Những phương tiện truy cứu thông tin mới
(PC World, 7/2005)
Tìm kiếm trên mạng sẽ phát triển theo hướng nào? Nhiều trang web mới và các "cựu binh" về tìm kiếm trên mạng đều đưa ra những dịch vụ chuyên biệt giúp bạn tìm được thông tin nhanh hơn.
Nếu bạn chỉ dựa vào duy nhất một công cụ tìm kiếm thì đôi khi phải mất rất nhiều thời gian. Do đó, những "thấu kính" chuyên dụng để tìm thông tin cần thiết nhanh chóng và chính xác hơn đã ra đời.
Những gương mặt mới có thể điểm qua là Become.com khi bạn cần mua một món hàng nào đó. Tương tự, Answers.com sẽ giúp bạn tìm định nghĩa từ vựng, giải thích công nghệ, tiểu sử và các thông tin tham khảo khác. Những trang web tìm kiếm "lão làng" như MSN Search và Yahoo cũng đưa ra công cụ tìm kiếm chuyên biệt, ví dụ như Near Me của MSN giúp tìm kiếm thông tin trong vùng bạn sinh sống và FareChase của Yahoo hỗ trợ tìm kiếm thông tin du lịch. Ngay cả Google cũng đang rục rịch những "đồ chơi" mới.
Theo một chuyên gia của Search Engine Watch, kỷ nguyên của những guồng máy tìm kiếm đang cố sức bao trùm tất cả mọi thứ, một phần cũng vì bây giờ chúng ta muốn kết quả tìm kiếm cụ thể hơn, và rõ ràng công cụ tìm kiếm chuyên biệt đang là xu hướng tất yếu.
Còn một nguyên nhân khác để duy trì và phát triển những guồng máy tìm kiếm dạng này là quảng cáo. Người dùng sẽ thấy quảng cáo đúng lúc và đúng nhu cầu.
Google về nhà bạn
Với Google, bạn hãy thử vào Google Labs để cụ thể hóa những gì cần tìm. Chẳng hạn khi gõ địa chỉ bắt đầu và kết thúc trong Google Maps, bạn sẽ nhận được một bản đồ 2D cùng với đường đi và trong nhiều trường hợp là hình ảnh vệ tinh có thể phóng to về đoạn đường đó (hình 1). Bạn có thể dùng hình vệ tinh này như tấm bản đồ thông thường. Tuy nhiên, Google Maps chỉ bó hẹp thông tin tại Mỹ và dịch vụ này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Trong nước, bạn có thể tham khảo bản đồ Việt Nam tại Ngân Hàng Bản Đồ Trực Tuyến với bản vẽ 2D khá chi tiết.
Ảnh vệ tinh cũng có trên các trang web khác như TerraServer. Tuy nhiên, ảnh của Google không quá cũ (từ 2 đến 18 tháng), trong khi ảnh vệ tinh trên các trang web khác thường có "tuổi thọ" khoảng vài năm. Thêm vào đó, Google đơn giản hóa cách hướng dẫn đường đi và bạn chỉ cần nhấn vào một đường dẫn để thấy hình ảnh vệ tinh của địa điểm cần đến.
Giả sử bạn đang tìm bài giảng về chủ đề nào đó của một vị giáo sư đại học: hãy gõ tên người giáo sư đó cùng với từ khóa, Google Scholar sẽ cho bạn kết quả chính xác hơn nhiều so với khi thực hiện tìm trên trang chính của Google.
Thật không may, dịch vụ Google Video mới chưa thực sự có giá trị. Mặc dù nhiều người trông chờ dịch vụ này có thể tìm được các đoạn video hay phim trên TV nhưng thực tế Google Video chỉ tìm được các đoạn phụ đề và hình tĩnh từ chương trình TV bạn chọn. Theo một người đang điều hành trang ResourceShelf, website tìm kiếm video tốt nhất hiện nay là Blinkx.tv. Dịch vụ Blinkx có cơ chế nhận diện giọng nói để bạn có thể "săn" những từ này trong các bản tin của BBC, C-Span, Fox News, History Channel hay các nguồn tin truyền hình khác, sau đó xem lại đoạn phim này. Trang web cũng đưa ra các đoạn quảng cáo phim (movie trailer) và nguồn radio mới nhưng không tìm được phim truyền hình dài tập vì chúng được bảo vệ bản quyền nghiêm ngặt.
Tìm kiếm hướng thương mại
Cạnh tranh với Google Scholar, Yahoo vừa thêm vào dịch vụ tìm kiếm dựa trên thông tin được xuất bản qua chương trình bản quyền Creative Commons mà nhiều nhà khoa học và nghiên cứu sử dụng để xuất bản trực tuyến. Tuy nhiên, công cụ hữu dụng cho người dùng không phải dân "hàn lâm" tìm kiếm thông tin du lịch là trang FareChase.
Những trang web như Expedia và Orbitz có rất nhiều thông tin du lịch nhưng cả 2 vừa cung cấp thông tin, vừa bán dịch vụ. Không có gì ngạc nhiên khi thỉnh thoảng 2 website này "ép" người dùng chọn lựa dịch vụ du lịch có lợi cho việc kinh doanh của họ. Chẳng hạn trang web đưa ra một loạt khách sạn cụ thể nào đó, đặt những kết quả tìm kiếm không phải phù hợp nhất với thứ bạn muốn lên đầu danh sách. FareChase không bán dịch vụ mà chỉ giúp bạn tìm thông tin và sau đó cung cấp địa chỉ trang web của khách sạn, hãng hàng không... để bạn có thể đặt vé trước. Những công cụ của FareChase giúp bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm.
Trong số các "đồ chơi" mới của MSN Search, tính năng Near Me để tìm thông tin trong vùng khá nổi bật. Mặc dù MSN, Ask Jeeves và Google Local có xu hướng đưa ra những kết quả có chất lượng tương tự về tìm kiếm trong vùng nhưng MSN tự động nhận diện vùng bạn đang ở dựa trên địa chỉ IP và các yếu tố khác. Nhưng hãy cảnh giác: dịch vụ tìm kiếm trong vùng có thể được chăng hay chớ vì các công cụ tìm kiếm hiện nay đang vấp phải vấn đề thu thập và cập nhật dữ liệu địa phương.
Việc tìm kiếm về kinh doanh trong vùng thường hoạt động tốt: gõ tên một thành phố và thêm từ "pizza" trong Google Local, bạn sẽ nhận được danh sách các nhà hàng và bản đồ minh họa địa điểm mỗi nhà hàng đó. Nhưng nếu cố tìm bản đồ về một trường phổ thông trung học nào chẳng hạn thì có thể bạn sẽ khó tìm được thông tin cần thiết. Dường như những gì liên quan đến thương mại thì dễ tìm hơn so với các loại thông tin khác.
Answers.com: ông vua giải đáp thắc mắc mới?
Với tính năng Instant Answers, MSN Search muốn trở thành chuyên gia về trả lời nhanh thắc mắc của bạn, chẳng hạn "Who was the fifteenth U.S president?" (Ai là tổng thống thứ 15 của Mỹ?). Vấn đề ở đây là: Microsoft đưa ra dữ liệu từ chính "tài nguyên" của hãng. Trong trường hợp trên, trang web lấy tiểu sử của James Buchanan từ bách khoa toàn thư Encarta.
Hấp dẫn hơn nữa là nguồn của trang web Answers.com của GuruNet . Trang web này cho bạn câu trả lời đúng với câu hỏi, công thêm vài đường dẫn tham khảo liên quan khác. Answers.com hoạt động khá tốt với việc tìm định nghĩa từ, tiểu sử hoặc giải thích cách hoạt động của một vật nào đó.
Giả sử bạn đọc một bài báo đề cập đến màn hình sử dụng công nghệ OLED và muốn biết nghĩa của OLED. Hãy gõ từ đó vào Answers.com, trang web định nghĩa khá rõ ràng, nói thêm cho bạn biết về mặt mạnh, mặt yếu của OLED và danh sách các công ty sử dụng nó. Tất cả đều hiển thị trên 1 trang.
Tuy nhiên, Ask Jeeves vẫn tốt hơn nếu bạn đặt câu hỏi như "whats the current time in London?" (ở London bây giờ là mấy giờ?), dịch vụ này sẽ trả lời trực tiếp mà không yêu cầu bạn nhấn qua hàng loạt trang kết quả. Nếu như gõ cùng câu truy vấn vào Answers.com, bạn sẽ phải nhấn qua vài trang đồng hồ thế giới.
Ask Jeeves tìm các thông tin chuyên biệt dễ dàng hơn. Chẳng hạn nếu bạn gõ vào "digital cameras", kết quả sẽ có đường dẫn đến các bài đánh giá về máy ảnh trong các khu vực tách biệt nhau. Phiên bản Ask Jeeve sắp tung ra sẽ thu hẹp phạm vi cần tìm xuống các loại nội dung ví dụ như: bài viết , điểm đánh giá, hoặc sản phẩm đó hoạt động như thế nào. Ask Jeeves cũng đưa ra kết quả dựa trên các chủ đề tương tự (ví dụ trang web sẽ hiển thị thêm nội dung John Lennon nếu bạn gõ vào từ khóa "Paul McCartney").
Tìm kiếm về mua bán thông minh hơn
Bạn định mua một máy ảnh số và muốn tham khảo trước trên mạng? Bạn có thể tham khảo tại shopping.com.Trang web liệt kê rất nhiều danh sách tài trợ và dữ liệu được gửi trực tiếp đến người bán. Become.com lại có một cách thức khác. Trang web này sẽ tìm các thông tin sản phẩm có liên quan, gồm dữ liệu từ nhà sản xuất, các bài viết trên báo, đường dẫn đến các diễn đàn trực tuyến nói về sản phẩm đó và một số thông tin hữu ích khác. Một nhóm các nhà biên tập sau đó sẽ dọn dẹp và tổ chức lại kết quả tìm kiếm.
Nghe qua giống với Froogle của Google? Nhưng trong khi Froogle cũng "mò" trên web thì Become.com nhấn mạnh đến đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm, giá và nhà cung cấp, không đưa ra nhiều nội dung về bài viết đánh giá và diễn đàn nói về sản phẩm đó. Ví dụ tìm với từ khóa "Canon Powershot" trong trang Become.com, bạn sẽ nhận được nhiều đánh giá có ích từ nhiều nguồn khác nhau, cùng với các đường dẫn đến các diễn đàn trên mạng về máy ảnh đó.
Dịch vụ Brilliant Shopper cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm, đưa ra thông tin sản phẩm, nhưng trông bừa bộn hơn Become.com.
No comments:
Post a Comment