Saturday, November 18, 2006

Krishnmurti: NGUỒN GỐC CỦA SỢ HÃI LÀ GÌ?

NGUỒN GỐC CỦA SỢ HÃI LÀ GÌ?

Sự sợ hãi là cái gì, nó xuất hiện ra sao? Phải chăng có sự sợ hãi ở mức độ này mà không ở mức độ khác? Phải chăng có sự sợ hãi ở mức ý thức hoặc mức vô thức? Hay là có sự sợ hãi bao trùm? Vậy xin hỏi, sự sợ hãi nẩy sinh ra như thế nào? Tại sao nó lại tồn tại trong đầu óc con người? Và con người đã phải chịu đựng chuyện đó từ thế hệ này qua thế hệ khác, họ sống với nó. 

Sợ hãi làm cho hành động trở thành méo mó, làm mất sự nhận thức trong sáng và sự suy nghĩ khách quan, là điều cần thiết cho một tâm hồn lành mạnh, minh mẫn. 

Sợ hãi làm cuộc đời chúng ta trở thành đen tối. Tôi không biết là bạn có nhận ra điều đó không? Chỉ với một chút xíu sợ hãi thôi là đã đủ khiến cho toàn bộ các giác quan của chúng ta bị co rút lại rồi. Và phần lớn chúng ta đều sống với cái dạng sợ hãi quái gở đó trong bất cứ mối liên hệ nào mà chúng ta có.

Câu hỏi cho chúng ta là, liệu tâm trí và toàn bộ con người của chúng ta có khi nào thoát khỏi hẳn nỗi sợ hãi chăng? Giáo dục, xã hội, nhà nước, tôn giáo, tất cả đều cổ võ thêm cho sự sợ hãi này. Tôn giáo đặt nền tảng trên sự sợ hãi. Và sự sợ hãi được vun bồi thêm qua sự sùng mộ thẩm quyền -- thẩm quyền của cuốn sách, thẩm quyền của vị linh hướng, thẩm quyền của những người hiểu biết những điều gì đó, vân vân. Chúng ta được nhồi sọ sự sợ hãi một cách rất chu đáo. Rồi chúng ta lại hỏi là liệu chúng ta có thể được giải thoát ra khỏi nỗi sợ hãi đó một cách triệt để chăng!

Vậy chúng ta hãy tìm hiểu coi sợ hãi là gì. Nó là sự mong muốn có được cái gì đó chăng? -- có nghĩa là ao ước, khao khát. Là sự bấp bênh của tương lai chăng? Là sự đau đớn và nỗi thống khổ trong quá khứ chăng? Là sự phân cách này giữa bạn và tôi vốn chẳng có mối liên hệ nào với nhau cả chăng? Là cái tâm điểm mà từ đó tư tưởng đã tạo ra cái "Tôi" -- cái Tôi thành ra một hình thái, thành cái tên, thành biểu hiệu, -- sợ rằng sẽ mất cái "Tôi" này chăng? Đó có phải là một trong những nguyên nhân của sợ hãi chăng? Hay sợ hãi nẩy sinh vì ta hồi tưởng lại những niềm hoan lạc, hạnh phúc, sợ rằng sẽ mất. Hay sợ hãi phải chịu đựng những nỗi thống khổ về thể xác hoặc tinh thần. Phải chăng có một tâm điểm mà từ đó nỗi sợ hãi nẩy sinh? -- như cái cây, mặc dầu nó có hàng trăm cành, nhưng nó chỉ có độc nhất một cái thân và chùm rễ, nếu chúng ta chỉ tỉa cành thì chẳng thay đổi được gì. Cho nên chúng ta phải tìm tới tận nguồn gốc của sự sợ hãi. Bởi vì nếu bạn có thể được giải thoát ra khỏi sự sợ hãi một cách triệt để, tức là bạn đang sống trong thiên đường.

Nguồn gốc của sợ hãi là gì? Phải chăng nó là thời gian? Xin nhớ cho là chúng ta đang nghiên cứu, tìm hiểu, chúng ta không lập thuyết, chúng ta không đi đến bất cứ một kết luận nào, bởi vì chẳng có cái gì để mà kết luận. Giây phút mà bạn THẤY được nguồn gốc của sợ hãi, thấy thật sự, bằng mắt bạn, bằng cảm giác của bạn, bằng trái tim của bạn, bằng tâm hồn bạn, -- thật sự THẤY nó --, thì bạn có thể giải quyết được chuyện sợ hãi, nếu bạn muốn giải quyết một cách nghiêm túc.

Chúng ta hỏi, có phải nó là thời gian không? -- thời gian không chỉ là thời gian tiến hành tuần tự theo cái đồng hồ, như là hôm qua, hôm nay và ngày mai, nhưng cũng còn có thời gian tâm lý, là sự hồi tưởng về quá khứ, về những niềm hoan lạc, những nỗi đau khổ, buồn rầu, lo lắng đã qua. Chúng ta hỏi rằng có phải nguyên nhân của sợ hãi là thời gian. Thời gian để thực hiện, thời gian để trở thành, thời gian để đạt được, thời gian để nhận ra được Thượng Đế, hoặc bất cứ từ ngữ nào mà bạn muốn dùng để gọi tên. Một cách tâm lý thuần túy, thời gian là gì? Liệu thật ra thì có cái -- xin hãy nghe kỹ – được coi như là thời gian tâm lý chăng? Hay chính chúng ta đã tạo ra cái thời gian tâm lý? Tâm lý có còn tới ngày mai không? Nếu có ai nói rằng không có thời gian tâm lý ở thời tương lai, thì bạn sẽ rất sửng sốt, phải vậy không? Bởi vì bạn nói: "Tương lai tôi sẽ vui sướng; tương lai tôi sẽ đạt được cái gì đó; tương lai tôi sẽ trở thành viên chức điều hành của cơ sở nào đó; tương lai tôi sẽ trở thành người giác ngộ; tương lai đạo sư hứa hẹn điều gì đó và tôi sẽ đạt được".

Đối với chúng ta, thời tương lai vô cùng quan trọng. Vậy thì có cái thời tương lai một cách tâm lý chăng?

Chúng ta đã chấp nhận nó, đó là toàn bộ nền giáo dục truyền thống của chúng ta, rằng có một cái thời tương lai.

Và khi bạn nhìn, về mặt tâm lý, tìm hiểu chính nội tâm mình, ở đó có một cái thời gian tương lai chăng? Hay là chính sự suy nghĩ, tự nó là manh mún, đã phóng chiếu ra một cái gọi là thời tương lai.

Xin thưa, chúng ta sẽ đi sâu vào vấn đề này, đó là điều rất quan trọng cần phải được hiểu thấu đáo.

Krishnamurti -- Truth & Actuality

No comments: