nói rằng: "Ðiều kiện tất yếu trong việc tu hành là bắt buộc ta phải có một trái tìm bình yên. Nếu như tâm ta không an, thì những cố gắng tu hành đều là những thứ giả dối. Bất luận ta có đọc thuộc bao nhiêu kinh sách, niệm bao nhiêu Phật hiệu nhưng nếu như cõi lòng của ta không được bình yên thì làm sao gọi là thành tâm và một lòng cầu đạo cho được". Nhắc đến cố lão hòa thượng Quảng Khâm, hình như mọi người đều công nhận ông là một vị đắc đạo cao tăng của Phật Giáo Trung Quốc trong vòng ba trăm năm trở lại đây. Kể từ năm 30 tuổi cho đến lúc ông tạ thế năm 95 tuổi, ròng rã hơn 60 năm trời ông không bao giờ đặt lưng nằm xuống mặt giường. Ðược biết lúc còn trẻ ông đã đi tu và giữ chức vụ Hành Ðường trong chùa. Chức vụ này có nhiệm vụ đánh thức những sư huynh đệ đồng môn vào mỗi buổi sáng để tăng chúng không trễ nải giờ giấc kinh kệ. Một đêm kia vì ngoài trời quá lạnh cho nên ông dậy trễ 5 phút so với giờ qui định, điều này khiến cho tất cả đồng môn sư huynh đệ đều dậy trễ. Cả chùa ngày hôm đó phải làm công quả muộn hơn những lúc bình thường. Sư Quảng Khâm rất ân hận về lỗi lầm này, tuy rằng không bị ai la rầy, nhưng là một người có trách nhiệm cho nên ông đã quì xuống trước mặt tất cả các sư huynh sư đệ để xin lỗi và trước Tam Bảo ông đã thệ nguyện rằng kể từ ngày hôm đó ông sẽ tự răn mình bằng cách không bao giờ nằm xuống giường để ngủ. Sở dĩ ông làm như vậy vì sau khi tạo ra lỗi lầm, trái tim của ông không được bình yên, ông đã nghĩ đến cách dùng phương pháp khổ hạnh của Phật Môn để tự răn mình. Mỗi đêm khi mọi người đã ngủ ngon giấc điệp thì ông chỉ ngồi tọa thiền. Phải kính phục lòng trì giới kiên nhẫn của nhà sư, ông đã giữ nguyên vẹn lời thề lúc ban đầu suốt 65 năm. Thật ra thì sau ba năm tọa thiền, Hòa Thượng Quảng Khâm đã lấy lại được sự bình an trong tâm hồn. Lỗi lầm trước kia đều đã tan biến, thế nhưng từ đó vấn đề tọa thiền đối với ông không còn là một sự thử thách cho ý chí và cơ thể nữa. Ông tiếp tục ngồi tọa thiền suốt 65 năm trời chỉ như một hình thức khổ hạnh của người tu hành. Có nhiều đệ tử trẻ chưa biết trời cao đất rộng là gì nên muốn tu luyện theo phương pháp khổ hạnh của ông, thế nhưng nhà sư chỉ cười hiền dịu lắc đầu: - Môn này không dễ đâu, thầy chỉ mong các con an tâm đọc kinh kệ sớm hôm, đừng quấy phá thiên hạ là thầy đã mãn nguyện lắm rồi. Ðừng quấy phá thiên hạ có nghĩa là giữ sao cho được trái tim được bình yên. An tâm là trái tim không dễ bị rúng động, không bị lôi cuốn bởi ngoại cảnh, không chùn bước trước nghịch cảnh. Ðừng tưởng dễ, đó cũng là một môn công phu rất dày công khổ luyện đó các bạn ạ. Chỉ cần chúng ta yên ổn được trái tim, thì dù làm việc gì cũng sẽ phù hợp với chữ đạo. Gánh nước, chẻ củi, nấu cơm, ăn cơm đều là những giáo lý chánh tông của thiền định mà không cần bạn phải đi xa để tầm sư học đạo. Từ ngay chỗ bạn đang đứng đang ngồi, hãy cố giữ cho trái tim được lắng đọng bình yên. Khi nào bạn thật sự thấy được sự trầm lặng, thì lúc đó bạn đang lãnh hội được bước đầu thành công của trái tim bình yên đó. Phạm Huê
In a Chinese Garden
By Frederic Loomis, MD (1946)
Enjoy Yourself: It Is Later Than You Think
A few years ago the aphorism above, which is the inspiration for this little story, was widely used. It was, in part, the theme of a poem written years ago by Robert Service. It was used in 1938 as the title of a book by Max Lerner on the perils of democracy. If Robert Service coined the expression, if others saw and read it in a Chinese garden, or if like other Chinese sayings it made its way into our lives by other means, I do not know.
I have told many times the story of a certain letter, which I received years ago, because the impression it made on me was very deep; and I have never told it, on ships in distant seas or by quiet firesides nearer home, without a reflective, thoughtful response from those around me. the letter:
Peking, China
Dear Doctor:
Please don't be too surprised in getting a letter from me. I am signing only my first name. My surname is the same as yours.
You won't even remember me. Two years ago I was in your hospital under the care of another doctor. I lost my baby the day it was born.
That same day my doctor came in to see me, and as he left he said, "Oh, by the way, there is a doctor here with the same name as yours who noticed your name on the board, and asked me about you. Hi said he would like to come in to see you, because you might be a relative. I told him you had lost your baby and I didn't think you would want to see anybody, but it was all right with me."
And then in a little while you cam in. You put your hand on my arm and sat down for a moment beside my bed. You didn't say much of anything but your eyes and your voice were kind and pretty soon I felt better. As you ask there I noticed that you looked tired and that the lines in your face were very deep. I never saw you again but the nurses told me you were in the hospital practically night and day.
This afternoon i was a guest in a beautiful Chinese home here in Peking. The garden was enclosed by a high wall, and on one side, surrounded by twining red and white flowers, was a brass plate about two feet long. I asked someone to translate the Chinese characters for me. They said:
Enjoy Yourself, It It Later Than You Think.
I began to think about it for myself. I had not wanted another baby because I was still grieving for the one I lost. But I decided that moment that I should not wait any longer. Perhaps it may be later than I think, too.
And then, because I was thinking of my baby, I thought of you and the tired lines in your face, and the moment of sympathy you gave me when I so needed it. I don't know how old you are but I am quite sure your are old enough to be my father; and I know that those few minutes you spent with me meant little or nothing to you of course - but they meant a great deal to a woman who was desperately unhappy.
so I am so presumptuous as to think that in turn I can do something for you too. Perhaps for you it is later than you think. Please forgive me, but when your work is over, on the day you get my letter, please sit down very quietly, all by yourself, and think about it.
Marguerite
Usually I sleep very well when I am not disturbed by the telephone, but that night I woke a dozen times seeing the brass plate in the Chinese wall. I called myself a silly old fool for being disturbed by a letter from a woman I couldn't even remember, and dismissed the thing from my mind; and before I knew it. I found myself saying again to myself: "Well, maybe it is later than you think; why don't you do something about it?"
I went to my office next morning and told them I was going away for three months.
It is a wholesome experience for any man who thinks he is important in his own organization to step out for a few months. The first time I went away on a long trip, some years before this letter came, I felt sure that everything would go to pieces. When I returned I found there were just as many patients as when I left, every one had recovered just as fast or faster, and most of my patients did not even know I had been away. It is humiliating to find how quickly and competently one's place is filled, but it is a very good lesson.
I telephoned to Shorty, a retired colonel who was perhaps my closest friend, and asked him to come to my office. On his arrival I told him that I wanted him to go home and pack a grip and come on down to South America with me. He replied that he would like to but that he had so much to attend to in the next few months that it was out of the question to be away even for a week.
I read him the letter. He shook his head. "I can't go," he said. "Of course I'd like to, but for weeks now I've been waiting to close a deal. I'm sorry, old man, but maybe sometime - sometime -" his words came more slowly. "What was that thing again that woman said? "It is later than you think"? Well-"
He sat quietly for a moment. Neither of us spoke. I could almost see the balance swaying as he weighed the apparent demands of the present against the relatively few years each of us still had to live, exactly as I had the night before.
At last he spoke. "I waited three months for those people to make up their minds. I am not going to wait any longer. They can wait for me now. When would you like to go?"
We went to South America. We spent day after day at sea on a comfortable freighter, feeling our burdens slip off with the miles and our tired bodies being made over by the winds that swept across the Pacific from China. In the course of time we found ourselves in one of the great cities of South America. by good fortune, we were entertained by one of the prominent men of the country, a man who had built enormous steel plants and whose industries were growing rapidly.
During the visit shorty asked our host if he played golf. He replied: "Senor, I play a little, I would like to play more. My wife is on a vacation in the United States with our children. I would like to join her. I have beautiful horses here which I would love to ride. I can do none of these things because I am too busy. I am 55 years old and in five years more I shall stop. It is true I said the same thing five years ago, but I did not know how much we should be frowing. We are building a new plant; we are making steel such as South America has never known. I can not let go even for an afternoon of golf. My office boy has better leisure."
"Senor", I said, "do you know why I am in South America?"
"because," He said, "because perhaps you had not too much to do and had the necessary time and money to permit it."
"No," I replied, "I had a great deal to do and I did not have too much of either time or money. We are sitting here on your lovely terrace because a few weeks ago a girl whom I wouldn't know if I saw here looked at a brass plate in a Chinese wall in the city of Peking in the heart of China."
I told him the story. Like Shorty, he made me repeat the words: "Enjoy yourself: it is later than you think." during the rest of the afternoon he seemed a bit preoccupied.
The next morning I met him in the corridor of our hotel. "Doctor," he said, "please wait a moment. I have not slept well. It is strange, it is not, that a casual acquaintance, which you would say yourself you are, could change the current of a very busy life? I have thought long and hard since I saw you yesterday. I have cabled my wife that I am coming."
He put his hand on my shoulder. "It was a very long finger indeed," he said, "that wrote those words on the garden wall in China".
Many years have been added to the average expectation of life but each individual's fate is still a hazard. The mot valuable people around us have lived largely for others. This seem the time to remind them that they will have more years, and happier ones, to do good for others if they start right now to do something for themselves; to go places and to do thing which they have looked forward to for years; to give those who love them the happiness of seeing them enjoy some of the rewards which they have earned; to replace competition with a bit of contemplation."
The "Shorty" in this story lived only a few years more. I spent the last hours at his bedside. Over and over again he said, "Fred, I am so happy that we went to South America together. I thank God we did not wait too long."
His Own Built-In Social Security
Booton Herndon
Do you think you work too hard? That you haven't time to do all the things you want to do? Or that the Government ought to give you a little more security? If so, you ought to meet Bill Stoneburner.
Bill is skinny, tall, 40 years old and lives in my home town, Charlottesville, Va. Bill not only gets more work done but has more fun than anyone I know. Further, he and his wife have solved family problems that would send most people running helplessly to a psychiatrist – or to Reno.
Last summer my house needed painting. Bill gave a reasonable estimate so I hired him. But hi didn't limit his job to painting. He fixed a screen door, took a stuck window apart and made it work, drove my wife into town shopping one day when I had the car, and answered approximately 100,000 questions put to him by my nine year old son – none of which showed up on the bill. When it was all over, as a matter of fact, he apologized for taking so long.
"I had two other inside jobs I was finishing up at night," he said. "And we've had some fires, too."
Bill's real job, you see, is with the fire department, where he is on duty 24 hours alternate days. He paints on his days off. His salary as a fireman is about $200 (1952) a month, which, with a wife and tow children, doesn't go far.
"Why don't you quit the fire department and be a paint contractor?" my wife asked him one day.
Bill Squirmed a little, "Somebody's got to put out the fires," he answered. "I don't want my own house to burn down."
"Then hyou ought to ask for more money from the city," said my wife, who comes from New York.
"Why, gosh," Bill said, scratching his head, "I don't think the city's got any more money. Taxes are high enough as they are."
My wife went back into the house and sat down. "That man's crazy," she announced.
Bill's wife, Bertha, a frail-looking creature – who actually has the stamina of a marathon runner – is an expert seamstress. Take her a clipping from a fashion magazine and, without a pattern, she'll make a garment just like it. Her price, with your material, is $10 for a dress, $20 for a tailored suit. "Where'd you say she lives?" my wife asked, reaching for the keys to the car.
So all right, I said to myself, the Stoneburners work like horses. But do they ever have any fun? I got my answer the next Sunday, on the Shenandoah River. A friend and I were out in my canoe. When our wives and children pleaded to come along we told them we wanted to do some serious fishing. Our fancy equipment inpressed the daylights out of everybody but the fish.
And then down the river in a homemade boat loaded down with Bertha, the two kids and a dog, came Bill Stoneburner. They were using everything from a fly rod to a pole, but they were dragging in fish. Bill is actually an ardent fly fisherman who hasn't missed the opening day of the trout season for years, but he doesn't let it interfere with having a good time with his family.
We finally did get some fish that day. Bill gave them to us.
How would you be at living with your in-laws? Bill and bertha live in a 12 room house populated by ten persons of four generations – not to mention five dogs, a cat and a bird. There are Bill's grandfather; his parents; his unmarried brother; bill, Bertha and their two children, Billy and Cookie. Bill's sister is divorced and her two kids live there too.
That isn't all. A construction engineer and his wife were here on a job last year, and their son fitted in just right at the high school. When his parents moved on he stayed. Bill built him a little shack in the woods back of the Stoneburner house. He sleeps there and takes his meals with the family. "There's always room for one more in tha family like this," Bill says.
Once Bill and Bertha had a home of their own, a little dream house, just right for them because Bill designed and built it himself. But he sold it to pay the mortgage on his parents' home, so they would have no worries in their old age. I know few husbands who would have made that sacrifice and no wives who would have let them.
As parents, Bill and Bertha have had two widely diverse problems. The older child, billy, suffered an attack of polio which impairs his walk.
Did you ever see parents get impatient with their children when they lag behind, walking? Well, I'll never forget the first time I saw Bill Stoneburner and Billy, together. It was at a baseball game. The stands were located a long way from the entrance, and the the eighth inning I saw Bill, Bertha and Billy get up and start the long walk early, so that billy could beat the crowd.
It was a pretty exciting inning, but I found myself devoting all my attention to the little family making its way around the field. That night energetic bill Stoneburner was the darnedest slowpoke I ever saw. He stopped to talk, to pick up a blade of grass, to brush imaginary burs off his pant leg. Billy all the time was walking at his own gait. Never once did he have to hurry to catch up. As a matter of fact, when they were nearing the gate, I saw Billy look back impatiently. I guess it was then that I was proudest of all that I know Bill Stoneburner.
Cookie, the Stoneburner's nine year old daughter, is talented – and talented children can be as much of a problem as crippled ones; they can be spoiled brats. Says Alice Amory, an experienced dancing teacher, "I've seen a lot of budding dancers, but cooke has more talent than any child I have ever seen. She can be as great as she wants to be".
Despite this, cookie is one of the sweetest, best-mannered children you ever saw – a nice tribute to the way Bill and Bertha Stoneburner have kept their feet on the ground. But how about the expense of developing her talent?
Alice says, "Cooke wouldn't have to pay me a cent, I consider it my duty to develop such talent. But Bertha and Bill won't let me give her one minute of instruction free. They insist on working for it."
"Bill painted our house," Alice's husband, O. T. Amory, said to me. "Look at these interiors. Perfect. Three coats,"
"Bertha makes my clothes," Alice said, "and bill laid this tile in the studio. We give our recitals at the high school auditorium, so Bill measured the stage, then marked off the exact dimensions here on the studio floor. It was his idea. Now when a student steps over the line, I say, "Oh, you just fell in the orchestra.' It's wonderful!"
"I had to do something for bill," said O. T., "so I gave him the lumber that had been left over when the house was finished. All I asked was that he leave inough for a couple of benches for the studio. He took it all – which I thought was unlike Bill. A week later he brought us a beautiful bench, all sanded, varnished and waxed, 'I'll bring you the other one next week,' he said. And he did." O. T. shook his head. "What can you do with a guy like that?"
In the course of any painting job bill does lots of extra touching up and patching that he doesn't charge for. People come to him, he figures, because they want a good job, but can't afford a contractor. If he charged for every little thing his customers might not be able to afford him. "What I really want," he says, "is for people to like my work. I guess I'm selfish, really. I want appreciation."
Bertha feels the same way. She makes costumes for the dance recitals, for instance. Five dollars is her top for a costume, even if it takes her three working days. "I couldn't charge any more," she says, "The children's mothers couldn't afford it and they'd try to do it themselves and the costumes would look treeible, especially beside Cookie's. Then they'd feel bad. I want them to feel good.
How many mothers do you know who knock themselves out so other people's daughters will look as well as their own?
The other night bill, Bertha and I were lounging in Bill's hobby shop, each of us holding a sleeping dog. Bill had been painting eight or ten hours a day half that week, and laying tile at night, and there'd been a few fires, too.
"I guess I'm lazy," Bill said, "but I just don't like to work in a garden. Of course," he added after a pause, "things like corn and tomatoes and pole beans – they don't take much time. We plant some every spring. Outside of a few things like that, though, when it comes to gardening I guess I'm just plain lazy."
With rather poor humor, I asked Bill what he did in his spare time, I never saw a man come alert so fast in my life. He showed me, with great enthusiasm, what he is doing in his spare time: he is making a four poster bed, every post reede and carved by hand. He got the walnut at a sawmill way out in the country, and had it kiln – dried. Each leg has taken about 25 hours' work (in his spare time); soon he will be able to put the sides on. When that is done he will sand it four times, water stain it, sand it again, apply sealer, sand it lightly, then apply seven coats of lacquer. Then he will polish it with pumice and oil, and wax it.
"Only trouble is," Bill said, "the room Bertha and I have isn't big enough to take the bed. So, after I finish the bed, I've got to tear out the wall between our room and the next one and then replaster and paper it. Then we'll have a room to put the bed in."
It was 11 o'clock. Bill had been working since seven and had to be at the firehouse early the next morning. Yet there he was, talking about what he was going to do in his spare time. Bertha gently went over to him and brushed his shirt collar. She didn't say anything, but she didn't have to. It was there in her eyes for all the world to see.
And so I left them and went home to my own bed, the one I bought from the furniture store.
As I said, if you ever feel that you work too hard, or that you haven't enough time to do all the things you want to do, or if you think the Government ought to give you a little more social security, come on down to Charlottesville. I'll introduce you to bill Stoneburner. He'll be glad to talk to you. He's got plenty of time.
No comments:
Post a Comment