Krishnamurti: LẮNG NGHE NỘI TÂM BẠN
Hỏi :
Trong lúc ngồi tại đây nghe ông nói thì có vẻ như là tôi hiểu, nhưng khi ra khỏi đây, tôi lại chẳng còn hiểu gì cả, dù rằng tôi đã cố áp dụng theo những lời ông nói.
Krishnamurti :
. . . Bạn hãy lắng nghe từ tâm bạn, chứ đừng nghe theo lời diễn giả. Nếu bạn nghe theo diễn giả thì hắn ta sẽ trở thành kẻ lãnh đạo của bạn, sẽ trở thành đường lối để bạn hiểu biết -- điều đó quả là khiếp hãi, ghê tởm, bởi vì như vậy là bạn đã thiết lập một đẳng cấp của thẩm quyền. Cho nên công việc của bạn tại đây là hãy lắng nghe từ chính tâm bạn. Bạn đang nhìn vào hình ảnh mà diễn giả vẽ lên, đó là hình ảnh của chính bạn chứ không phải là hình ảnh của diễn giả. Nếu bạn đã hiểu rõ rằng bạn đang nhìn vào chính bạn, vậy thì bạn có thể nói, " À há, tôi thấy rõ chính tôi, tôi không cần làm gì khác về "cái tôi" đó nữa" -- thế thì kể như là xong chuyện. Nhưng nếu bạn nói, "Tôi thấy rõ chính tôi, và phải có sự thay đổi," và bạn bắt đầu giải quyết theo với sự hiểu biết của chính bạn -- điều đó hoàn toàn khác hẳn vớisự áp dụng những điều diễn giả nói. . . Nếu trong khi diễn giả nói mà bạn cũng nghe cả tiếng nội tâm bạn thì ngoài sự nghe đó ra còn có sự trong sáng, còn có sự nhậy cảm; ngoài sự nghe đó tâm trí trở nên lành mạnh, vững vàng.
Không nhắm mắt tuân theo, không chống đối, tâm hồn trở nên sống động, mẫn cảm -- và chỉ có lớp người như thế mới có thể tạo dựng một thế hệ mới, một thế giới mới.
-
Collected Works of J. Krishnamurti, Vol. XV, p. 239
Danny Việt dịch
Khi lắng nghe tâm được buông xả
Có người đang nói và bạn lắng nghe. Chính cái hành động lắng nghe đó làm cho tâm bạn được buông xả. Khi bạn thấy một sự vật, ngay chính nhận thức của nhìn giải tỏa bạn khỏi sự vật. Chính sự nghe, chính sự nhìn vào thực thể tự nó có hiệu quả phi thường không cần đến sự cố gắng của suy nghĩ .
. . . Chúng ta thử xét một chuyện -- thí dụ tham vọng. Chúng ta đã biết quá rõ về tham vọng, nó làm chuyện gì, hậu quả ra sao rồi. Một lòng dạ đầy tham vọng thì không bao giờ biết đến cái gì là cảm thông, thương xót, yêu đương. Một tâm hồn đầy tham vọng là một tâm hồn tàn nhẫn -- hoặc thuộc về tinh thần, hay là đối với ngoại cảnh, hoặc trong nội tâm. Chúng ta đã nghe nói như vậy. Nghe như vậy, cho nên ngày nay, khi nghe nói về tham vọng, chúng ta diễn dịch thành: "Làm sao mà tôi có thể sống trong cái thế giới này, cái thế giới đã được xây dựng bởi tham vọng." Như thế là bạn đã không nghe. Bạn đã trả lời ngay, bạn đã phản ứng với lời phát biểu, với sự kiện, cho nên bạn đã không nhìn rõ được chính sự kiện. Bạn chỉ diễn dịch sự kiện hoặc đề ra một ý kiến về sự kiện, hoặc đáp ứng sự kiện; cho nên bạn đã không thấy rõ sự kiện. . . .
Nếu người ta chịu lắng nghe -- chỉ lắng nghe trong cung cách không có bất cứ sự đánh giá, nhận xét, phản ứng, ý kiến nào -- khi đó chắc chắn là thực tế sẽ nẩy sinh ra năng lực để xua tan, xóa bỏ, quét sạch cái ý nghĩ về tham vọng vốn gây nên mâu thuẫn . . .
Chú ý mà không chống đối
Bạn hẳn đã biết khoảng không là gì. Trong phòng này có khoảng không. Khoảng cách từ đây tới quán trọ của bạn, từ cây cầu tới nhà bạn, từ bờ sông bên này tới bờ bên kia -- tất cả đều là khoảng không. Bây giờ tôi xin hỏi rằng có khoảng không nào trong tâm bạn không? Hay là nó quá chật cứng đến nỗi không còn lấy một khe hở? Nếu tâm bạn có khoảng trống, thì trong khoảng trống đó có sự an tịnh -- và vì có sự an tịnh đó mà mọi thứ khác có thể xen vào được, nhờ thế bạn có thể lắng nghe, bạn có thể chú ý mà không có sự phản kháng. Do đó, sự có khoảng trống trong tâm là rất cần thiết. Nếu tâm bạn không quá đầy ắp, không bị bận rộn suy nghĩ liên lục, thì nó có thể lắng nghe tiếng chó sủa, tiếng đoàn xe lửa chạy qua cầu từ xa, đồng thời cũng nhận thức được rõ ràng điều một người đang nói tại đây. Tâm trí khi đó hoàn toàn sống động, nên không bị mất tác dụng.
Chú ý mà không cố gắng
Có sự chú ý mà tâm không bị cuốn hút vào chăng?
Có sự chú ý mà không tập trung vào một đối tượng chăng?
Có sự chú ý mà không có bất cứ loại động lực, ảnh hưởng, hoặc ép buộc nào chăng?
Cái tâm có thể hoàn toàn chú ý mà không có một cảm giác bị ngăn cản nào chăng?
Chắc chắn là nó làm được, và đó chính là tình trạng chú tâm độc nhất, ngoài ra chỉ là sự nuông chiều hoặc mánh lới của cái tâm. Nếu bạn có thể hoàn toàn chú tâm mà không bị lôi cuốn vào cái gì, không có cảm giác bị ngăn cản nào, bạn sẽ biết thế nào là thiền định, bởi vì trong sự chú tâm đó, không có cố gắng, không có phân chia, không có nỗ lực, không có tìm tòi kết quả.
Tóm lại, thiền định là một quá trình khai phóng tâm linh ra khỏi sự ràng buộc của mọi loại hệ thống, và là sự chú tâm mà không bị lôi cuốn hoặc cố gắng để tập trung tư tưởng.
Krishnamurti -- The Book of Life
No comments:
Post a Comment