Tuesday, January 02, 2007

Anh bán cá người Việt trở thành triệu phú


Ngô Hứa (phải) - nhà hoạt động xã hội tích cực được Tổ chức Asian Pacific Fund vinh danh năm 2003

Lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ năm 1979, trong túi anh chỉ có vỏn vẹn 30 đô la. Không yếu mềm trước cái nghèo vây khốn, Ngô Hứa - người đàn ông gốc Bạc Liêu quyết tâm gầy dựng cơ đồ từ con số 0. Hơn 20 năm sau, anh trở thành ông chủ giàu có của Hãng H&N International Food, nhà cung ứng và nhập khẩu hải sản nổi tiếng của Hoa Kỳ với tài sản lên đến hàng trăm triệu đô la.

Đó là một đêm thứ sáu. Hứa mệt mỏi bước ra khỏi sân bay. Lẽo đẽo sau người đàn ông 28 tuổi là cô vợ cùng hai con nhỏ, một đứa lên 3, đứa kia lên 5. Nhân viên của Ủy ban cứu trợ quốc tế giúi vào tay Hứa 100 đô la sau khi đã đưa cả gia đình đến căn hộ có hai phòng ngủ nhỏ xíu nằm trên đường Stanyan. Những năm tháng đầu tiên trên đất Mỹ của Ngô Hứa bắt đầu như thế.

Không cam phận sống bằng tiền trợ cấp, Ngô Hứa lao vào cuộc sống lam lũ với giấc mơ sẽ dành dụm được một số tiền cho con cái ăn học về sau. Suốt một năm ròng rã, Hứa cật lực chạy việc trong nghề xây dựng nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu. Giữa lúc ý chí làm giàu dần vơi đi, Hứa bỗng phát hiện cơ hội đổi đời qua lần viếng thăm người bạn đồng hương sống bằng nghề đi biển ở vịnh Monterey.

- Anh kiếm được bao nhiêu mỗi ngày? - Hứa hỏi.
- Cũng chừng vài trăm đô nếu gặp hôm trời đẹp - Anh bạn đáp.

Số tiền thật hấp dẫn. Ngô Hứa hướng ánh nhìn về phía biển cả. Vịnh Monterey với nguồn hải sản phong phú chẳng lẽ không thể đáp lại ước nguyện nhỏ nhoi của người cha trong anh, vốn chỉ mong cho hai con thơ được ăn ngon mặc ấm. Ngô Hứa bắt đầu hình dung cảnh anh giong buồm ra khơi và sau đó trở về với cá đầy ắp trong những khoang thuyền.

Nhưng Hứa không có thuyền. Để giải quyết vấn đề này, anh trao đổi rất kỹ với cô vợ tên Nga. Hai vợ chồng lên kế hoạch dành dụm từng đồng đô la kiếm được. Hứa nhận cùng lúc làm hai công việc khác nhau ở San Jose. Ngày nào cũng thế, anh làm việc hùng hục từ 5 giờ sáng cho đến 10 giờ tối. Trong khi đó, Nga kiếm một chân phụ bếp cho một nhà hàng ở San Francisco.

Sau một năm thắt lưng buộc bụng, đôi vợ chồng cũng ki cóp đủ 10.000 đô la. Hứa mạnh dạn vay thêm 4.500 đô từ bạn bè để tậu một chiếc thuyền đánh cá. Tiếp đó là chuyến hải hành kéo dài 21 ngày ngoài khơi vịnh Monterey đánh dấu lần "xuất quân" thành công mỹ mãn. Mọi việc tưởng chừng sẽ cứ thế diễn tiến tốt đẹp. Nhưng rồi, số phận khắc nghiệt một lần nữa trút tai ương lên vai anh.

Thảm họa đắm thuyền

Điều khủng khiếp không ngờ tới đã xảy ra. Có những kẻ hiểm ác nào đó đã lén lút khoan thủng một chiếc thuyền neo sát thuyền của Hứa trên bến cảng. Vì được buộc chặt vào nhau nên cuối cùng cả hai chiếc đều bị đắm. Tai hại hơn, Hứa chưa mua bảo hiểm cho chiếc thuyền và tất nhiên anh lâm vào cảnh phá sản.

Câu chuyện về thảm họa đắm thuyền nhanh chóng lan ra trên các tờ báo địa phương. Trong bộ dạng của một kẻ chán chường, Hứa giam mình ở Monterey và không quay về nhà suốt một tuần lễ sau vụ việc ầm ĩ.

