Thursday, August 24, 2006

10 cách tăng cường bảo mật miễn phí cho máy tính cá nhân

TTO - Máy tính của bạn bị đe dọa thường trực, kể từ lúc bạn bật cho đến khi bạn tắt nó đi. Hacker tấn công, virus lây nhiễm, trojan và các loại sâu xâm nhập, spyware theo dõi nhất cử nhất động của bạn.

Đôi khi có thể là cả một người đồng nghiệp có tính tò mò hay thậm chí tệ hơn thế nữa.

Tất nhiên là không phải ai cũng có thể bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn USD để trang bị cho máy tính của mình những công cụ bảo mật mạnh mẽ nhưng tốn kém. Vẫn có những cách để bạn tự bảo vệ mà không phải tốn một xu nào. Hiệu quả có thể không bằng cách dùng các phần mềm trả phí, nhưng ít ra bạn cũng tiết kiệm được nhiều tiền.


10 cách bảo vệ PC miễn phí




1. Dùng các chương trình chống virus và spyware miễn phí
2. Kiểm tra độ an toàn trực tuyến
3. Sử dụng ứng dụng bảo mật không dây miễn phí

4. Cài đặt tường lửa miễn phí

5. Mã hóa các dữ liệu quan trọng
6. Tự bảo vệ trước Phisher

7. Không chia sẻ file

8. Lướt web "ẩn"

9. Nói không với cookies

10. Cảnh giác với "Nigerian Scams"



1. Sử dụng một phần mềm chống virus-spyware miễn phí

Hầu hết các công ty cung cấp phần mềm bảo mật hiện nay thu phí theo từng năm chứ không thu phí một lần nên bạn sẽ tốn khá tiền nếu dùng phần mềm trả phí.

Để tiết kiệm, bạn có thể sử dụng các phần mềm free như AVG Anti-Virus của Grisoft. Kèm theo đó là một công cụ chống spyware khá hữu dụng. Cả hai đều miễn phí với máy tính gia đình.

Một lựa chọn sáng giá khác là Avast 4, miễn phí đối với máy tính gia đình. Phần mềm này còn tương thích với Windows Vista beta. Đây là lợi thế mà không phải chương trình bảo mật nào hiện nay cũng có.

Đối với spyware, bạn có thể tìm thấy hàng loạt chương trình miễn phí. Trong đó đáng chú ‎ ý nhất là Ad-Aware Personal và Spybot Search & Destroy. Microsoft Windows Defender cũng là một phần mềm được đánh giá cao.

Có một lưu ý nhỏ dành cho bạn khi sử dụng các chương trình chống spyware: mỗi chương trình có thể phát hiện và diệt nhiều loại spyware nhưng lại để lọt lưới một số khác. Bạn nên quét máy tính của mình thường xuyên với 2 chương trình khác nhau.

Shield Up là địa chỉ kiểm tra miễn phí trực tuyến
2. Kiểm tra độ an toàn trực tuyến

Bạn thắc mắc không biết mình có an toàn khi lướt net hay không? Hãy tìm một dịch vụ kiểm tra miễn phí trực tuyến. Shield Up là địa chỉ mà bạn nên ghé qua.

Tại đây, bạn sẽ tìm thấy những thông tin rất quan trọng cho biết khả năng chống chọi của máy tính trước hacker, cracker và các mối nguy hiểm khác.

Website sẽ kiểm tra máy tính của bạn qua nhiều bước, kể cả kiểm tra từng cổng một và cho bạn biết bạn có đạt được steath mode (an toàn nhất) hay không. Kèm theo đương nhiên là nhiều lời khuyên giúp bạn tăng cường "phòng thủ" cho máy tính của mình.

Symantec cũng cung cấp dịch vụ kiểm tra độ an toàn trực tuyến, nhưng bạn sẽ thường xuyên nhận được lời khuyên … hãy mua các chương trình bảo mật của hãng. Tương tự với McAfee. Nếu bạn thử dịch vụ kiểm tra mạng không dây của họ, đừng ngạc nhiên nếu nhận được lời khuyên hãy mua McAfee Wireless Home Network Security. Cũng không nên quá lo lắng, hãy xem kỹ những tip mà họ đưa ra tiếp theo, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin quý giá.

Giao diện của Network Magic
3. Sử dụng một chương trình bảo mật mạng không dây miễn phí

Mạng không dây gia đình rất dễ bị tấn công bởi các "war drivers". Nếu bạn không muốn phải mất thời gian ngồi lọc các địa chỉ MAC, thay đổi SSID,… bạn có thể tìm cho mình một phần mềm bảo mật miễn phí.

Network Magic là một chương trình như thế. Phiên bản miễn phí của nó cũng cung cấp đầy đủ tính năng giúp bạn tinh chỉnh mạng không dây của mình, đủ để bạn có thể yên tâm.

Sau khi cài đặt, bạn có thể kiểm tra toàn bộ router và mạng, lập một "bản đồ" tất cả các thiết bị được kết nối. Chương trình sẽ giúp bạn thiết lập các tùy chọn và cảnh báo các nguy cơ. Sau đó, chỉ một cái click chuột, bạn có thể "kê cao gối".

Phiên bản trả phí của Network Magic cung cấp thêm một số tính năng mạnh mẽ hơn như quản lí các thư mục chia sẻ, máy in,… Đây là những tính năng khá hữu dụng, nhưng hiện bạn chỉ quan tâm tới vấn đề bảo mật và tiết kiệm chi phí nên cũng không cần quan tâm lắm tới phiên bản này.

Windows firewall, mặc định của Windows XP SP2
4. Sử dụng tường lửa miễn phí

Tường lửa là một trong những công cụ bảo mật đơn giản và hiệu quả nhất giúp bạn bảo vệ máy tính của mình. Nếu bạn đang sử dụng Windows XP SP2 thì bạn đã có một nửa những gì mình cần.

Tường lửa của SP2 được đặt mặc định ở chế độ bật nhưng để chắc ăn, bạn nên kiểm tra lại trong Security Center.

Tuy nhiên, tường lửa này chỉ bảo vệ một chiều nên bạn vẫn cần phải có thêm sự hỗ trợ. ZoneAlarm là một trong những phần mềm tường lửa hiệu quả nhất hiện nay, và bạn cũng không cần phải trả phí (trừ khi muốn có thêm những tính năng diệt virus).

Ngoài ra bạn có thể tham khảo một số tường lửa có trả phí như Symantec Norton Personal Firewall hay Trend Micro PC-cillin Internet Security.

Cryptainer LE
5. Mã hóa dữ liệu

Dù bạn có cố gắng đến đâu thì cũng không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bị tấn công. Do đó, bạn nên mã hóa các dữ liệu quan trọng của mình để đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra.

Hầu hết các phần mềm mã hóa đều yêu cầu trả phí, nhưng chúng không phải lúc nào cũng hiệu quả vì quá phức tạp. May sao bạn vẫn có Cryptainer LE của Cypherix. Đây là một phần mềm mã hóa khá đơn giản và lại miễn phí.

Bạn sẽ không mất nhiều thời gian để làm quen với Cryptainer LE. Nếu muốn ẩn các file hay thư mục, bạn chỉ cần chọn chúng và nhất nút Unload trong chương trình. Muốn hiện lại, bạn chỉ cần nhập mật khẩu và chọn Load. Chỉ những người có mật khẩu mới xem được các file bạn đã ẩn.

Đây là một phần mềm rất hữu dụng cho việc mã hóa dữ liệu trên USB. Bạn có thể khóa toàn bộ các thông tin có trong thẻ nhớ của mình, mang theo người mà không phải lo ai đó sẽ đọc được.

6. Cảnh giác trước Phishing

Hàng ngày bạn phải mở hàng tá đường dẫn các loại được gửi kèm theo e-mail. Hãy cẩn thận bởi rất có thể bạn đang mở một đường dẫn giả. Nó dẫn bạn tới một website giống hệt như eBay hay PayPal, bắt bạn đăng nhập và khai báo thông tin,… và sau đó bạn sẽ nói lời tạm biệt với tiền bạc và tài khỏan của mình.

Đây là một mánh tấn công đơn giản nhưng hiệu quả. Nhiều khi bạn không thể phân biệt được đường dẫn giả bởi chúng được ngụy trang rất khéo. Vì thế, hãy tránh xa các đường dẫn gửi trực tiếp đến e-mail. Nếu bạn cần phải thanh toán tiền qua eBay, PayPal,… hãy tự đến trang chủ của họ, sau đó mới đăng nhập.

Kèm theo đó, bạn có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ chống phishing như Google Toolbar. Các công cụ kiểu này sẽ cảnh báo khi bạn mở các đường dẫn đáng ngờ.

Ngoài Google, bạn có thể dùng Netcraft Toolbar, cũng có tính năng tương tự. Internet Explorer 7 và Firefox 2.0 sẽ tích hợp các công cụ chống phishing ngay từ đầu nhưng hiện nay mới chỉ có bản beta. Do đó bạn vẫn nên cài đặt các công cụ hỗ trợ và đừng bao giờ lơ là, mất cảnh giác.

7. Tắt chức năng File Sharing

Một trong những nguy cơ bảo mật lớn nhất nằm ngay bên cạnh bạn, nhưng bạn gần như chẳng bao giờ để ý đến nó. Đó là các file và thư mục được chia sẻ.

Người ngoài có thể dễ dàng mở các thư mục và file đó để đọc thông tin của bạn, chỉnh sửa hay thậm chí xóa đi tất cả. Vấn đề là không phải lúc nào bạn cũng biết mình có… chia sẻ gì hay không.

Việc tìm và khóa các file/thư mục chia sẻ không có gì khó. Hãy mở Window Explorer và thử nhìn vào các file/thư mục của bạn. File/thư mục nào có biểu tượng bàn tay bên dưới là file/thư mục được chia sẻ. Hãy bấm chuột phải, chọn Sharing and Security, mở Sharing tab và chọn "Do not share this folder".

Trong nhiều trường hợp, bạn chọn chia sẻ thư mục mẹ và tất cả các thư mục con bên trong đều được chia sẻ. Hãy kiểm tra kĩ để không bỏ sót "lỗ hổng" nào.

8. Lướt web "ẩn"

Khi bạn lướt Web, thông tin về bạn giống như một cuốn sách mở. Các website lưu lại "hành trình" của bạn, ghi lại thông tin về hệ điều hành và trình duyệt bạn dung, thậm chí điều tra cả tên máy tính của bạn, dò tìm site cuối cùng bạn ghé thăm, lục lọi cả history,… Bạn cũng không thể dấu IP của mình cùng một số thông tin cá nhân khác, như vùng địa lý chẳng hạn.

Tất nhiên là vẫn có cách để bạn trở nên "vô hình". Rất nhiều phần mềm trả phí sẽ giúp bạn điều đó. Cũng có một cách giúp bạn ẩn mình mà không tốn xu nào, đó là dung các proxy server ẩn.

Khi sử dụng phương pháp này, bạn sẽ không duyệt web một cách trực tiếp, mà qua một server. Server này sẽ làm "bình phong", làm cho các website không thể đọc được các thông tin về bạn.

Một trong những site miễn phí được đánh giá cao nhất là The Cloak. Hãy chọn đường dẫn "Surf" ở phía bên trái, nhập vào địa chỉ mà bạn muốn ghé thăm, và bạn sẽ vẫn lướt web mà không để lại một dấu vết nào.

Nếu muốn, bạn cũng có thể tự tinh chỉnh để biến trình duyệt của mình thành một proxy server. Hãy tìm một proxy ẩn tại AiS Alive Proxy List rồi ghi lại số IP của server và cổng mà nó sử dụng. Ví dụ: 24.236.148.15:80 thì số IP là 24.236.148.15 và cổng 80.

Tiếp theo, nếu bạn dùng IE, hãy chọn Tools > Internet Options, mở Connections tab, và chọn LAN Settings. Đánh dấu chọn "Use a proxy server for your LAN" rồi nhập số IP và cổng bạn đã ghi lại ở trên. Cuối cùng đánh dấu "Bypass proxy server for local addresses" và Ok.

Với Firefox, bạn thao tác tương tự: Tools > Options > General > Connection Settings, chọn "Manual proxy configuration", nhập các thông tin cần thiết và Ok.

9. Nói không với Cookies

Các website thu thập thông tin về "lịch trình" lướt web của bạn kèm theo những thông tin về các vấn đề bạn quan tâm. Làm sao họ làm được điều đó? Chính là nhờ cookies lưu trên ổ đĩa cứng của bạn.

Bạn có thể đặt một opt-out cookie để cảnh báo các site không theo dõi thói quen lướt net của mình nữa. Một trong những site tốt nhất để bạn làm điều này là DoubleClick. Hãy điền thông tin theo hướng dẫn tại website và Submit, sau đó bạn có thể yên tâm về cookies.

10. Cảnh giác với "Nigerian Scams"

Đây là một trong những trò lừa bịp qua e-mail lâu đời và nổi tiếng nhất. Mặc dù nó không nhằm vào máy tính của bạn nhưng cũng rất đáng quan tâm.

"Cơ chế" hoạt động của nó có thể tóm tắt như sau: bạn rao bán một món đồ tại eBay, nhiều người đấu giá, người thắng liên hệ và yêu cầu bạn gửi hàng tới Nigeria hay một nước nào đó kèm theo một lý do rất … chính đáng (ví dụ: tôi là người Mỹ nhưng tôi nhận 1 đứa con nuôi ở Nigeria, tôi muốn chuyển quà cho nó,…).

Rồi người đó gửi cho bạn một bản xác nhận thanh toán của PayPal, xác nhận món hàng bạn bán đã được trả tiền. Cũng có thể người đó yêu cầu bạn gửi hàng rồi mới thanh toán. Nếu bạn làm theo, bạn đã bị lừa. Tờ xác nhận là giả và lời hứa trả tiền cũng vậy.

Rất ít người ở Việt Nam sử dụng dịch vụ eBay, PayPal hay các dịch vụ tương tự nhưng nếu có, bạn đừng bao giờ gửi cái gì đi khi chưa chắc chắn là mình đã được thanh toán. Hãy vào trực tiếp website của PayPal (không mở các link kèm trong e-mail) và đăng nhập để kiểm tra.

Một lưu ý khác là bạn không nên bán gì cho những ai chưa từng mua hàng tại eBay. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng account mới. Hãy kiểm tra "đối tác làm ăn" của mình thật cẩn thận và hủy ngay việc mua bán nếu bạn thấy người đó đáng ngờ.

Một số kẻ bịp bợm khác ngụy trang bằng cách mua những món hàng 99-cent "Buy It Now". Vì thế. hãy kiểm tra kĩ danh mục các món hàng của người mà bạn sắp giao dịch.

HOÀNG MINH (Theo Information Week)

No comments: