Reading Book
| |
|
Lời ngỏ…
TTO - Mở cửa - phía trước bạn có thể là một bầu trời, một con đường hay một lối đi…Mở cửa - một dòng sông, một con tàu và những hồi còi dài có thể làm bạn nao lòng cho chuỗi hải trình đầy xao động…
Chúng tôi, những người thực hiện quyển sách này đã trải qua những phút giây tuyệt vời ấy và cũng như bạn, từng tiếng còi tàu, từng bến sông qua, từng hải trình dài và những cuộc chia xa… luôn gợi mở trong chúng ta những ước mơ rạo rực.
Những nhân vật cụ thể trong quyển sách này tình cờ đến và góp mặt theo lời đề nghị về một ý tưởng của Tuổi Trẻ. Có những người được định danh theo một ý tưởng tiếp cận "người làm thuê số 1", có những người đã thành công chói sáng, có những người đang là niềm hi vọng cho tài năng Việt… Họ xuất hiện nơi đây như những người bạn và món quà họ mang theo là những câu chuyện của chính bản thân mình.
Rằng họ không đến để được tuyên dương như một "người số 1" mà xuất hiện như một gợi ý bên ngoài cánh cửa căn phòng mà mỗi ngày bạn mở tung với những hi vọng, khát khao và rất nhiều suy tưởng - của một lứa tuổi kiếm tìm. Hầu hết, họ đã qua những trải nghiệm về ước mơ và hi vọng như bạn.
Chúng tôi muốn bạn cùng lắng nghe câu chuyện mà họ kể, những điều mà họ nghĩ suy, cách thức mà họ bước đi và giữ được ngọn lửa trong lòng mình trước mọi cám dỗ hay khó khăn của cuộc đời…
Để đến khi gấp sách lại, bạn biết rằng, những người thành đạt ngày hôm nay cũng đã từng vấp phải những trở ngại tưởng chừng không qua được - nhưng phút giây ấy, cách ứng xử thường gặp nhất ở họ là đứng lên bằng một ý chí và tinh thần Việt mạnh mẽ, kiên cường.
Điều mà những người làm sách này mong mỏi gửi đến bạn là giữa phút tình cờ nhất của cuộc đời, giữa những kiếm tìm đầy khát khao về một con đường, một lối đi, một tia sáng… có thể, bạn sẽ bất ngờ gặp được một gợi ý nhỏ từ trong chính câu chuyện của những nhân vật này. Một câu nói, một hành vi, một lời sẻ chia… có thể là tia lửa nhen lên trong bạn một ý tưởng, giúp bạn có thêm một niềm tin, một ý chí, một sức mạnh… để đi đến tận cùng con đường mà mình đang kiếm tìm hay chọn lựa giữa cuộc đời này.
Vậy thì cho dù bạn đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi mong muốn bạn hãy nuôi một khát vọng lớn, một niềm tin lớn và vạch ra một kế hoạch lớn cho cuộc đời - bắt đầu từ ngày hôm nay. Và nếu có trở ngại, hãy tự tin đứng dậy và bước đi, bước đi với một tinh thần Việt đầy tự hào và tin tưởng. Rồi mai này, chúng tôi muốn nghe câu chuyện về những thành công lạ kỳ từ phía bạn của ngày hôm nay…
Ấy là chúng ta đang góp phần vẽ nên một tương lai Việt vậy!
TIẾN HÙNG - TRẦN NGUYÊN
Người "của" Bill Gates
TTO - Từng làm giám đốc giải pháp cho Tập đoàn Intel VN và bây giờ là giám đốc marketing của Microsoft VN, lương khoảng 40.000 USD/năm, là người VN duy nhất tổ chức cuộc gặp giữa người "giàu nhất hành tinh" - Bill Gates - và Thủ tướng Phan Văn Khải tại Mỹ vào tháng 6-2005, Trịnh Thanh Lâm là đại diện một lớp người trẻ VN tham gia trực tiếp công việc kinh doanh của những tập đoàn đa quốc gia...
Vật lộn với Intel!
Gốc gác ở Hải Dương, như câu tự giới thiệu sau này với nhiều người bạn ("Tôi từ quê ra!"), Trịnh Thanh Lâm lớn lên ở chốn quê nhà hiền lành rồi vào đại học thời bao cấp. Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện buôn bán, thế nhưng kinh doanh là công việc đầu tiên mà Trịnh Thanh Lâm bước vào sau khi tốt nghiệp ngành toán - Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1988. Lúc đó đã có quyết định giữ Thanh Lâm ở lại trường nhưng kẹt vấn đề biên chế. Thời ấy, cử nhân toán học như anh chỉ có thể hưởng nửa mức lương so với những người trong biên chế, vậy là vào đời để tự mưu sinh bằng cách... đi buôn gạo! Thời bao cấp cũng là thời gạo châu củi quế, miền xuôi còn hiếm huống chi miền ngược. Gạo được Lâm mua từ Hải Dương vận chuyển lên Cao Bằng bán lại cho bà con mong kiếm vài đồng lời nuôi thân. Sau một năm xuôi ngược hàng ngàn cây số, đổ mồ hôi sôi nước mắt, kết quả... lỗ hơn một lượng vàng! Anh chàng cử nhân toán lắc đầu ngao ngán mà trở lại giảng đường Trường Tổng hợp nhận nửa suất lương...
Trong cái rủi luôn có cái may. Khi trở về trường, bỗng một hôm có đoàn cán bộ bên học viện quân y sang trường làm việc, họ muốn trường giúp cho một người biết về máy vi tính. Số là họ vừa được tặng thưởng một chiếc máy tính đời 286 mà không biết sử dụng ra sao. Thế là người rảnh rang nhất được cử đi giúp học viện quân y. Lâm được cử đi. Câu hỏi duy nhất mà anh phải trả lời ông trưởng phòng tổng hợp của học viện quân y là: "Anh có biết hết các phím trên cái máy tính này không?". "Dạ biết!". Và Lâm trở thành "chủ nhân" của phương tiện máy tính tối tân nhất vào thời điểm tháng 2-1990 của học viện.
Năm năm sau, một cơ hội tuyệt vời mở ra với Lâm khi anh được chọn sang Nhật học bốn tháng về công nghệ thông tin (CNTT). Thật ra, CNTT lúc ấy ở Nhật đã là một trời một vực với chiếc máy tính đơn lẻ mà anh từng là bậc thầy. Lần đầu tiên Lâm quen với khái niệm "hệ thống dữ liệu", "kết nối mạng"... Nhật Bản thời ấy đã làm được những bước nhảy vọt có thể gây choáng cho bất cứ quốc gia nào: họ đã sản xuất được máy tính, đã lập được hệ điều hành, vi xử lý riêng với khát vọng nối mạng toàn cầu. Lâm bắt đầu tự học với các dạng ngôn ngữ lập trình cấp thấp và cứ cảm thấy chồn chân trước những gì mà nền CNTT Nhật Bản đang có. Một người bạn cười và khuyên anh: "Hãy bình tĩnh mà đi tới, bởi Nhật Bản đã như ông già 60 tuổi, còn VN trong lĩnh vực này chỉ là một em bé mới sinh...". Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn Lâm đã được chứng kiến cảnh "ông già 60 tuổi" kia đã phải chấp nhận để một "anh chàng người Mỹ" làm thay cái việc nối mạng toàn cầu. Sự kiện này đã làm Lâm suy nghĩ rất nhiều: chưa hẳn người VN không thể bắt kịp tri thức CNTT của thế giới... Thời điểm này - 1997, Tập đoàn Intel mở văn phòng tại VN, một cơ hội mới đang chờ đón một người trẻ VN...
Lâm kể lại: "Thời điểm đó tôi đang đi dạy ở thành phố Vinh, Nghệ An. Nghe tin Tập đoàn Intel đang cần một người nghiên cứu các giải pháp cho khách hàng VN. Họ đã phỏng vấn đến 12 người mà chưa chọn được, tôi quyết liều một phen đăng ký phỏng vấn đến ba vòng. Tôi còn nhớ hình ảnh thật tức cười trong tình huống cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra bằng... tay, ai nói người đó hiểu. Nói mãi, nói mãi rồi người Mỹ phụ trách phỏng vấn cũng biết lờ mờ rằng tôi có kiến thức về CNTT nên phán: "Mày chắc được rồi, chỉ có tiếng Anh tệ quá!".
Đi làm. Thử thách kinh khủng nhất đối với Lâm là khi nghe tiếng chuông điện thoại. Lâm cứ thấy bủn rủn cả người mỗi khi tiếp những cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi sang bởi vốn tiếng Anh ít ỏi của mình. Mà cái gì mình sợ thì cứ tới liên tục. Điện thoại từ nước ngoài tới tấp gọi về! Đi họp cũng lại sợ, một sếp người Singapore nói: "Cái gì không biết mày cứ hỏi tao". Anh đáp thật tình: "Cái gì tao cũng không biết". Anh này trợn mắt, nhún vai và lắc đầu...! Lúc đó Lâm đã 31 tuổi, cái ấm ức của tuổi đáng ra đã phải yên bề công danh khiến anh thấy chỉ có một lối thoát duy nhất: học, học và học!
Hai năm đầu làm việc cho Intel, Lâm không còn thời gian nào dành cho mình và gia đình. Mỗi ngày phải học từ 12-14 giờ, người cứ căng ra, cái mẹo duy nhất để tránh nỗi sợ hãi khi nhận điện thoại từ nước ngoài là câu nói thuộc lòng bằng Anh ngữ: "Mày cứ gửi mail sang cho tao!". Một lần giám đốc người Anh ở Singapore điện sang nhờ mua giùm mấy cái "table cloths" (khăn trải bàn) ở khu du lịch Hội An, nhưng Lâm nghe ra là "table clock" (đồng hồ để bàn) nên nhờ người quen tìm khắp Hội An để mua... đồng hồ để bàn. Tìm không ra, anh mail sang báo thì vị giám đốc ngớ ra cười ầm và bảo: "Làm với Intel mà dốt tiếng Anh là không được, cho dù mày giỏi vi tính cỡ nào. Tao gửi mày 5.000 USD để học tiếng Anh, phải học cho đàng hoàng".
Số tiền này đủ cho 100 giờ học tiếng Anh ở Hội đồng Anh kiểu một thầy một trò. Cánh cửa khó nhất được mở ra với Lâm, với một kinh nghiệm mới khi làm việc với các tập đoàn lớn: "Đừng giấu dốt, bạn sẽ được giúp đỡ!". Sau hai năm, kết quả xếp loại hằng năm của Lâm từ trung bình dần tăng lên khá giỏi, rồi đến lúc anh được bình chọn vào hạng "outstanding" mà cả Intel châu Á chỉ có Lâm và một người Trung Quốc đạt được!
Con đường đến với "người giàu nhất hành tinh!"
Không phải ngẫu nhiên mà Tập đoàn Microsoft "mua" Trịnh Thanh Lâm về trong thời điểm tháng 1-2005. Công việc chính thức dài lâu mà tập đoàn của ông trùm Bill Gates giao cho Lâm là giám đốc marketing cho Microsoft tại VN, nhưng một nhiệm vụ đặc biệt đang chờ anh trước mắt: là người VN duy nhất của Microsoft có mặt để dẫn chương trình và phiên dịch cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Bill Gates trong chuyến viếng thăm lịch sử của Thủ tướng tới Mỹ vào tháng 6-2005! Và vinh dự hơn là những gì mà con người giàu nhất hành tinh này đã chuẩn bị cho cuộc gặp với Thủ tướng VN một cách trân trọng nhất, với cả băngrôn bằng tiếng Việt: "Chào mừng Thủ tướng Phan Văn Khải" - điều ít thấy ở một nơi mà 100% sử dụng Anh ngữ...
39 tuổi đời, dáng vẻ phong trần, chân tình, không cầu kỳ, không điệu đàng dù cho anh đang là "người nhà" của Bill Gates. Sự thay đổi công việc lần này đối với Lâm không khó khăn như thời anh bước chân vào Intel vì anh đã có "cái giá" của mình. Lâm nói đơn giản và khá hài hước về mình: "Thật ra có vài khác biệt. Ở Intel, tôi làm chuyên gia phần cứng, nhưng về với Microsoft tôi phải làm chuyên gia phần mềm, phải hoạch định được hướng tiếp cận và khai thác thị trường... Tất cả điều đó không quan trọng một khi bạn đã tự trang bị cho mình những chuẩn mực mang đẳng cấp quốc tế trong công việc. Giờ đây tôi có thể thoải mái làm mọi việc tại VN hay Singapore, Ấn Độ hay Hoa Kỳ mà không còn lo sợ điều gì như thời mới về Intel...".
Bây giờ "cậu bé nhà quê" năm xưa đã lịch lãm comlê ngon lành trong chiếc Mercedes C240 bóng loáng rong ruổi khắp phố phường Hà Nội hay có mặt trên những khoang máy bay thượng hạng bay đi khắp năm châu với "thương hiệu": người của Bill Gates... Nhưng điều mà anh thích nhất là một buổi chiều thật rảnh rỗi, bạn bè "alô" một tiếng đi cà phê hay uống vài cốc bia; hoặc về quê nhà quây quần bên mâm cơm với những người nông dân và nói đủ thứ chuyện trên đời. Biết đâu, câu chuyện tiến thân cũng như những nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua những trở ngại của Lâm sẽ gieo vào lòng những đứa trẻ nhà quê nào đó một ngọn lửa khát vọng, rằng một ngày nào nó cũng sẽ được đi xa như chú Lâm và câu chuyện cổ tích "ngày xửa, ngày xưa... " sẽ trở thành sự thật!...
TIẾN HÙNG - TRẦN NGUYÊN
Cậu bé nghèo và giấc mơ Liên Hiệp Quốc
TTO - Có một câu chuyện "thần kỳ" về cậu bé đói rách khổ nghèo một ngày nào đó bừng mở mắt và hóa thành một trong 50 sinh viên giỏi nhất thế giới, được dự cuộc gặp gỡ với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, chủ tịch UNICEF, tổng biên tập tạp chí Time…
Cậu bé đó chính là Huỳnh Minh Việt, sống với ước mơ giành được một chỗ ngồi tại trụ sở Liên Hiệp Quốc để "giúp được nhiều hơn cho xứ sở của mình…".
Từ xóm Gò Nổi, có một người cha cứ đến mùa tựu trường lại dẫn thằng con trai bé choắt của mình đến ngôi trường mới và năn nỉ với bất kỳ một nhà nào đó gần trường. Câu năn nỉ ấy bao giờ cũng như vầy: "Thằng con tui nó muốn đi học nhưng nhà tui nghèo lắm, ông bà hãy rộng lòng cho tôi gửi nhờ để nó được ăn học, tui không bao giờ quên ơn được".
Câu chuyện này lặp đi lặp lại từ năm lớp 4 cho tới lớp 10 và nó trở thành câu trả lời trong buổi phỏng vấn xin học bổng ASEAN của Việt sau này: "Đã có quá nhiều người giúp em và em muốn được đi du học để trở về giúp đỡ những đứa trẻ quê nghèo khó như em hồi xưa vậy!". Câu trả lời này đã giành được một suất học bổng và cuộc đời của đứa trẻ Gò Nổi sang trang như một phép mầu. Vậy là cậu gói ghém hành trang sang Singapore, lần này thì cha cậu có giỏi cách mấy cũng không thể gửi cậu cho ai được. Việt phải bắt đầu tự lo hết mọi thứ cho tương lai của mình…
Từ chối làm người… nước ngoài
Sang Singapore, anh chàng ốc tiêu này xoay xở với một cuộc sống mới, vật giá cao gấp nhiều lần, cuối cùng tìm được chân phụ giảng ở Trường trung học Anglo Chinese để có thêm thu nhập... Tốt nghiệp trung học, Việt ngần ngừ trước học bổng toàn phần bậc đại học của Chính phủ Singapore, đơn giản là vì kèm theo đó là yêu cầu nhập quốc tịch Singapore. "Tôi không muốn làm người nước ngoài, vì mình chưa báo hiếu cha mẹ được ngày nào... và chưa đóng góp được gì cho quê hương". Quyết định như thế, Việt bắt tay vào việc "săn" học bổng mà không nhờ cậy Chính phủ Singapore. Một bộ hồ sơ hoàn chỉnh với những thành tích và kinh nghiệm chuyên môn đã mang Việt đến cửa Trường đại học Stanford, nơi sản sinh ra những nhân tài cho Yahoo và Google...
Rồi đột ngột một ngày năm ngoái, người ta thấy anh chàng nhà quê ngày nào dẫn theo quá chừng "ông tây, bà đầm" về khám bệnh, phát thuốc cho bà con nghèo ở rừng Cúc Phương trong một dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Và hè này Việt lại xuất hiện tại trụ sở của Ngân hàng Thế giới để làm thực tập sinh…
Sống ở nước ngoài gần 10 năm nhưng tướng mạo Việt trông vẫn quê mùa như thửa ruộng: dáng người nhỏ xíu xiu, da đen sạm và giọng đặc sệt chất Quảng. Anh chàng thật thà: "Hồi mới qua Singapore theo học bổng ASEAN, mình phải tập nói giọng Bắc và cả giọng Nam vì bạn bè người Việt không ai nghe được giọng quê mình cả. Nhưng giọng nói đã ăn vào máu rồi nên cũng không sửa được, cuối cùng thì nó thành một món "đặc sản" của riêng mình, hết sức tự hào được giới thiệu với mọi người địa chỉ nhà: xóm Gò Nổi, thôn Thi Phương, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam".
Việt khoe ra hàng loạt bức ảnh về những ngày Cúc Phương: "Cái gọi là kỷ niệm thì kể hoài không hết. Đến giờ vẫn còn nhớ y nguyên cảm giác sáng sáng cả nhóm lỉnh kỉnh balô, túi xách lội bộ vào đến các thôn nằm sâu trong núi, nơi nào có trạm xá thì thuận tiện hơn, nơi nào chưa có trạm xá thì đành mượn tạm một ngôi nhà trong làng. Điều hạnh phúc nhất là khi bọn mình đến, lúc nào người dân cũng đã chờ sẵn và rất háo hức...". Năm nay, Việt lại kêu gọi "bà con" trong trường tiếp tục tham gia chương trình này và mở rộng nó từ Cúc Phương về đến huyện Duy Xuyên quê mình.
Khát vọng "chuyền đuốc"
Một ngày tháng tám năm ngoái, trước khi lên đường sang Singapore thực hiện buổi nói chuyện với sinh viên trung học về ngưỡng cửa đại học, Việt ghé lại tòa soạn Tuổi Trẻ chỉ vào tờ báo ngày 3-8-2004: "Anh Lương Việt Quốc viết hay quá. Nhưng mình nghĩ chuyện săn học bổng cao học không thông dụng bằng việc săn học bổng đại học. Mình muốn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của bản thân trong việc này, với cương vị của một thành viên ban tiếp đón sinh viên Đại học Stanford...". Vài ngày sau, Việt gửi về tòa soạn một bài viết dài về chuyện săn học bổng. Bẵng đi một thời gian, lại thấy anh chàng xuất hiện ở TP.HCM trong chương trình tư vấn du học mang tên "Chuyền đuốc". Việt bảo:
"Mình là thành viên của ban lãnh đạo VietAbroader - một tổ chức do nhóm SV VN đang học tại Mỹ thành lập nhằm giúp đỡ những bạn muốn đi du học. Tiếc rằng hè này mình quá bận rộn với những dự án đang theo đuổi nên chỉ tham gia tư vấn một số trường hợp, chia sẻ vài kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc mà thôi…".
Vẫn cái giọng đặc Quảng Nam, Việt kể công việc hiện tại của mình: Ban đầu Việt chỉ dự định nghiên cứu về các quan hệ giữa Ngân hàng Thế giới với các tổ chức phi chính phủ ở VN thôi, nhưng sau đó Việt được giáo sư phụ trách giới thiệu nên thực tập luôn ở đây. Bây giờ thì đang phụ giúp các anh chị thực hiện một số dự án phát triển về môi trường và xã hội. Ngoài ra, Việt cũng đang tính toán thêm các hoạt động cho Tổ chức SEALNet ở Stanford. Đó là một tổ chức do Việt sáng lập nhằm tập trung những sinh viên Mỹ và người Mỹ muốn giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á phát triển hơn. Tất nhiên, chương trình này cũng sẽ giúp họ rèn luyện các kỹ năng về công tác xã hội, làm việc nhóm cũng như kết nối với nhau trong một hệ thống ngày mai. Hiện nhóm đã thực hiện xong phòng máy tính ở Thành đoàn TP.HCM, khoảng 50 máy khác đang trên đường từ Mỹ sang VN để phân phối cho các vùng quê nghèo. Bọn Việt cũng lên kế hoạch tập huấn cho các em học sinh những kỹ năng quốc tế về làm việc, học tập cũng như lãnh đạo.
"Trả về cho thế giới"
"Pay it for world" (trả về cho thế giới) - đó là câu mà Việt chọn làm châm ngôn để sống, học tập và làm việc. Thật ra nó chỉ là tựa đề của một bộ phim, nhưng nó lại đúng với cuộc sống và sự vươn lên của Việt. Anh chàng này chỉ mong có một ngày làm được chút gì đó cho quê nhà. "Đến giờ thì Việt học được một điều quan trọng trong cuộc sống: cho đã khó, mà nhận lại càng khó hơn. Mình phải làm sao để nhận mà không thấy khó chịu thì mới là giỏi.
Trước đây, Việt luôn ái ngại khi suốt ngày nhờ người này, người khác và lúc nào cũng canh cánh trong lòng chuyện trả nghĩa. Nhưng giờ thì Việt biết là mình không cần phải đền ơn trực tiếp những người đã giúp mình, vì khi giúp họ không chờ đợi ngày mình trả ơn. Mà điều cần làm là đóng góp cho xã hội, giúp đỡ những người khó khăn hơn trong thế giới quanh mình mới là điều cần làm".
Câu chuyện dẫn tôi tìm đến cha Việt: ông Huỳnh Trung, một nông dân đặc quánh nhọc nhằn của quê nghèo. Ông nói về con trai mình, chầm chậm và hết sức đôn hậu: "Thằng cu Việt bây chừ được hơn năm ngoái ở chỗ không về nhà xin tiền nữa". Ông kể thêm về những ngày rất xa, về nồi cơm thiếu trước hụt sau của gia đình có ba người con sàn sàn tuổi nhau, về ước mơ của hai vợ chồng mua cho Việt chiếc xe đạp để đi học mà dành dụm mãi vẫn không đủ…
Chúng tôi đề nghị Việt nói một kinh nghiệm gì đó với bạn trẻ quanh mình, chàng trai trẻ này chỉ nói một điều: "Hãy chia sẻ!". "Ngày xưa Việt cho rằng nói ra những điều mình biết là huênh hoang, còn nói những điều mình không biết thì là dốt nát. Bây giờ Việt nghĩ khác: biết mà không nói ra thì ích kỷ, mà nếu nghĩ nó là sai mà không nói ra thì muôn đời mình chẳng biết mình sai cả!".
Năm nay 22 tuổi, Việt đại diện cho sinh viên toàn nước Mỹ lọt vào danh sách 50 sinh viên xuất sắc nhất thế giới để dự chương trình lãnh đạo toàn cầu do Quĩ Goldman Sachs và Viện Giáo dục quốc tế (IIE) tổ chức tại New York. Tiêu chí tuyển chọn của chương trình gồm ba phần: học vấn, khả năng lãnh đạo và kỹ năng giao tiếp. Việt vượt qua hầu hết các ứng viên khác vì những gì mà bạn đã và đang làm: chưa bao giờ là sinh viên xuất sắc nhất lớp nhưng lại theo học cả hai chương trình của trường; chưa có những đề án nghiên cứu nổi trội nhưng lại có những đóng góp thầm lặng cho xã hội. Đặc biệt, yếu tố quyết định thành công sau cùng trong lượt tuyển chọn cuối cùng tại New York chính là chuyện Việt thành lập tổ chức các nhà lãnh đạo tương lai ASEAN. "Việt chỉ muốn qui tụ những người trẻ tuổi, tài năng và có khát vọng cống hiến cho khối Đông Nam Á để kích thích sự phát triển của khu vực này. Có thể mai này chẳng có ai làm lãnh đạo, nhưng ít nhất mình cũng đã tạo được mối liên kết giữa những người cùng chí hướng và tạo tiền đề cho một tổ chức thật sự lớn mạnh hơn trong thời gian không xa".
- Sáng lập viên kiêm chủ nhiệm Tổ chức các nhà lãnh đạo tương lai Đông Nam Á của Mỹ.
- Đại diện của chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng Mỹ tại VN.
- Một hiện tượng của Đại học Stanford (Mỹ) khi chuẩn bị tốt nghiệp với hai bằng cử nhân kinh tế và thạc sĩ quản trị kinh doanh.
- Tháng 8 sẽ sang Nhật tham dự hội nghị về giới trẻ.
- Tháng 9 sẽ sang Đại học Oxford đào tạo chuyên sâu.
Cái xẻng & chàng tiến sĩ
TTO - Một ngày cuối tháng sáu, tôi gặp người đàn ông được gọi đùa là "kẻ đào đất đẳng cấp quốc tế". Thú vị, bởi anh là nhà sinh vật học VN đầu tiên nhận giải thưởng của Bộ Hợp tác phát triển Bỉ vào cuối tháng năm vừa qua. Câu chuyện với tiến sĩ trẻ Phan Kế Long chỉ xoay quanh có cái xẻng, đất rừng và những con tuyến trùng bé xíu xiu...
"Cứ tính như thế này nhé, mỗi ngày tôi vào rừng, càng sâu càng tốt, đào xới gì đấy để có thể gom góp được từ 30-50kg đất thì trời vừa sụp tối. Phải tranh thủ cõng đất về lán trại trước khi lạc đường. Sau đó, xoay trần ra phân loại đất, đóng gói và cất vào một góc. Hôm sau lại tiếp tục vác xẻng lên đường và cầu mong trời đừng mưa... Một tuần lê la như thế thì mang về được khoảng 200kg đất làm vốn nghiên cứu. Đến khi... cụt vốn thì tiếp tục đi đào, thế thôi".
Tiến sĩ Phan Kế Long kể về khoảng thời gian làm nghiên cứu khoa học của mình. Cứ miệt mài với những chuyến đi, nằm rừng, đào đất và mang về "soi" trong phòng thí nghiệm trong suốt tám năm trời, từ một cán bộ chỉ tham gia phụ giúp các bậc đàn anh trong viện, Phan Kế Long hoàn thành luận văn thạc sĩ, rồi tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Gent của Bỉ và sau đó bất ngờ được nhận giải thưởng "Hợp tác phát triển" của Bộ Hợp tác phát triển Bỉ với công trình nghiên cứu "Đa dạng sinh học của tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng ở VN và khả năng phòng trừ sinh học của chúng". Tám năm, Long và các đồng nghiệp của anh đã nghiên cứu 910 mẫu đất của 25 tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước và tìm ra 44 chủng của tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng, nhờ đó tìm ra biện pháp diệt các loài sâu có hại, bảo vệ cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu thường gây độc hại đến môi trường và con người.
Đơn giản, tự tin và rất thoải mái, thậm chí có phần bình dân, đó là những gì mà nhà khoa học 33 tuổi này hiện ra trước mắt người đối diện. Bề ngoài anh giống một... vận động viên hơn là một nhà khoa học: tướng tá rất "xì po", hơi nghệ sĩ một chút và lủng lẳng trên tường nhà là huy chương bóng bàn các cấp. Anh vừa trở về từ Bỉ và đang chăm sóc cho những... con tuyến trùng của mình sau mấy ngày xa cách. "Nghĩ cũng vui, tôi sang Nhật cả nửa năm trời mà vẫn chưa biết thế nào là Tokyo, vì suốt ngày cứ phải lo cho mấy con tuyến trùng bé xíu không nhìn thấy được bằng mắt thường này. Bỏ lơi một chút là hỏng ngay...".
Điều duy nhất mà chàng trai gốc Hà thành tỏ ra tự hào là kinh nghiệm về những chuyến đi rừng của mình, từ việc chuẩn bị thuốc đến cách mang vác đất đi xuyên rừng. Với anh, cái xẻng chính là người bạn trong những chuyến đào đất đặc biệt này...
Anh cười và bảo chẳng có một câu chuyện lãng mạn nào dẫn anh đến với khoa học cả, chỉ là những chuyến lẽo tẽo theo cha mẹ đi thực địa khi còn là một cậu nhóc rồi thành thói quen. Là "con nhà nòi" với bố mẹ đều là giáo sư sinh vật học nên Long muốn tìm cho mình một hướng đi riêng nào đó có thể dẫn mình đến một mảnh đất mới trong khoa học. Bắt đầu từ năm 1994, khi về viện, anh tham gia nhóm nghiên cứu về tuyến trùng ký sinh trên cây chuối. Từ đó, anh đâm ra thích việc tìm kiếm loài giun tròn có nhiều trong đất nhưng chẳng mấy ai biết này. Nhưng lý do chính để anh thành công trong việc bảo vệ luận văn tiến sĩ cũng như thuyết phục được hội đồng xét duyệt giải thưởng là ở tính khả thi của công trình này. Ngoài việc xác định được một loài tuyến trùng có độc tính cao đối với sâu hại thì điểm chính yếu là khả năng thương mại hóa của công trình, vì nó được nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng.
Việc ứng dụng của công trình đoạt giải này đã được triển khai trên những cánh đồng mía ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa để diệt sâu đục thân trong thân mía và bọ hung. Kết quả khả quan, nhưng sau một thời gian công trình đành tạm... gián đoạn vì hết tiền. Giọng anh chùng xuống khi đề cập đến chuyện tiền. "Bây giờ cách nhân giống tuyến trùng trong phòng thí nghiệm như hiện nay kinh phí quá cao. Muốn có những sản phẩm giá rẻ thì phải đầu tư thiết bị sản xuất hàng loạt, mà chi phí ban đầu lại quá lớn. Bây giờ để làm việc này chỉ có cách mở công ty hoặc xin dự án triển khai của Nhà nước. Nhưng cũng khó...".
Có lẽ thấy "chưa có đường ra", anh lên đường sang Nhật để tu nghiệp. Giải thích lý do sang Nhật, Long bảo: "Hiện nay, hàng trăm hecta rừng thông của Nhật bị tàn phá bởi loài tuyến trùng ký sinh Bursaphelenchus xilophilus. Loài tuyến trùng này di chuyển từ cây này sang cây khác nhờ một loài xén tóc. Việc tiêu diệt xén tóc để ngăn ngừa sự phát tán của bệnh là một trong những nghiên cứu cần thiết.
Tuy nhiên việc phòng trừ xén tóc rất khó khăn vì chúng sống sâu bên trong cây bệnh nên rất khó tiêu diệt bằng thuốc hóa học, ngoài ra các thuốc hóa học có thể gây bệnh cho con người và động vật. Căn bệnh này hiện đang xảy ra ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha và vì thế khả năng xảy ra ở VN cũng khá cao. Ở Trường đại học Kyoto, đã có nhiều nghiên cứu về loài tuyến trùng này cũng như các phương pháp phòng trừ loài xén tóc bằng các biện pháp sinh học. Ở đây, chúng tôi nghiên cứu ứng dụng tuyến trùng ký sinh gây bệnh côn trùng trong việc phòng trừ loài xén tóc và hoàn toàn có khả năng áp dụng được ở VN...".
Nói chuyện về những cây thông, tôi chợt nhớ ra trên bàn làm việc của anh cũng có một cây thông be bé. Giống thông ba lá đặc trưng của vùng cao VN với sức vươn mạnh mẽ đã đi vào văn học với cái tên xà nu. Anh cười buồn buồn: "Đi nhiều một chút mới thấy giới khoa học của mình về khả năng không thua gì thế giới cả, chỉ có khoảng cách khá xa về điều kiện nghiên cứu mà thôi...". Cuộc nói chuyện kết thúc, vẫn còn đọng lại nguyên vẹn cái khát vọng triển khai dự án chống sâu bệnh bằng phương pháp sinh học để bảo vệ môi trường và cho ra sản phẩm sạch ở VN của anh. "Nhất định năm sau mình về sẽ triển khai. Nhất định...".
TS Phan Kế Long hiện công tác tại tổ sinh học phân tử, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam. Giải thưởng "Hợp tác phát triển" của Bộ Hợp tác phát triển Bỉ được lập ra năm 1998 nhằm khuyến khích các nhà khoa học trẻ và sinh viên các trường đại học, đặc biệt tại các nước đang phát triển, nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống. |
TIẾN HÙNG - TRẦN NGUYÊN
Cô giáo Việt ở trường đào tạo chính khách Pháp
TTO - Gặp Lê Duyên Trinh tại TP.HCM trong hội thảo về đàm phán thương mại ở Trường Hoa Sen cuối tháng chín, cứ nghĩ Trinh là thông dịch viên. Chỉ đến khi giáo sư Alain Pekar Lempereur, giám đốc Viện Nghiên cứu giảng dạy đàm phán châu Âu (IRÉNÉ), giới thiệu: "Cô ấy là giảng viên chính của viện, chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ và đã từng dạy tại Trường Hành chính quốc gia Pháp, Trường thương mại ESSEC..." mới giật mình, bởi Trinh còn quá trẻ. Nhưng với Trinh, đó chỉ là bước khởi động của một giấc mơ VN...
* Con gái mà theo ngành đàm phán, chắc là có lý do gì đó đặc biệt?
- LÊ DUYÊN TRINH: Tôi chọn đàm phán vì cái hay, tiện ích, hữu dụng của nó trong đời sống cộng đồng nói chung và trong đời sống doanh nghiệp nói riêng. Đàm phán xảy ra mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống. Phải làm gì khi có những mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng ý kiến xảy ra? Đàm phán và đàm phán. Cụ thể trong gia đình, làm thế nào để đứa bé "xin" bố mẹ được chơi game lâu hơn? Làm thế nào để bà vợ điều đình với chồng đến quán ăn mình thích? Mặc dù động từ "đàm phán" không hề được nhắc đến, nhưng rõ ràng đó là cách duy nhất để có thể giúp hai hay nhiều đối tượng đi đến một thỏa thuận chung.
* Trinh có thể tiết lộ một chút bí quyết để có thể "leo" lên một vị trí mà "ai cũng phải ngước nhìn" như bạn không?
- Rất đơn giản! Tốt nghiệp khoa Pháp văn ĐH Tổng hợp TP. HCM, tôi chọn ngành du lịch làm "đất" để "dụng võ". Bốn năm làm hướng dẫn viên giúp tôi làm quen, nắm bắt và hiểu rõ hơn một nền văn hóa khác: nền văn hóa Pháp. Khát vọng được học dẫn tôi đến khóa thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Hai năm sau, tôi sang làm việc cho một ngân hàng Pháp tại VN. Cắc ca cắc củm đủ "vốn", tôi sang Pháp du học tự túc. Ở đây, tôi vào trường ngoại thương. Trong thời gian này, tôi học và làm liên tục để tự trang trải mọi nhu cầu.
Lấy được bằng ngoại thương, tôi vào IRÉNÉ. Năm thứ hai của quá trình nghiên cứu luận án tiến sĩ, tôi có một cơ hội bằng vàng: làm công tác trợ giảng cho GS Alain Pekar Lempereur tại một khóa đào tạo kéo dài gần hai tuần tại Trường Hành chính quốc gia Pháp (ENA); được làm việc chung với cựu đại sứ Canada, một vài giáo sư nổi tiếng ở Harvard hay một chuyên viên cố vấn của Văn phòng Thủ tướng Pháp hiện nay. Và công việc cứ thế tiến triển...
* Bạn là người Việt 100%. Vậy sau sáu năm ở nước ngoài, kế hoạch cho sự trở về đất nước của Trinh như thế nào?
- Tôi về vì muốn được chia sẻ để học hỏi thêm những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian làm việc tại Pháp và tại IRÉNÉ với các nhà nghiên cứu trong nước, các bạn đồng nghiệp trong tương lai và các bạn sinh viên VN tại các trường ĐH.
* Điểm khác biệt cơ bản giữa ngành đàm phán mà bạn đang theo đuổi tại Pháp và các môn học cùng loại đang được giảng dạy ở VN? Sao lại gọi là "mô hình mới"?
- Theo tôi biết, các khóa thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh tại VN cũng chỉ mới phát triển bộ môn này ở dạng lý thuyết. Qua những lần làm việc với ban giám hiệu của một số trường ĐH tại TP.HCM, lời giải thích cho thực trạng này có thể được tìm thấy ở những nguyên nhân khách quan về cơ sở vật chất và kinh phí tổ chức đào tạo còn hạn chế. Mô hình tôi muốn áp dụng đang được phổ biến tại hầu hết các trung tâm lớn trên thế giới, có thể hình dung cụ thể như sau: Một buổi học kéo dài ba giờ. Bắt đầu mỗi buổi, học viên (HV) chia thành những nhóm nhỏ thực hành 45-60 phút. HV có một giờ để trao đổi kinh nghiệm, trình bày trước lớp những khó khăn của bản thân trong thực hành cũng như giải pháp đã đề ra. Vai trò của giảng viên là hướng dẫn HV tranh luận, tạo điều kiện cho mọi người cũng tham gia phát biểu, trao đổi để bài tập phong phú hơn. Buổi học kết thúc bằng phần trình bày lý thuyết tóm tắt những nguyên tắc chung, đánh giá vấn đề và đưa ra các hướng giải quyết cho mỗi tình huống. Sự thành công của lớp học phụ thuộc vào việc chuẩn bị bài và sự tham gia thảo luận của HV.
Mong ước của tôi là nhân rộng mạng lưới nghiên cứu và giảng dạy đàm phán của IRÉNÉ tại VN nói riêng và tại châu Á nói chung. Sau đó sẽ tổ chức các khóa đào tạo và tư vấn về đàm phán, hòa giải và giải quyết tranh chấp dành cho các doanh nghiệp tại VN. Vâng, một IRÉNÉ "made in Vietnam" hay một IRENAS (AS = ASia).
TIẾN HÙNG - TRẦN NGUYÊN
No comments:
Post a Comment