Tay trắng vẫn hoàn trắng tay nhưng không có nghĩa Hứa chịu đầu hàng hoàn cảnh oái oăm. Anh nghĩ nếu buông xuôi mọi việc vào lúc này thì khác nào tự sát. Không còn thuyền để ra khơi, Hứa chuyển sang thu gom cá của ngư dân ở Monterey, sau đó dùng xe tải vận chuyển đến khu Phố Tàu nằm trên đường Stockton ở Francisco.

Ngô Hứa bảo đảm giao hàng trong ngày nên cá của anh luôn tươi trong khi các công ty khác thường chỉ giao cá qua hôm sau. Với giá thành rẻ và chất lượng cá được đảm bảo ở mức tốt nhất, anh ngày càng có nhiều bạn hàng. Người đàn ông này không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội kinh doanh nào với nguyên tắc nằm lòng "Không bao giờ để một chiếc xe tải còn trống quay về". Sau khi trút hết những giỏ cá tươi sống vào kho chứa hàng ở San Francisco, Hứa chất đầy những mặt hàng nhu yếu phẩm khác và mang về Monterey phân phối. Ngày qua ngày, với số vốn tích lũy ngày càng lớn, Hứa mở rộng địa bàn kinh doanh. Năm 1981, anh lấy chữ cái đầu của tên mình và vợ lập nên tên công ty H&N Fish Co. Về sau công ty này được đổi tên thành H&N Foods International khi hoạt động của nó vươn lên tầm quốc tế.

Năm 1999, trận động đất với cường độ 7,1 độ Richter xuất phát từ vùng trung tâm California lan tỏa về phía tây đến cảng cá San Francisco khiến các cơ sở chế biến hải sản ở đây bị tàn phá nghiêm trọng. Với đội xe tải 10, hãng H&N phải hoạt động hết công suất để tham gia vào công cuộc khôi phục cảng cá sau cơn thảm họa. Cũng từ đấy, công ty của Ngô Hứa mạnh hẳn lên. Đến năm 2003, doanh số của hãng này đạt 240 triệu đô la. Những năm kế tiếp, doanh thu thường niên vượt mức 300 triệu đô.

27 năm đã trôi qua. Ngô Hứa vẫn hằng ngày điều hành công việc kinh doanh của H&N Foods International. Ông đã thiết lập nhiều mối quan hệ làm ăn với nhiều đối tác trên khắp thế giới, khắp các miền Bắc - Trung - Nam của châu Mỹ và Australia, vượt qua vành đai Thái Bình Dương đến tận châu Âu. H&N Foods International trở thành một trong những đầu mối phân phối hải sản lớn nhất ở Mỹ với những thương hiệu hải sản gồm tôm, cá, mực, các loài nhuyễn thể tươi sống và đông lạnh khác nhau như Pacific Light, Pacific Delight, Blue River và H&N Fish Co..

Nhìn lại chặng đường dài đã đi, Ngô Hứa giờ đây cảm thấy thanh thản với chính mình. Ông đã thực hiện được mơ ước cho con cái ăn học đàng hoàng, điều mà ông không thể có do xuất thân từ tầng lớp nghèo. Con gái ông, Christine, tốt nghiệp ngành Kinh doanh Trường đại học Nam Florida, hiện nắm giữ chi nhánh của H&N tại Los Angeles. Trong khi đó, người con trai tên Bobby cũng nối nghiệp cha trở thành nhà thu mua cá ngừ ở Bay Area (San Francisco), sau khi kết thúc chương trình đào tạo của Đại học Golden Gate.

Khi nguyện ước của riêng mình đã hoàn tất, Ngô Hứa bắt đầu nghĩ đến việc giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ như ông lúc xưa. Trong những năm gần đây, ông tích cực tham gia công tác từ thiện. Ông hào phóng đóng góp cứu trợ nạn nhân cơn bão Katrina thông qua Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ và tài trợ các chương trình nghiên cứu về ngư học của Học viện Khoa học California. Năm 2003, Ngô Hứa được tổ chức Asian Pacific Fund vinh danh vì những hoạt động thiện nguyện tích cực của mình giúp đỡ những học sinh nghèo, người già neo đơn trong cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Thanh Kha

No comments: