Tuesday, November 14, 2006

Cuối đường hầm còn lối cho ước mơ

"Ta không có may mắn được vấp ngã để mỗi lần đứng dậy lại cảm thấy mình mạnh mẽ hơn." [LuuPV]

Nguyễn Ngọc Long

Chàng trai không quen đi dép

 

Một gia đình khá giả bậc nhất thành phố bỗng tan nát bởi cơn mê đỏ đen của người mẹ và sự bế tắc trong men rượu của người cha, khiến cái "án nghỉ học" luôn lơ lửng trên đầu cậu con trai 16 tuổi. 17 tuổi, cậu học sinh giỏi của Trường PTTH Lê Quý Đôn (Hải Phòng) chỉ còn biết an ủi mình bằng chiếc bàn phím máy tính tự vẽ lên trang giấy trắng để... làm quà sinh nhật.

 

Cậu ước mơ trở thành một lập trình viên siêu hạng của Việt Nam. Và ở tuổi 18, mọi cánh cửa học vấn dường như đã khép chặt với Nguyễn Ngọc Long vì cậu không có đủ tiền để mua một đôi dép quai hậu đến lớp, nên 100 ngàn đồng mua hồ sơ dự thi đại học cũng là tài sản vượt mơ ước của cậu.

 

Có lẽ, với Nguyễn Ngọc Long, mọi thứ giờ đây đã trở thành bình thường. Chưa bao giờ cậu bị mất niềm tin vào ngày mai. Không biết có phải vì thế mà trong những cảnh huống ngặt nghèo nhất của số phận, cậu luôn tìm được cho mình một cơ may để tồn tại và không ngừng vươn lên.

 

Hồi cấp 3, Long từng bị thầy giáo đuổi ra khỏi lớp vì không có dép quai hậu đến trường. Cậu đi học trong tâm trạng bất ổn và không biết ngày mai mình sẽ ra sao, sống như thế nào. Người bạn gái thân không muốn cậu bỏ học đã mang cho Long một đôi dép quai hậu cũ của em mình. Và suốt thời trung học, cậu đã nâng niu đôi dép như một báu vật, chỉ đi khi nào thầy giáo kiểm tra, còn thường xuyên đi chân đất đến trường.

 

Những ngày tháng đó hằn trong đầu cậu đến mức về sau này, buổi đầu tiên đi làm trong một nhiệm sở tại tòa nhà cao tầng bậc nhất Sài Gòn, thói quen đi chân đất đã khiến cậu bỏ quên cả đôi dép tại phòng làm việc và về nhà bằng đôi chân không. Long thường kể chuyện đó với sự châm biếm về sự quê mùa của mình. Cậu thường đùa, đó là một kỷ niệm đẹp trong day dứt...

 

Ngày mai sẽ khác…

 

Ngày Long khăn gói vào Sài Gòn trên chuyến xe đường dài, bà nội đã phải bán đi món đồ quý giá cuối cùng trong nhà để kiếm được 300 ngàn đồng cho cậu làm lộ phí. Long bắt đầu cuộc sống mới tại Sài Gòn là những buổi đi bán hàng rong với mẹ tại khu chợ tạm, nhưng Long vẫn nghĩ rằng ngày mai mình sẽ sống khác đi.

Và cái khác đi đó, theo tư duy thông thường của mẹ cậu, thì cậu phải đi học nghề sửa máy tính. Mẹ cậu cho 10 ngàn đồng mỗi ngày để cậu có tiền gửi xe và ăn cơm trưa. Nhưng cửa hàng Internet luôn kéo cậu đến nhiều hơn trung tâm dạy nghề. Cậu tính toán chỉ ăn bữa trưa bằng một bịch mía tươi 2 ngàn đồng, số tiền còn lại để trả tiền vào mạng Internet.

Một người bạn mà Long quen trên mạng đã cho cậu biết rằng, những thứ cậu thuộc chẳng làm được việc gì và người ta cần phải học những kỹ năng lập trình cao và hiện đại hơn. Nhưng các tài liệu về lập trình đều bằng tiếng Anh và đó là khó khăn lớn nhất của Long. Chính người bạn đó đã chia sẻ cho Long những tài liệu quý và cũng từ mạng Internet mà Long buộc phải học thật giỏi tiếng Anh để dịch được ra tiếng Việt những trang sách ấy.

Phải mất rất nhiều thời gian và công sức, trải qua hàng chục công ty Long mới có cơ hội gần cái máy tính và hiểu được nhiều chuyện trong cuộc sống.Và bước ngoặt trong cuộc đời của cậu là cuộc gặp Phùng Tiến Công.

Gặp nhau, vị Giám đốc (SN 1981) nhìn thấy ở cậu bé đen nhẻm kém mình hai tuổi không chỉ ở khả năng lập trình mà còn bởi nhiệt huyết mạnh mẽ với công việc. Và đến giờ thì Công đã hoàn toàn yên tâm giao phó toàn bộ dự án kinh doanh âm nhạc trực tuyến của FPT Music cho Long quản lý và điều hành.

Long cho rằng, vì đây là một tâm huyết của hai anh em nên cậu đã không từ nan để đi đến cùng với dự định biến trang web này thành kho âm nhạc trực tuyến có bản quyền lớn nhất Việt Nam.

Còn để có đủ tiền sống, để góp tiền trả nợ cùng mẹ, cậu đã phải làm thêm nhiều việc, trong đó viết báo về công nghệ thông tin cho các tòa soạn là thu nhập chính. Hiện tại, Long đang làm biên tập và viết bài cho chuyên san "Thế giới @" của Báo Người lao động. Cậu không bao giờ hết những ý tưởng và ý tưởng nào cũng muốn đưa vào hiện thực.

Hình dung khác về Giám đốc 8X

Tết Bính Tuất, Long khoe được công ty thưởng 12 triệu đồng, cậu dự định mua một chiếc xe Wave Alpha để đi làm. Nhưng về Hải Phòng đón Tết với bà, chị và em trai, khi lên tới Hà Nội, Long chỉ còn chưa đầy 100 ngàn đồng.

Đi làm, cậu đã trả nợ giúp mẹ một khoản tiền, cho những người thân mỗi người một ít. Thế lại đi làm bằng xe bus? Long cười, cậu đã đi làm như thế mấy năm, cũng không mỏi hơn bao nhiêu. Khi thấy niềm vui của những người thân thấy mình trưởng thành, Long có thể làm mọi việc.

Những ngày này, Sài Gòn nóng gần bốn chục độ, Long vẫn sống cùng bố mẹ trong căn phòng 12m2 thuê tại quận 7, trong nhà chỉ có cái bếp gas du lịch để nấu ăn. Bảo Long nên chuyển nhà, cậu nói, không muốn chi tiền một cách phung phí. Cậu muốn tiết kiệm để trả nợ cho mẹ.

Nguyễn Ngọc Long, một @ thực sự, nhưng Long không giống như hình dung của nhiều người về một giám đốc 8X. Cậu khoác laptop trên vai nhưng đi làm bằng xe bus, đi thương thảo hợp đồng bằng xe ôm, không biết mùi của sự hưởng thụ, chỉ làm việc và làm việc.

Cậu có dự định đi học đại học một cách bài bản. Nhưng công việc đã kéo cậu đi từ tháng này qua tháng khác khiến cái dự định đó mãi vẫn chỉ là dự định. Công việc kéo cậu đi như kéo chữ @ lưng chưa bao giờ thẳng.

Long chỉ có một tâm niệm, làm sao trả xong khoản nợ lớn cho mẹ, lo cho em trai học xong đại học, khi ấy cậu sẽ tính tiếp chuyện học của mình.

Theo Toàn Nguyễn
Công An Nhân Dân

No comments: