Krishnamurti: Vài đề mục ngắn
Hỏi :
- Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện có quan trong trong đời sống thường nhật không?
Krishnamurti đáp :
- Tại sao bạn cầu nguyện? Và cầu nguyện là gì?
Phần lớn nội dung sự cầu nguyện chỉ là xin xỏ, nài nỉ. Khi bạn đau khổ, bạn thả mình vào cái loại cầu nguyện này để tự an ủi. Khi bạn cảm thấy quá cô đơn, xuống tinh thần, phiền muộn , bạn cầu Thượng Đế giúp; cho nên bạn coi cầu nguyện như một cuộc van xin.
Hình thức cầu nguyện có thể khác nhau, nhưng mục đích tiềm ẩn phía sau thì thường là giống nhau. Cầu nguyện, đối với đa số quần chúng, là xin xỏ, van lơn, nài nỉ. Bạn có cầu nguyện theo kiểu như vậy không? Tại sao bạn cầu nguyện? Tôi không nói rằng bạn "nên" hay "không nên" cầu nguyện. Nhưng tại sao bạn cầu nguyện? Bạn cầu nguyện để được tăng thêm kiến thức, thêm bình an chăng? Bạn cầu nguyện để cho thế giới có thể thoát khỏi đau khổ chăng?
Có còn cách cầu nguyện nào khác chăng?
Có cách cầu nguyện, đúng ra thì không phải là cầu nguyện, mà là tỏa rộng thiện chí, lòng thương yêu, quảng bá tư tưởng đẹp. Vậy thì bạn cầu nguyện ra sao?
Phải chăng khi cầu nguyện, thường là bạn xin Thượng Đế, hoặc các vị Thần Thánh, hãy cho bạn được đầy bát cơm? Bạn không thỏa mãn với cái bạn đã được, bạn muốn cái bát của bạn được đầy theo ý bạn muốn. Cho nên sự cầu nguyện chỉ vẻn vẹn là một cuộc xin xỏ, một đòi hỏi phải được thỏa mãn, vậy thì hiển nhiên nó không còn là cầu nguyện nữa. Bạn nỉ non với Thượng Đế : "Con đau khổ quá, xin hãy vì con, trả em con, con trai con lại cho con. Xin cho con được giầu có". Bạn nài nỉ dai dẳng, chắc chắn đó không phải là cầu nguyện rồi.
Chính ra bạn phải tự tìm hiểu để coi tại sao bạn cứ nằn nì van vỉ để được cái gì đó, tại sao từ trong nội tâm của bạn lại có cái sự thôi thúc nó bắt bạn phải đi khẩn cầu xin xỏ này.
Càng hiểu rõ mình qua sự tỉnh thức về những điều mình suy tư, về cảm giác của mình, bạn càng phát hiện ra thực tại, cái chân lý này sẽ giúp bạn hoàn toàn giải thoát.
Krishnamurti -- Life Ahead
CHẤM DỨT SỰ GIẬN DỮ
Tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều cố gắng chế ngự sự giận dữ nhưng dường như khó mà xóa tan cơn giận cho nổi.
Vậy thì còn có cách nào làm tan biến được cơn giận không?
Thân và tâm đều có thể là lý do để cơn giận bùng lên. Người ta nổi giận có thể vì bị cản trở, vì phản ứng tự vệ bị thất bại, hoặc sự an toàn mà người ta đã dầy công xây dựng nay bị đe dọa, vân vân.
Chúng ta đều rất quen thuộc với sự giận dữ. Làm sao để cho người ta thấu hiểu và xua tan được cơn giận. Nếu bạn cho rằng những sự tin tưởng, quan điểm, ý kiến của bạn là điều quan trọng nhất thì bạn sẽ phản ứng dữ dội khi bị người khác tỏ ý thắc mắc. Thay vì bám chặt vào những sự tin tưởng và ý kiến, nếu bạn bắt đầu tự hỏi coi chúng có là điều thiết yếu cho sự hiểu biết về cuộc đời chăng, từ đó, qua sự thấu triệt nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, sự giận dữ sẽ tan biến.
