Bình dị cho đến sau khi chết
Trên trang chủ của website mang tên ông www.fondation-abbe-pierre.fr/, đọc được chiều 23-1-2007, tức một ngày sau khi ông qua đời, vẫn là những thông báo như:
"Chỗ ở cho người lao động thời vụ nông nghiệp
Tháng năm tới, lao động thời vụ nông nghiệp sẽ được trú ngụ trong một tòa nhà cũ của nông trại ở xã Malaussene, gần Carpentras. Việc khôi phục tòa nhà này sẽ bắt đầu vào đầu 2007 này, gồm các phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp núc, phòng khách. Mỗi năm từ tháng 5 đến tháng 10, các lao động thời vụ này đến đây hái trái xơri và nho tại một khu vực mà chỗ ở đàng hoàng giá cả phải chăng đang thiếu thốn".
Carpentras là nơi mà vào năm 1990, các thành viên đảng cực hữu Mặt trận dân tộc của ông Le Pen quật mồ người Do Thái. Ở nơi người ta, nhân danh chính trị, đối xử với nhau tệ lậu, không tha cả người chết, thì ông cùng các huynh đệ của ông lo từng chỗ ở.
Còn về sự ra đi của ông, trên website những hậu duệ của ông đã không "thần thánh hóa" ông sau khi ông qua đời: chỉ một bức ảnh chân dung mộc mạc như chính con người và cuộc đời của ông, với vỏn vẹn vài chữ: "Cha Pierre đã rời chúng ta".
Dưới bức chân dung vẫn là những tin tức về cuộc đấu tranh giành chỗ ở cho người vô gia cư: chỗ ở cho người lao động thời vụ - báo cáo thường niên về tình trạng chỗ ở tồi tàn ở Pháp... và khẩu hiệu mang chữ ký của ông: "Chỗ ở, đó là một vấn đề của công lý".
Hậu duệ của ông đã nhất định đưa tiễn con người suốt đời chỉ mặc áo chùng thâm và cái nón bêrê trong vòng thân mật, đúng theo di chúc của ông. Người ta có thể giết một vĩ nhân một lần nữa bằng cách "thần thánh hóa" người ấy, trái với ý nguyện của người ấy. Song, vẫn không tránh khỏi một lễ quốc táng ở nhà thờ Đức Bà Paris.
Mùa đông năm 1954
"Trên mồ tôi, thay vì vòng hoa, hãy đem cho tôi những danh sách các gia đình, các trẻ em mà quí vị có thể trao cho họ chìa khóa của một chỗ ở thật sự" Linh mục Pierre |
"Các bạn ơi, hãy cứu cấp... Một phụ nữ vừa chết cóng đêm qua lúc 3 giờ sáng, trên vỉa hè đại lộ Sebastopol. Tay vẫn còn nắm tờ lệnh trục xuất bà ra khỏi nhà ngày hôm qua. Mỗi đêm có hơn 2.000 người co ro trong giá lạnh, không nhà cửa, không cơm ăn, không áo mặc.
Hãy nghe tôi đây: chỉ trong ba tiếng đồng hồ, hai trung tâm hỗ trợ vừa được thành lập: một, trong một căn lều ở chân điện Panthéon; một, ở thị trấn Courbevoie. Ấy thế mà đã đầy những người và người rồi.
Phải mở thêm nhiều trung tâm khác nữa ở mọi nơi. Ngay tối nay, tại mọi thành phố của nước Pháp, trong mỗi khu phố ở Paris, những tấm biển dưới ánh đèn đêm, ở cửa những nơi mà chăn màn, nệm rơm, chút cháo lót dạ, với dòng chữ: "Trung tâm huynh đệ đỡ độ đường", hoặc những chữ đơn giản sau: "Người anh em đang khổ sở ơi, hãy bước vô, ăn một miếng, ngủ một giấc, rồi lấy lại hi vọng. Ở đây, chúng tôi yêu quí anh em".
Khí tượng dự báo một tháng băng giá kinh khủng. Chừng nào còn mùa đông, các trung tâm cơ nhỡ đó còn mở cửa. Trước những người anh em đang chết vì cơ hàn đó, làm người chỉ có thể có một suy nghĩ: quyết tâm không để cho sự thể đó kéo dài. Xin anh chị em rủ lòng thương yêu nhau đủ để, ngay lập tức, thực hiện được điều này. Tối nay, trễ lắm là sáng mai, phải có ngay 5.000 cái mền, 300 cái lều bạt, 200 lò sưởi thông khói...
Nhờ các bạn mà chẳng một ai, nam phụ lão ấu, tối nay sẽ phải ngủ trên nhựa đường hay trên bờ kè sông Seine".
Hôm sau, tiền bạc đã dồn dập đổ về chỗ ông: tổng cộng có đến 500 triệu quan Pháp. 1 quan Pháp năm 1954 tương đương 0,1780 euro ngày nay. Vị chi 28 triệu euro. So với tình hình vật giá lúc đó thì đây là một số tiền khổng lồ! Chưa hết, cuộc đấu tranh của ông đã dẫn đến đạo luật cấm đuổi nhà vào mùa đông.
53 năm sau, hằng năm ông vẫn cùng với tổ chức của mình đưa ra bản báo cáo thường niên về tình trạng chỗ ở tồi tàn ở Pháp, làm cái công việc mà lẽ ra mọi chính phủ đều phải làm và làm cho tốt.
Từ vị linh mục, người kháng chiến, nhà chính khách...
Báo cáo thường niên về tình trạng chỗ ở tồi tàn ở Pháp |
26 tuổi thụ phong linh mục, qua năm sau, đáp lời sông núi ông nhập ngũ chống phát xít Đức. Nước Pháp thất thủ, bị xâm lăng, ông tham gia kháng chiến, lấy bí danh là "cha Pierre". Năm 1942, ông tổ chức cho vợ chồng người em trai út của tướng De Gaulle vượt biên sang Thụy Sĩ. Đến năm 1944, ông bị bắt ở dãy núi Pyrenées, song trốn ngục chạy sang Tây Ban Nha, rồi sang Angeria gia nhập lực lượng của tướng De Gaulle.
Sau chiến tranh, ông ra ứng cử dân biểu, tham gia hạ viện đồng thời thành lập "Hội bạn Emmaus" qui tụ những người hành nghề «ve chai» chuyển ngành thành thợ hồ xây dựng nhà ở cho người vô gia cư. Sau này, «Hội bạn Emmaus » trở thành một hội từ thiện vì người nghèo. Hội này gây quĩ bằng cách đi lục thùng rác, nhặt nhạnh bất cứ gì có thể bán lại được (hàng «sida» theo cách nói ở VN).
Cách làm từ thiện này vẫn còn tiếp tục cho đến nay, khác chăng là thay vì bới rác thì tiếp nhận phẩm vật, bán trong những «cửa hàng tình thương», những tặng vật giá trị được đem bán đấu giá. Các «cộng đồng Emmaus» sau này được thành lập ở 41 nước. Đó không phải là những tu hội mà là những tập hợp của những «người đời bình thường». Năm 1990, bộ phim Mùa hè 1954 về quãng đời hoạt động này của ông cùng các bạn Emmaus ra mắt Hollywood.
Tiếng tăm của ông vượt ra khỏi biên giới nước Pháp. Năm 1955, ông nổi tiếng đến mức được mời sang Mỹ, gặp Tổng thống Eisenhower tại Nhà Trắng. Ông tặng nhà lãnh đạo này quyển Những người bán ve chai Emmaus. Năm đó, quốc vương Maroc mời ông sang tư vấn bài toán nhà ở nông thôn cho người nghèo để giải quyết vấn nạn nhà ổ chuột. Năm 1956, ông sang Ấn Độ gặp Thủ tướng Nehru và nhà cải cách Vinoba Vabe để hậu thuẫn cuộc cách mạng nông nghiệp phi bạo động ở đây. Những năm 1958-1959 là giai đoạn ông dấn thân ở Nam Mỹ. Năm 1958, ông giúp Bộ Giáo dục Peru phát triển mạng lưới giáo dục cho người nghèo. Từ Peru ông sang Colombia hỗ trợ phong trào linh mục -thợ ở đây. Năm 1959, ông sang Ecuador yêu cầu thôi xây những ngôi nhà thờ nguy nga trong những khu phố bần hàn.
Năm 1959, ông thành lập tại đất nước Libăng, một đất nước chia rẽ tôn giáo «bẩm sinh», một cộng đồng Emmaus đa tôn giáo do một giáo sĩ Hồi giáo Sunni, một tổng giám mục Thiên Chúa giáo, và một nhà văn Thiên Chúa giáo phái maronite cùng gầy dựng.
Năm 1985, ông cùng với nghệ sĩ Coluche tổ chức mạng lưới «quán cơm tình thương» ở Pháp. Năm 1988, ông gặp đại diện IMF để vận động cho việc giải quyết nợ nần của các nước thuộc Thế giới thứ ba...
Không chỉ quyên góp, ông còn đứng ra bảo vệ những người vô gia cư chiếm ngụ chỗ ở. Năm ngoái đây thôi, ông còn gặp tTng thống Chirac để bàn về một giải pháp cho người bị trục xuất nhà ở Cachan.
Chỗ ở, đó là một vấn đề của công lý
Linh mục Pierre đang thu gom giấy vụn |
Có thể hiểu câu này như sau: các "con cá mập địa ốc" xây nhà bán với giá "móc túi", người dành dụm chút tiền cứ thế mà bị "cắt cổ" trong khi người nghèo thì vô phương, chẳng ông "nhà nước", "con cá mập địa ốc" nào ngó ngàng đến. Người ta còn mải mê với những dự án cao ốc cao cấp, resort hái ra vàng kia kìa, chứ nhà ở cho người cùng đinh thì nước nôi gì!
Thông điệp của linh mục Pierre là gì? Chỗ ở, kể cả "chỗ ở xã hội" (nhà rẻ tiền) không chỉ là sự ban ơn cho người nghèo, mà là cái phao cứu hộ cho mọi chính phủ: "Không có một ý muốn chính trị mạnh mẽ, không có thêm phương tiện, sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng sẽ giải quyết được vấn đề khủng hoảng ngoại ô cũng như khủng hoảng chỗ ở" (Báo cáo 2006). Một thông điệp khác của Báo cáo 2006: giới trẻ vào đời kiếm được công ăn việc làm đã khó, có được chỗ ở càng khó hơn; không lo cho họ sẽ loạn. Cuối năm 2005, nước Pháp - ngoại ô đã rung chuyển vì những vụ đốt phá kéo dài.
DANH ĐỨC TuoiTre (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=184524&ChannelID=2)
No comments:
Post a Comment