Krishnamurti: CẢM XÚC CÓ VAI TRÒ GÌ TRONG ĐỜI SỐNG ?
Những cảm xúc hình thành bằng cách nào? Rất đơn giản. Chúng hình thành qua sự kích thích, qua bộ thần kinh. Bạn châm kim vào tôi, tôi nhẩy dựng lên. Bạn khen ngợi tôi, tôi thấy thú vị. Bạn sỉ nhục tôi, tôi không thích. Qua các giác quan của chúng ta, cảm xúc hình thành. Và phần đông chúng ta, hiển nhiên là chúng ta hành động dựa theo cảm xúc của khoái lạc, bạn ạ.
Bạn muốn được thừa nhận như là một người Ấn giáo. Thế là bạn đã thuộc về một nhóm, một cộng đồng, một truyền thống, dù là truyền thống cổ xưa; và bạn thích thế, với Áo Nghĩa Thư, và với cả núi truyền thống cổ điển. Người Hồi giáo thì cũng vậy, họ thích cái của họ, vân vân. Cảm xúc của chúng ta hình thành từ sự kích thích, từ môi trường sống, vân vân, thật là quá rõ.
Vậy thì, trong đời sống, cảm xúc có vai trò gì?
Cảm xúc là đời sống chăng? Bạn nhận ra không? Tình yêu là lạc thú chăng? Tình yêu là thèm muốn chăng? Nếu cảm xúc là tình yêu thì sẽ có sự thay đổi liên tục, phải vậy không? Bạn thấy rồi chứ ?
Vậy thì người ta cần phải nhận thức được rằng xúc động, tình cảm, nhiệt tình, cảm tưởng tốt đẹp, vân vân, tất cả những điều đó đều chẳng dính dáng gì với tình yêu thương và lòng trắc ẩn chân thật.
Tất cả những tình cảm, xúc động mà phải qua sự suy nghĩ tính toán thì rồi ra cũng sẽ đưa tới khoái lạc và đau khổ. Tình yêu thuần túy thì không có đau khổ và phiền muộn hối tiếc, bởi vì nó không phải là kết quả của lạc thú hoặc khát vọng.
Hỏi :
- Tại sao chúng ta cảm thấy thấp kém khi đối diện những người bề trên của chúng ta?
Krishnamurti đáp :
- Bạn coi ai là những bề trên của bạn? Những người hiểu biết chăng? Những người có chức tước hoặc bằng cấp chăng? Những người mà bạn muốn xin xỏ họ điều gì đó, đại khái như phần thưởng hoặc địa vị chăng? Ngay khi mà bạn coi ai đó là bề trên, thì đồng thời phải chăng bạn đã coi người khác nào đó là thấp kém?
Tại sao chúng ta lại có cái chuyện phân chia người trên kẻ dưới này? Nó chỉ tồn tại khi chúng ta muốn điều gì đó, phải vậy không? Tôi cảm thấy không thông minh bằng bạn, không có nhiều tiền bạc hoặc khả năng như bạn, không có hạnh phúc như là cái vẻ hạnh phúc của bạn, hoặc là tôi muốn xin bạn cái gì, thế là tôi cảm thấy mình thấp kém hơn bạn. Khi tôi khởi tâm ganh tị với bạn, hoặc cố gắng bắt chước bạn, hoặc muốn xin bạn cái gì, thế là lập tức tôi trở thành thấp kém hơn bạn, bởi vì tôi đã nâng bạn lên bệ, tôi đã dâng bạn cái thế thượng phong. Cho nên, về mặt tâm lý, từ đáy lòng, tôi tạo ra cả hai vị trí, người bề trên và kẻ thấp kém; tôi tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa người có và kẻ không có.
Giữa con người với nhau, đã có một sự bất bình đẳng lớn lao về khả năng, phải vậy không? Có người thì thiết kế máy bay, có kẻ thì lặn lội cầy bừa. Những sự khác biệt lớn lao này về khả năng tri thức, ngôn từ, thể chất là chuyện không thể tránh. Nhưng như bạn thấy, chúng ta đã coi một số chức vụ nào đó là có ý nghĩa lớn lao, phi thường. Chúng ta đánh giá các chức vụ thống đốc, thủ tướng, nhà phát minh, khoa học gia, là những nhân vật quá sức quan trọng so với người làm công; rồi thì chức vụ thành ra địa vị trong xã hội. Khi mà chúng ta còn cho một số chức vụ những địa vị thì chắc chắn vẫn còn có quan niệm về sự bất bình đẳng, và khoảng cách giữa những người có khả năng với những người không có sẽ chẳng thể nào nối liền được. Nếu chúng ta có thể tước bỏ địa vị của chức vụ thì cái cảm tưởng về bình đẳng thực sự mới có cơ hội xuất hiện. Muốn thế, phải có tình yêu thương, bởi vì chính tình thương yêu này sẽ phá tan cái quan niệm về kẻ hạ đẳng và người thượng cấp.
Trên thế giới, người ta phân biệt ra thành một phía là những người có -- có của cải, có quyền lực, có khả năng, những người có đủ mọi thứ -- và một phía là những người không có gì cả. Vậy thì chúng ta có thể nào xây dựng được một thế giới trong đó không tồn tại sự phân chia giữa "những người có" và "những người không có" chăng?
Thật sự thì chuyện đang xảy ra là, nhìn thấy cái lỗ hổng, cái hố sâu ngăn cách giữa người giầu và kẻ nghèo, giữa người đầy khả năng và kẻ có ít, hoặc không có chút khả năng nào, các nhà chính trị và kinh tế đang cố gắng giải quyết vấn đề qua sự cải tổ kinh tế và xã hội. Điều đó cũng có thể là tốt đấy. Tuy nhiên, một sự chuyển biến triệt để sẽ không thể xảy ra khi mà chúng ta còn chưa hiểu thấu toàn bộ quá trình thù nghịch, ganh tị, ác tâm; để mà thấy rằng chỉ khi nào cái quá trình này được cảm thông và chấm dứt, thì tình thương yêu mới có thể nẩy nở trong lòng chúng ta.
Krishnamurti – Life Ahead
No comments:
Post a Comment