Monday, January 01, 2007

KHAI SINH ƯỚC MƠ

Trong chiếc áo đời phẳng lặng, ta bước ra bầu trời rộng lớn mang theo những ước mơ của riêng mình. Những ước mơ ấy được nuôi dưỡng theo năm tháng để làm đẹp thêm cho cuộc đời. Tuy nhiên, ước mơ của ta không thể lớn lên bình yên mà phải trải qua bao thăng trầm, bao thử thách, có lúc lại đi lầm đường lạc lối.

Có một câu chuyện kể rằng, có một con chim nhỏ bị chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực. Bản thân nó không biết sức mạnh nào buộc nó lao vào mũi nhọn ấy và nó chết trong khi tiếng hót vẫn còn đủ sức cất lên giữa cuộc đời. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết đang cận kề, không nghĩ đến giọng hót nó sắp đến lúc mất tiếng, đứt hơi. Còn con người chúng ta, khi đứng trước những cám dỗ, những thử thách của cuộc đời chúng ta biết, chúng ta hiểu. Nhưng có lúc ta vẫn lao vào như con chim nhỏ lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế nếu không có ước mơ hoặc xem ước mơ chỉ là một danh từ trừu tượng. Có thể dẫn ra đây những ví dụ về những con người đã bị đánh mất ước mơ.

1. Thật hạnh phúc cho những ai có đủ dũng khí để sống và chết vì một tình yêu, một lý tưởng đeo đẳng suốt cuộc đời mình. Thế nhưng, xung quanh ta cón nhiều lắm những người trẻ tuổi sống không có hoài bão, không say mê lý tưởng? Có bao giờ ta tự hỏi rằng: Mình đã sống tồi, sống tệ đến thế nào?
Giảng đường đại học đang từ từ khép lại trước mặt những một số người bởi tính đào thải ngặt nghèo và yêu cầu gắt gao của nó. Những người con gái, con trai của hương đồng gió nội, những con người tuổi mười tám đôi mươi kết thúc con đường học vấn của mình quá sớm. Họ lại trở về với nếp sống quen thuộc, loanh quanh trong ao làng, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Một cái vòng quẩn quanh không thoát ra được. Họ cũng có những ước mơ, hoài bão nhưng những ước mơ, hoài bão của sức trẻ đó bị những lo toan đời thường làm cho héo hon già cỗi và tan biến đi. Họ không thể vượt qua được nên đành chấp nhận. Có cách nào để sức trẻ ấy thoát khỏi vòng tù túng này chăng? Xã hội làm sao có thể can thiệp khi chính bản thân họ không tự vận động, khi chính họ chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt như vậy.

2. Ngày nay cũng có một bộ phận những thanh niên không biết đến khái niệm lý tưởng đích thực của cuộc sống. Họ có vẻ tâm đắc với "lý thuyết hưởng thụ" của mình. Mỗi ngày trôi qua của họ bây giờ là những cuộc đua tốc độ, coi giảng đường là sàn nhảy, là vũ điệu ái tình, là sàn diễn thời trang. Lý tưởng của họ là những con xe đời mới, những bộ cánh đắt tiền, những cuộc chơi thâu đêm… Họ như con chim bị chiếc gai của bụi mận cắm vào lồng ngực, họ không biết đến hậu quả phía trước, hoặc cố lờ đi để chạy theo những ham muốn tầm thường. Họ là con của những gia đình có "đẳng cấp", có khả năng vung tiền như trấu, có cách thức chạy tội siêu đẳng. Mục tiêu của họ là những cuộc chơi. Họ cần gì phải ôm ấp ước mơ, hoài bão. Họ đã chi tiêu cuộc đời họ một cách vô bổ bằng những đồng tiền không phải của họ. Họ tự biến mình thành con rối trên sàn diễn cuộc đời.

Hai đối tượng trong hai ví dụ trên đối lập nhau về lối sống nhưng cùng chung nhau về đặc điểm: hà tiện, dè sẻn những ước mơ đích thực. Họ là những kẻ lỡ cở lờ đờ, sống nheo nhóc với những lý tưởng còi cọc chẳng đủ khoấy động chút nào cái ao đời vốn đã vô cùng yên tĩnh, họ chẳng dám bước ra bầu trời rộng lớn bằng chính đôi chân của mình .
Chợt nhớ đến câu thơ trong bài "Mùa lá rụng" của Onga Becgon:
Nếu chẳng còn gì mơ ước trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất.
Ước mơ chắp cánh cho con người đến với những điều tốt đẹp. Chúng ta tựa vào những ước mơ, những tin yêu của chính mình để sống có ý nghĩa. Dẫu đã cống hiến hết mình nhưng ước mơ không thành hiện thực, thì điều đó cũng cho bạn kinh nghiệm để bạn thực hiện ước mơ khác. Hay đó chỉ là cống hiến nhỏ bé thì đó cũng là "một chiếc lá rơi cho đất thêm màu". Vậy thì hãy luôn có những ước mơ, luôn hành động biến ước mơ thành hiện thực, đừng xem ước mơ "chỉ là nghệ thuật trang trí vô ích cho loài người" bạn nhé.

Theo "Ước mơ và sự thành công

No comments: