Krishnamurti: NIỀM HÃNH DIỆN
Hỏi :
-- Tại sao chúng ta cảm thấy kiêu hãnh khi thành công?
Krishnamurti đáp:
-- Trong sự thành công, quả là có niềm kiêu hãnh sao? Mà thành công là gì? Có bao giờ bạn nghĩ tới chuyện thành công như là một văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, thương gia hoặc chính trị gia thì thế nào không? Từ nội tâm, bạn cảm thấy đã đạt được phần nào sự tự chế, trong khi những người khác không có khả năng đó, hoặc là bạn thành công trong khi những người khác thất bại; bạn cảm thấy mình hay hơn người khác, bạn thấy mình là người thành đạt, được kính trọng, được mọi người chiêm ngưỡng, coi bạn như một mẫu mực để họ noi theo -- tất cả những cái đó chỉ ra điều gì? Lẽ tất nhiên, khi bạn có cảm giác này là có ngay niềm kiêu hãnh: "Tôi đã làm được việc này việc nọ, tôi là nhân vật quan trọng". Từ bản chất, ý nghĩ về "cái tôi" là một niềm tự hào. Rồi niềm tự hào đó phát triển theo với mức độ thành công, người ta cảm thấy hãnh diện rằng mình rất quan trọng so với người khác. Sự tự so sánh bạn với người khác này cũng hiện hữu khi bạn muốn sống theo khuôn mẫu, theo tiêu chuẩn lý tưởng, nó cho bạn niềm hy vọng, sức mạnh, mục tiêu, nghị lực, tất cả chỉ tăng cường thêm cho "cái tôi", cái cảm giác thú vị rằng bạn là người quan trọng hơn kẻ khác rất nhiều; và cái cảm giác đó, cái sự thú vị đó, chính là khởi đầu của sự hãnh diện.
Hãnh diện đưa tới thói kiêu căng, tự phụ, sự bành trướng của "cái Tôi", cái "bản ngã". Bạn hãy quan sát điều này nơi những người nhiều tuổi hơn và nơi chính bạn. Khi bạn vượt qua được một kỳ thi và có cảm tưởng là bạn hơi thông minh hơn người khác, thì bạn có ngay một cảm giác vui thích. Cũng như khi bạn vượt trội trong cuộc tranh luận, hoặc khi bạn cảm thấy bạn có thân thể cường tráng, đẹp đẽ hơn, là ngay tức khắc, bạn cảm thấy thế thượng phong của bạn.
Cái cảm giác về sự quan trọng của "cái Tôi", cái "bản ngã" này, tất nhiên là sẽ nẩy sinh ra sự xung đột, bất an, nhức nhối khó chịu trong lòng, bởi vì bạn cứ phải luôn luôn cố gắng duy trì cái sự quan trọng, hơn người của bạn.
Hỏi :
-- Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi được cái thói kiêu hãnh?
Krishnamurti đáp :
-- Nếu nãy giờ bạn theo dõi sát lời giải đáp cho câu hỏi trước thì bạn đã hiểu được cách làm thế nào để thoát khỏi được thói kiêu hãnh, và bạn sẽ giải thoát ra khỏi nó được. Nhưng bạn lại chỉ quan tâm tới chuyện làm sao để đặt một câu hỏi tiếp theo, phải vậy không? Cho nên bạn đã không "nghe". Nếu bạn lắng nghe những điều đang được phát biểu, bạn sẽ tự tìm ra được chân lý.
Thí dụ như tôi cảm thấy hãnh diện vì tôi đã hoàn thành được điều gì đó, tôi đã được làm Hiệu Trưởng, tôi đã được sang nước Anh hoặc nước Mỹ, tôi đã làm được những việc lớn, hình tôi được đăng trên các báo, vân vân và vân vân. Trong niềm hãnh diện rất mực như thế, tôi tự hỏi :" Làm thế nào để mình có thể giải thoát ra khỏi cái niềm kiêu hãnh này nhỉ?"
Vậy thì, tại sao tôi lại muốn giải thoát khỏi sự kiêu hãnh? Đó là câu hỏi quan trọng, không phải là làm thế nào để được giải thoát . Nguyên nhân muốn giải thoát khỏi sự kiêu hãnh là gì, vì lý do gì, cái gì đã thúc đẩy khiến cho tôi muốn thoát khỏi sự kiêu hãnh. Có phải vì tôi thấy sự kiêu hãnh làm hại tôi, làm cho tôi khó chịu, tinh thần mất an lạc không? Nếu đó là nguyên nhân thì sự cố gắng giải thoát khỏi niềm kiêu hãnh lại là một dạng khác của kiêu hãnh, không phải sao? Như thế là tôi vẫn quan tâm đến chuyện đạt được một cái gì đó. Vì thấy thói kiêu hãnh rất khó chịu, không tốt đẹp gì cho đời sống tinh thần, nên tôi tự nhủ tôi phải thoát khỏi tật kiêu hãnh. Thế nhưng, sự kiện "Tôi phải thoát khỏi" thì cũng mang đầy đủ những động lực thúc đẩy của "Tôi phải thành công". Cái "Tôi" vẫn là quan trọng, nó là trung tâm điểm của sự cố gắng giải thoát của tôi.
Cho nên, vấn đề không phải là làm sao để thoát khỏi thói kiêu hãnh, mà là làm sao để hiểu được cái bản ngã của chính mình, mà cái bản ngã này thì lại rất vi tế. Năm nay "cái Tôi" muốn điều này, sang năm nó lại muốn điều kia; rồi đến khi nó thấy khó chịu, nó lại muốn điều khác. Cho nên, bao lâu "cái Tôi" này còn tồn tại, thì dù nó kiêu ngạo hay làm như khiêm tốn thì cũng chẳng có ý nghĩa là bao. Chẳng qua cũng chỉ là khác có cái áo khoác. Khi tôi thích cái áo khoác này, tôi mặc vào. Rồi qua sang năm, tùy theo ý thích, theo lòng ham muốn của tôi, tôi khoác cái áo khác.
Điều mà bạn phải thấu hiểu chính là chuyện "cái Tôi" đã được hình thành cách nào. "Cái Tôi" được hình thành qua cảm giác về sự thành công với nhiều dạng khác nhau. Nói thế không có nghĩa là bạn không được hành động, nhưng chính cái cảm tưởng về sự kiện bạn đang hành động, bạn đang thành đạt, bạn phải không kiêu hãnh, phải được thấu triệt. Bạn phải thấu triệt cấu trúc của "cái Tôi", cái bản ngã. Bạn phải tỉnh giác trước những suy nghĩ của chính bạn. Bạn phải quan sát cung cách cư xử của bạn đối với người làm công cho bạn, đối với cha, mẹ, thầy giáo. Bạn phải sáng suốt nhận thức được cung cách bạn đối xử với các bậc bề trên của bạn và với những kẻ thấp kém hơn bạn, đối với những người bạn kính trọng và với những kẻ bạn coi thường thì như thế nào.
Tất cả những điều đó sẽ bộc lộ cho bạn biết cách thức "cái Tôi" của bạn hình thành ra sao. Thấu hiểu "cái Tôi", cái bản ngã, bạn sẽ giải thoát ra được khỏi "cái Tôi".
Vấn đề là ở đó, không phải chỉ đơn giản môt câu hỏi "làm sao để thoát khỏi sự kiêu hãnh?".
1 comment:
Thật là biết ơn làm sao !
Post a Comment