Tuesday, May 29, 2007

9 nguyên lý đổi mới của Google - Marissa Mayer

1. Ý tưởng đến từ khắp nơi .
Google cho rằng mọi người đều cần đổi mới, thậm chí cả nhóm kế toán

2. Chia sẻ mọi thứ bạn có thể.
Chia sẻ mọi thứ bạn biết như y tưởng, dự án, thông tin, thời hạn v.v.. trên mạng nội bộ của công ty

3. Bạn thật tài giỏi, còn chúng tôi tuyển dụng
Các sáng lập viên Larry Page và Serger Brin ủng hộ tuyển dụng. Họ đánh giá cao năng lực hơn so với kinh nghiệm.

4. Giấy phép cho việc theo đuổi ước mơ.
Bao gồm cả quyền, nguồn lực và điều kiện để thực hiện. Nhân viên Google có 1 ngày tự do trong tuần để theo đuổi dự án do mình tự lựa chọn. 20% các sản phẩm mới của Google đến từ các dự án này.

5. Đổi mới, chứ không phải hoàn hảo ngay lập tức.
Google công bố các sản phẩm rất sớm, từ khi chúng còn chưa hoàn thiện, sau đó nâng cấp chúng liên tục.

6. Số liệu không bao giờ định kiến.
Marissa không thích nghe cụm từ "tôi thích" mà muốn mọi người dùng các số đo.

7. Sáng tạo luôn yêu quý các ràng buộc.
Đọc bài viết dưới để hiểu rõ ý tưởng này

8. Người sử dụng trước, tiền sẽ đến sau.
Hãy cung cấp các sản phẩm, dịch vụ dễ sự dụng và dễ dàng yêu thích. Tiền sẽ tới sau.

9.
Đừng từ bỏ một dự án mà hãy biến đổi chúng.
Mọi dự án đều có một cái gì đó có thể sử dụng lại được.

Andrew Grove : “Whatever can be done will be done”

Andrew_Grove.jpgCùng với Bill Gates của Microsoft, Andrew Grove được coi là những con người tiên phong làm nên sự biến đổi kỳ diệu của thế giới nhờ sự phát triển của máy tính. Andrew Grove là đồng sáng lập tập đoàn Intel và đồng thời trực tiếp làm Chủ tịch điều hành trong một thời kỳ rất dài. Intel dưới sự lãnh đạo tài tình của Andrew Grove đã trở thành nhà sản xuất bộ vi xử lí lớn nhất thế giới.

Con người của nghị lực, thận trọng và kỷ luật

Andrew Grove là người Hungari, gốc Do Thái. Ông là con trai của một thương nhân, sinh ngày 2/9/1936 tại Budapest. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Andrew Grove là một trong số ít người của dòng tộc ông sống sót, thoát khỏi sự truy sát của phát xít Đức.

Ngay từ khi còn đi học, Andrew Grove đã tỏ ra cực kỳ thông minh. Ông được đánh giá là giỏi toàn diện, lại rất có khiếu và ưa thích tìm hiểu và nghiên cứu khoa học. Như bao người Do Thái khác, Andrew Grove còn có cả khiếu kinh doanh. Ông cũng đi làm kiếm tiền từ sớm. Mới chỉ 14-15 tuổi, Andrew Grove đã được làm phụ trách một bộ phận của một tờ báo phát hành tại Budapest.

Năm 1956, Andrew Grove di tản sang Mỹ, học tại trường New York City College. Năm 1960, sau khi có tấm bằng cử nhân xuất sắc ngành hoá vật liệu, Andrew Grove đã làm tiếp nghiên cứu sinh rồi tiến sĩ tại trường Đại học tổng hợp California tại Berkeley. Andrew Grove trở thành một nhà khoa học trẻ tài ba từ đây.

Trong ngành chuyên môn của mình, Andrew Grove trở thành một tên tuổi với hơn 40 công trình nghiên cứu và nhiều bằng phát minh. Năm 1967, Andrew Grove theo Gordon Moore về làm nghiên cứu tại trung tâm Fairchild Semiconductor, trước khi trở thành đồng sáng lập viên và Giám đốc của công ty Intel.

Andrew Grove thực sự là một tấm gương lớn về nghị lực và ý chí phấn đấu không ngừng. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ 20, Andrew Grove là một nhà khoa học có tiếng, một nhà quản lý tài ba của một trong 100 tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Mỹ. Đồng thời, Intel cũng đem lại cho ông rất nhiều tiền với tư cách là một người sáng lập và cổ đông chính của tập đoàn.

Andrew Grove đã đạt được mọi thứ, trong khoa học cũng như trong kinh doanh, bắt đầu từ con số không thực sự. Khi mới sang Mỹ định cư, chàng thanh niên 20 tuổi Andrew Grove thực sự trắng tay, không có họ hàng, chưa có nghề nghiệp và chưa biết cả một chữ tiếng Anh. Chỉ với 20 USD và một nghị lực kiên cường của một con người cực kỳ thông minh, Andrew Grove đã xây dựng nên một cơ đồ đáng nể. Ông là một trong 20 tỉ phú hàng đầu của lĩnh vực công nghệ tin học.

Ngay từ đầu, Andrew Grove cùng các đồng nghiệp theo đuổi việc sản xuất các con chíp lưu dữ liệu bằng vật liệu bán dẫn. Từ một hợp đồng nghiên cứu của công ty Nhật Busiscom, Andrew Grove đã có ý tưởng nghiên cứu và phát triển bộ vi xử lí dùng cho máy tính. Năm 1971, Intel và Andrew Grove đã có thành công đầu tiên với việc công bố sản phẩm bộ vi xử lí Intel 4004. Tất cả các nhà sản xuất máy tính đều rất chuộng và rất cần các thiết bị này. Từ đó gần như mọi hoạt động nghiên cứu và thương mại của Intel đã được tập trung vào nghiên cứu và sản xuất các con chíp và bộ vi xử lí. Sau loại vi xử lí 4 bit là đến loại vi xử lí 8 bit rồi các thế hệ cao nữa.

Xuất thân từ một nhà nghiên cứu khoa học, Andrew Grove được biết đến với một phong cách làm việc kinh doanh cũng rất khoa học, cẩn thận. Ông có những yêu cầu kỷ luật chặt chẽ cho chính mình và nhân viên.

Đến bàn làm việc của Andrew Grove, ai cũng thấy có một sự ngăn nắp trật tự hiếm thấy. Những phẩm chất đó của ông chủ Andrew Grove cũng đã ảnh hưởng nhiều đến văn hoá làm việc và quan điểm kinh doanh của Intel. Với sự thận trọng rất cao, Andrew Grove còn thành lập cả một văn phòng luật sư khá lớn, để chuyên chuẩn bị, giải quyết các vấn đề pháp lí. Andrew Grove còn xây dựng một bộ phận đầu tư tài chính riêng, giống như một ngân hàng đầu tư con trực thuộc tập đoàn, vừa để chủ động trong đầu tư, vừa tối ưu hoá lợi nhuận thông qua các hoạt động tài chính.

Intel - Tập đoàn của những nhà khoa học tài năngintel.jpg

Tập đoàn Intel ngày nay là tên viết tắt của công ty INTegrated Electronics. Công ty này được thành lập năm 1968 bởi ý tưởng của hai nhà khoa học Gordon Moore (là tác giả của định luật Moore nổi tiếng ) và Robert Noyce. Khi thành lập, Gordon Moore mời luôn người học trò xuất sắc nhất của mình là Andrew Grove cùng tham gia và giao cho Andrew Grove làm Giám đốc điều hành ngay từ những ngày đầu. Trước đó, Gordon Moore và Robert Noyce đã khá nổi tiếng là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển và sản xuất các vật liệu bán dẫn.

Hai nhà khoa học vào loại đầu ngành này đã tham gia cùng với nhiều đồng nghiệp khác thành lập và duy trì một trung tâm sản xuất vật liệu bán dẫn là Fairchild Semiconductor. Robert Noyce là giám đốc điều hành và ông này cũng được coi là nhà khoa học đầu tiên đã phát minh ra công nghệ hiện đại sản xuất chip cho máy tính mà ngày nay vẫn sử dụng. Còn Gordon Moore phụ trách bộ phận nghiên cứu phát triển vật liệu bán dẫn của trung tâm. Moore được đánh giá là một trong những nhà khoa học tiên phong về vật liệu bán dẫn và thiết bị bán dẫn trong đồ điện tử.

Do bất đồng quan điểm cả về khoa học lẫn phát triển kinh doanh mà Gordon Moore và Robert Noyce cùng với sự trợ giúp của nhà khoa học trẻ tài năng Andrew Grove đã thành lập công ty Intel. Được sự tin tưởng tuyệt đối của Gordon Moore và Robert Noyce, Andrew Grove đã xây dựng Intel trở thành một trong những tập đoàn công nghệ tin học quan trọng và lớn bậc nhất thế giới. Andrew Grove cùng với Intel đã góp phần và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của máy tính và công nghệ tin học của thế giới.

Tập đoàn Intel hiện nay có hơn 100 chi nhánh bán hàng tại trên 30 nước. Cơ sở sản xuất đặt ở rất nhiều nước với gần 100.000 người làm. Cùng với sự phát triển của thế giới tin học và máy tính, doanh số của tập đoàn liên tục tăng trưởng qua các năm.

Những năm 90 của thế kỷ 20, khi Andrew Grove còn làm Chủ tịch điều hành, tốc độ tăng doanh thu của Intel thường xuyên lên tới trên 20%. Trong ba năm gần đây, Intel vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số, bất chấp thị trường cạnh tranh rất khốc liệt trong lĩnh vực bộ vi xử lí cho máy tính.

Năm 2005, tập đoàn Intel đã đạt doanh số kỷ lục với 38,82 tỉ USD. Lãi của cả năm là 8,66 tỉ USD, vượt cả năm 2004 là 7,52 tỉ USD. Năm trước, mỗi cổ phiếu Intel được chia là 1,16 USD. Năm nay, mỗi cổ phiếu của Intel sẽ được chia 1,40 USD. Ngoài ra, Intel còn dự định dùng 10,6 tỉ USD để đầu tư mua lại 420 triệu cổ phiếu của chính mình. Cả hai sản phẩm chủ chốt của Intel là các bộ xử lí vi mạch và hệ thống chip điện tử dùng cho máy tính cá nhân và máy tính xách tay đều đạt kỷ lục về số lượng bán ra.

Nhà quản lý tài ba với tầm nhìn chiến lượcimages.jpg

Andrrew Grove đã tiên liệu trước sự phát triển của máy tính và nhu cầu máy tính càng cao để đề ra chiến lược phát triển cho Intel. Ông không lựa chọn con đường đi của nhiều nhà sản xuất phần cứng khác là sản xuất, lắp ráp toàn bộ từ A đến Z các thiết bị máy tính mà vẫn trung thành và chỉ tập trung vào các thiết bị quan trọng nhất, tạo nên sự khác biệt giữa các thế hệ máy tính, là dung lượng và tốc độ.

Xuất phát từ quan điểm chiến lược kinh doanh và quan niệm "whatever can be done will be done" mà Andrew Grove đã không hề tiếc tiền cho việc nghiên cứu và phát triển. Lợi nhuận mà Intel làm ra rất nhiều thế nhưng Andrew Grove quyết định tái đầu tư trở lại.

A fundamental rule in technology says that whatever can be done will be done.

(Andrew Grove)

Ngoài đầu tư nghiên cứu, Andrew Grove còn chú ý đầu tư vào các nhà máy sản xuất qui mô lớn để hạ giá thành đồng thời bảo đảm khả năng cung cấp hàng ở qui mô lớn. Và tập đoàn Intel trong hàng chục năm qua đã liên tục và không ngừng cung cấp cho các nhà sản xuất máy tính những con chíp có dung lượng lớn hơn, những bộ vi xử lí có tốc độ cao hơn. Chính nhờ đó mà máy tính được phổ cập và các phần mềm tiên tiến, phức tạp hơn mới có "đất" để "dụng võ". Nếu như khoảng 95% số máy tính cá nhân chạy phần mềm của Microsoft thì thị phần về con chíp và bộ vi xử lí của Intel cũng chẳng chịu kém là mấy với xấp xỉ 90% số máy tính cá nhân.

Tuy vậy, với bản tính rất thận trọng vốn có, Andrew Grove luôn luôn tỏ ra rất cảnh giác với mọi nguy cơ tụt hậu của Intel. Là người rất nhậy cảm với thị trường, Andrew Grove luôn nhìn xa để đảm bảo vị thế trong tương lai của Intel.

Andrew Grove cho rằng kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì phải luôn canh chừng cái thời điểm mà ông gọi là "bước ngoặt chiến lược" đối với mỗi công ty trong lĩnh vực này. Bản thân Andrew Grove không hề đánh giá quá cao các kết quả nghiên cứu khoa học của mình và cộng sự mà cho rằng thành công của Intel được đảm bảo bởi đã biết và chuyển mình, bắt nhịp kịp thời với "bước ngoặt chiến lược".

Andrew Grove còn là một nhà quản lý tài ba, biết vượt qua chính mình đúng cách và đúng thời điểm. Trước kia không ai nghĩ rằng một nhà khoa học làm kinh doanh như Andrew Grove lại có thể rất quyết liệt và triệt để trong quản trị, điều hành. Ông cho rằng muốn chuyển mình và bắt nhịp kịp thời tại thời điểm có "bước ngoặt chiến lược" thì phải thay đổi ban điều hành ở tầm cao nhất, không thể để ban điều hành cũ tự thay đổi. Chính vì vậy mà ông đã có những người kế tục xuất sắc như Chủ tịch điều hành Craig Barrett hay Otellini.

Phong cách quản lý doanh nghiệp của Andrew Grove rất hiện đại. Ngay từ năm 1972, Intel đã có qui chế dành cho cán bộ quản lý cấp cao mua cổ phiếu với giá ưu đãi chỉ bằng 85% giá thị trường. Andrew Grove đã đưa được triết lí kinh doanh của mình tới nhân viên của tập đoàn "hoặc là tất cả chúng ta cùng thành công hoặc là tất cả cùng thất bại"

Andrew Grove hiện không còn làm Chủ tịch điều hành tập đoàn Intel, nhưng ông là thành viên sáng lập duy nhất còn trực tiếp quản lý với cương vị Chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn. Andrew Grove vẫn có quyền uy và ảnh hưởng có tính quyết định đến sự phát triển và thành công của Intel, không chỉ với tư cách là ông chủ.

NDLoc, 28/4/2007
Tổng hợp theo VNECONOMY, Wikipedia, Intel excutive biography

Source: http://www.i4c.info/2007/04/28/andrew-grove-whatever-can-be-done-will-be-done/

Broadcast.com - Chỉ cần một ý tưởng

Mark CubanNói đến ông, Mark Cuban, là ai cũng biết một trường hợp kiếm tiền điển hình kiểu Mỹ. Chỉ cần một ý tưởng lạ đời và chỉ một vụ mua bán may mắn vào một ngày "đẹp trời", Mark Cuban đã trở thành tỉ phú. Với việc bán Broadcast.com, một công ty kinh doanh đài truyền thanh qua mạng Internet cho tập đoàn Yahoo, Mark Cuban đã có ngay hàng đống tiền mặt.

Và với nhiều tiền như thế, Mark Cuban còn gây ra một sự kiện chấn động nữa trong giới người hâm mộ bóng rổ, môn thể thao được ưa chuộng số 1 ở Mỹ. Không thể tin được nhưng là sự thật khi Mark Cuban đã bỏ ra tới 280 triệu USD để mua đứt cả đội bóng rổ Dallas Maverricks.

Vào đúng thời điểm mà nền kinh tế Internet bùng nổ lên tới đỉnh cao nhất trước khi tụt dốc, Mark Cuban đã bán công ty Broadcast.com mà ông thành lập và chi phối cho tập đoàn Yahoo. Với 10 triệu cổ phiếu của Broadcast.com, Mark Cuban có được gần 2 tỉ USD và lọt vào danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới.

Kể từ thời điểm đó, bang Texas không chỉ thêm Mark Cuban là tỉ phú mà còn có 299 công dân là triệu phú Đôla. Tất cả đều là nhân viên đang làm việc cho Mark Cuban tại Broadcast.com.Hiện nay Mark Cuban đang là ông chủ của một tập đoàn chuyên kinh doanh trong lĩnh vực giải trí và truyền thông.
Hệ thống 58 rạp chiếu bóng mang tên Landmark Theather của Mark Cuban thuộc loại lớn nhất ở Mỹ. Tất cả các rạp chiếu bóng đang được Mark Cuban hiện đại hoá với việc đầu tư các máy chiếu kỹ thuật số.

Các rạp chiếu bóng ở Mỹ đang rất khó khăn vì việc độc quyền chiếu trước các phim mới không còn được bảo đảm. Nạn in đĩa phim DVD lậu đang hoành hành. Và Mark Cuban hiện được coi là một trong những người tiên phong trong việc bảo vệ vị thế kinh doanh của các rạp chiếu bóng. Một mặt với tư cách là nhà kinh doanh phim, khi có bản quyền Mark Cuban đưa công nghệ mã khoá hiện đại nhất vào các đĩa phim để chống lại việc sao chép.

Mặt khác, với tư cách là chủ của cả hệ thống rạp, ông đã xây dựng cả một kế hoạch tiêu thụ hoàn toàn khác. Khách đến rạp không chỉ có một mục đích duy nhất là xem phim mà còn là một thú thưởng ngoạn, là những lúc thư giãn.
Ngoài ra, hiện Mark Cuban còn sở hữu riêng hai kênh truyền hình tư nhân, một công ty sản xuất phim tư nhân, một hệ thống kinh doanh phim ảnh cùng hai tạp chí điện ảnh và truyền hình.

Giỏi kiếm tiền từ bé

Mark Cuban sinh năm 1960 tại một thị trấn nhỏ gần Pittburgh, trong một gia đình công nhân rất nghèo khó. Bố của ông làm thuê cho một xưởng bọc da, đệm cho ghế ô tô. Từ bé ông rất mê thể thao, đặc biệt là môn bóng Rugby và bóng rổ. Mark Cuban đã từng say sưa đi theo các cầu thủ bóng rổ từ khắp sân tập này đến sân tập khác.
Khi nhỏ Mark chỉ mong muốn lớn nhất là có được một đôi giầy thể thao Puma "xịn" như các thần tượng thể thao của mình. Chỉ có thế nhưng nhà nghèo, bố mẹ Mark cũng không đáp ứng được cho cậu con trai. Mark Cuban đã phải lăn lộn rất sớm để giúp gia đình và sớm tỏ ra có khiếu kiếm tiền.

Hàng ngày, sau giờ học người ta vẫn thấy cậu bé Mark Cuban mới hơn 10 tuổi đã thoăn thoắt đi gõ cửa từng nhà để bán từng thứ lặt vặt. Cuộc sống nghèo của gia đình cùng những mong muốn bằng bạn bè đã tạo nên động lực kiếm tiền rất lớn cho Mark Cuban.
Mark Cuban rất chăm chỉ. Vào những kỳ nghỉ học đông, nghỉ học mùa hè, khi những đứa trẻ cùng lứa được đi chơi, đi du lịch thì Mark Cuban lại cần cù nhẫn nại kiếm từng đồng trong các nhà máy hay nhà hàng. Niềm vui kiếm tiền của cậu bé nhà nghèo càng nhân lên gấp bội khi Mark Cuban đã tự bỏ tiền mua cho mình đôi giày thể thao Puma vẫn hằng ao ước bấy lâu.

Mark Cuban học Đại học Tổng hợp Indiana, chuyên ngành kinh tế. Để có tiền ăn học, Mark Cuban làm đủ mọi thứ. Mark khi này là một thanh niên khá điển trai, cao 1m90 và rất thích nhảy. Anh đi nhảy ở các vũ trường rồi dạy nhảy thuê cho thanh niên, sinh viên khác để có tiền.
Có lần không còn tiền đóng học phí, Mark Cuban đã liều mạng bắt đầu một trò chơi bằng kiểu phát tán thư quảng cáo theo cấp số nhân giống như nguyên tắc của kiểu tiếp thị bán hàng đa cấp. Mỗi người một xíu, chỉ thử chơi nhưng Mark đã thu về một số tiền không nhỏ, không những đủ đóng học phí mà còn đủ tiền sinh hoạt cho cả một học kỳ. Mark Cuban đã làm quen với thực tế kinh doanh từ trên ghế giảng đường đại học khi ông còn vừa học vừa mở một quán bar nhỏ.

Tay không làm nên nghiệp lớn

Những gì kiếm được khi đi học chỉ đủ trang trải cho học phí và sinh hoạt. Ra trường Mark Cuban vẫn trắng tay. Lớn lên từ đường phố của khu dân nghèo, Mark Cuban vẫn có trong mình cái máu phiêu lưu bạt tử với những ý tưởng kỳ quặc.

Với kiểu nghĩ chỉ thích làm cái gì lạ đời, Mark Cuban tìm cách trở thành diễn viên nhưng không ai nhận cả. Mark Cuban đột nhiên nghĩ rằng mình thử làm dịch vụ tin học cho dù ông chẳng biết gì về máy tính cả. Khi đó là đầu những năm 1980, nhu cầu tin học, máy tính bùng nổ và Mark Cuban đã có cảm nhận mình không thể bỏ qua cơ hội này.
Thế là Mark Cuban thành lập công ty tư nhân Microsolution. Ông nhận làm dịch vụ tất cả mọi thứ về tin học gia đình và máy tính. Chiêu dụ khách đầu tiên của Mark Cuban là làm dịch vụ 24/24. Bí quyết thành công của Mark Cuban là "phải luôn nói có với khách hàng". Khách hàng hỏi gì, cần gì ông cũng nói có, làm được, đang làm và sắp làm xong, mặc dù như ông tự nhận là không hiểu chút gì về máy tính, từ kiến thức sơ đẳng nhất. Mặt khác, sau khi khách về thì Mark Cuban lại tất bật đi thuê công ty khác làm.

Mark Cuban quả là người liều mạng, khi thực chất chỉ làm môi giới chứ không hề làm dịch vụ trực tiếp cho khách hàng. Thế nhưng Mark Cuban lại may mắn thành công, khách hàng đến rất nhiều bởi dịch vụ 24/24 cho mọi yêu cầu của khách hàng.
Năm 1991, ở tuổi 31, Mark Cuban chính thức trở thành triệu phú khi công ty CompuServe hỏi mua lại MicroSolution với cái giá 30 triệu USD. Không cần suy nghĩ gì, Mark Cuban gật đầu luôn.

Về sau nhìn lại, không chỉ người ngoài mà ngay chính bản thân Mark Cuban cũng thừa nhận và tự hỏi tại sao ông có thể quyết đoán nhanh và đúng như vậy. Đấy không chỉ là lần duy nhất mà ông còn có những lần khác thể hiện tài gật đầu ra quyết định đúng thời điểm tốt nhất như thế.

Đam mê bóng rổ và ý tưởng lạ đờiFrom www.ideagrove.com

Mark Cuban có thú say mê bóng rổ đến điên cuồng. Ông chính là một cổ động viên cuồng nhiệt nhất của đội bóng rổ quê nhà Hoosiers của bang Indiana.
Trong đầu Mark Cuban đã xuất hiện một ý tưởng được coi là rất lạ đời lúc đó. Những trận đấu của các đội bóng rổ nhỏ chỉ được các đài phát thanh địa phương tường thuật. Không phải ở đâu cũng có thể bắt sóng các đài này. Và đây chính là mong mỏi của các fans bóng rổ trong đó có Mark Cuban. Ông có ý nghĩ thông qua Internet để có thể nghe được các đài địa phương tường thuật trực tiếp những trận đấu hâm mộ.

Còn bao nhiêu tiền, năm 1995, Mark Cuban dốc cả vào dự án thành lập công ty Broadcast.com. Mark Cuban đã thuyết phục được vài trăm người làm cho ông, chủ yếu là họ hàng và bạn bè là những người hâm mộ bóng rổ. Mark Cuban đã biến hàng trăm máy tính 3.000 USD chỉ có giá trị như những chiếc đài phát thanh giá 5 USD.
Bản thân Mark Cuban cũng đã có lúc hoang mang với ý tưởng của mình. Không đủ trả tiền cho 300 người làm với mức lương 10 USD một giờ, Mark Cuban cam kết sẽ trả bằng cổ phiếu công ty, cho dù lúc đó công ty Broadcast.com chưa hề có phát hành cổ phiếu. Mark Cuban cũng tự biết rằng đây là một canh bạc lớn nên đã tìm cách động viên bạn bè, người làm và cả chính mình.

Nhưng mọi sự đã xảy ra ngoài sự tưởng tượng của ngay chính Mark Cuban. Năm 1999, chỉ vài tháng sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, Mark Cuban đã bán lại Broadcast.com cho Yahoo với cái giá 5,7 tỉ USD cao ngất trời. Mark Cuban đã thành tỉ phú.Và điều kỳ diệu ở đây là khả năng thương lượng và lựa chọn thời điểm bán của Mark Cuban quá ư là hoàn hảo. Chỉ ít lâu sau phi vụ này là sự sụp đổ của lĩnh vực kinh tế Internet sau giai đoạn bùng nổ bất thường. Nếu Mark Cuban có bán Broadcast.com vào lúc này thì chẳng thể được vài trăm triệu chứ đừng nói đến bạc tỉ.

Có tiền, trở thành tỉ phú, ngay lập tức Mark Cuban đã trổ tài mua sắm như đúng bản chất của con người ông. Mark Cuban đã có một danh sách dài các tài sản nhiều tiền. Ngoài một biệt thự để ở giá 15 triệu USD, một nhà nghỉ tuyệt đẹp trên 2.000 m2 tại Dallas, Mark Cuban còn nhiều khoản chi khổng lồ.Ông đã tỏ ra là một tay chơi sành điệu khi mua một con tàu biển, một lâu đài di động với mọi tiện nghi sinh hoạt, giải trí trị giá 41 triệu USD. Chỉ để đi lại xem các trận bóng rổ hàng tuần, Mark Cuban đã bỏ ra trên 40 triệu USD sắm cả một chiếc máy bay chuyên cơ mới tinh cùng phi công riêng.

Niềm đam mê bóng rổ của Mark Cuban lại một lần nữa thể hiện với phi vụ động trời trong làng thể thao nước Mỹ. Ông bỏ hẳn ra 280 triệu USD để một mình sở hữu riêng đội bóng rổ Dallas Maverricks. Một loạt danh thủ được ông chủ cuồng nhiệt với bóng rổ mua về. Ch chơi có 12 trận nhưng cầu thủ Dennis Rodman được trả tới 500.000 USD.Mark Cuban chiều chuộng các cầu thủ của mình hết mức để mong chiến thắng trong các trận đấu. 9 trợ lí huấn luyện viên và cả một đội bác sĩ riêng được Mark Cuban trả lương để phục vụ đội bóng. Mark Cuban như sống cùng với đội bóng rổ của mình. Ông còn không tiếc tiền mua hẳn một chuyên cơ trị giá 48 triệu USD cho đội bóng. Các hàng ghế được tháo hết, đóng lại để cho dàn cầu thủ bóng rổ toàn cao trên 2 mét được ngồi thoải mái.

NDLoc,theo VNECONOMY

Source: http://www.i4c.info/2006/09/05/broadcastcom-chi-can-mot-y-tuong/

William Crapo Durant - Người sáng lập General Motors

bio_durant.jpgKhông phải là một nhà kỹ thuật thiên tài như Henry Ford hay Daimler, thế nhưng William Crapo Durant lại được xếp ngang hàng với các đại gia ôtô trên thế giới.

Cho dù đến cuối đời, William Crapo Durant không có may mắn về tài chính nhưng nói đến lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới là người ta phải nhắc đến tên ông. Chính William Crapo Durant chứ không phải ai khác là người đầu tiên đã sáng lập ra General Motors, tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất thế giới hiện nay.

Mặc dù sự nghiệp có nhiều thăng trầm nhưng William Crapo Durant trước kia và cho đến bây giờ vẫn được coi là một hiện tượng đặc biệt trong ngành công nghiệp ôtô thời kỳ sơ khai. Ông đã bắt đầu từ những xưởng sản xuất bé tí rồi biến chúng thành cả một tập đoàn sản xuất ôtô.William Crapo Durant không phải là nhà kỹ thuật nhưng ông dường như đã dự đoán được trước nhu cầu về ôtô và tăng trưởng của ngành này. William Crapo Durant là nhà quản lý điều hành chuyên nghiệp với những tham vọng lớn lao. Những tham vọng đó đã đem đến cho ông rất nhiều thành công và cả thất bại.

William Crapo Durant được đánh giá là nhà quản lý, doanh nghiệp rất xuất sắc cho dù cái cách mà ông điều hành doanh nghiệp cũng rất hay bị tranh cãi. Những thành công của William Crapo Durant trong lĩnh vực sản xuất ôtô vào đầu thế kỷ 20 là rất đáng ngưỡng mộ và khâm phục.

Ham mê kinh doanh từ bé

William Crapo Durant sinh năm 1861 tại thành phố Boston (Mỹ) trong một gia đình nghèo. Năm 1875, khi mới 14 tuổi, cả gia đình Durant chuyển về sinh sống tại khu phố Flint thuộc thành phố Michigan. William Crapo Durant khi nhỏ là cậu bé rất thông minh và lanh lợi.Tuy vậy, William Crapo lại không thành đạt trên con đường học hành. Tất cả chỉ vì cá tính thích tự làm theo ý mình của cậu. Ở trường, William Crapo Durant nhiều lần hỏi lại giáo viên những quan điểm mà cậu cho là chưa hợp lí.

Năm mới 16 tuổi, sau một lần tranh luận căng thẳng với ông hiệu trưởng, William Crapo Durant đã tự ý quyết định thôi học đi làm để tự kiếm tiền nuôi mình và giúp mẹ. Bà mẹ của William Crapo rất buồn rầu nhưng không khuyên can nổi cậu con trai.William Crapo Durant sẵn sàng làm mọi nghề và tỏ ra có năng khiếu đặc biệt trong kinh doanh. Đầu tiên cậu nhận bán củi thuê cho một người anh họ. Ít lâu sau, William Crapo chuyển sang bán thuốc tây rong. Thấy bán thuốc lá lời hơn, William Crapo Durant lại bỏ thuốc tây để bán thuốc lá.

Năm 18 tuổi, thấy William Crapo nhanh nhẹn tháo vát, người chủ một công ty kinh doanh bất động sản đã mời ông về làm. Tại đây, William Crapo Durant còn được học thêm nghề kế toán. Ông cũng đồng thời học mót được rất nhiều các kiến thức về tài chính, ngân hàng thông qua các hoạt động bán bảo hiểm nhà cửa cho công ty.Cũng qua sự giới thiệu của ông chủ công ty bất động sản, William Crapo Durant đã về làm cho công ty sản xuất nước sạch ở khu phố Flint. William Crapo Durant làm kế toán cho công ty. Mới vào việc chưa lâu thì công ty nước sạch bị lâm vào cơn khủng hoảng và có nguy cơ phá sản. Dù chỉ ở vị trí kế toán nhưng William Crapo Durant đã có những cái nhìn rất sâu sắc và chính xác, đâu là nguyên nhân của khủng hoảng.

William Crapo Durant được cất nhắc vào vị trí chủ chốt và đây là bước ngoặt của công ty nước sạch. Những ý tưởng tuyệt vời và sự quyết đoán mạnh mẽ của William Crapo Durant đã giúp công ty này thoát hiểm. Từ trên bờ vực phá sản, chỉ sau hai năm cải tổ, công ty nước sạch đã trở nên có lãi.

Thành công với công ty cấp nước đã khiến cho nỗi khao khát tự lập kinh doanh trong con người William Crapo Durant ngày càng lớn mạnh. William Crapo Durant năm đó chưa đầy 25 tuổi và trong người đầy ắp ý tưởng và khát vọng được tự mình thực hiện các ý tưởng đó.

Từ sản xuất xe ngựa kéo sang sản xuất ôtô

William Crapo Durant năm ngoài hai mươi tuổi chưa hề tỏ ra thích thú với lĩnh vực sản xuất ôtô còn sơ khai. Với ông quan trọng là có công ty của riêng mình. Thế nhưng William Crapo Durant gần như không có đồng tiền vốn nào.Ông đã sớm nghĩ đến việc vay ngân hàng. Và những gì mà ông làm sau này đều phải cần đến sự hỗ trợ rất nhiều của các ngân hàng. Các ngân hàng đã đứng đằng sau ông, vừa là hỗ trợ vừa là giám sát.

Cùng với người bạn Durant Dort, năm 1886, William Crapo Durant đã mạnh dạn vay53217414_th.jpg 1.500 USD để mua lai một xưởng sản xuất xe ngựa kéo.Công ty Durant-Dort Company được thành lập và chuyên sản xuất các loại xe gỗ có hai bánh do ngựa kéo. Với tài kinh doanh và quản lý khéo léo, William Crapo Durant đã xây dựng được một doanh nghiệp nhỏ.Xe ngựa kéo bán rất chạy và William Crapo Durant đã trở nên một người giàu có, một ông chủ có tên tuổi tại Michigan. Năm 1895 công ty của William Crapo Durant đã đạt doanh số bán xe ngựa lên tới kỷ lục là 75.000 USD.

Không dừng lại ở những gì đã đạt được, ông tìm cách đầu tư với những tài sản có được. Nhưng những thất bại đáng kể khi tham gia đầu tư chứng khoán đã khiến ông tỉnh lại. Có lẽ chỉ quản lý điều hành doanh nghiệp sản xuất mới là sở trường của ông.Mặt khác, sau hơn 10 năm xe ngựa ở thời kỳ hoàng kim thì William Crapo Durant cũng đã kịp nhận thấy xu hướng xe có động cơ sẽ thay thế xe ngựa.

Năm 1905, William Crapo Durant quyết định đánh một canh bạc của đời mình. Có bao nhiêu tài sản, William Crapo Durant bỏ hết ra để mua lại công ty sản xuất động cơ ôtô của Buick, ông chủ kiêm nhà thiết kế động cơ người xứ Scotlen. Không có đủ 1,5 triệu USD, William Crapo Durant lại phải tìm đến ngân hàng để vay.

William Crapo Durant như đoán được sự bùng nổ của ôtô nên đã dồn hết tâm lực, thời gian để xây dựng công ty sản xuất ôtô của riêng mình. Vừa là ông chủ, vừa làm giám đốc, William Crapo Durant trực tiếp điều hành tất cả mọi việc từ lên dự án thiết kế, tổ chức sản xuất, quảng cáo bán hàng đến quản lý tài chính.Ông sâu sát và cụ thể đến từng chi tiết cho dù công ty ngày càng lớn với hàng nghìn người làm thuê. William Crapo Durant là người nhiều tham vọng và dám chi mạnh cho đầu tư để đạt mục tiêu của mình.

Cuộc khủng hoảng kinh tế cuối năm 1907 đã làm rất nhiều công ty nhỏ và vừa phá sản vì không đủ tiềm lực tài chính. Công ty Buick Motor của William Crapo Durant may mắn thoát hiểm nhưng cũng từ đó William Crapo Durant nhận ra rằng phải tìm cách liên kết mới có thể cạnh tranh được.

Sáng lập tập đoàn General Motors

William Crapo Durant đã nhiều lần gặp gỡ và đàm phán với Henry Ford và Ransom Olds, sau này là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của General Motors. Ông lại huy động được các nguồn vốn đầu tư của ngân hàng và mua lại hàng loạt công ty thiết bị ôtô nhỏ, rồi sáp nhập, cơ cấu lại thành bộ phận, xưởng sản xuất của Buick Motors.

Lại một lần nữa, William Crapo Durant dám chơi một canh bạc đầy mạo hiểm với hàng chục công ty nhỏ rất khác nhau, trong khi công ty mẹ Buick cũng không to gì hơn. Sự quyết đoán đến liều lĩnh của William Crapo Durant còn được thể hiện ở chỗ phần lớn nguồn tiền là các khoản đầu tư của ngân hàng. Chính vì thế mà sau này ông đã chịu rất nhiều áp lực và cả chi phối đáng kể của ngân hàng.

Năm 1908, Công ty Buick Motors đã được đổi tên là Công ty Cổ phần General Motors, trong đó William Crapo Durant là một cổ đông chính và làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đầu tiên. Để cạnh tranh với các hãng ôtô khác, đặc biệt là Công ty Ford đang phát triển rất nhanh, William Crapo Durant đã phải nỗ lực rất nhiều.

Ông có điểm mạnh ở khả năng quản lý nhưng lại không có khả năng thiết kế mẫu mã nhưimages.jpeg Henry Ford. Chính trong giai đoạn General Motors đang rất bí các mẫu mã xe mới để có thể cạnh tranh thì William Crapo Durant cũng đã phải vào cuộc với những ý tưởng khá độc đáo và bất ngờ. Ông yêu cầu các kỹ sư của mình khi không có mẫu mã mới thì cứ đem các loại xe cổ nhất ra sửa lại một số chi tiết để tung ra thị trường.

Tất cả các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đều lắc đầu nhưng William Crapo Durant vẫn quyết định làm theo ý mình vì sợ không có hàng mới để cạnh tranh. Những mẫu xe Oldtimes thuộc thế hệ đầu tiên được ông chủ William Crapo Durant yêu cầu làm rộng hơn, dài hơn để cho ngồi thoải mái, duỗi thẳng chân ra đuợc và được sản xuất hàng loạt.Chính dòng xe Cadillac khổng lồ mà sang trọng của General Motors đã ra đời từ những mệnh lệnh bằng miệng của ông Chủ tịch William Crapo Durant.

Năm 1911, dưới áp lực của các cổ đông là ngân hàng, William Crapo Durant rời bỏ vị trí Chủ tịch điều hành của General Motors. Thế nhưng ngay lập tức, với sự trợ vốn của một số nhà đầu tư, William Crapo Durant lại thành lập ngay một công ty sản xuất ôtô mới là Chevrolet Motors. Chỉ 3 năm sau công ty sản xuất ôtô của William Crapo Durant có lãi, trước sự bất ngờ và khâm phục của nhiều người.

Lợi nhuận ròng của Chevrolet Motors năm 1915 đạt trên 1,3 triệu USD, trong khi General Motors lại khó khăn và thua lỗ. William Crapo Durant, lại được trải thảm đỏ về làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của General Motors.

William Crapo Durant đã có những đóng góp rất lớn góp phần để General Motors chiếm được thị phần đáng kể và trở thành tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất thế giới về sau này. Sau này khi không còn làm cho General Motors, William Crapo Durant lại một lần nữa lập ra công ty sản xuất ôtô gia đình mang tên Durant Motors.

Theo VNECONOMY,wikipedia,millville

Source:http://www.i4c.info/2006/08/19/william-crapo-durant/

Donald Trump - Ông trùm bất động sản Hoa Kỳ

America_We_Deserve.jpgDonald Trump là nhà tỉ phú bất động sản, chủ sở hữu của tòa nhà Trump Tower và sòng bạc Tạ Mahal nổi tiếng,là nhà tổ chức cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ,là người đồng sản xuất của show truyền hình The Apprentice.Tuy nhiên điều làm cho Donald Trump thật sự trở nên rất đặc biệt là ông đã thành công để trở thành một trong những người biết cách thay đổi phương pháp kinh doanh xuất sắc nhất trong lịch sử.

Sau khi tích lũy số tài sản trị giá hàng tỉ đô la, thì hầu như ông mất sạch vì những món nợ ngân hàng và ông đã lấy lại chúng sau khi thực hiện một số xoay chuyển nhạy bén trong kinh doanh."Nếu có ai đó nghĩ rằng câu chuyện của tôi sắp đến hồi kết thúc là sự sai lầm lớn", Donald Trump đã nói thế trong quyển sách nói về mình.

Ông năng động, ngạo mạn, thông minh và nắm bắt tâm lý của việc đầu cơ bất động sản. Ông biết được sức mạnh của thương hiệu, và đứng tên trên tài sản của mình, ông không bỏ lở bất kỳ cơ hội nào để kiếm tiền. Thậm chí ông còn cấp giấy phép cho tòa nhà Seoul đứng tên mình với giá 5 triệu đô. Chính tài năng đã giúp ông trở nên giàu có, nhưng điều làm ông nổi bật trong thế giới người giàu là tính bộc trực, thẳng thắng, dám nói lên các sai phạm của mình trước công chúng.

Trump còn là người có trái tim rất nhân ái, và ông thường đóng góp cho quỹ vì người nghèo. Đây là một câu chuyện rất thú vị: Một lần, ông được một người thợ máy ô tô bị thất nghiệp giúp sửa xe khi bị chết máy trên đường cao tốc. Mặc dù người thợ máy không có tiền nhưng anh ấy vẫn không chấp nhận bất kỳ sự trả công nào từ ông Trump. Trump thật sự rất cảm kích về sự tốt bụng của người thợ máy. Vì thế, ngày hôm sau ông đã gửi tặng hoa cho vợ của anh ấy và một lá thư chứng nhận những công nợ cầm cố của hai vợ chồng đã được hoàn trả đầy đủ.

Ông chẳng bao giờ thiếu phụ nữ đẹp vây quanh. Công chúng rất quan tâm đến việc hẹn hò của ông với các cô người mẫu, như vụ ly dị với Maria Maples và Ivana Trump. Mặc dù luôn có hàng triệu phụ nữ độc thân đứng trước cửa nhà ông nhưng bạn sẽ có cơ hội được ông để mắt nếu như bạn là bản sao của Christy Turlington.

Cuộc sống riêng của ông.

Sau khi tốt nghiệp Học Viện Quân Sự, Trump đã đăng ký khóa học Tài Chính tại trường Đại Học Pennsylvania's Wharton. Với tầm nhìn nhạy bén trong kinh doanh, thêm vào đó được nhận học ở trường Đại Học và làm việc cho cha mình, Trump biết được bất kỳ những gì ông làm trong đời mình điều là những việc rất lớn.

Nhưng những việc lớn đó sẽ không xảy ra ở những nơi mà ông được nuôi nấng như một ông hoàng. Vì thế, ông đã thu dọn hành lý và chuyển đến Mahattan cho cuộc sống riêng của mình. Lúc đó tài khỏan trong ngân hàng và số tiền mặt của ông khác xa với số tài sản hiện tại mà ông đang có, nhưng những điều đó cũng không thể ngăn cản ông trở thành một thành viên tại câu lạc bộ dành cho những người thượng lưu ở New York..

Trump đã dùng những kỹ năng đàm phán và sự thông minh của mình để được tham gia vào câu lạc bộ, nơi mà không dành cho những người bình thuờng, với điều kiện là ông không được quan hệ với vợ của các thành viên khác bởi ông rất hấp dẫn và lôi cuốn phụ nữ. Ông không dành thời gian để chơi banh trên ngựa hay dạo du thuyền như một thành viên của câu lạc bộ thay vào đó ông dùng tư cách hội viên của mình để tạo mối quan hệ làm ăn và đó là những gì ông đã làm.

Chú vịt Donald

"Chú vịt Donald" là biệt danh mà mọi người đặt cho ông. Ông mạo hiểm bước chân vào lĩnh vực truyền thông như trở thành nhà điều hành sản xuất cuộc thi hoa hậu Mỹ, và hiện nay là nhà sản xuất cuộc thi hoa hậu Hòan Vũ. Ngòai ra, ông còn tham gia diễn xuất thành công một số vai diễn trong các phim Roseannem, Suddenly Susan, Spin City, The Nanny, The Fresh Prince of Bel-Air và the Job, những bộ phim này hấp dẫn không kém những bộ phim Home Alone 2, Lost in New York, Celebrity and 54.

Mặc dù có học kinh doanh nhưng ông thường làm trái với những nguyên tắc cơ bản củaapprentice1.jpg ngành kinh tế : có cạnh tranh thì phải hạ giá. Đối với ông, khi có đối thủ không những không hạ giá mà ông còn nâng giá để khẳng định sản phẩm của mình. Dù có rất nhiều mưu mẹo trong kinh doanh và có tài trong việc nhận ra các phương thức đầu tư nhưng vào năm 1990 nhà tỉ phú đầy quyền lực Trump đã thật sự sụp đổ khi ông buộc phải phá sản vì món nợ ngân hàng trên 2 tỉ đô mà không thể trả. Ông đã phải trao hầu hết cổ phiếu của mình để trả nợ ngân hàng, nhưng ông không lùi bước mà đã khôi phục lại tài sản của mình sau sự suy sụp vào cuối thập niên 90. Ông đã tường thuật lại câu chuyện này trong cuốn sách "Nghệ thuật của sự trở lại" (The art of comeback) .

Tập đoàn Trump

Đối với Trump sự thành công trong các lĩnh vực như bất động sản, vận chuyển, sòng bạc và giải trí là chưa đủ: vào năm 1999, ông đã tuyên bố việc xem xét ra ứng cử chức chủ tịch như một ứng cử viên của Đảng Cải Tổ vào năm 2000. Thật tình cờ, ông đã tiết lộ trong cuốn sách "Nghệ Thuật Của Sự Trở Lại" rằng ông sẽ không là một vị chủ tịch tốt do ông gặp trở ngại trong việc bắt tay người khác vì ông bi chứng germophobe, và tệ nhất là ông là người rất chân thật..

Chân thật hay không chân thật ? Nhưng chắc chắn 1 điều : Trump nổi tiếng là người quan hệ với nhiều phụ nữ và 2 cuộc hôn nhân thất bại của ông đã trở thành đề tài béo bở trên các tờ bào lá cải trong 2 thập niên qua. Cuộc hôn nhân cùa ông với Ivana Trump đã kết thúc vào năm 1990, và họ có với nhau 4 đứa con như là kết quả của cuộc sống chung : 2 trai và cô con gái Ivanka, một người mẫu triển vọng. Sau đó Trump kết hôn với Marla Maples vào năm 1993. Vợ chồng họ đã có một đứa con gái, Tiffany, và 6 năm sau họ ly dị.

Trên các tờ báo lá cải, ông luôn bị bắt gặp di với những phụ nữ khác nhau, vì thế công chúng khó mà biết được mối quan hệ tình cảm thật của ông. Là một người độc thân hoặc có thể là người không độc thân, người cha, một ông trùm, một nhân vật chói sáng, ông Donald Trump khẳng định dù bạn đang trên con đường đầy chông gai hay trải thảm, thì bất kì công việc gì bạn đang làm củng rất quan trọng.

Thành công của lọat show truyền hình The Apprentice càng làm cho tên tuổi của Donald Trump được biết đến nhiểu hơn trên phạm vi toàn cầu.

Theo wikipedia,Askmen.comdanong.

Source: http://www.i4c.info/2006/08/12/donald-trump/

Marcus Samuel - Thương hiệu hình vỏ sò

marcus_samuel.jpgKhắp thế giới ai cũng biết đến cái tên Shell cùng với logo độc đáo hình vỏ sò. Đó chính là tập đoàn dầu mỏ của Anh và Hà Lan, lớn thứ hai trên thế giới. Đây là tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, có thị phần lớn và do đó ít nhiều có khả năng ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp và quốc gia khác nhau

Xuất thân từ gia đình kinh doanh vỏ sò

Marcus Samuel sinh năm 1851 tại London. Ông là người quốc tịch Anh nhưng thực ra lại có nguồn gốc là dân Do Thái, sang định cư tại Anh. Như phần lớn những người Do Thái khác trên toàn thế giới, cha của Marcus Samuel là một thương nhân khôn khéo. Và ông cũng khá thành đạt trên thương trường.

Để đạt được như vậy, ông Samuel đã mất cả hàng chục năm bôn ba buôn bán khắp các nước. Ông Samuel đã khởi nghiệp kinh doanh từ một mặt hàng rất đặc biệt. Đó chính là những chiếc vỏ sò, vỏ ốc trai tưởng như vô dụng mà người ta có thể nhặt ở mọi bờ biển trên thế giới.

Từ một sự tình cờ, ông Samuel đã có ý tưởng biến những thứ tưởng như chẳng có ích gìdogs-in-shell.jpg này thành những sản phẩm độc đáo. Samuel đã tận dụng những bàn tay khéo léo của những người dân bản xứ xa xôi vùng châu Á để có được những chiếc hộp, bàn, thùng, chậu làm từ vỏ sò, vỏ trai, ốc. Những thứ này đã giúp ông không những kiếm sống mà còn có thể làm giàu bằng những sản phẩm đó.

Marcus Samuel sinh ra trong gia đình kinh doanh như vậy. Ông không chỉ được thừa hưởng một gia tài nhỏ để làm vốn mà quan trọng hơn là thừa hưởng cái máu kinh doanh của cha. Ngay từ khi còn bé, Marcus Samuel đã được cùng cha đi khắp các nước, thậm chí được cùng ngồi đàm phán với từng khách hàng hay từng người dân bán vỏ sò.

Có thể nói từ khi sinh ra, Marcus Samuel đã gắn bó với những chiếc vỏ sò và chúng đã chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt trong đầu Marcus Samuel. Chính vì những tình cảm sâu nặng và ấn tượng đặc biệt từ tuổi ấu thơ mà sau này Marcus Samuel đã đặt cái tên Shell, có nghĩa là vỏ sò, cho công ty kinh doanh của riêng mình.

Và cũng xuất phát từ cái tên vỏ sò này mà đã xuất hiện rất nhiều giai thoại thú vị về công ty Shell và ông chủ Marcus Samuel. Người ta nói rằng, trụ sở công ty Shell bên bờ con sông Thames cũng được Marcus Samuel cho thiết kế như hình một cái vỏ sò khổng lồ. Nhiều bức tường, cửa của trụ sở được trang trí với nhiều hình mẫu vỏ sò khác nhau.

Người ta thường vẫn kể rằng triết lí kinh doanh của Shell cũng có chính từ ý tưởng kiểu sống của con sò. Theo đó, cả thế giới rộng lớn, năm châu bốn biển đều là thị trường của Shell. Và cũng như con sò hiên ngang chịu đựng được mọi sóng gió biển khơi, công ty Shell cũng phải thể hiện bản lĩnh của mình trước mọi khó khăn. Đó cũng là bản lĩnh của ông chủ Marcus Samuel.

Con hơn cha…

Khi tiếp quản vốn liếng kinh doanh của cha ông, Marcus Samuel đã quyết định chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác. Ông hi vọng có nhiều cơ hội làm giàu nhanh hơn. Đầu tiên Marcus Samuel mở một cửa hiệu kinh doanh vàng bạc đá quí tại thành phố London, nơi ông sinh sống.

Bình thường người khác có thể hài lòng với một cuộc sống khá giả và kinh doanh ổn địnhhistorymurex.gif như vậy. Nhưng Marcus Samuel thì không. Ông không chỉ có tham vọng làm giàu, còn hơn cả cha, ông có máu bôn ba năm châu bốn bể để kinh doanh. Marcus Samuel đã chọn ngành vận tải. Ông nhận chở hàng hoá, vật liệu từ thành phố này sang thành phố khác, từ nước này sang nước kia, sang tận vùng Viễn Đông xa xôi.

Marcus Samuel là con người nhanh nhạy với mọi cơ hội kinh doanh. Không chỉ vận chuyển thuê, Marcus Samuel còn tận dụng mọi cơ hội chênh lệch giá để kinh doanh kiếm lời. Công việc thuận lợi, Marcus Samuel ngày càng có nhiều hợp đồng vận tải hơn, trong đó có rất nhiều hợp đồng của các công ty Nhật.

Phán đoán đúng tiềm năng phát triển của nền công nghiệp Nhật, ông đã quyết định xây dựng một cơ sở kinh doanh vững chắc tại đây. Marcus Samuel thường xuyên chở than đá, rồi bán than đá cho các công ty ở Nhật.

Từ vận tải và kinh doanh than đá chuyển sang vận tải và kinh doanh dầu mỏ không bao xa. Từ khi được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ, dầu mỏ đã trở thành nhiên liệu quan trọng bậc nhất đối với các nền công nghiệp. Các nước châu Á, châu Úc và đặc biệt là Nhật Bản rất cần tới dầu mỏ. Cùng lúc đó thì tại nước Nga, nhiều mỏ dầu được tìm thấy.

Thế là cơ hội kinh doanh có một không hai đã đến với Marcus Samuel. Sự nghiệp kinh doanh với dầu mỏ của Marcus Samuel và công ty Shell bắt đầu từ đây và trở thành một trong những kỳ tích kinh doanh của thế giới.

Không sợ đối đầu với John Rockefeller

Marcus Samuel đầu tư khá lớn vào các đội tầu chở dầu. Ông có tham vọng từ vùng Trung Á và Viễn Đông, sẽ có con tàu chở dầu của công ty Shell đi khắp nơi trên thế giới.

Thế nhưng, Marcus Samuel đã vấp phải sự cản trở đáng kể của ông vua dầu lửa người Mỹ lúc bấy giờ là John Rockefeller. Như một con bạch tuộc khổng lồ, Rockefeller đã chi phối cả ngành công nghiệp dầu mỏ nước Mỹ và qua đó có ảnh hưởng rất đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế. Rockefeller còn tìm cách thống trị cả các thị trường quốc tế khác như châu Âu, châu Á. Tập đoàn dầu mỏ Standard của ông này có lúc đã chiếm tới 2/3 thị phần tại châu Âu.

Không ít người cho rằng chẳng mấy chốc tập đoàn này sẽ chiếm toàn bộ thị trường châu Âu và châu Á nếu không có sự xuất hiện đúng lúc của Marcus Samuel với công ty Shell. Nhiều đại gia khác đã chịu thua hoặc lép vế trước Rockefeller.

Nhưng Marcus Samuel - vốn cũng là một thương nhân Do Thái như Rockefeller - thì không đơn giản chấp nhận như vậy. Marcus Samuel chỉ đi sau chứ không hề thua kém sự tinh quái và quyết liệt trong kinh doanh. Ngay cả về tham vọng, Marcus Samuel cũng đã thể hiện mình không hề ít hơn ông vua dầu lửa lúc đó.

Nhằm cản đường Marcus Samuel, Rockefeller đã dùng ảnh hưởng của mình để có được một quyết định từ chính quyền ngăn cản tàu chở dầu của Shell đi qua kênh đào Suez.suez.jpg

Nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn, Marcus Samuel cũng chứng tỏ sự quyết liệt của mình bằng các chiêu độc khác. Ông tham gia vào chính trường London với vai trò là dân biểu để có quan hệ trực tiếp với chính khách. Kênh đào Suez ở Ai Cập nhưng thuộc quyền cai trị của Anh, và Marcus Samuel đã khéo léo tìm mọi cách vận động vào các nghị sĩ Anh để họ giúp ông giải toả sự phong toả của đối thủ cạnh tranh.

Sau hơn hai năm, năm 1882, Marcus Samuel đã vô cùng thoả mãn khi những đoàn tầu chở dầu của mình được tự do qua kênh đào Suez. Cũng kể từ khi đó, Shell ngày càng phát triển với những hợp đồng chở dầu mỏ từ nước Nga, Trung Á sang châu Úc và châu Á.

Ngay cả khi bắt đầu kinh doanh trực tiếp dầu mỏ, Marcus Samuel đã có lúc phải khốn đốn vì Rockefeller đã phá giá dầu. Thế nhưng sự quyết liệt và cả kiên trì của Marcus Samuel đã giúp Shell may mắn thoát khoải chiến lược "cá lớn nuốt cá bé" của Rockefeller. Marcus Samuel cũng có những tham vọng khôn cùng. Chính vì vậy mà ông cũng từ chối việc bán công ty Shell cho Rockefeller với một cái giá rất hấp dẫn.

Trở thành ông trùm dầu mỏ

Khi đã trụ vững trên thị trường vận tải dầu mỏ thì Marcus Samuel lại muốn đi xa hơn với việc kinh doanh khai thác dầu mỏ. Không có được lợi thế về công nghệ cũng như kỹ thuật khai thác, chế biến dầu nhưng Marcus Samuel lại là người nắm rất rõ thị trường tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới.

Từ những năm 1890, sau thời gian khát dầu khi mới xuất hiện thì người ta đua nhau tìmforecourt1963.gif kiếm phát hiện ra nhiều mỏ dầu mới. Marcus Samuel đã có tính toán chiến lược rất đúng là tìm đến các nhà khai thác dầu vừa xuất hiện để hợp tác hay liên doanh với họ.

Marcus Samuel là người rất kiên trì đàm phán. Chính nhờ vậy, mà ông đã thành công trong việc theo đuổi phi vụ hợp tác với công ty khai thác dầu của Vương quốc Hà Lan, cho dù công ty này vẫn đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Shell.

Nguồn gốc Anh-Hà Lan của tập đoàn Shell sau này cũng bắt đầu từ đó. Lí do chính để Marcus Samuel lựa chọn công ty khai thác dầu mỏ của Hà Lan này làm đối tác chiến lược là ông biết công ty này đang nắm quyền khai thác nhiều mỏ dầu lớn tại Indonesia.

Cũng với tính toán tương tự cộng với khả năng đàm phán thuyết phục tuyệt vời mà đầu năm 1901, Marcus Samuel lại có được một hợp đồng cung cấp dầu dài hạn tới 20 năm với một công ty khai thác dầu từ Mỹ. Có thể nói từ lúc này, dù vẫn nhỏ bé hơn Tập đoàn Standard của Rockfeller nhưng Marcus Samuel vẫn có thể bảo đảm cho Shell hoạt động một cách độc lập trên qui mô lớn.

Marcus Samuel là người rất giỏi chớp thời cơ. Đến giai đoạn tiếp theo, khi mà tập đoàn dầu mỏ của Rockefeller bị nhà nước tìm cách chia nhỏ thì cũng là lúc Marcus Samuel tìm cách tung hoành ở châu Âu với việc mua gom các công ty nhỏ khác.

Chiến lược tìm cách kiểm soát chi phối các mỏ dầu mới đã được Marcus Samuel tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt và ở qui mô rất lớn. Lần lượt nhiều mỏ dầu ở Nga, ở vùng Trung Đông đã được Marcus Samuel sớm mua lại hay giành độc quyền khai thác. Trong những năm chiến tranh thế giới thứ I, Marcus Samuel đã giành được rất nhiều hợp đồng cung cấp dầu cho quân đội Anh.shell.jpg

Kể từ những năm đó trở đi, khi có tiền và lực, Marcus Samuel lại chủ động vươn cánh tay của mình tới cả vùng châu Mỹ, tại Venezuela, Mehico và ngay tại nước Mỹ. Đây chính là niềm tự hào vô bờ của ông chủ Marcus Samuel tài ba. Tập đoàn Shell trở thành một tập đoàn kinh doanh dầu mỏ toàn cầu và Marcus Samuel đã trở thành một ông trùm thực sự, không kém gì Rockfeller trước đấy 20 năm.

Theo timelineindex và Vneconomy

Source: http://www.i4c.info/2006/08/06/marcus-samuel/

Friday, May 25, 2007

Một số yêu cầu khi thiết kế website

Không ít người trước và trong quá trình thiết kế Website đã không nắm rõ một số yêu cầu thiết yếu trong việc thiết kế cho nên sản phẩm cuối cùng có thể không như mong muốn và thiếu chuyên nghiệp. Với bài viết này chúng tôi muốn đưa tới bạn đọc một số yêu cầu thiết yếu trước khi thiết kế một Website.

- Mẫu thiết kế sử dụng kích thước thật của màn hình với khung hình chuẩn của web theo chiều ngang là 778px. Phần lớn người xem vẫn xem ở mode màn hình 800×600, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt có thiết kế riêng.

- Sử dụng Mode màu RGB vì web chỉ hiển thị trên màn hình.

- Nếu dùng Photoshop để dựng layout, yêu cầu bắt buộc phải dùng Folder Set để quản lý layer, vì mỗi website khi thiết kế hoàn chỉnh, có hàng trăm layer.

- Việc dùng Flash cũng cần phải cân nhắc với những website thông tin vì nó chỉ thu hút người xem vào những lần truy cập đầu, sau đó sẽ chỉ làm cho website nặng lên không cần thiết. Khi làm file flash lớn, cần phải có phần loading.

- Khi thiết kế, cần đưa tương đối đầy đủ nội dung với màu sắc, font chữ đúng với website sau này. Khi đặt nội dung, nên để font chữ ở chế độ Smooth là none, ko nên để là Crisp vì khi ra kết quả cuối cùng (web page) sẽ khác với thiết kế.

- Không sử dụng các font chữ không chuẩn cho nội dung website, vì nếu máy người xem không có font đó thì sẽ hư toàn bộ layout. Nếu website sử dụng tiếng Việt, nên sử dụng các font Unicode chuẩn như Arial, Verdana, Tahoma, Times News Roman.

- Các website thương mại nên hạn chế sử dụng các đường cong, hình ảnh lớn, background lớn chiếm diện tích thông tin của website trừ khi có thể quản lý chúng. Việc sử dụng đường cong hay background sẽ gây rất nhiều trở ngại khi chuyển qua HTML.

- Cần nghĩ qua về việc làm sao chuyển chúng thành HTML trước khi thiết kế một thành phần nào.

- Thiết kế web cần tính toán làm sao để tương thích với cấu trúc HTML của website, nếu không, khi phân tích ra thành các trang web HTML sẽ trở nên rất khó khăn cho việc xây dựng nội dung cũng như lập trình.

- Trước khi thiết kế, cần có sitemap cụ thể, để việc trình bày thông tin trở nên rõ ràng, dễ thuyết phục người duyệt mẫu. - Nên xem mẫu thiết kế trên các loại màn hình khác nhau, tốt nhất trên màn hình CRT bình thường, vì đây là màn hình của người sử dụng. Tránh việc duyệt mẫu, xem mẫu bằng giấy in láng (hoặc rửa hình), hoặc màn hình laptop, LCD. - Màu sắc website cần nhẹ nhàng, phù hợp với mục đích của website, thông tin rõ ràng.

- Cần có một mẫu GUI Logic trước khi bắt tay vào thiết kế, GUI Logic này cần được duyệt qua bởi Người đối tác. GUI Logic là bản thiết kế thô, bao gồm các vị trí của các thành phần trên website, người thiết kế sẽ dựa trên đó để làm graphic. Bản GUI Logic này được tính toán trước về mặt thẩm mỹ và quan trọng là usabilities.

Chuyển trang web thành HTML

+ Sau quá trình thiết kế web là quá trình phân tích, chuyển đổi mẫu thiết kế thành trang web HTML, cần theo các yêu cầu cụ thể sau:

- Chương trình dựng trang web, chương trình thích hợp nhất là Macromedia Dreamweaver, vì đây là chương trình do rất nhiều lập trình viên đang sử dụng để code trực tiếp, tuyệt đối không dùng Frontpage. Frontpage có thể giúp đơn giản cho người sử dụng nhưng việc sinh mã HTML rất phức tạp, đặc biệt là sinh ra những mã HTML ko cần thiết và gây rối cho người lập trình.

- Cắt web html cần có độ tỉ mỉ cao, nếu thiết kế mẫu layout, mất từ 4->8h (không tính thời gian sáng tạo), thì việc cắt web mất từ 2->4h một trang

- Khâu thiết kế và khâu cắt web có vai trò rất quan trọng, vì sẽ tiết kiệm được thời gian cho các lập trình viên, tester sau này. Một trang web được cắt tốt không chứa các thành phần không cần thiết như mã HTML dư, hay các lỗi về cấu trúc HTML. Vì khi người lập trình làm việc, họ gần như chỉ làm việc trên code chứ không làm việc trên phần design.

- Cần tính toán rõ ràng, cụ thể việc áp dụng Template trong website. Template giúp cho 1 website với những trang có thành phần giống nhau được quản lý một cách thống nhất, nếu cần thay đổi những phần này, chỉ việc chỉnh sửa file Template này.

- Phối hợp chặt chẽ với bộ phận phụ trách nội dung website để bố cục, cấu trúc website rõ ràng hơn.

- Khi cắt web, cần đưa các style css ở file riêng, không đưa định dạng font trực tiếp trong website, việc đặt tên các CSS cần sự nghiêm túc, có sự thống nhất. Hạn chế việc định dạng font chữ bằng tag < font >. Nếu có các link, việc đặt các css: link, active, visited, hover là cần thiết. Nên định font chuẩn cho toàn website bằng cách định nghĩa lại tag < td >.

- Sử dụng file spacer.gif để trang web có thêm các tùy biến thay vì định kích thước ngang dọc cho các < table > hay < td >

. File spacer.gif là 1 file gif trong suốt có kích thước 1×1. Khi cần định chiều cao cho 1 td thì nên chèn file này vào td đó và định chiều cao cho file spacer.gif.

- Tránh việc Merge các Table lại với nhau quá nhiều, tối đa 1 cái. Việc này rất quan trọng, vì nó sẽ gây khó khăn và mất thời gian cho các lập trình viên khi làm việc.

- Cần xem kỹ lại cấu trúc, yêu cầu của bên thiết kế web, để có thể cho phép website co giãn theo kích thước màn hình hoặc cố định (nhỏ tối đa 800px). Nếu là các co giãn theo kích thước màn hình, cần tính toán thiết kế sao cho khi giãn ra không có những khoảng trống hình ảnh.

- NẾU LÀ 1 WEBSITE ĐỘNG HAY CẬP NHẬT THƯỜNG XUYÊN, TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG CHỨC NĂNG SLICE CỦA PHOTOSHOP HAY IMAGEREADY. Chức năng này chỉ thích hợp cho các website tĩnh vì HTML sinh ra rất phức tạp và có rối dẫn tới việc các lập trình viên không thể đọc hiểu hay chỉnh sửa được.

(Theo www.zidean.com)

Đọc tin bởi Trần Kuang Thiện

Source: http://kttran.wordpress.com/2007/05/22/mot-so-yeu-cau-khi-thiet-ke-website/

5 tỷ phú Internet thành công nhờ "liều"

Bỏ ngoài tai những hoài nghi, chỉ trích, họ vẫn kiên trì lèo lái công ty theo cách không giống ai, như Mark Cuban, sáng lập HDNet, tuyên bố: "Quyết định của tôi dựa trên những gì tôi cho là đúng mà chẳng cần quan tâm người khác nghĩ gì".

Mark Cuban.
Mark Cuban.

Mark Cuban, đồng sáng lập HDNet: "Khi tất cả mọi người đồng ý với bạn, thì chớ có đầu tư nếu không muốn lãng phí thời gian"

Hiếm có ai dũng cảm phá vỡ mọi nguyên tắc quản lý như ông chủ câu lạc bộ bóng rổ Mỹ Dallas Mavericks. Từ khi sở hữu đội này vào năm 2000, Mark Cuban được gọi là "cái miệng to nhất" ở giải nhà nghề NBA. Những cơn giận bùng phát đã tiêu tốn của ông ít nhất 1,6 triệu tiền phạt, những cũng chẳng làm ông bận tâm.

Cuban còn nổi tiếng nhờ các ý tưởng lạ thường. Khi máy tính cá nhân đang là đề tài nóng vào những năm 80, Cuban quyết định đầu tư vào lĩnh vực này dù ông mù tịt về tin học. Canh bạc đó đem về cho ông 2 triệu USD sau khi bán lại công ty Micro Solutions cho CompuServe.

Năm 1995, Web trở thành cơn sốt và Cuban nảy ra ý tưởng truyền trực tuyến các giải đấu thể thao tại các trường học. Bốn năm sau, ông bán Broadcast.com cho Yahoo với giá 5 tỷ USD. Rồi đến 2001, khi TV độ phân giải cao (HDTV) mới manh nha ở Mỹ, ông đã xây dựng mạng HDNet, hiện thu hút hơn 4 triệu thuê bao.

"Rõ ràng, nếu người khác cũng suy nghĩ như tôi, rút ra được kết luận như tôi, thì tôi sẽ chẳng phí thời gian đầu tư vào chuyện đó nữa", Cuban tiết lộ bí quyết thành công.

Jeff Bezos.
Jeff Bezos.

Jeff Bezos, sáng lập Amazon.com: "Muốn kiếm tiền, hãy cho không những gì bạn có"

Năm 2001, Jeff Bezos bắt đầu chia sẻ gian hàng ảo miễn phí với đối thủ cạnh tranh, cho phép họ kinh doanh ngay trên website của ông. Các chuyên gia tài chính phố Wall nghĩ rằng ông sắp mất trí. Ngay cả những người thân cận cũng tỏ ra khó hiểu, nhất là khi Amazon.com theo đuổi kế hoạch mở rộng "đầy nóng vội" - không chỉ bán sách mà tất cả mọi thứ từ đồ điện tử gia dụng đến nguồn cung cấp vật nuôi giá rẻ... Và vẫn chưa thu về một xu lợi nhuận nào.

"Mọi người có vẻ căng thẳng. Nhưng thực tế là nếu bạn đem lại cho khách hàng những gì họ muốn, như giá cả hợp lý, sự lựa chọn phong phú và khả năng giao hàng nhanh chóng, không sớm thì muộn bạn sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn", Bezos quả quyết.

Đó chính xác là những gì đã diễn ra. Doanh thu của Amazon.com tăng 34% trong năm 2003 và đạt hơn 5 tỷ USD. Cuối năm đó, tức sau gần một thập kỷ làm ăn thua lỗ, công ty cũng công bố họ đã có khoản lợi nhuận đầu tiên.

Hiện Bezos lại tiếp tục trở nên "điên" hơn, và lại khiến Wall Street lo lắng cho ông hơn bao giờ hết: chuyển từ việc bán hàng sang dịch vụ web. Kho lưu trữ Simple Storage Service, còn gọi là S3, sẽ thu phí người sử dụng 15 cent/gigabyte/tháng. Tuy khác xa kiểu kinh doanh truyền thống của Amazon.com, dịch vụ này đang rất hút khách. Hãng Linden Labs đã thuê không gian chứa phần mềm máy khách Second Life còn "ông lớn" Microsoft cũng ký hợp đồng để lưu chương trình Direct Student Download.

Craig Newmark.
Craig Newmark.

Craig Newmark, sáng lập Craigslist: "Hãy để lại một chút tiền trên bàn"

Bạn xây dựng một trong những website có giá trị nhất trên Internet, thu hút 17 triệu người từ 50 quốc gia mỗi tháng. Bạn có khả năng thu về 1 tỷ USD mỗi năm nếu thu phí sử dụng dịch vụ, hoặc thu tiền treo banner quảng cáo. Thay vào đó, bạn hài lòng với doanh số 30 triệu USD nhỏ nhoi.

Đây là điều nhà sáng lập Craigslist đang làm. Giới phân tích cho rằng Craig Newmark đã bỏ lại sau lưng quá nhiều tiền. Gần như mọi hạng mục trên Craigslist đều miễn phí và website rao vặt này cũng không bao giờ cài quảng cáo. Họ chỉ thu 25 - 75 USD cho thông báo tuyển dụng tại 7 thành phố lớn ở Mỹ và 10 USD cho một rao vặt về nhà ở tại New York.

Điều này giúp Craigslist ôm gọn những thông tin rao vặt đáng ra đã được đăng trên hàng trăm tờ báo ở Mỹ. "Hãy tôn trọng khách hàng, họ sẽ không quay lưng lại", Newmark đơn giản nói.

Jim Lanzone.
Jim Lanzone.

Jim Lanzone, Giám đốc điều hành Ask.com: "Chẳng sao nếu bạn không phải là số một"

Ở hãng General Electric, Jack Welch vẫn nổi tiếng khi cho rằng công ty họ chỉ nên cạnh tranh trong những lĩnh vực mà họ có khả năng giữ vị trí độc tôn. Còn CEO của Ask.com lại không nghĩ thế. "Bạn hoàn toàn có thể sở hữu một công cụ tìm kiếm được xếp vị trí thứ 4, như chúng tôi, mà vẫn hoạt động rất ổn". (Ask.com đứng sau Google, Yahoo và MSN).

Thành lập Ask Jeeves năm 1996, website của Lanzone phải chật vật tìm chỗ đứng trong thế giới vốn có quá nhiều công cụ searrch na ná nhau. Mãi đến 2005, Ask.com mới chứng tỏ thành công khi được InterActiveCorp (IAC) mua lại và được đầu tư trên nguyên tắc của Lanzone: tập trung vào cải tiến kết quả tìm kiếm, hơn là sao lãng vào những vấn đề khác như cung cấp dịch vụ e-mail hay blog.

Arianna Huffington.

Huffington biến blog thành ngành kinh doanh tiền tỷ

Khi Arianna Huffington cho ra mắt Huffington Post (Huff-Po) vào tháng 5/2005, chẳng mấy ai quan tâm đến tham vọng của cô: kiếm tiền từ blog chính trị. Với họ, blog là để chia sẻ, chứ không phải để thu lợi nhuận.

Hai năm sau, Huffington đã chứng tỏ sự khôn ngon của mình. Huff-Po trở thành blog nổi tiếng thứ 5 trên Internet theo đánh giá của trang Technorati với 3 triệu khách truy cập hàng tháng và thu hút khá nhiều nguồn tài trợ lớn. "Huffington đang xây dựng mô hình website tin tức kiểu mới với thông tin được cập nhập theo phong cách riêng", Eric Hippeau thuộc Softbank, công ty đầu tư cho Huff-Po, nhận xét.

Huffington cho hay cô nổi tiếng nhờ biết chọn đúng thời điểm và can đảm tảng lờ mọi lời chỉ trích. "Tôi không định đi ngược với trí khôn của số đông. Nhưng nếu bị đẩy ra ngoài lề thì cũng tôi chẳng coi đó là vấn đề lớn".

Theo VNE - CNN

Source: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=202785&ChannelID=16

Robin Li - người đánh bại Google

Cha đẻ của Baidu

TTO - Mới ra đời năm 1999, nhưng Baidu đã trở thành công cụ tìm kiếm số một Trung Quốc, vượt qua Google và Yahoo tại thị trường lớn nhất thế giới này.

Công ty này đứng thứ tư toàn cầu về số lượt truy cập. Vậy thành công đã đến với Robin Li, người sáng lập ra nó, như thế nào?

Phân loại thông tin

Robin Li sinh năm 1968 ở một thành phố nghèo cách Bắc Kinh hơn 300 km về phía tây nam. Tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh năm 1991, anh được SUNY Buffalo trao học bổng tiến sĩ ở Mỹ. Thấy học vấn chưa phải là vấn đề quan trọng nhất, Li quyết định chỉ học hết bằng thạc sĩ năm 1994 và đầu quân cho chi nhánh của Dow Jones & Company ở New Jersey. Anh làm việc trong nhóm phát triển chương trình phần mềm cho tờ Wall Street Journal. Trong thời gian này, anh dành nhiều thời gian giải quyết vấn đề cơ bản nhất của Internet: phân loại thông tin.

Năm 1996, kỹ sư trẻ này đạt được bước đột phá khi phát triển thành công cơ chế tìm kiếm "phân tích kết nối", đánh giá mức độ phổ biến của trong web dựa trên số trang web kết nối tới đó. "Tôi rất vui", Li nhớ lại. "Tôi nói với sếp nhưng ông không quan tâm".

Sau phần trình bày của Li tại một hội thảo ở Thung lũng Silicon về phần mềm này, Trưởng nhóm công nghệ Infoseek William I. Chang quyết định tuyển anh vào vị trí giám sát phát triển công cụ tìm kiếm Infoseek. "Có lẽ Robin là người thông minh nhất mà tôi từng biết", Chang nhận xét. "Những phần mềm tìm kiếm của anh xếp hạng vàng". Tuy nhiên, sau đó, Infoseek tập trung vào nội dung thay vì tìm kiếm.

Chán nản, Li quyết định thành lập công ty Baidu với người bạn Eric Xu ở Bắc Kinh. Họ được 2 quỹ đầu tư tài chính Integrity Partners và Peninsula Capital đầu tư 1,2 triệu USD. 9 tháng sau, Draper Fisher Jurvetson và IDG Technology Venture đổ thêm 10 triệu USD nữa.

Baidu bắt đầu cung cấp dịch vụ tìm kiếm cho các cổng thông tin Trung Quốc rồi sau đó mới phát triển công cụ tìm kiếm riêng. "Chúng tôi hoài nghi khả năng kinh doanh từ tìm kiếm", Scott Walchek, thuộc Integrity Partners và thành viên ban quản trị Baidu, nhớ lại. "Nhưng chúng tôi không thông minh bằng Robin. Robin nói anh ấy có cơ hội có một không hai xây dựng thương hiệu tìm kiếm. Và anh ấy đã đúng". Thực ra, Li đã thấy tiềm năng kiếm tiền sau thành công của công ty Overture ở Pasadena, California khi bán chỗ quảng cáo lúc kết quả tìm kiếm hiển thị.

Khám phá sở thích của giới trẻ = thành công

Tháng 9-2001, trang web của Baidu bắt đầu hoạt động. Baidu kiếm tiền bằng cách bán chỗ quảng cáo và khách hàng trả tiền theo số lần click chuột của người sử dụng. Số lượt truy cập tăng mạnh và doanh nghiệp bắt đầu có lãi từ năm 2004. Trang web của Baidu thu hút hàng triệu người vào tải nhạc, lập blog và tìm ảnh người đẹp... Lý giải điều này, giới phân tích cho rằng đối tượng khách hàng của Baidu hoàn toàn khác với phương tây vì người Trung Quốc thích giải trí hơn tin tức, đọc sách hay thuê xe nhiều. "70% số người sử dụng Internet ở Trung Quốc chưa đến 30", Richard Ji, nhà phân tích của Morgan Stanley, nhận định. "Hầu hết chưa có gia đình và muốn giải trí".

Theo các nhà phân tích, tại thị trường Trung Quốc, cho đến nay chưa công ty nào phát triển nhanh như Baidu. Hiện nay hãng chiến 62% về thị phần tìm kiếm, nhiều hơn gấp đôi so với Google.

Tuy nhiên, Baidu đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Cổ phiếu của hãng quá cao so với giá trị thực và ban quản lý phải tìm mọi cách để có tăng trưởng. Trong khi nhà đầu tư Google chi 60 USD để lấy 1 USD lợi nhuận chứng khoán, thì nhà đầu tư Baidu phải trả đến 190 USD cho 1 USD lợi nhuận.

Baidu còn bị kiện vi phạm luật bản quyền âm nhạc vì cấp đường link tới trang web nhạc. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục làm như vậy và cho rằng không có chuyện họ phải chịu trách nhiệm chỉ vì giới thiệu địa chỉ site khác.

Trong khi đó, một bệnh viện tại Bắc Kinh khẳng định nhân viên Baidu cố tình click vào quảng cáo của bệnh viện để khách hàng phải trả nhiều phí hơn. Đại diện nhà cung cấp dịch vụ khẳng định sẽ theo dõi có gian lận không.

Google thì tuyên bố chi hàng trăm triệu USD để cạnh tranh với Baidu tại thị trường đông dân nhất thế giới. Yahoo sáp nhập với Alibaba.com của Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nhân Đại lục không ngại đối thủ từ Mỹ. Năm 2003, eBay mua lại công ty đấu giá lớn nhất nước này rồi để mất thị phần. Năm 2004, tình trạng tương tự xảy ra với Amazon sau khi mua trang web mua sắm lớn nhất Trung Quốc. Giới phân tích nhận định mọi chuyện không dễ dàng với Google.  "Các doanh nghiệp Internet Mỹ chiếm ưu thế ở Mỹ và châu Âu", Brueschke nói. "Nhưng họ đến Trung Quốc rồi thất bại. Liệu Google có tạo ra điều gì khác biệt không?". Về phần mình, Robin Li vẫn không hề lo lắng. "Số lượt truy cập trang web của chúng tôi vẫn tăng", anh nói đầy tự tin. "Chúng tôi giờ là website số 1 ở Trung Quốc".

KHÁNH LINH

Source: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=197439&ChannelID=16

Công cụ mới "biến rác thành vàng"

Chỉ một vài phím bấm đơn giản là những ký tự vô nghĩa sẽ biến thành... sách. Nghe cứ như chuyện viễn tưởng, nhưng chẳng bao lâu nữa, khi gõ lại những tổ hợp ký tự lủng củng vẫn thường được dùng để xác thực tư cách thành viên một website hay mua hàng trên mạng, chính bạn sẽ góp phần vào dự án "số hóa sách toàn cầu".

Lois Von Ahn, người sáng lập ra dự án CAPTCHA. Nguồn: AP
Lois Von Ahn, người sáng lập ra dự án CAPTCHA. Nguồn: AP

Thuật ngữ riêng để chỉ những tổ hợp ký tự này là CAPTCHA, viết tắt của "bài kiểm tra hoàn toàn tự động để phân biệt giữa người với máy tính".

Máy tính không thể giải mã được sự khác nhau giữa số và chữ, vì thế, CAPTCHA đảm bảo rằng người thật đang sử dụng Website, chứ không phải các chương trình được lập trình tự động.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 60 triệu cụm từ vô nghĩa kiểu này được người dùng nhập vào mạng mỗi ngày, tức là mỗi cá nhân sẽ mất trung bình 10 giây để đọc, tiếp nhận và gõ lại.

Thay vì lãng phí thời gian vào việc gõ những cụm chữ, số ngẫu nhiên, các chuyên gia của trường Đại học Carnegie Mellon đã nảy ra một ý tưởng: Cho người dùng gõ vào một trích đoạn ngắn của một cuốn sách bất kỳ. Việc làm này đúng là "một công đôi việc", vừa khẳng định họ không phải máy tính, vừa giúp đẩy nhanh tiến độ số hóa kho tàng sách nhân loại.

"Loài người đang lãng phí tới 150.000 giờ mỗi ngày cho những cụm từ vô bổ", ông Luis von Ahn, Phó Giáo sư môn CNTT của trường Carnegie tuyên bố. "Liệu có cách nào để tận dụng tốt hơn khoảng thời gian này hay không?".

Rất nhiều dự án lớn, tầm cỡ đang được triển khai để số hóa và đưa sách lên mạng, nhưng công việc chủ yếu của chúng chỉ là scan các trang sách, cho phép người dùng "lật qua" mà thôi.

Tuy nhiên, trong những trường hợp sách bị mờ, nhòa hoặc mất chữ vì dấu ấn của thời gian, cách duy nhất để "số hóa" chúng chính là gõ lại nội dung bằng tay.

Sức mạnh số đông

Ông Von Ahn tin rằng đây chính là phân đoạn mà CAPTCHA có thể can thiệp. Ông đã bắt tay với Internet Archive, một tổ chức đang triển khai vài dự án số hóa sách quy mô.

Nguồn: AFP
Nguồn: AFP

Mỗi tháng, Internet Archive sẽ scan khoảng 12.000 cuốn sách và gửi cho Ahn vài trăm ngàn file có chứa những nội dung mà máy tính không thể nhận dạng được. Số file này sẽ được tải về máy chủ của CAPTCHA và chia nhỏ ra, phân về các website trên toàn mạng Internet.

"Nếu người dùng đồng ý giải mã CAPTCHA, chúng ta sẽ có thể số hóa sách và tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại sớm hơn dự kiến", ông Brewster Kahle, đồng sáng lập Internet Archive cho biết.

Kahle bình luận rằng dự án của Ahn đã "huy động sức mạnh con người theo một hướng đi không thể đúng đắn hơn". "Không chi giải quyết được vấn đề thư rác, bạn còn giúp bảo tồn những trước tác và lịch sử của loài người trong kỷ nguyên số".

Dù mới chỉ chính thức khánh thành hôm thứ 4 vừa qua nhưng tới nay, đã có tới hơn 150 website sử dụng dự án CAPTCHA. Nội trong vòng nửa ngày hôm qua, dự án đã số hóa được hơn 8000 từ.

Một lần nữa, Internet lại chứng minh được sức mạnh của nó trong việc huy động năng lượng tổng hợp của cộng đồng, của số đông người dùng. Những thí dụ điển hình khác là Digg và Slashlot, nơi người dùng được quyền đánh giá chất lượng nội dung bài post.

Trọng Cầm (Tổng hợp AP, CNET)

Source: http://vietnamnet.vn/cntt/2007/05/698790/

Tuesday, May 22, 2007

Để đổi mới kinh doanh – hãy phá vỡ quy tắc!

Trong thế giới ngày nay, nhiều thị trường đã không còn tồn tại các nhà cung cấp độc quyền, thay vào đó là một nhóm các đối thủ cạnh tranh.

 

Không những thế trong lĩnh vực công nghệ cao, với sự phát triển như vũ bão của khoa học, các lợi thế cạnh tranh liên tục bị phá vỡ, thì gần như mọi công ty đều cảm nhận được sức ép phải cách tân liên tục. Chúng hiện hữu trên mọi mặt: trong các kế hoạch kinh doanh, khi tiến hành định giá sản phẩm, hoặc khi nỗ lực nhằm tạo ra một giá trị đơn nhất làm nổi bật sản phẩm/dịch vụ. Do đó, đổi mới đã thành một khái niệm song hành với hoạt động kinh doanh. 


Quả thật như vậy! Tất cả chúng ta đều cần đổi mới kinh doanh. Nhưng bằng cách nào? 

Sự đổi mới không phải muốn mà có – nó giống như quá trình các nghệ sĩ tìm kiếm cảm hứng nghệ thuật hơn là một quy trình trong kinh doanh. Chúng ta lao đầu vào tìm kiếm những phương thức phát triển sản phẩm với hy vọng bằng việc đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, hay nhanh nhạy nắm bắt các thị hiếu, chúng ta sẽ nắm trong tay một tia sáng trong kinh doanh. 

Nhưng có một hướng hoàn toàn khác: hãy phá vỡ một quy tắc nào đó! Hãy làm điều gì đó trái ngược với các nguyên lý nền tảng trong thị trường hay trong ngành nghề kinh doanh của bạn. 

Ngược dòng lịch sử, chúng ta cùng điểm lại một số trường hợp đổi mới kinh doanh thành công, bạn sẽ thấy có nhiều công ty không tìm cách đưa ra một sản phẩm hay dịch vụ hoàn toàn mới, mà thay vào đó họ thách thức trực tiếp một quy tắc bất khả xâm phạm nào đó trong ngành công nghiệp của mình và đánh bại các đối thủ cạnh tranh bằng việc thay đổi quy tắc cuộc chơi. 

Điển hình là hãng Barnes & Noble. Bạn có biết họ đã làm gì để phá vỡ quy tắc bán sách truyền thống tại những cửa hàng sách? Cũng như nhiều nhà sách khác, trước đây Barnes & Noble  giống như thư viện. Việc mua sách không khác gì việc đi vào đền thờ với một nghi thức không thể khác được của sự phân loại và tìm kiếm đầu sách. Không có một chiếc ghế nào, việc đọc sách tại đây không được khuyến khích và chúng ta không thể hình dung được rằng có thể gọi thức ăn và đồ uống tại đây. 

Với cách phá vỡ quy tắc truyền thống, Barnes & Noble đã tạo ra được một hoạt động kinh doanh với vòng quay nhiều tỷ USD. Tại các nhà sách Barnes & Noble, bạn không chỉ có thể ngồi trên các ghế sofa thoải mái để đọc sách khi chưa mua sách, mà bạn còn có thể mua cà phê tại đó. Từ chỗ là một địa điểm hết sức buồn tẻ, nhà sách của Barnes & Noble đã trở thành một điểm đến vui vẻ, tràn ngập tính cộng đồng. Barnes & Noble đã dám mạo hiểm đương đầu với rủi ro khi phá vỡ những quy tắc dường như bất khả xâm phạm của ngành công nghiệp bán lẻ sách. 

Starbucks cũng là một trường hợp khác thành công trong lĩnh vực bán lẻ. Một vài năm trước đây, khi đến các cửa hàng cà phê, bạn chỉ làm được một việc duy nhất là mua cà phê. Điều này dường như hiển nhiên, còn đòi hỏi gì nữa? Trong trường hợp bạn chỉ muốn đến để tham quan, thì may mắn nhất là nhân viên bán hàng mặc kệ và coi bạn như một kẻ vô công rồi nghề, còn tồi tệ hơn bạn có thể sẽ bị đuổi khéo ra ngoài. Ngày nay, Starbucks đã trở thành một địa điểm gặp gỡ cho tất cả mọi người. Sự tham quan được khuyến khích. Trên thực tế, bạn thậm chí không phải mua bất cứ thứ gì cả. 

Hay tại sao hãng Netflix thành công đến như vậy? Không chỉ vì bạn có thể mua DVD của Netflix bằng cách đặt hàng qua thư, mà hãng còn phá vỡ quy tắc bấy lâu nay - không chấp nhận thanh toán sau, đồng ý để khách hàng thanh toán sau tại các cửa hàng bán lẻ. Netflix đã làm cho đối thủ cạnh tranh Blockbuster phải thua lỗ vì vẫn giữ nguyên nếp cũ. Cuối cùng, trước sự tăng trưởng không ngừng của Netflix, Blockbuster buộc phải sử dụng phương pháp của Netflix. 

Vậy quy tắc là gì? 

Đó là luật bất thành văn trong kinh doanh được mọi người chấp nhận, mang tính phổ biến. Ví dụ, giờ làm việc thông thường của các ngân hàng trở thành khái niệm đồng nghĩa với một ngày làm việc ngắn. Commerce Bank đã phá vỡ quy tắc đó. Ngân hàng đã phát triển nhanh chóng và được coi như là một trong những ngân hàng thuận tiện nhất thế giới, chỉ đơn giản vì mở cửa cả ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ. 

Commerce Bank không chỉ nhận ra sự bất tiện trong cách phục vụ của các ngân hàng mà còn biến nó thành một cơ hội để phát triển. Commerce Bank đã gây "sốc" cho cả thị trường tài chính ngân hàng với giờ làm việc riêng của mình. 

Tại sao việc phá vỡ quy tắc là cách thức tuyệt vời để đổi mới? 

Bởi vì việc này dễ dàng hơn nhiều so với cách tìm kiếm một "ý tưởng lớn". Đương nhiên, tất cả chúng ta đều muốn phát minh ra những iPod, PDA,…. Nhưng việc này là quá khó khăn. Trong khi đó, mọi thị trường đều có các quy tắc đang chờ đợi để phá vỡ, chỉ cần một chút  tinh tế chúng ta sẽ nhận ra chúng. 

Việc phá vỡ thành công một quy tắc đem lại cho bạn một lợi thế trở thành người dẫn dắt thị trường. Trên cương vị dẫn đầu và với thành công đã được khẳng định, các đối thủ cạnh tranh sẽ buộc phải bắt chiếc bạn, nhưng họ chỉ là người đến sau không thể có được danh tiếng như người khai phá (trường hợp của Blockbuster và Netflix là một ví dụ). 

Việc phá vỡ một quy tắc sẽ tạo ra những rào cản mà các đối thủ cạnh tranh của bạn buộc phải vượt qua nếu muốn tiếp tục tồn tại. Không chỉ có vậy, nó còn cho các khách hàng thấy rằng bạn luôn đứng về phía họ. JetBlue đã phá vỡ quy tắc tồn tại bấy lâu nay trong lĩnh vực hàng không, khi theo đuổi chiếc lược hàng không giá rẻ. Bạn có nhớ các quảng cáo như: "Hãy bay về phía trước chỉ bằng một USD",... JetBlue không chỉ đem lại những lợi ích tuyệt vời cho khách hàng, mà còn mở màn cho một cuộc cạnh tranh mới trong lĩnh vực hàng không vốn rất trì trệ với nhiều quy tắc bảo thủ cố hữu. 

Bạn thực hiện nó như thế nào? 

Các quy tắc có rất nhiều dạng khác nhau như: các mức độ dịch vụ; khuôn mẫu định giá, phân phối; đặc điểm sản phẩm; trải nghiệm khách hàng;.... Để tìm được nhưng quy tắc cần được phá vỡ bạn nên đặt cho mình ba câu hỏi sau: 

1) Những quy định và luật lệ bất thành văn của hoạt động kinh doanh bạn đang tiến hành là gì? Liệu chúng có phổ biến và quen thuộc đến nỗi rất khó để nhận ra? Đây có lẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất bởi vì việc xác định chúng đòi hỏi bạn phải nhìn nhận hoạt động kinh doanh của mình một cách rõ ràng, nhưng phải vượt lên trên rào cản tâm lý "kinh doanh như lẽ thường". 

2) Quy tắc có tính liên quan. Khi phá vỡ một tắc, những quy trình mới được tạo ra sẽ không phát huy hiệu quả nếu chúng không được chuyển thành một điều gì đó có ý nghĩa nổi bật đối với khách hàng. Bạn hãy hỏi: Điều gì ảnh hưởng tới họ nhiều nhất? Liệu có yếu tố nào đó khiến các khách hàng tức giận hoặc chán nản? Ở giai đoạn này, các nghiên cứu về khách hàng sẽ rất hữu ích, đặc biệt nếu có thể, bạn hãy thử nghiệm mô hình sản phẩm/dịch vụ mới.

3) Nếu có sự thay đổi, yếu tố nào sẽ có tác động lớn nhất lên thị trường? Điều gì sẽ thực sự thay đổi quy tắc cuộc chơi? Việc phá vỡ một quy tắc không chỉ đơn thuần nhằm tạo ra một giá trị mới, nó còn nhằm tái định vị bản thân bạn. Vấn đề bạn không thể bỏ quan đó là tiếp thị thật mạnh mẽ những đổi mới và nhấn mạnh đến sự khác biệt của bạn. Thậm chí, ban đầu chỉ một vài khách hàng của Commerce Bank đến giao dịch vào Chủ Nhật, thì việc mở cửa bẩy ngày trong tuần vẫn phải được nhấn mạnh như Commerce Bank là một "ngân hàng thuận tiện nhất". 

Cuối cùng, một trong những nhân tố quan trọng nhất của kế hoạch đổi mới đó là sự quyết tâm. Nỗi sợ của hầu hết các công ty là sự rủi ro thua lỗ. Hãy đẩy lùi nỗi sợ này. Việc phá vỡ một quy tắc sẽ đưa lại cho chúng ta cách thức nhìn nhận mới về thị trường. Từ một điều tưởng như vô hình, chúng ta đã biến thành một lợi thế cạnh tranh đơn nhất.


BWP dịch từ Marketingprofs

22 luật tiếp thị không đổi

Hàng tỷ đô la đã bị lãng phí cho các chương trình tiếp thị không mang lại kết quả, bất kể thông minh hay lỗi lạc đến mức nào. Hoặc ngân sách lớn đến mức nào.

 

Nhiều nhà quản trị mặc nhận một chương trình tiếp thị đựơc thiết kế kỹ, được thi hành tốt và tài trợ tốt sẽ mang lại kết quả. Không hẳn như vậy, và bạn hãy nhìn vào IBM, General Motors...

 

1. Luật dẫn đầu

Tốt nhất nên đi đầu hơn là tốt hơn 

 

 

 

Ô mô đi đầu trong lĩnh vực chất tẩy rửa an toàn

2. Luật loại hình

Nếu không thể là người dẫn đầu tiên trong một loại hình, bạn hãy xác lập một loại hình mới mà bạn có thể là người đầu tiên thâm nhập 

 

 

 

Emeli - người thứ ba một mình bay qua đại tây dương

3. Luật ký ức

Tốt nhất hãy là người đầu tiên đi vào ký ức hơn là người đầu tiên đi vào thị trường

 

 

 

 

Altair 8800 - chiếc máy tính cá nhân số 1

4. Luật nhận thức

Tiếp thị không phải là một trận chiến của các sản phẩm, nó là một trận chiến của các nhận thức.

 

 

 

 

Toyota - một trong ba loại xe nhập khẩu bán chạy nhất ở Mỹ

5. Luật tiêu điểm

Khái niệm mạnh nhất trong tiệp thị đó là sở hữu một trong ký ức của khách hàng tương lai.

 

 

 

Hãng kem đánh răng sở hữu từ cavities (sâu răng)

6. Luật loại trừ

Hai công ty không thể sở hữu cùng một từ trong ký ức của khách hàng tương lai

 

 

 

 

Federal Express không thể cùng sở hữu từ Worldwide với HDL

7. Luật tay đôi

Về lâu dài, mọi thị trường đều trở thành một cuộc đua hai con ngựa

 

 

 

 

 

Coca - Cola và Pepsi bắt tay nhau trên thị trường nước giải khát

8. Luật đối lập

Nếu bạn đang nhắm đến vị trí thứ hai, chiến lược của bạn được xác định bởi hãng dẫn đầu.

 

 

 

 

Coca - Cola và Pepsi là hai sự lựa chọn đối lập

9. Luật phân chia

Qua thời gian, một loại hình sẽ phân chia và trở thành hai hoặc nhiều loại hình

 

 

 

Qua thời gian một loại hình sẽ phân chia thành nhiều loại hình

10. Luật nấc thang 

Chiến lược sử dụng tuỳ thuộc vào chiếc thang bạn đang đứng

 

 

Avis - dịch vụ cho thuê xe tinh tế nhất

11. Luật viễn cảnh

Các hiệu ứng tiếp thị diễn ra qua một quãng thời gian kéo dài.

 

 

 

 

Coca - Cola sau khi mở rộng mặt hàng đã tồn kho hàng triệu đôla

12. Luật mở rộng mặt hàng

Có một sức ép không cưỡng lại được để mở rộng vốn riêng của nhãn hiệu

 

 

 

 

7 Up đi đầu trong việc mở rộng mặt hàng

13. Luật hi sinh

Bạn phải bỏ một cái gì đó để được một cái gì đó

 

 

 

 

Federal Express đã trở thành công ty hoạt động suốt đêm

14. Luật các thuộc tính

Với mọi thuộc tính, có một thuộc tính hiệu quả, đối lại

 

 

 

 

Aim sở hữu thuộc tính có vị dễ chịu

15. Luật ngay thẳng

Khi bạn chấp nhận một yếu tố tiêu cực, khách hàng tương lai sẽ cho bạn một yếu tố tích cực

 

 

 

 

Listerine hương vị chỉ cần sử dụng một ngày một lần

16. Luật lập dị

Trong mỗi tình huống, chỉ một bước đi sẽ tạo ra các kết quả đáng kể

 

 

 

 

General Motoral trở thành huyền thoại trong ngành công nghệ xe hơi

17. Luật không thể đoán trước

Trừ phi bạn viết các kế hoạch của các nhà cạnh tranh, bạn sẽ không thể đoán trước tương lai. 

 

 

IBM đã phát triển một kế hoạch tiếp thị ồ ạt

18. Luật thành công

Thành công thường dẫn tới tính kiêu ngạo, và tính kiêu ngạo dẫn đến sự thất bại

 

 

 

DEC thành công rực rỡ nhưng đã thất bại vì sự tự tin của Ken Olsen

19. Luật thất bại

Thất bại phải được dự kiến và được chấp nhận

 

 

 

 

Wal - Mart đã dự kiến được thất bại nên dễ dàng vượt qua

20. Luật cường điệu

Tình huống thường trái ngược với cách nó xuất hiện trên báo chí.

 

 

 

 

Next - máy tính cường điệu nhất

21. Luật gia tốc

Các chương trình thành công không được xây dựng trên những mốt nhất thời, chúng được xây dựng trên những xu hướng

 

 

 

 

Cabbage Patch Kids đã phát triển mạnh nhờ chiến lược trò chơi trẻ em

22. Luật tài nguyên

Không có sự tài trợ thoả đáng, một ý tưởng sẽ không cất đầu lên nổi

 

 

 

Golden Cat Corporation - nhãn hiệu số 1 về đồ vệ sinh cho mèo

Unicom