Krishnamurti: SỢ LÀ GÌ ?
Đầu tiên chúng ta hãy tự hỏi "sợ là gì" và "nỗi sợ hãi nổi lên như thế nào"?
Đối với chúng ta, bản thân từ ngữ "sợ" nghĩa là gì? Tôi đang tự hỏi "sợ là cái gì", chứ không phải là "tôi sợ cái gì".
Tôi sống theo một mẫu mực nào đó; tôi suy nghĩ theo một khuôn khổ nào đó; tôi có trong lòng những niềm tin và những giáo điều nào đó và tôi không muốn những lề lối sống đó bị xáo trộn, vì cuộc đời tôi đã gắn bó chằng chịt với chúng rồi. Tôi không muốn chúng bị xáo trộn, bởi lẽ sự xáo trộn sẽ nẩy sinh ra trạng thái mù mịt mơ hồ mà tôi không thích. Nếu tôi bị bứt ra khỏi những gì tôi đã biết và đã tin thì tôi cũng muốn có sự chắc chắn một cách tương đối về tình trạng tương lai của tôi. Nhưng khi bộ não đã tạo ra những khuôn mẫu rồi thì nó từ chối sự sản sinh những khuôn mẫu mới khác, mà có thể là bấp bênh. "Sự di chuyển từ trạng thái chắc chắn sang trạng thái bấp bênh là cái mà tôi gọi là sợ".
Hiện tại, ngay lúc tôi đang ngồi đây, tôi không sợ. Lúc này tôi không sợ, chẳng có chuyện gì xẩy ra cho tôi, chẳng ai đe dọa hoặc lấy cái gì của tôi. Nhưng ngoài cái thời gian đang hiện hữu này, trong tâm thức tôi còn có một lớp sâu hơn, đó là vùng ý thức hoặc vô thức, đâu đó, manh nha tới điều gì đó có thể xảy ra cho tôi trong tương lai, hoặc e ngại về một cái gì đó từ thời quá khứ đột nhiên ụp xuống đầu tôi. Cho nên tôi sợ cả quá khứ lẫn tương lai. Thế là tôi đã chia thời gian ra thành quá khứ và tương lai. Đến đây thì sự suy nghĩ nhẩy vào lên giọng: "Coi chừng, sẽ không gặp được điều đó một lần nữa đâu", hoặc "Sửa soạn sẵn cho tương lai đi. Tương lai anh có thể sẽ nguy khốn. Bây giờ tuy là anh đã có chút đỉnh, nhưng rồi ra có thể là anh sẽ bị mất hết. Biết đâu chừng ngày mai anh sẽ chết, vợ anh có thể bỏ anh, có thể anh sẽ mất công ăn việc làm. Anh có thể chẳng bao giờ trở thành người có danh vọng. Có thể anh sẽ cô đơn... "
Bây giờ chúng ta hãy thử xét tới cái dạng sợ hãi của chính bạn. Nhìn coi. Quan sát kỹ phản ứng của bạn đi. Bạn có thể nhìn nỗi sợ hãi đó mà không nhấp nhổm muốn bỏ chạy, không nẩy ra chút ý muốn bào chữa, kết án hoặc kiềm chế chăng? Bạn có thể trực diện nỗi sợ đó mà không có trong tâm cái từ ngữ đã làm thức dậy nỗi sợ chăng? Bạn có thể trực diện sự chết, thí dụ thế, mà không có từ ngữ đã đánh thức nỗi sợ chết chăng? Bản thân từ ngữ đã đem tới sự chấn động, cũng như từ ngữ "yêu" có sự rung động của chính nó, có ấn tượng của chính nó, phải vậy không?
Bây giờ hãy coi có phải là những hình ảnh trong tâm trí bạn về sự chết, ký ức về biết bao nhiêu cái chết mà bạn đã nhìn thấy, cùng với sự bạn tự liên tưởng chính bản thân với những chuyện đã xẩy ra còn giữ trong tiềm thức đó, -- phải chăng đó chính là hình ảnh đã tạo ra sự sợ hãi trong lòng bạn? Hay là quả thật bạn sợ sự chết sẽ đến chứ không phải là bạn sợ những hình tượng trong tâm đã tạo ra sự chết. Có phải là từ ngữ "chết" làm cho bạn sợ hay là sự chết thật? Nếu chỉ là từ ngữ hoặc ký ức là lý do để bạn sợ thì chẳng có gì đáng sợ hết ráo.
Giả dụ như hai năm trước bạn bị bệnh, ký ức về sự đau đớn, về cơn bệnh vẫn còn tồn tại trong trí nhớ, nay nó trỗi dậy nhắc nhở "Coi chừng, đừng để bị bệnh lại như lần trước nữa đấy nhé". Thế rồi ký ức cùng với bè đảng của nó là guồng máy suy tư bèn tạo nên sự sợ hãi, mà thật ra thì chẳng có cái gì đáng để mà sợ hết ráo, vì lẽ lúc đó bạn đang rất là khoẻ mạnh.
Tư tưởng, vốn là cái luôn luôn cũ mèm, bởi vì tư tưởng thoát thai từ ký ức, mà ký ức thì dĩ nhiên là luôn luôn cũ mèm -- tư tưởng, vào lúc đó, tạo ra cái cảm giác là bạn đang sợ hãi, nhưng đó chỉ là cảm giác, không có trong thực tế. Thực tế là bạn đang khỏe mạnh. Nhưng cái kinh nghiệm về sự đau ốm, vốn đã khắc ghi trong tâm trí, trỗi lên nỗi sợ "Cẩn thận, đừng để bị bệnh lại nữa đấy nhé!"
Như thế chúng ta thấy rằng chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi.
Krishnamurti -- On Fear
Danny Việt dịch
No comments:
Post a Comment