Chuyện những chiếc bao thư không tem
Những chiếc bao thư cần phải được dán tem mới có thể đến được tay người nhận hoặc bưu điện sẽ trả về cho người gởi vì thư không hợp lệ. Tuy nhiên đó là chuyện của ngành bưu chính. Trong cuộc sống đời thường, những chiếc bao thư không dán tem, thậm chí không cần niêm phong vẫn đến được tay người nhận và dù bên trong không hề có chữ, người ta vẫn hiểu ý nghĩa của chúng.
Không biết tự bao giờ, chuyện những cuộc họp báo phải kèm theo bao thư đã trở thành "luật". Dù là luật bất thành văn, nhưng ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Đến mức nếu như có đơn vị nào đó không nghiêm chỉnh chấp hành, tự khắc đơn vị đó sẽ thấy ngay hậu quả.
Khi một cá nhân, cơ quan, đơn vị nào đó tổ chức họp báo, ấy là khi người ta có sự kiện muốn công khai trước công luận và dư luận. Chẳng hạn họp báo sau các trận đấu bóng đá, họp báo về tiến trình gia nhập WTO, họp báo về đền bù, giải toả mặt bằng... Đối với ca sĩ, họp báo thường là để công bố một sản phẩm âm nhạc mới hoàn thành, đính chính những thông tin mà ca sĩ cho là chưa chính xác, giới thiệu kế hoạch liveshow...
Cứ theo lẽ mà nói thì tôi có thông tin công bố, tôi tổ chức họp báo. Anh là nhà báo, tôi mời anh đến tham gia. Nếu anh quan tâm, anh đến. Anh không quan tâm, anh cứ việc chối từ. Rất công bằng và sòng phẳng.
Nhưng lẽ thường là một chuyện. Đời có bao nhiêu thứ theo lẽ đâu. Xuất phát từ việc nhiều ca sĩ mong muốn sự kiện của mình xuất hiện trên khắp các mặt báo để đánh bóng hình ảnh, lôi kéo sự chú ý của công chúng, rất rất nhiều nhà báo ý thức được tầm "quan trọng" của mình. Họ không đến dự họp báo. Thậm chí khi toà soạn chỉ đạo đến họ cũng tìm cách né bởi đến có được gì đâu. Vậy là đơn vị tổ chức họp báo phải tự hiểu. Hiểu rằng thông tin của mình, dù hot thế nào cũng không đủ sức lôi cuốn nhà báo đến. Vậy là những chiếc bao thư xuất hiện, trở thành một đảm bảo cho việc nhà báo sẽ có mặt.
Nếu không kể những nhà báo chỉ "xẹt" đến để lấy bao thư và thông cáo báo chí thì những nhà báo đến và ngồi lại thường cũng chỉ vì những chiếc bao thư. Rõ ràng đây là công việc của anh, thế mà phải có bao thư anh mới quan tâm, mới đến thì kể cũng là điều lạ lắm chứ.
Lạ, nhưng đó chưa phải là mọi mặt của vấn đề. Điều quan trọng mà chúng ta cần suy nghĩ ở đây là cái nằm trong những chiếc bao thư có tác động như thế nào đối với bài viết trên báo. Chắc chắn là khi đưa tay nhận bao thư, "hợp đồng" giữa nhà báo và đơn vị, cá nhân tổ chức họp báo đã được ký kết, rằng anh sẽ viết bài "bốc thơm" cho tôi. Nếu anh không bốc thơm tôi, lần sau tôi không mời anh dự họp báo nữa, nghĩa là anh sẽ không có "bổng lộc nghề báo" nữa. Không ai nói ra, nhưng ai cũng hiểu như thế.
Vấn đề là, đâu phải sự kiện nào cũng đáng được lên báo. Đâu phải album nào cũng hay. Đâu phải show diễn nào cũng chất lượng. Thế nhưng đã lỡ há miệng, đã lỡ mắc quai rồi. Nhà báo biết phải làm sao đây? Không viết thì... khó ăn nói với nhau. Viết mà chê lại càng khó ăn khó nói. Thế là, những bài viết dạng... cho qua chuyện, những bài viết dạng bốc thơm cứ thế ra đời khiến công chúng ngày càng mất niềm tin vào báo chí. Đâu phải ngẫu nhiên mà người ta nói "nhà báo nói láo ăn tiền" - câu nói khiến bao nhiêu nhà báo có lương tâm phải rơi nước mắt.
Câu hỏi đặt ra là: Đến bao giờ "văn hoá bao thư" mới chấm dứt? Đến bao giờ nhà báo dám từ chối nhận bao thư để giữ sạch ngòi viết của mình? Quả thực, là một phóng viên, chính tôi cũng không trả lời được câu hỏi đó. Và tôi biết, hình như nhiều đồng nghiệp của tôi ở các báo cũng không muốn trả lời câu hỏi đó. Bằng chứng là khi tôi hỏi họ, họ cười, nhìn tôi như thể tôi vừa rơi xuống từ một hành tinh xa lạ nào đấy, không hề biết những gì đang thực sự xảy ra trong cuộc sống quanh đây.
Source from: http://my.opera.com/weblh/blog/show.dml/380180
No comments:
Post a Comment