Vì lý do xã hội và tôn giáo, hoặc vì tiện nghi, chúng ta có thói quen tự kiềm chế, nhưng muốn trị tận gốc thói giận dữ, chúng ta cần phải rất tỉnh thức.
Bạn nói rằng bạn nổi giận khi bạn nghe nói về một câu chuyện bất công. Bạn làm vậy là vì bạn thương người, vì bạn có lòng từ bi bác ái chăng? Liệu lòng thương xót và sự giận dữ có thể đi đôi với nhau chăng? Liệu có thể có công lý khi mà người ta đem lòng căm giận, ghét bỏ chăng?
Bạn có thể nổi giận trước những sự bất công, tàn nhẫn, nhưng sự giận dữ của bạn không thay đổi được tình thế, mà chỉ đem lại sự tai hại. Để có được những điều bạn muốn, thì bạn, chính bạn, phải có từ tâm, phải có những suy tư sâu sắc.
Hành động thoát thai từ sự thù ghét chỉ có thể làm tăng thêm thù ghét.
Nơi nào có sự căm giận thì không có công chính. Công chính và căm giận không thể đi đôi với nhau.
Collected Works of J. Krishnamurti, Vol.III
MỘT TÂM HỒN PHONG PHÚ TRONG SÁNG
Thực Tại, Thượng Đế đích thực -- Thượng Đế đích thực, không phải là vị Thượng Đế do loài người tạo ra -- không hài hòa với một tâm hồn đã bị tàn phá, nhỏ nhen, nông cạn, thiển cận, hẹp hòi. Phải là một tâm hồn lành mạnh mới thẩm thấu nổi. Nhu cầu để hòa nhập với Thực Tại phải là một tâm hồn phong phú -- phong phú ở đây không phải là giầu kiến thức mà là một tâm hồn an nhiên, vô tư ; một tâm hồn chưa hề bị trầy trụa vì kinh nghiệm, một tâm hồn không bị ràng buộc bởi thời gian. Những thần thánh do quý vị sáng chế ra để tự an ủi thì chịu đựng được sự giày vò; loại thần thánh đó chấp nhận được một tâm hồn đã bị làm cho u mê trì trệ. Nhưng "thứ thật" thì không phù hợp với điều đó. Thực Tại hài hòa với cái toàn hảo, với con người trọn vẹn có trái tim trong sáng, đầy ăm ắp niềm cảm xúc nồng nàn, có khả năng thấu suốt cái đẹp của thiên nhiên, cây cỏ, nụ cười của em bé, và nỗi đau của người đàn bà chưa bao giờ có được bữa cơm no. Bạn phải có được niềm cảm xúc đặc biệt này, có sự nhậy cảm này đối với tất cả -- đối với loài vật, từ con mèo bước qua bức tường kia, từ sự bê bối, bệ rạc, dơ dáy, bẩn thỉu, thô lỗ của những người nghèo khổ, tuyệt vọng. Bạn phải có một tâm hồn bén nhậy, một trái tim nồng nàn cảm thông, không với đường lối riêng biệt nào, không phải là sự xúc động tới lui bất chợt, mà là sự nhậy cảm sâu xa từ trong tâm hồn, bằng mắt, bằng tai, bằng giọng nói tiếng cười, bằng toàn thể con người của bạn. Bạn phải là người luôn luôn nhậy cảm, bất cứ lúc nào.
Trừ phi bạn thật là nhậy cảm, nếu không, sẽ không thể có trí tuệ. Trí tuệ chỉ tới với sự nhậy cảm và quan sát.
Krishnamurti -- The Book of Life
SỰ THỨC TỈNH HÓA GIẢI MỌI VẤN ĐỀ
Sự suy nghĩ hiển nhiên là đã bị điều kiện hóa; không có cái gọi là suy nghĩ tự do. Suy nghĩ không bao giờ có thể được tự do, mà nó thoát thai từ một quá trình được tôi luyện lâu dài với những quan điểm về văn hóa, đời sống, xã hội, kinh tế, chính trị của chúng ta. Mỗi điều suy nghĩ của bạn đều phải là kết quả được rút ra từ chính những cuốn sách mà bạn đã đọc, từ chính những điều mà bạn đã lãnh hội, đã thực hiện. Cho nên nếu chúng ta có thể nhận ra -- và ngay bây giờ đây nếu chúng ta có thể thấy điều đó được biểu thị, thấy ý nghĩa của nó, thấy rõ -- may ra chúng ta có khả năng cởi bỏ được sự thằng thúc tư tưởng mà không cần phải tận lực, không cần phải dùng đến ý chí quyết tâm. Bởi vì ngay khi bạn quyết tâm, thì lập tức có ngay một thực thể xuất hiện để đòi hỏi, một thực thể phát biểu ý kiến: "Tôi phải làm cho tâm trí tôi thoát được hoàn cảnh bị điều kiện hóa". Cái thực thể phát biểu đó chính là hiện thân của niềm khao khát gặt hái thành quả nào đó của chúng ta, như thế, sự xung đột vẫn còn y nguyên đó. Vậy thì, liệu có thể có sự nhận thức, chỉ thuần túy nhận thức, về tình trạng bị điều kiện hóa của chúng ta chăng? -- được vậy thì sẽ không có sự xung đột, va chạm trong nội tâm.
Chính sự thức tỉnh thuần túy đó, nếu được, sẽ có thể hóa giải mọi vấn đề.
Collected Works of J. Krishnamurti, vol. IX, p. 35
QUAN SÁT COI TẬP QUÁN HÌNH THÀNH RA SAO
Không thoát ra khỏi được sự ám ảnh của quá khứ, sẽ chẳng thể nào có tự do, bởi vì tâm hồn sẽ không thể mới mẻ, tươi mát, hồn nhiên. Chỉ có cái tâm hồn tươi mát, hồn nhiên là được tự do thôi. Tự do chẳng liên hệ gì với tuổi tác, chẳng liên hệ gì đến với kinh nghiệm, và theo ý tôi thì dường như điều cốt tủy để có tự do nằm ngay trong sự thấu hiểu guồng máy tập quán, thói quen, từ ý thức tới vô thức. Đây không phải là câu hỏi làm thế nào để chấm dứt được thói quen, nhưng là nhìn rõ cấu trúc của nó. Bạn phải quan sát coi thói quen hình thành ra sao và sự kiện chối bỏ hoặc chống lại thói quen thì lại tạo ra một thói quen khác như thế nào. Cần phải rất sáng suốt để ý thức được tập quán, nhờ vậy, bạn sẽ nhận ra rằng tập quán sẽ không còn hình thành được nữa. Chống đối thói quen, tiễu trừ nó, chối bỏ nó, chỉ là sự tiếp nối của thói quen. Khi bạn chống lại một thói quen là bạn đã cho phép một thói quen mới hình thành, và chính sự chống đối đó bây giờ lại trở thành một thói quen mới. Nhưng nếu bạn chỉ đơn thuần nhận thức được toàn bộ cấu trúc của tập quán mà không khởi tâm chống đối, bạn sẽ thấy được sự giải thoát khỏi tập quán, và trong cảnh giới tự do, khai phóng ấy, điều mới mẻ xuất hiện.
Chỉ có những đầu óc trì trệ, mơ mơ màng màng mới tạo ra và bám chặt vào thói quen. Một tâm hồn tỉnh thức từng giây, từng phút -- chăm chú nghe từng lời, chăm chú vào hoạt động của đôi tay, của sự suy nghĩ, của những cảm giác -- sẽ phát hiện được rằng sự hình thành một thói quen mới đã chấm dứt.
Đây là sự kiện rất quan trọng cần thấu triệt, bởi vì khi tâm trí phá vỡ một thói quen, thì ngay chính trong quá trình đó, nó tạo nên một thói quen khác, như thế, chẳng bao giờ nó được giải thoát khỏi thói quen cảû. Nhưng mà, chỉ có một tâm trí đã giải thoát, hoàn toàn tự do, không bị thói quen choán chỗ, thì mới có khả năng lãnh hội điều vượt quá giới hạn của nó được.
Collected Works of J. Krishnamurti, vol. XIII, p. 240
TÌNH YÊU
Chúng ta không thể nói ngay lập tức tình yêu là cái gì, bởi vì tình yêu không phải là loại có thể sẵn sàng cho ta giải thích bằng ngôn từ. Không dễ dàng thế đâu. Ấy vậy mà không có tình yêu thì đời sống sẽ rất khô khan, hiu quạnh, không có tình yêu thì cây cối, chim chóc, nụ cười, cây cầu bắc ngang sông, người lái đò, loài vật, v . v ., sẽ chẳng có nghĩa gì cả. Không có tình yêu, cuộc đời là cái hồ cạn nước. Sự phong phú dưới lòng sông sâu đã nuôi sống biết bao nhiêu loài thủy tộc; nhưng cái hồ cạn thì chẳng bao lâu sẽ khô khốc dưới ánh nắng mặt trời, chẳng còn lại gì ngoài bùn và rác.
Đối với phần đông chúng ta, tình yêu là cái gì quá mức khó hiểu, bởi vì đời sống của chúng ta rất là nông cạn. Chúng ta muốn được yêu, đồng thời chúng ta cũng muốn yêu, và phía sau từ ngữ "yêu", thấp thoáng có nỗi niềm e sợ ẩn hiện. Vậy thì, liệu không phải là điều rất quan trọng đủ khiến cho mỗi người trong chúng ta phải tìm hiểu coi cái sự kiện đặc biệt này thực tế là cái gì chăng?
Chúng ta chỉ có thể tìm ra lời giải đáp nếu chúng ta nhận thức rõ được cách chúng ta quan tâm tới mọi người, cách chúng ta để ý tới cây cối, sinh vật, kẻ xa lạ, kẻ đói khát ra sao. Chúng ta phải nhận thức rõ được cách chúng ta quan tâm tới bè bạn, tới bậc thầy, nếu chúng ta có, hoặc là cung cách chúng ta quan tâm tới cha mẹ của chúng ta như thế nào.
Jiddu Krishnamurti -- On Love and Loneliness -- With young people in India -- Harper San Francisco
NGUYÊN NHÂN CHÍNH CỦA BẠO LỰC
… " … Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chính của bạo lực là vì từ trong thâm tâm, mỗi người chúng ta đều tìm kiếm điều bảo đảm an ninh cho mình. Trong mỗi chúng ta, niềm khao khát an ninh -- cái cảm giác an ổn -- đã phóng ra sự đòi hỏi để đạt cho bằng được.
Chắc chắn là từ đáy lòng, mỗi người trong chúng ta đều mong mỏi được an toàn, nhất định là như vậy. Đó là lý do chúng ta có các loại luật hôn nhân này, để chúng ta có thể chiếm hữu một người đàn bà, hoặc một người đàn ông, và được an toàn trong mối quan hệ vợ chồng của chúng ta. Nếu mối quan hệ đó bị xâm phạm, chúng ta trở nên thô bạo, đó là nhu cầu tâm lý, là sự đòi hỏi từ nội tâm, để cho mối quan hệ này được bền chặt trước mọi sự.
Khốn nỗi, chẳng có cái gì trên đời này được coi là chắc chắn, bền vững trong bất cứ mối quan hệ nào. Từ đáy lòng, về mặt tâm lý, chúng ta muốn được an toàn, bền vững, nhưng chẳng có cái gì được coi là an toàn, bền vững mãi mãi ...
Vì vậy, tất cả những nỗi bất an đó chính là những nguyên nhân gây ra sự tàn bạo hiện đang lan tràn, hoành hành trên khắp thế giới .
Tôi nghĩ rằng bất cứ ai đã quan sát, dù chỉ sơ sơ, những chuyện đang xẩy ra khắp hoàn cầu, và nhất là trên đất nước bất hạnh này, thì chẳng cần phải có một sự hiểu biết sâu xa, uyên bác, cứ tìm kiếm những điều này nơi bản thân, mà khi phóng chiếu ra, nó chính là những nguyên nhân của sự tàn bạo, chai đá, thờ ơ lãnh đạm và hung dữ vượt mức này …
Collected Works of J. Krishnamurti, 17 Vols. Dubuque, IA: Kendall/Hunt publishing, 1991,1992
No comments:
Post a Comment