Monday, January 01, 2007

Triệu phú không thích tiêu tiền

Ông Lưu và vợ

Vào một ngày đông giá buốt đầu năm 1980, có một người Việt đặt chân lên thành phố Boston, miền Đông nước Mỹ, trong chiếc áo ngắn tay, chiếc quần soọc và đôi dép lê, không nói được tiếng Anh, không một xu dính túi với một gia đình mười tám miệng ăn. Hơn hai mươi năm sau, ông trở thành triệu phú, chủ một công ty cổ phần hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ siêu thị, nhà hàng đến địa ốc, khu vui chơi giải trí… với hơn 800 nhân viên tại nước Mỹ, châu Á và cả Việt Nam. Hầu hết những người Mỹ gốc Á vùng Boston đều mua hàng và ăn uống trong những nhà hàng của ông nhưng ít ai biết được câu chuyện làm giàu của ông trên đất Mỹ.

Mặc dù có một tài sản lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim, nhưng trông ông Peter Lưu không có vẻ gì giống một triệu phú và ông cũng không sống cuộc sống của một triệu phú. Gặp ông ở trụ sở công ty, nằm ở tầng hai của siêu thị Super 88 tại số 1 Brighton Ave, một con đường lớn ở Boston, chúng tôi ngạc nhiên vì văn phòng làm việc của ông lại khiêm tốn đến thế. Thảm trải sàn màu tối và cũ kỹ, ba chiếc bàn làm việc đơn giản, một của ông, một của cậu con trai 31 tuổi đang giúp ông điều hành công ty và một dành cho cô thư ký. Ông Lưu có dáng người thấp đậm, nước da ngăm đen, giọng nói ề à, chân chất. Mặc dù trong buổi gặp gỡ có mặt một số người Mỹ, nhưng ông vẫn thích nói chuyện bằng tiếng Việt, ông giải thích: "Mình nói tiếng Anh vẫn kém lắm".

Vật lộn với miền đất lạ

Ông sinh ra tại Chợ Lớn năm 1952 trong một gia đình người Việt gốc Hoa có truyền thống buôn bán lâu đời. Năm 20 tuổi, ông đã thành lập công ty thương mại riêng tại Chợ Lớn. Sau năm 1975, mười tám thành viên của gia đình ông vượt biên sang Mỹ, định cư tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts. Cả nhà ông ở tạm trong nhà thờ. Hôm sau, ông ra thăm khu phố tàu, thấy có tấm bảng tuyển người làm trong một lò đậu hũ, ông xin vào làm. Ông nói: "Qua đến đây là phải chấp nhận, đời sống mới mà, bất cứ việc gì mình cũng phải làm được". Sau một năm làm việc ở lò đậu hũ, ông Lưu dành dụm được ít tiền, tự mua sắm máy móc để mở tiệm đậu hũ lớn. Một năm sau, ông sang lại tiệm đậu hũ cho người khác để mở một siêu thị nhỏ (khoảng 100 mét vuông) bán hải sản tại phố Tàu. Ba năm sau ông đủ vốn mở tiếp một cửa hàng tạp hóa. Cứ thế mà đầu tư dần dần. Hiện nay, ông là chủ của năm siêu thị châu Á lớn ở vùng Boston mang tên Super88 Market, doanh thu hàng năm lên đến 60 triệu Mỹ kim. Ông tiếp tục mở thêm các chuỗi nhà hàng Tàu mang tên Chau Chow City và Grand Chau Chow là những nhà hàng châu Á lớn nhất ở khu phố Tàu Boston. Không dừng lại ở đó, ông Lưu quay về châu Á, xây dựng nhà máy sản xuất gạo xuất khẩu tại Thái Lan, nhà máy chế biến hải sản tại Trung Quốc. Ông trở thành một trong những doanh nghiệp phân phối gạo và hàng hóa Việt Nam lớn nhất ở miền Đông nước Mỹ. Ông đầu tư vào địa ốc, xây dựng khu nhà ở và văn phòng cho thuê tại Boston, xây dựng ba sân golf 18 lỗ tại Connecticut.

Sống ở Mỹ hơn 20 năm nhưng ông Lưu tự nhận là tiếng Anh của ông rất kém. "Mình qua đây không biết một chữ tiếng Anh", ông cười thú nhận. " Mình ít học, chữ nghĩa chỉ đủ giao tiếp. Cơ bản là mình làm ăn với người châu Á. Mình nói được tiếng Hoa, làm ăn được với người Hoa. Mình dựa vào cộng đồng châu Á ở Mỹ để làm ăn".

Ông Lưu cho rằng mình là người may mắn. Ông chưa bao giờ gặp thất bại lớn trong kinh doanh. Glenn Frank, luật sư của ông, lại nghĩ khác: "Tôi không nghĩ đó là may mắn. Người đàn ông này luôn làm việc hết sức mình". Những năm đầu tạo dựng sự nghiệp ở Mỹ, ông Lưu làm việc từ 16-18 giờ mỗi ngày, không có ngày nghỉ. " Mình không phải là tuýp người thích tiêu tiền. Mình thích làm việc. Bây giờ mình có thể ngồi chơi mà không lo thiếu tiền, nhưng mình không thích ăn không ngồi rồi. Mình sống là để làm việc", ông nói.

No comments: