Ngô Thì Nhậm
Số là năm mới 5 tuổi, nhân ngày mồng một Tết, Ngô Thời Sĩ lấy giấy mực ra viết mấy dòng khai bút: "Hoàng triều Cảnh Hưng vạn vạn niên chi thập nhất, tuế thứ canh ngọ, chính nguyệt, nguyên đán, cát thời thí bút, Tả Thanh Oai, Ngọ Phong Ngô Thời Sĩ".
(Năm Cảnh Hưng thứ 11 trong muôn vạn năm, canh ngọ tháng giêng mồng một, giờ tốt thử bút. Tả Thanh Oai, Ngọ Phong -Ngô Thời Sĩ)
Viết xong ông gọi con bảo:
- Ra đây thầy đặt tên cho để khai bút nhân thể.
- Thế tên Thầy là gì đã?
Ngọ Phong chỉ vào chữ Sĩ 仕 , con liền cầm bút vẩy lên trên chữ này một nét, thành chữ Nhiệm 任, ông bèn đặt con là Thời Nhiệm, và rất mừng được đứa con mẫn tiệp, mới lên năm đã biết tự đặt lấy tên. Nhưng ông em không lấy làm hài lòng, vì sách tự ra chữ nhiệm là 壬 人 nhâm nhân - người khéo nịnh bợ.
(Năm Cảnh Hưng thứ 11 trong muôn vạn năm, canh ngọ tháng giêng mồng một, giờ tốt thử bút. Tả Thanh Oai, Ngọ Phong -Ngô Thời Sĩ)
Viết xong ông gọi con bảo:
- Ra đây thầy đặt tên cho để khai bút nhân thể.
- Thế tên Thầy là gì đã?
Ngọ Phong chỉ vào chữ Sĩ 仕 , con liền cầm bút vẩy lên trên chữ này một nét, thành chữ Nhiệm 任, ông bèn đặt con là Thời Nhiệm, và rất mừng được đứa con mẫn tiệp, mới lên năm đã biết tự đặt lấy tên. Nhưng ông em không lấy làm hài lòng, vì sách tự ra chữ nhiệm là 壬 人 nhâm nhân - người khéo nịnh bợ.
Đây là một đoạn viết về Ngô Thì Nhậm trong cuốn Giai thoại làng Nho của Lãng Nhân (trang 218-219). Chỉ gọi là "giai thoại" nhưng đọc đến đây, trong lòng tôi bỗng có chỗ ngờ. Nhân sĩ Bắc Hà xưa từng chê trách Ngô Thì Nhậm là kẻ "lừa thầy, phản bạn" khi không hiểu được bao nhiêu uẩn ức lúc ông mạnh dạn ra tiến cử Nguyễn Huệ, hiến kế bày mưu đem lại chiến thắng lẫy lừng trong trận thắng 29 vạn quân Thanh. Hơn một thế kỷ sau, lẽ nào người trí thức đa tài và lỗi lạc về văn chương, chính trị, quân sự... vẫn chỉ được hiểu là một người "thế thời phải thế"?
Ngô Thời Nhậm (1746-1803) - tên thật là Ngô Thì Nhậm - vì húy danh nên còn gọi là Ngô Thời Nhiệm- một danh sĩ, văn sĩ cuối đời Hậu Lê sang triều Tây Sơn. Ông tự là Hải Doãn, hiệu Đạt Hiên, quê làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay thuộc ngoại thành Hà Nội.
Từ nhỏ, Ngô thì Nhậm đã tỏ chí thông minh, học giỏi và sớm có tiếng tăm ở chốn quan trường. Ông thi đậu giải nguyên năm 1768, rồi đến tiến sĩ tam giáp năm 1775. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới triều Hậu Lê-Trịnh, được chúa Trịnh Sâm hết sức quý mến. Năm 1778, khi cha ông làm Đốc đồng Lạng sơn thì Ngô Thì Nhậm được bổ làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên. Cha con đồng triều, văn chương nổi tiếng trong thiên hạ.
Năm 1782, trong cung vua Lê có vụ binh biến đảo chính, ông bị nghi ngờ tham dự nên từ quan về ở ẩn tại quê vợ là vùng Sơn Nam. Đến khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, xuống lệnh "cầu hiền" tìm kiếm quan lại của triều cũ, Ngô Thì Nhậm tự nguyện đến với Tây Sơn, từng hiến kế lui binh về giữ Tam Điệp góp phần làm nên chiến thắng của quân Thanh hết sức lẫy lừng.
Đến khi vua Quang Trung mất đi, chính sự triều đình Tây Sơn xuống dốc và tư tưởng Nho giáo lúc này đã lung lay đến tận gốc rễ, Ngô Thì Nhậm quay về nghiên cứu Phật học. Đây là giai đoạn ông nghiên cứu, sáng tác nhiều và để lại những tác phẩm có giá trị như: Nhị thập nhất sử toát yếu, Bút hải tùng đàm, Ủng vân nhân vịnh, Cúc hoa thi trận, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Hàn các anh hoa và còn nhiều tác phẩm khác nữa, đều có giá trị trong kho tàng văn học sử Việt Nam.
Tương truyền Ngô Thì Nhậm có người bạn đồng môn là Đặng Trần Thường, cùng xuất thân từ nhà Thái Học, về sau đều đỗ đạt lớn. Lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm để được tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm thét bảo Thường:
- Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước; còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác!
Đặng Trần Thường cả thẹn ra về, sau đó vào Nam theo Nguyễn Phúc Ánh.
Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thời Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó là Đặng Trần Thường. Nặng mối thù năm xưa, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:
-Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai.
Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói "thế đành theo thế" (hay "thế thời theo thế") nhưng Ngô Thì Nhậm không chịu. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông. Sau trận đòn về nhà, Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:
Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường.
Nghĩa là: Thương thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. (Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao tổ, rồi bị Cao tổ giết ở cung Vị Ương). Kết cục của người rồi cũng chẳng khác.
Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Thường bị Gia Long xử tử.
*
Trở lại chuyện tên gọi của nhân sĩ họ Ngô, với giai thoại đặt tên con của Ngô Thì Sĩ mà Lãng Nhân đưa ra là chưa thuyết phục. Sách "Họ và tên người Việt Nam" của PGS.TS Lê Trung Hoa (NXB Khoa học-xã hội) năm 2005 có chi tiết: "Ngô Thì Nhậm trùng với tên húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, Nguyễn Phúc Thì) nên phải đọc và viết thành Ngô Thời Nhiệm". Vua Tự Đức sinh năm 1829, mất năm 1883, cách gọi Nhậm thành Nhiệm ắt hẳn chỉ có vào thời vua trị vì và về sau, nhiều người quen dùng nên không dụng ý phân biệt. Chữ Nhậm (hay Nhiệm) 任 còn có nghĩa là gánh vác, chịu đựng (tôi chủ quan nghĩ rằng đây cũng là dụng ý của quan đô đốc Thì Sĩ). Phải chăng cuộc đời đứa con thông minh, mẫn tiệp năm xưa của Thì Sĩ không những phải chịu đựng nhiều nỗi oan ức lúc sinh thời mà còn mãi cho đến nhiều thế hệ sau?
Một người vì giữ tiết tháo anh hùng khảng khái mà dám chịu mất mạng. Một người vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống cực đoan về Nho giáo nhưng cuối cùng, lui về ở ẩn để làm một Hải Lượng thiền sư, chuyên tâm nghiên cứu Phật học, để lòng về với nước non Yên Tử mà thấy "Điểu thân phi điểu, hoa hồn phi hoa"... Khi là cận thần của Chúa Trịnh, chúa Trịnh Sâm khen ông "Tài học không ở dưới người", lúc về dưới trướng Tây Sơn, Quang Trung ca ngợi ông "Thuộc dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời". Một người từ chốn quan trường, sống trong thời thế nhiều biến loạn vẫn giữ được khí tiết thanh sạch của kẻ sĩ, một người về cuối đời đã giác ngộ phù vân là vĩnh cửu ...
Thì có tiếc chi.
No comments:
Post a Comment