Saturday, November 18, 2006

Krishnamurti: KHÁT VỌNG

KHÁT  VỌNG

Hỏi :

- Làm thế nào để thoát khỏi niềm khát vọng được tin chắc, không nghi ngờ? 

Krishnamurti đáp :

- Từ ngữ làm thế nào ngụ ý một phương pháp, phải không? Nếu bạn là một nhà xây dựng và tôi hỏi bạn cách xây một căn nhà, thì bạn có thể chỉ cho tôi phải làm cái gì, vì việc ấy có một phương pháp, một hệ thống, một cách thức để khởi sự. Nhưng đi theo con đường phương pháp, hệ thống, là tâm trí đã bị điều kiện hóa, cho nên hãy thấy sự khó khăn trong việcï dùng từ ngữ làm thế nào.

Rồi thì chúng ta cũng phải hiểu thế nào là khát vọng.

- Khát vọng là gì? 

Đó là nhìn thấy hoặc nhận thức, rồi đến tiếp xúc hoặc va chạm, rồi có cảm giác, cuối cùng đi tới chỗ mà chúng ta gọi là khát vọng. Chắc chắn đây là trình tự xẩy ra. Xin hãy theo sát vấn đề.

Này nhé, thí dụ chúng ta đang ngắm chiếc xe hơi đẹp. Chỉ mới ngay cái chuyện ngắm thôi, dù là không hề đụng chạm đến nó, là đã nẩy ra cảm giác, cái cảm giác này tạo cho chúng ta cái khát vọng được leo lên lái, được làm chủ cái xe.

Chúng ta không bàn đến chuyện làm sao để chống cự lại hoặc giải thoát ra khỏi niềm khát vọng, bởi vì cái con người chống cự lại và tưởng rằng anh ta đã thoát khỏi được niềm khát vọng, thực tế là anh ta đã tê liệt, như xác chết. Điều quan trọng là phải hiểu thấu đáo toàn bộ quá trình của khát vọng, nghĩa là phải biết rõ cả mặt quan trọng lẫn mặt hoàn toàn không đáng kể của nó. Người ta phải tìm ra, không phải là làm thế nào để chấm dứt khát vọng, mà là cái gì đã tiếp tay cho khát vọng. 

Thế bây giờ chúng ta tìm coi cái gì đã tiếp tay cho khát vọng? Đó là sự suy tưởng, không phải sao? 

Đầu tiên là nhìn thấy cái xe, rồi đến cảm giác, rồi đến lòng ham muốn, khát vọng, tiếp liền theo cảm giác. Nếu tư tưởng không xen vào và tiếp tay cho khát vọng bằng cách hô hoán lên "Tôi phải có chiếc xe đó, làm thế nào để tôi có nó?", thì lòng ham muốn, khát vọng, đã tàn lụi, bạn có thấy chỗ này không? Tôi không đòi hỏi rằng phải giải thoát khỏi khát vọng, mà ngược lại. Nhưng bạn phải hiểu rõ toàn bộ cấu trúc của niềm khát vọng, rồi thì bạn sẽ thấy không còn có sự tiếp nối của khát vọng nữa, mà toàn bộ sẽ chuyển qua một hướng khác.

Cho nên, điều quan trọng không phải là khát vọng, mà thực tế là chúng ta tiếp sức cho khát vọng được duy trì. Thí dụ như chúng ta nuôi dưỡng tình dục qua tư tưởng, qua những ý niệm, qua những hình ảnh, qua những cảm giác, qua kỷ niệm. Chúng ta nuôi sống ký ức bằng sự suy nghĩ về nó, và toàn bộ những chuyện đó tiếp sức duy trì lòng ham muốn tình dục và sự quan trọng của những giác quan. Tôi không nói rằng những giác quan không quan trọng, có chứ. Nhưng chúng ta đã cho niềm hoan lạc của những giác quan một sự tiếp diễn liên tục khiến cho nó trở thành quan trọng một cách quá đáng trong cuộc đời chúng ta. 

Vậy thì vấn đề không phải là giải thoát khỏi khát vọng, mà là hiểu thấu đáo cấu trúc của khát vọng và cung cách mà tư tưởng làm cho khát vọng duy trì liên tục, chỉ có vậy thôi. Được như thế thì tâm trí bạn sẽ khai phóng, và bạn sẽ không còn phải tìm cách để thoát khỏi lòng ham muốn, khát vọng.

Ngay giây phút mà bạn tìm cách thoát ly khỏi khát vọng là bạn đã bị lọt vào mâu thuẫn rồi. Mỗi khi bạn nhìn cái xe, người đàn bà, ngôi nhà, hay bất cứ cái gì có thể hấp dẫn, lôi cuốn bạn, là tư tưởng sẽ nhẩy ngay vào để tạo cho khát vọng một sự tiếp diễn, liên tục, và rồi thì chúng trở thành vấn đề rắc rối kéo dài tới vô tận.

Điều quan trọng là sống một cuộc đời thanh thản, không mảy may phiền não. Bạn có thể sống không phiền não nếu bạn hiểu rõ bản chất của sự cố gắng và nhìn cho thật rõ toàn bộ cấu trúc của khát vọng.

Phần đông chúng ta vốn đã có hàng ngàn vấn đề rắc rối, và để thoát khỏi những chuyện đó, chúng ta phải có khả năng giải quyết từng vấn đề ngay lập tức, khi nó vừa mới xuất hiện.

Dĩ nhiên điều thật cần thiết là đừng để cho tâm trí chúng ta phải chịu đựng một điều phiền nhiễu nào, và như thế, chúng ta sẽ được sống một cuộc đời thanh thản. Chắc chắn chỉ cómột tinh thần như thế mới xứng đáng gọi là tinh thần Sống Đạo, bởi vì nó đã thấu hiểu được nỗi đau khổ và sự chấm dứt đau khổ. 

Tinh thần sống ấy không còn sợ hãi, và do đó, tự chiếu sáng nội tâm.

Krishnamurti -- On God
DannyViệt dịch

No comments: