Saturday, November 18, 2006

Krishnamurti: ĐỐI THOẠI VỚI CHÍNH MÌNH

ĐỐI  THOẠI  VỚI  CHÍNH  MÌNH

Tôi nhận thấy rằng tình yêu không thể tồn tại khi có sự ghen tuông xuất hiện, cũng không tồn tại khi có sự  ràng buộc. Vậy thì, liệu tôi có thể thoát ra khỏi sự  ghen tuông và ràng buộc chăng?
Tôi nhận ra rằng tôi chưa hề yêu, đó là sự thật. Tôi sẽ không tự dối mình, tôi sẽ không nói giả bộ với vợ tôi là tôi yêu nàng. Tôi chưa biết yêu là cái gì. Nhưng tôi biết rõ là tôi ghen và tôi biết rõ là tôi mê say nàng kinh khủng. Do sự mê say đó, tôi đâm ra sợ mất nàng, đâm ra ghen tuông, bồn chồn. Đó là một hình thức lệ thuộc. Tôi không muốn lệ thuộc,  nhưng tôi lệ thuộc vì tôi cô đơn. Tôi lang thang trong văn phòng, trong xưởng máy, rồi về nhà, mong có được cảm giác thoải mái và tình thân hữu để lẩn trốn, khỏi phải đối diện với chính mình.

Nay thì tôi tự hỏi "Tôi phải làm thế nào để có thể tự giải thoát ra khỏi cái cảnh ràng buộc này?"
Tôi đang dùng câu chuyện này làm một thí dụ.

Thoạt kỳ thủy, tôi muốn lẩn tránh câu hỏi. Tôi không biết sẽ giải quyết thế nào với vợ tôi. Khi tôi đã thực sự  thoát ra khỏi sự ràng buộc với nàng thì mối liên hệ giữa tôi và nàng có thể thay đổi. Nàng có thể ràng buộc vào tôi và tôi có thể sẽ không còn ràng buộc vào nàng hay bất cứ một người đàn bà khác nào. Tôi sẽ tìm hiểu điều này. Cho nên tôi sẽ không bỏ chạy khỏi điều tôi tưởng tượng về cái hậu quả của sự hoàn toàn giải thoát khỏi mọi ràng buộc. Tôi không biết yêu là gì, nhưng tôi nhìn rất rõ, chắc chắn, không nghi ngờ, rằng ràng buộc vào với vợ tôi có nghĩa là ghen tuông, chiếm hữu, lo sợ, bồn chồn, và tôi muốn giải thoát ra khỏi tất cả những điều này. 

Cho nên tôi bắt đầu tìm hiểu. Tôi đi tìm một phương pháp và tôi bị mắc míu vào một hệ thống. Có vị đạo sư dậy rằng:"Tôi sẽ giúp anh gỡ bỏ ràng buộc, làm điều này, điều này, thực hành thế này, thế này". Tôi vâng lời ông ta vì tôi thấy được tầm quan trọng của tự do, giải thoát, và ông ta đã hứa với tôi rằng nếu tôi làm theo lời ông thì tôi sẽ nhận được phần thưởng. Nhưng rồi tôi nhìn ra rằng tôi đang đi tìm phần thưởng. Tôi thấy tôi mới ngu ngốc làm sao, muốn được tự do giải thoát lại mắc vào cái phần thưởng!

Tôi không muốn bị dính mắc, nhưng rõ ràng là tôi đang bị dính mắc vào một ý kiến của ai đó, hoặc trong cuốn sách nào đó, hoặc phương pháp nào đó, để hy vọng sẽ được cái phần thưởng là sự "giải thoát khỏi dính mắc". Thế là phần thưởng trở thành một cái dính mắc mới. Vì vậy, tôi tự nhủ: "Coi điều tôi đã làm, hãy cẩn thận, đừng để bị xập vào cái bẫy". Dù đó là một người đàn bà, một phương pháp, một ý kiến, thì cũng vẫn là một sự dính mắc, ràng buộc. Bây giờ thì tôi canh chừng kỹ vì tôi đã được bài học là "Chớ có đổi sự  ràng buộc này với một cái khác mà cũng lại là một sự ràng buộc".

Tôi tự hỏi: "Làm sao để mình có thể thoát khỏi mọi ràng buộc?" Động lực nào đã khiến cho tôi muốn thoát ly khỏi mọi ràng buộc. Phải chăng vì tôi muốn đạt được cái trạng thái sống mà không bị ràng buộc, không sợ hãi, v. v . . .? Và bỗng nhiên tôi nhận ra rằng cái động lực đó chỉ đạo hướng đi, và cái hướng đi đó sẽ đòi hỏi tự do của tôi. Tại sao lại có động lực? Động lực là gì? Động lực là một sự mong mỏi, hay là một khát vọng để đạt được điều gì đó. Tôi thấy tôi bị ràng buộc vào một động lực. Không phải chỉ có vợ tôi, không phải chỉ có ý nghĩ của tôi, hoặc phương pháp, nhưng động lực của tôi đã trở thành sự ràng buộc! Hóa ra suốt đời tôi làm việc trong sự ràng buộc -- vợ, phương pháp, và cái động lực để chiếm được một cái gì đó trong tương lai. Tôi đã bị dính mắc với tất cả những cái đó. Tôi thấy thật là quá sức phức tạp. Tôi không ngờ là muốn giải thoát khỏi sự  ràng buộc lại bao hàm tất cả những điều đó. Bây giờ thì tôi nhìn thấy rõ như là tôi nhìn trên tấm bản đồ, đâu là đường chính, đường phụ và đường làng. Tôi nhìn rất rõ. Rồi tôi tự nhủ: "Vậy thì, có thể nào tôi thoát khỏi được sự ràng buộc lớn mà tôi có với vợ tôi, và cả cái phần thưởng mà tôi nghĩ là tôi sẽ được cùng với luôn cả cái động lực?" Tôi đã bị dính mắc với tất cả những cái đó. Tại sao vậy? Phải chăng chính tự bản thân tôi đã thiếu thốn. Phải chăng vì tôi quá cô đơn nên đã muốn trốn thoát khỏi cái cảm giác bị biệt lập bằng cách tìm tới một người đàn bà, một ý tưởng, một động lực, như là tôi cần có một cái gì đó để mà bám víu.

Tôi thấy là như vậy, tôi cô đơn và đành lẩn tránh bằng cách bám víu vào một cái gì đó để thoát được cái cảm giác bị biệt lập một cách quá mức. 

Bây giờ thì tôi lại muốn biết tại sao tôi cô đơn, để thấy được điều đã làm cho tôi bị dính mắc. Niềm cô đơn đó đã khiến cho tôi phải lẩn trốn bằng sự  ràng buộc, dính mắc vào cái này, cái nọ, và tôi thấy rằng ngày nào mà tôi còn cô đơn thì cái trình tự này sẽ cứ diễn ra. Cô đơn nghĩa là gì? Nó đến cách nào? Vốn là bản năng, do thừa kế , hay do những hoạt động hằng ngày của tôi mà sinh ra? Nếu là từ  bản năng, nếu là do thừa kế, thì đó là định mệnh đã an bài, không phải lỗi tại tôi. Nhưng vì tôi không chấp nhận chuyện đó, tôi thắc mắc, tìm hiểu, và giữ sự thắc mắc đó trong lòng. Tôi quan sát, nhưng tôi không cố tìm lấy một câu trả lời bằng suy tư, tri thức. Tôi không bảo sự cô đơn nên làm gì. Tôi đang xăm xoi coi nó sẽ bảo tôi làm gì. Có một sự quan sát để cho nỗi cô quạnh tự phơi bày. Nó sẽ không tự phơi bày nếu tôi bỏ chạy, nếu tôi sợ, nếu tôi chống đối nó.  Vì thế, tôi lặng lẽ quan sát nó. Vì tôi chăm chú quan sát nó cho nên tư tưởng không xen vào được. Sự quan sát quan trọng hơn là để cho sự suy nghĩ dấy lên rất nhiều. Và bởi vì toàn bộ năng lực của tôi đều dồn vào sự quan sát nỗi cô quạnh, tư tưởng không nẩy ra được. Tâm trí bị thách đố và phải trả lời. Bị thách đố, tâm trí lâm vào cơn khủng hoảng, căng thẳng. Trong cơn khủng hoảng, bạn có tràn ngập năng lực và cái năng lực đó sẽ tồn tại mà không bị sự suy nghĩ chia trí.

Đó là sự thách đố cần được trả lời.

Tôi khởi sự bằng cách đối thoại với chính mình. Tôi tự hỏi: " Vậy chứ cái chuyện lạ hoắc mà ta gọi là "yêu" này, là cái gì, mà ai cũng nói tới nó, viết về nó, -- tất cả những bài thơ tình cảm lãng mạn, tranh ảnh, tình dục, và tất cả những lãnh vực khác nữa, liên quan đến nó. Tôi hỏi: Thật ra thì có cái gọi là "yêu" chăng? Tôi thấy nó không tồn tại khi có mặt của ghen tuông, thù ghét và sợ hãi. Cho nên tôi không còn quan tâm đến "yêu" nữa Bây giờ thì tôi quan tâm đến sự sợ hãi của tôi, sự ràng buộc, dính mắc của tôi, nó "là cái gì"? Tại sao tôi bị ràng buộc, dính mắc? Tôi thấy rằng một trong những lý do -- tôi không nói đây là toàn bộ lý do -- là vì tôi đã quá cô đơn, hiu quạnh, một cách thê thảm. Càng lớn, tôi càng thấy cô quạnh. Tôi quan sát nó. Đây là một thách đố để tìm cho ra giải đáp, và vì là cuộc thách đố nên tất cả nghị lực của tôi đều sẵn sàng để đáp ứng. Thật là đơn giản. Nếu có một thảm họa, hoặc một tai nạn, hoặc bất kể là cái gì cần đến sự chống chọi, thế là tôi có sẵn ngay năng lực để giải quyết. Tôi chẳng cần hỏi tại sao tôi có được cái năng lực đó. Khi nhà cháy, tôi có ngay năng lực để hành động, năng lực xung mãn nữa ấy chứ. Tôi không ngồi đó mà nói: "Ý da! Tôi phải có cái năng lực này", rồi cứ ngồi đó mà chờ năng lực, cả cái nhà sẽ cháy tiêu.

Thế là đã có cái năng lực vĩ đại này để mà trả lời cho câu hỏi tại sao lại có sự cô đơn kia. Tôi loại bỏ những tư tưởng, những giả định, những lý thuyết rằng đó là do thừa kế, hoặc là do bản năng. Tất cả vô nghĩa đối với tôi. Sự cô đơn chính là cái "đang là". Tại sao lại có sự cô đơn này mà tất cả mọi người, nếu nhận ra, có thể trải qua một cách nông cạn hoặc sâu xa. Tại sao lại có nó? Tâm trí có làm gì khiến cho nó nẩy sinh không? Tôi đã loại bỏ cái lý thuyết về bản năng hoặc  thừa kế , và rồi tôi tự hỏi: Cái tâm trí, bản thân bộ óc, đã đem nỗi cô đơn này, sự hiu quạnh mênh mông này tới chăng? Phải chăng sự chuyển động của suy tư  đã làm chuyện đó? Phải chăng chính ý nghĩ trong đời sống hằng ngày của tôi đã sáng tạo ra cái cảm giác cô đơn. Trong văn phòng, tôi tự  cô lập vì tôi muốn là nhân vật điều hành lớn nhất, cho nên suốt ngày, mọi ý nghĩ đều tập trung vào sự tự cô lập hóa. Tôi thấy rõ suốt ngày tư tưởng của tôi hoạt động để làm cho nó trở thành thượng hạng, tâm trí tự nó đang làm việc theo chiều hướng tiến tới sự cô đơn này.
Vậy thì vấn đề là: Tại sao sự suy nghĩ  làm chuyện đó? Vậy thì bản chất của sự suy nghĩ là làm việc cho chính nó chăng? Vậy thì bản chất của sự suy nghĩ  là tạo ra cái sự cô đơn, hiu quạnh này chăng? Nền giáo dục mang lại sự  cô đơn này, nó cho tôi một nghề nghiệp, một ngành chuyên môn, và luôn cả . . .  sự hiu quạnh! Tư tưởng, vốn là những mẩu chắp vá, vốn bị giới hạn, và kẹt trong thời gian, đã tạo ra sự hiu quạnh này. Trong cái giới hạn đó, nó tìm ra sự an toàn khi nói lên: "Tôi có một nghề cao quý cho cuộc đời, tôi là giáo sư, sự an bình của tôi thật là hoàn hảo". 

Cho nên sự quan tâm của tôi là "Tại sao sự suy tư lại phải làm vậy?" Phải chăng bản chất của tư tưởng là như  thế? Dù gì đi nữa, bất cứ điều gì do suy nghĩ mà ra thì đều bị giới hạn.

Bây giờ vấn đề là: Liệu sự suy tư  có nhận ra được rằng bất cứ điều gì do nó tạo ra cũng đều có giới hạn, chắp vá, manh mún, và vì thế, cô lập, tất cả đều như thế.

Đây là điểm rất quan trọng: Có thể nào bản thân sự suy tư  nhận ra được cái giới hạn của chính nó không? Hay là tôi phải bảo cho nó biết là nó bị giới hạn?

Hiểu được điều này tôi thấy là vô cùng quan trọng, đó là cốt tủy của vấn đề.

Nếu sự suy tư nhận ra được cái giới hạn của bản thân nó, nó sẽ không cản trở, không xung đột, nó sẽ nói:" Tôi là vậy đó" Nhưng nếu tôi nói cho nó biết rằng nó bị giới hạn, rồi tôi trở thành tách ra khỏi cái sự  hạn chế này, rồi tôi phấn đấu để vượt qua nó, như thế là sẽ có xung đột và bạo lực, không phải là yêu thương.

Vậy thì, liệu bản thân sự suy tưởng có tự biết rằng nó vốn bị giới hạn chăng? Tôi phải tìm ra điều này. Tôi đang bị thách đố. Vì tôi đang bị thách đố cho nên tôi có đầy nghị lực để làm việc. Nói cách khác, liệu ý thức có nhận ra rằng cái tri kiến mà nó chất chứa chính là bản thân nó chăng? Hoặc như tôi đã từng nghe có người nói: "Ý thức chính là cái nội dung mà nó có, cái nội dung đó đã tạo thành ý thức". Vì thế, tôi nói: "Phải, đúng vậy". Bạn có thấy sự khác nhau giữa hai cái chăng? Cái sau, được tạo ra bằng sự suy tư, bị áp đặt bởi cái "tôi". Nếu tôi áp đặït điều gì vào tư tưởng, thế là có xung đột. Cũng như  một chính thể độc tài áp chế người dân, ở đây, chính thể độc tài chính là cái mà tôi đã tạo ra. 

Bởi vậy, tôi tự hỏi: Tư  tưởng có nhận thức được sự giới hạn của chính nó chăng? Hay nó cứ giả bộ như nó là cái gì phi thường, cao quý, thiêng liêng? Rõ là vô nghĩa, bởi vì tư tưởng thoát thai từ ký ức. Tôi nghĩ rằng phải làm sáng tỏ điểm này, đó là không có ảnh hưởng nào từ phía ngoài áp đặït vào tư tưởng nói rằng nó bị giới hạn. Vì không có sự  áp đặt, nên không có va chạm, xung đột, nó tự nhận ra rằng nó bị giới hạn, nó nhận ra rằng dù nó có làm gì, -- thí dụ như sùng bái đấng Tối Cao vân vân -- cũng là trong giới hạn của tư tưởng, kém cỏi, hời hợt, dù tư tưởng đã tạo ra được những giáo đường đẹp phi thường khắp Âu  Châu để mà tới chiêm bái.

Trong khi đối thoại với chính bản thân, tôi đã phát hiện rằng sự  cô độc đó là do tư tưởng tạo ra. Nay thì tư tưởng lại tự  nhận ra rằng nó bị giới hạn và do đó không thể giải quyết được vấn đề cô đơn. Vì nó không thể giải quyết được vấn đề cô đơn, thế thì sự cô đơn có thực sự hiện hữu chăng? Tư tưởng đã tạo ra cái "cảm giác" về sự cô quạnh, sự trống vắng, bởi vì nó bị giới hạn, manh mún, rời rạc, chia chẻ, và khi mà nó nhận ra rằng sự cô đơn là không có thật, thế  là sự dính mắc tan rã. Tôi chẳng làm gì cả. Tôi  đã quan sát sự ràng buộc, cái gì đã bị áp đặt vào đó, tham lam, sợ hãi, cô đơn, tất cả, và vì theo dõi nó, quan sát nó, không phân tách nhưng chỉ chú ý nhìn, nhìn, và nhìn, tôi phát hiện ra là chính cái tư  tưởng này đã tạo ra tất cả. Suy tưởng do tính chất chắp vá, manh mún của nó, đã tạo nên sự ràng buộc này. Khi tư tưởng nhận ra được điều đó, sự ràng buộc chấm dứt. Khỏi cần nỗ lực gì hết cả. Ngay khi có sự  nỗ lực, xung đột liền xuất hiện trở lại.

Trong tình yêu, không có sự ràng buộc. Nếu có ràng buộc, thì không có tình yêu. Loại bỏ cái không phải là yêu, loại bỏ sự  ràng buộc là loại bỏ cái nhân tố chính. Tôi hiểu nó có nghĩa là gì trong cuộc sống hằng ngày của tôi: Không hồi tưởng lại những điều vợ tôi, bạn gái tôi, láng giềng tôi đã làm cho tôi đau khổ như thế nào; đồng thời cũng không dính mắc vào bất cứ hình ảnh nào do tư tưởng tạo ra về nàng, về sự khen ngợi mà nàng dành cho tôi, về sự nàng đã cho tôi biết bao niềm an ủi, về sự  tôi đã được hưởng khoái lạc trong tình chăn gối mặn nồng như thế nào, không hồi tưởng lại tất cả mọi điều khác nhau do sự suy tưởng chuyển động tạo nên hình ảnh. Như thế, mọi dính mắc vào hình ảnh sẽ bị triệt tiêu.

Ngoài ra, còn những yếu tố khác: Tôi có phải trải qua tất cả, từng bước một, từng chuyện một chăng? Hay như thế ølà xong việc rồi?  Tôi có phải thẩm xét, phải tra cứu -- như tôi đã tra cứu sự dính mắc -- sự sợ hãi, niềm hoan lạc, và ước vọng được thoải mái chăng?  Tôi thấy rằng tôi không cần phải trải qua một cuộc điều tra về các yếu tố linh tinh này nữa. Tôi đã "thấy" nó. Tôi đã "bắt được" nó.

Vậy thì, qua sự dứt bỏ cái "không phải là yêu", thấy được thế nào là "yêu". Tôi chẳng cần phải hỏi "yêu là cái gì". Tôi chẳng cần phải theo đuổi nó. Nếu phải theo đuổi nó để đạt được, thì không phải là yêu, mà là phần thưởng.

Cho nên tôi đã buông xả ra, tôi đã chấm dứt sự tìm tòi đó một cách từ tốn, thận trọng, không méo mó, không ảo giác, không tất cả những cái không phải là yêu, cái còn lại, chính là yêu.
Krishnamurti -- Freedom, Love, and Action 

No comments: