Reading Book
| |
|
Lời giới thiệu - 50 gương hiếu thời nay: Thôi quét lá đa…
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa…
TTO - Xa xưa, câu ca dao như một lời ru buồn cho những thiếu niên trót sinh ra đời dưới một "ngôi sao xấu" – gia cảnh nghèo nàn, bất hạnh. Thời nay, lời "tiên tri" trên có thể vẫn còn đúng ở một số trường hợp: với địa vị cao, của cải nhiều của cha mẹ, các "cậu ấm cô chiêu" vẫn ung dung bước vào đời một cách êm ái. Nhưng những "con sãi ở chùa" không chịu thúc thủ trước hoàn cảnh thì sao?
Hơn 11 năm thực hiện chương trình học bổng "Vì ngày mai phát triển", báo Tuổi Trẻ đã tìm thấy một câu trả lời lạc quan: một dòng chảy âm thầm mà mạnh mẽ đang tuôn ngấm trong biết bao cảnh đời nghèo khó. Nghèo thì vẫn nghèo đấy, nhưng các bạn không muốn vì nghèo mà hèn, mà nhục. Dẫu tuổi nhỏ nhưng nỗ lực và ý chí không nhỏ, các bạn học bằng mọi giá, kể cả vừa làm mướn vừa học, quên đi cái đói mà học… và học giỏi. Đáng mừng hơn, ngày càng có nhiều trường hợp, gắn liền chữ "học" và chữ "hiếu". Chính từ thực tế đó mà sau này xuất hiện "thêm giải thưởng học trò giỏi hiếu thảo".
Ghi nhận từ hơn 11 năm qua cho thấy đã có những thiếu nhi, những chàng trai, cô gái vượt khó, học giỏi ngày nào nay đã bắt đầu chạm ngõ một tương lai xán lạn hơn. Tất nhiên trong sự thăng hoa, đổi đời này còn có bàn tay tiếp sức của nhiều cá nhân. Và rồi sự thay đổi hoàn cảnh của từng bạn đã không còn là niềm hạnh phúc đơn lẻ của mỗi cá nhân hay gia đình. Vượt xa rộng hơn, còn là hạnh phúc, niềm tin cho xã hội; cuộc đời sẽ đẹp hơn với những ai không chịu đầu hàng hoàn cảnh.
"50 gương hiếu thời nay" mà bạn đang cầm trên tay là tập sách viết về một phần trong số hàng trăm học sinh giỏi hiếu thảo của các tỉnh trung du Bắc bộ và 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vừa được báo Tuổi Trẻ tặng học bổng "Vì ngày mai phát triển", Nhà xuất bản Trẻ và báo Tuổi Trẻ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
Cô bé bán khoai đậu ba trường đại học
TTO - Hơn 10g đêm, một cô giáo dạy ở Trường Lương Thế Vinh còn thấy cô học trò nhỏ đi bộ thơ thẩn trên đường Ba Tháng Hai (TP.HCM), trên tay cầm tập vé số. Cho đến lúc ấy, chân dung của cô học trò giỏi xuất sắc suốt mấy năm trời đến trường chỉ mặc duy nhất một cái áo trắng đã ngả màu mới hiện lên thật rõ…
Chiếc áo ấy, theo lời cô Kim Dung, cô giáo dạy toán của Trần Bình Gấm năm lớp 6, thì để ý lắm mới nhận ra Gấm đến trường chỉ với chiếc áo duy nhất trông đã có vẻ rất chật. Hằng ngày, cứ sau giờ học Gấm đi nhận vé số về bán đến 11, 12 giờ khuya mới về đến nhà. Có hôm Gấm đi hàng mấy chục cây số quanh thành phố. Gấm kể:
- Mới đầu cũng mắc cỡ, nhưng thấy ba đạp xích lô cực quá trong khi năm chị em đều còn đi học, lúc nào nhà cũng bị nợ nần nên em tập đi bán vài ngày cũng quen. Có vài lần gấp quá em cũng mang theo tập để học, nhưng thấy ngại vì sợ người ta nghĩ rằng mình cố tình ra vẻ học sinh để được thương hại nên lại thôi.
Vậy là tranh thủ 4,5 giờ chiều, Gấm chạy ù về nhà phụ mẹ và học. Không thì khuya cách mấy vẫn ngồi học cho kỳ được. Thành tích học sinh giỏi chín năm liền, học sinh giỏi môn sinh cấp quận, điển hình cháu ngoan Bác Hồ của thành phố 20 năm… đã không phụ công sức của cô học trò nhỏ ấy.
Đến thăm nhà Gấm (219/1 Trần Văn Đang, P.11, Q.3) chúng tôi mới hiểu thêm sự cùng quẫn của gia đình. Căn nhà giống như một túp lều không đầy 10m2 là chỗ ăn ngủ của sáu mẹ con. Hôm nào trời mưa, nước từ trên mái cứ đổ xuống thoải mái. Chỗ ở ấy cũng không phải là nhà của Gấm mà là của người bà con cho ở tạm. Từ khi Gấm vào học cấp III ở Trường Lê Hồng Phong, ngay cả mối lấy vé số để bán cũng bị cắt đứt vì nợ quá nhiều. Gấm xoay qua giúp mẹ ngồi bán khoai lang, khoai mì và mía ghim ở ngoài đầu hẻm. Cha Gấm mất vì bị ung thư phổi và lao lực quá sức sau một tháng nằm bệnh viện. Tiền viện phí, tiền thuốc thang, tiền ăn học của năm chị em… khiến mẹ Gấm quẫn quá làm liều đi vay nặng lãi: 1 triệu đồng, phải trả tiền lời góp 10.000 đồng/ngày; một chủ khác 3 triệu/tháng trả 45.000 đồng. Cả gia đình lún sâu vào nợ, nợ mẹ đẻ nợ con, nợ vé số chưa trả được, nợ tiền khoai, tiền góp… Ngày nào cũng có "anh chị" đến hăm dọa, đòi đốt nhà. Gấm kể:
- Có hôm cả nhà phải phải khóa cửa đi trốn nợ. Có lúc đi một mình, có lúc dắt theo đứa em đi tha thẩn trong ga đến gần 12g khuya mới dám về nhà. Đến nỗi tiền điện nước câu nhờ nhà hàng xóm đến tháng không có tiền trả, người ta cứ canh đang bán là ra thu góp mỗi ngày 5.000 đồng.
Chiếc xe đạp mini mà cô hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh tặng cho Gấm năm lớp 11 để Gấm khỏi đi bộ đến trường, Gấm mới đi chưa đầy hai tháng cũng phải mang cầm lấy 70.000 đồng về giao cho mẹ. Khi kể chuyện, Gấm cứ năn nỉ cô Kim Dung đừng kể lại cho cô hiệu trưởng biết vì sợ cô buồn:
- Khi tặng em cô đã căn dặn là không được cầm, không được bán, nhưng mẹ em túng quá…
Cái chết của cha, cái cảnh hằng ngày thấy những người nghèo khó chỉ dám ra tiệm mua đỡ vài viên thuốc chứ không dám đi khám bác sĩ, đã thôi thúc cô học trò nhỏ bằng mọi cách phải học thật giỏi để trở thành bác sĩ. Cô Kim Dung kể:
- Có lần tôi đã nói với Gấm học y sợ sau này ra trường không tìm được việc làm ở thành phố, có đi tỉnh cũng phải về những huyện xa nhất. Gấm nói cỡ nào em cũng học, đi đâu em cũng đi, đi càng xa thì mới giúp được những người nghèo.
Gấm đã vượt qua tất cả mọi mặc cảm để vươn lên, bạn Thụy Vĩ - lớp trưởng lớp 12B2 Trường Lê Hồng Phong - cho biết:
- Ở trường, Gấm rất vui vẻ và tự tin. Học toán giỏi nhất lớp (điểm trung bình năm lớp 12 là 9,3) nên đến khi ba Gấm mất, đến nhà Gấm tất cả mọi người mới biết nhà nghèo đến vậy.
Tiền trả nợ, tiền ăn học không đủ, nói chi dư đến mấy chục ngàn để mua quần áo. Mẹ Gấm kể trong nước mắt:
- Mấy năm trời chưa sắm được cái áo mới nào cho mấy đứa đi học, toàn quần áo cũ của hàng xóm cho vá víu lại…
Còn Gấm đi học bằng chiếc áo dài cũng của người hàng xóm cho, đến năm lớp 11 thì được bộ án dài nhờ tiền quà tết nhân ái mà các bạn trong trường diễn văn nghệ thu được tặng. Và cũng nhờ lần đó trường mới biết và trao học bổng học sinh nghèo vượt khó cho Gấm năm học lớp 12. Tất cả đã không cản được Gấm tiếp tục học và thi đậu vào cả hai trường ĐH Y dược và Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM và khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Gấm thi vào khoa toán ĐHSP đạt 19 điểm và chuyển qua).
Nỗi vui mừng chưa dứt, Gấm đã phải nghĩ đến khoản học phí trước mắt. Nợ nần còn chồng chất, đào đâu ra?
- Mình đã nghĩ đến việc nếu không còn cách nào khác thì xin bảo lưu kết quả một năm để đi làm kiếm tiền…
Gấm nói buồn buồn nhưng rồi lại tự tin khẳng định:
- Nhưng dù gì mình cũng sẽ không bao giờ từ bỏ con đường đã chọn.
Báo đăng, ngay buổi sáng ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ nhiều cú điện thoại tới tấp hỏi thêm về trường hợp Gấm. Nhiều cô chú rồi cả những bạn trẻ đến gởi cho Gấm, người năm chục, người trăm ngàn, nhưng cũng có những con số lên đến hàng triệu. Mười giờ đêm ghé thăm nhà Gấm vẫn còn thấy có hai vợ chồng chở cả con đến thăm và tặng quà, không quên cả việc chỉ cho con thấy rõ hoàn cảnh gia đình và tấm gương của Gấm. Nhiều nhà hảo tâm, nhiều công ty không những giúp đỡ gia đình mà lo luôn cả việc bảo trợ cho Gấm suốt những năm học đại học, từ bộ đồ mới, chiếc xe đạp đến cả dụng cụ học tập… Ngày theo đoàn đi Cần Thơ dự lễ trao giải "học trò giỏi hiếu thảo", Gấm cũng nghiễm nhiên trở thành "cây đinh" trong đoàn, là người được các anh chị, các bạn, các cô chú ở các tỉnh thành quan tâm nhiều nhất. Ở bắc Cần Thơ, cả những người bán hàng rong cũng đeo các đoàn xe để hỏi thăm "phải xe của Tuổi Trẻ không?", "có Bình Gấm ở đây không?". Chú mập bán nem suốt mấy ngày điện thoại lên tòa soạn cũng chỉ để căn dặn một điều, khi xe đi ngang phà ngừng lại để chú trao cho Gấm một khoảng tiền…
Gấm kể: "Giống như một giấc mơ, khi mình thức dậy mọi thứ đều thay đổi, mười mấy triệu đồng tiền nợ, nỗi ám ảnh kinh hoàng của gia đình cũng không còn…". Điều đó không nằm trong truyện cổ tích mà là cổ tích có thật đã đến với Gấm giữa cuộc đời thường. Bây giờ Gấm đã đi học những buổi đầu tiên, đã trở thành sinh viên của Trường Đại học Y dược, đã có cơ hội để thực hiện được mơ ước của mình: trở thành bác sĩ. Căn nhà nhỏ của Gấm bây giờ thường ngập tiếng cười. Gấm tâm sự với tôi: "Chưa bao giờ, kể từ khi em biết nhận thức, em thấy mẹ em cười tươi và nhiều đến vậy…".
HOÀI TRANG
Nguyễn Văn Cải - lớn lên từ rau, ốc và những tấm lòng
TTO - Cơn mưa nửa đêm dội xối xả, cả căn nhà rách nát dột ướt sũng. Mưa và cái đói cồn cào vì nhịn ăn cả ngày khiến Cải tỉnh giấc. Dáo dác khắp nhà không thấy mẹ đâu, Cải hốt hoảng chạy bổ đi tìm. Lội thửa ruộng ngập nước quá đầu gối, Cải nhắm hướng chạy đại.
May sao khoảng gần một cây số, Cải thấy dáng mẹ dầm mưa lững thững phía trước. Hỏi mẹ đi đâu, mẹ vuốt mưa bình thản trả lời: Đi chơi! Năm đó Cải vừa tròn 8 tuổi. Và những câu chuyện tìm mẹ tương tự cứ thường xuyên lấp đầy trang nhật ký của Nguyễn Văn Cải.
Trưa 18-4, tôi tìm đến Trường PTTH Quang Trung, huyện Củ Chi, thầy hiệu trưởng Lê Đình Hoe cho biết giữa năm lớp 10 trường mới phát hiện trường hợp khó khăn của Cải qua một chương trình học bổng của đài phát thanh huyện. Để biết thêm thật hư, trường cử người tìm đến nhà Cải kiểm tra. Chỗ ở của em không phải là nhà mà là cái chòi thì đúng nghĩa hơn. Từ đó đến nay, em được nhà trường miễn 100% tiền học. Ngoài tấm gương học trò giỏi, hiếu thảo, Cải còn là một cán bộ Đoàn giỏi, năng nổ nhiệt tình. Cải làm bí thư Đoàn trường năm lớp 11, và hiện vẫn giữ chức phó bí thư Đoàn trường. Cô Vân, trợ lý thanh niên và là giáo viên chủ nhiệm của Cải năm lớp 11, cho biết thêm: "Cải làm việc rất có kế hoạch, chịu khó học hỏi. Năm Cải làm bí thư, trường được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn về thành tích hoạt động tốt...". Cô Vân quay sang lật cho tôi xem một số bài báo Cải đã viết về hoạt động của trường, trong đó có cả những mẩu tin đăng trên báo Tuổi Trẻ.
Mẹ Cải sinh ra chị Hai, rồi 10 năm sau sinh ra Cải đều trong trạng thái đang bị cơn bệnh tâm thần hành hạ. Cả hai chị em đều có mẫu số chung "cha vô danh". Hơn năm tuổi Cải đã biết đi coi trâu, nhưng rồi cậu Năm nghèo quá bán trâu, Cải trở về sống với mẹ và chị trong căn chòi lá của bà cố cho (ở tổ 2, ấp Lào Táo Trung, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi). Những khi tỉnh táo thì mẹ lại ngụp lặn mò cua bắt ốc đổi gạo nuôi hai chị em bữa đói, bữa no; còn lúc điên dại thì quên hết mọi thứ trên đời bỏ đi lang thang, có khi trầm mình trong sình bùn đầy đỉa cách nhà đến 5-6km... Tròn sáu tuổi, Cải cũng như bao đứa trẻ khác tung tăng đến trường. Cải làm lớp trưởng và học thật xuất sắc khiến thầy cô, bạn bè ở Trường tiểu học Trung Lập Hạ đều biết tiếng. "Tôi nhớ như in cái ngày tựu trường năm lớp 4, tôi không đến trường mà nằm ở nhà khóc sưng mắt. Buồn lắm, nhưng chị bệnh, mẹ bệnh, gạo còn không có ăn, phải thường xuyên ăn củ mì, rau chóc, rau chồn trừ cơm thì lấy đâu ra tiền đóng học phí. Chiều đó, bạn Quân Bình chạy ào đến báo tin các bạn đã kể hết cho cô Hằng - chủ nhiệm mới - nghe rồi, cô nhắn cứ đến trường cô sẽ đóng tiền học cho. Kể từ đó tôi yêu ngành sư phạm ghê lắm, cứ nguyện sao học cho thật giỏi, lớn lên làm giáo viên để giúp đỡ học sinh gặp khó khăn".
Năm Cải lên lớp 9, gánh nặng gia đình càng đè nặng lên đôi vai: bệnh tâm thần của mẹ phát nặng, chị Hai sinh nở trong tình trạng sức khỏe rất yếu mà người anh rể đi biệt tăm, còn Cải thì chuẩn bị thi hết cấp II. Sáng Cải dậy thật sớm xách nước, nấu ấm nước sôi để sẵn, rồi đem theo tập đạp xe hơn chục cây số đi cắt lúa, nhổ đậu mướn. Nắng đứng bóng, rửa vội tay chân, Cải hộc tốc vù xe đến trường. Tan học, ào ngay về nhà lo cơm nước cho mẹ và chị, xong xuôi lại quay xe đi xay đậu mướn đến nửa đêm Cải mới trở về học bài. Kết quả đã không phụ lòng cậu học trò đầy kiên trì và nghị lực, năm đó Cải đậu thủ khoa tốt nghiệp trung học cơ sở toàn huyện và được tuyển thẳng vào lớp 10...
"Ở đời thường thấy học trò tặng quà cho thầy cô giáo, còn thằng Cải thì ngược lại toàn được thầy cô tìm đến nhà tặng quà. Cô nhìn xem mọi thứ trong nhà và luôn cả căn nhà nữa, nếu không của Nhà nước cho thì cũng là bà con hàng xóm tặng hết đó". Dì Hai đón tôi bằng giọng chơn chất rặt Củ Chi. Căn chòi nát ngày xưa giờ đã được thay bằng ngôi nhà tình thương của biết bao tấm lòng. Từ chiếc giường tre của cậu Phát nhà bên cạnh đóng cho; chiếc bàn học là ván gỡ từ chiếc tủ đựng thức ăn cũ kỹ của nhà kế bên; nền nhà gạch tàu là do huyện đoàn xây; mái ngói, vách bồ là do chi hội thanh niên Hoa bằng lăng của xã dựng; còn điện thì cũng được địa phương mới cho vô, thầy hiệu trưởng và bốn thầy nữa xúm lại kéo dây cho. Mới đây nhất Đoàn Sở GD-ĐT tặng cho Cải một chiếc xe đạp mới thay cho con ngựa sắt mà có quẳng ngoài đường cũng chẳng ai thèm lượm (như cả trường Cải nói đùa)...
Và trên tấm vách, tôi nhìn thấy những bằng công nhận danh hiệu Nguyễn Văn Cải: người con hiếu thảo năm 1995, thanh niên tiên tiến thành phố năm 1996, Đoàn - người bạn của thanh niên năm 1997... Từ năm lớp 11 đến nay, mỗi ngày Cải đi học sớm hơn bạn bè để lấy báo bán, Cải khoe: "Cũng lời được khoảng 5.000 đồng/ngày lo tiền gạo, tiền thuốc cho mẹ. Nhưng bữa nào chỉ cần ế chừng ba tờ là coi như lỗ vốn". Ngôi nhà của Cải hơn một năm nay còn là nơi tụ họp CLB Anh em vào mỗi tối cuối tuần với hơn 40 thiếu nhi trong ấp do Cải phụ trách, cùng sinh hoạt giúp nhau học tập...
Và giờ đây chuyện Cải chuẩn bị bước vào đại học đang trở thành mối lo "thời sự" nhất của thầy cô. Cô hiệu phó Võ Thị Cấn đã mua cho Cải ba bộ hồ sơ thi. Cải cũng đã quyết định chọn các trường ĐH Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm và ĐH Luật. Thầy Mẫn vừa cho Cải mượn bộ sách Lịch sử văn học Việt Nam để ôn luyện. Thầy Hoe thì đang dự định bàn với Hội Bảo trợ học đường huyện hỗ trợ cho Cải đi học... Ước nguyện trở thành giáo viên thuở ấu thơ của Cải nay đã bắt đầu dạm ngõ, nhưng có lẽ con đường sẽ còn nhiều hiểm trở, chông gai.
TỐ OANH
Cô gái côi cút
TTO - Có những số phận khắc nghiệt đến cùng cực. Nhưng ít ai có thể hiểu vì sao Quỳnh Anh lại có thể vượt qua được những nghiệt ngã trong cuộc đời. Tháng 7-1997 mẹ Anh qua đời, tháng 2-1998 anh trai mất và tháng 12-1998 bố cũng vĩnh viễn ra đi. Còn lại một mình côi cút, nhưng cô bé lớp 11 Trường Chu Văn An – Hà Nội đã vượt qua những nỗi đau xé lòng để hai năm liền là học sinh giỏi toàn diện…
Cuối tháng hai Hà Nội rét ngọt. Lần tìm suốt trong mấy con đường đất nhỏ không đèn, lóc xóc đầy ổ gà, cuối cùng tôi cũng tìm ra căn nhà nhỏ của Quỳnh Anh trong khu tập thể lắp máy phường Cống Vì, quận Ba Đình, Hà Nội. Gian nhà nhỏ, cũ kỹ lặng phắc buồn bã tựa như thân phận của Quỳnh Anh. Em hồi tưởng lại:
- Anh em đã bị bệnh thận nặng. Bố mẹ làm ở Công ty Lắp máy và xây dựng Hà Nội thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ sống. Em luôn nghĩ mình có một gia đình hạnh phúc. Nhưng không ngờ bão tố lại đổ dồn xuống mái ấm nhỏ này. Mẹ bị xuất huyết não, nằm được mười ngày thì chết trong bệnh viện. Có lẽ đó là thời gian nặng nề nhất. Mẹ vừa mất, cả bố và anh đều ốm.
Mỗi sáng, dậy từ sớm sắc thuốc cho bố và anh, lo cơm nước, chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Trưa đi học, chiều về nhà lại tất bật vào công việc. Bệnh của anh ngày càng trầm trọng, chuyển về quê ở Hà Tây được một ngày thì anh mất. Bệnh u cổ của bố phải chạy chữa đủ cách rồi đưa về quê sắc thuốc nam. Em ở lại Hà Nội vừa đi học, vừa trông nhà, xong lại chạy về thăm bố…
Vợ chồng chú Hùng, người hàng xóm, kể:
- Cứ gặp nhau là hai bố con khóc ròng. Lúc đó sợ Quỳnh Anh và cả bố đều suy sụp nên cứ phải dỗ cho Quỳnh Anh đi chỗ khác.
Ngày 2-12-1998 bố Quỳnh Anh cũng ra đi. Quỳnh Anh thành cô gái mồ côi.
Mọi người kể: trong đám tang bố, Quỳnh Anh khóc ngất, nhưng sau đó thì không bao giờ thấy Quỳnh Anh khóc nữa. Ngồi trước mặt tôi, phải kể lại những ngày tháng khủng khiếp đó Quỳnh Anh cũng không khóc. Có lúc tôi thấy đôi mắt to tròn long lanh nước nhưng rồi thôi.
- Lúc đó em cũng không hiểu tại sao mình có thể vượt qua nổi. Ngày trước em hay khóc nhưng em nghĩ bây giờ khóc thì không thể giúp được gì. Em phải quyết học, vì đó là cách để trả hiếu cho các đấng sinh thành. Im lặng một lúc Quỳnh Anh nói tiếp: em sợ mọi người thương hại mình. Như bây giờ cũng muốn khóc nhưng em không khóc được. Chỉ những lúc còn một mình…
Bà con dưới quê định đưa Quỳnh Anh về Hà Tây, nhưng với môi trường sống khác không còn trường lớp, bạn bè, thầy cô, mọi người lại sợ Quỳnh Anh lỡ dỡ việc học và cô độc hơn. Vậy là hai tháng nay Quỳnh Anh bắt đầu cuộc sống mới đầy thử thách. Gói ghém chi phí mỗi ngày khoảng 10.000đ cho ăn uống và mọi thứ sinh hoạt:
- Mọi người đều lo lắng và giúp đỡ để em không phải thiếu thốn. Gạo bà gửi từ quê ra. Em đã nghĩ là sẽ đi làm thêm một việc gì đó để sống nhưng không thể vì thời gian phải tập trung hết vào việc học…
Tôi tìm đến Trường PTTH Chu Văn An, nơi Bùi Thị Quỳnh Anh đang theo học. Thầy Trần Đình Phong, chủ nhiệm lớp 11C1, đã cho biết:
- Tôi tác động qua bạn bè, lớp học để nâng đỡ tinh thần Quỳnh Anh, nuôi dưỡng cho em quyết tâm vượt khó để đi học. Đó cũng là tâm nguyện của những người đã khuất.
Lớp triệu tập họp phụ huynh học sinh bất thường, các bạn trong lớp, các bậc cha mẹ mỗi người san sẻ, hỗ trợ cho Quỳnh Anh một bữa ăn sáng, một món quà nhỏ nhân dịp lễ tết… Đoàn trường, cơ quan bố mẹ Quỳnh Anh cũng đang tìm mọi cách vận động giúp đỡ Quỳnh Anh trong khả năng có thể…
Quỳnh Anh tâm sự:
- Nhiều lúc nhớ đến cái chết của mẹ, của anh và bố, em nghĩ sau này mình phải đi học ngành y để trở thành bác sĩ dù bây giờ em đang học ban C. Nhưng trước mắt em cố gắng học thật giỏi để đến năm lớp 12 em sẽ có định hướng rõ ràng cho tương lai. Thật sự em đạt học sinh giỏi toàn diện, nhưng ở lớp em còn nhiều bạn học giỏi hơn nữa. Em nghĩ thời gian khó khăn nhất em đã vượt qua được thì bây giờ càng phải cố gắng hơn nữa…
Gương mặt Quỳnh Anh vẫn cương nghị, trầm ngâm khi nói về cuộc sống hiện tại và tương lai phía trước. Tôi tin với nghị lực đó rồi cô gái côi cút này sẽ vượt qua mọi khó khăn và khẳng định được mình.
No comments:
Post a Comment