Tiền trực tuyến không phải trên trời rơi xuống
(Ảnh: WebDesign) |
Những lời mời gọi ngọt ngào kiếm tiền trên mạng vẽ ra một công việc đơn giản và dễ dàng. Không phải là một trò lừa đảo, nhưng nguyên tắc "tiền nào của nấy" khiến nhiều người hăm hở tham gia bị vỡ mộng.
Những lời quảng cáo, đồn đại về hình thức kiếm tiền "không cần vốn, chỉ cần ngồi và click chuột", "thật 100%, từ 50 đến 300 USD/tháng" có thể bắt gặp tại các bất cứ diễn đàn nào từ Trái tim Việt Nam, trang mua bán rao vặt đến website của sinh viên, học sinh... Thậm chí, nhiều người còn mở ra cả forum riêng, điển hình như trang Vietnam Money Maker, để tổng hợp và hướng dẫn cách kiếm tiền cơ bản trên Internet, giới thiệu hệ thống thanh toán trực tuyến, chia sẻ những trang quảng cáo uy tín và cảnh báo site tạm thời ngừng hoạt động, lừa đảo (scam)...
Con số được dẫn ra trong các bài viết mời chào rất hấp dẫn: "chỉ vào mạng xem quảng cáo cũng thu về 300 USD mỗi tháng, có khi lên đến hàng nghìn USD", cao hơn nhiều so với mức lương của một nhân viên bậc trung. Vì thế, dư luận chia làm hai phần khi tiếp nhận các thông tin về loại hình này. Một nửa nghi ngờ rằng làm sao có được số tiền lớn từ công việc quá giản đơn như vậy. Nửa khác lại lập tức lao vào như những con thiêu thân và có người đã thành công nhưng cũng không ít người thất vọng.
"Một trong những phương pháp hiệu quả để tăng thu nhập là giới thiệu, lôi kéo được càng nhiều người càng tốt để xây dựng mạng lưới thành viên cho nhà quảng cáo (refer). Chính vì thế mà một số người bắt đầu quảng cáo rùm beng trên forum là kiếm tiền dễ lắm", admin diễn đàn vietmaker giải thích.
Nông dân mạng đi bán lúa non
Xét cho cùng, chiêu bài đọc e-mail, lướt web, đăng ký thành viên... được trả tiền cũng là một cách để quảng bá, tiếp thị sản phẩm khi Internet trở thành một kênh truyền thông đại chúng hàng đầu hiện nay. Công việc của công ty quảng cáo là tìm cách làm cho nội dung trong e-mail hay banner được nhiều người biết đến. Do đó, ngoài việc đăng trên những website có lượng truy cập đông đảo, banner còn được gửi thẳng đến từng người tiêu dùng và họ sẽ được trả công nếu chịu khó đọc thông tin trong đó. Bản chất của hoạt động "Đọc tin ăn tiền" (get paid to read - GPTR) này cũng tương tự như công ty tặng quà khuyến mại khi điều tra thị trường, lấy ý kiến khách hàng.
Về hình thức, đây là giải pháp "vẹn cả ba đường" bởi các bên tham gia là công ty thuê quảng cáo, công ty quảng cáo và người đọc quảng cáo đều có lợi. Tuy nhiên, người đọc phải vất vả "cày cuốc" nhưng thu nhập lại không cao như họ tưởng, đôi khi còn tốn thời gian vô ích, cũng giống như nông dân phải chịu thua thiệt vì bán lúa non.
Công việc "kinh điển" nhất mà "nông dân mạng" thường làm là đọc e-mail, xem website quảng cáo. Người tham gia chỉ cần đăng ký tại website của một tổ chức quảng cáo. Sau khi hoàn tất thủ tục, công ty đó sẽ cấp một tài khoản e-mail cho họ rồi hằng ngày gửi thư quảng cáo đến. Người đọc sẽ mở thư và duy trì chúng trên màn hình theo thời gian quy định (thường là 30 giây). Mỗi e-mail được "đọc" đúng cách như thế sẽ mang lại cho họ trung bình dưới 10 cent. Người đọc thư thuần tuý thường chỉ kiếm được trên dưới 10 USD. Nếu muốn nâng thu nhập, họ phải tham gia mở rộng mạng lưới giống như mô hình của bán hàng đa cấp và hưởng tỷ lệ hoa hồng.
Hiện nay, hình thức đọc e-mail không được đánh giá cao và chỉ dành cho dân mới vào nghề vì tiền công thấp và rủi ro cao. Những người sở hữu website, diễn đàn riêng như như viet4all, traicasau... có vẻ chuộng hình thức đặt banner quảng cáo trên trang của mình hơn. Phương pháp này an toàn, hiệu quả và được coi như một nguồn kinh phí đáng kể giúp duy trì chính website đó. Nổi tiếng nhất phải kể đến quảng cáo Google Adsense. Khi một site chấp nhận tham gia chương trình, nhà cung cấp sẽ gửi cho quản trị viên một đoạn mã HTML để chèn vào bất cứ đâu trong trang. Mỗi lần khách ghé thăm và click chuột vào banner của Google Adsense thì chủ website sẽ nhận được tiền thưởng. Google Adsense không công khai chi phí cụ thể nhưng uy tín của hãng dịch vụ tìm kiếm hàng đầu thế giới đủ để người tham gia cảm thấy an toàn.
"Hơn nữa, những vị trí đặt logo đó cũng nhỏ và không đáng kể. Bạn bè muốn giúp nhau thì cứ nhấp chuột lên đó là quý rồi", Nguyễn Duy Quang, một sinh viên CNTT, bày tỏ khi đưa Google Adsense lên site của cậu.
Với một chút tiếng Anh, mọi người có thể đăng ký thực hiện những cuộc thăm dò ý kiến cho các tổ chức nghiên cứu thị trường. Người tham gia có thể định trước mức thù lao mà họ mong đợi, như đủ để mua Sony Ericsson W800i hay máy nghe nhạc iPod nano. Số lượng survey sẽ được gửi tùy theo giá trị đó. Tuy nhiên, áp lực công việc sẽ rất lớn do để có được một chiếc điện thoại, mỗi ngày bạn phải hoàn tất một bản khảo sát về kinh tế, dân số, xã hội... có khi lên tới 40 trang và đều đặn lặp lại trong vài tháng.
Ngoài ra, thay vì phải thuê host lưu trữ ảnh, nhiều dịch vụ còn cho phép người sử dụng thoải mái đăng tải file và trả tiền nếu những hình ảnh đó được chia sẻ và thu hút nhiều người xem.
Lời khuyên của người đi trước
Một nhân viên của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đôi khi họ nhận được các tấm séc trị giá khoảng vài chục đến vài trăm USD từ các công ty nước ngoài chuyển về Việt Nam cho những người còn rất trẻ. "Ban đầu chúng tôi cũng lo ngại về tính hợp pháp của những khoản tiền này, song đã yên tâm hơn sau khi ngân hàng nước ngoài xác nhận giá trị của chúng", nhân viên này cho biết.
Hầu hết website cung cấp dịch vụ "đọc tin ăn tiền" đều do công ty nước ngoài xây dựng. Họ đã tính toán kỹ lưỡng để cân đối lợi ích của chính họ với khách hàng và người được thuê đọc. "Việc thanh toán tiền là thật, nhưng việc để đạt được mức thu nhập hàng trăm USD thì bạn phải hy sinh vài tiếng mỗi ngày, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng đột ngột. Dù vậy, so với mức thu nhập bình quân tại các nước đang phát triển như Việt Nam, số tiền kiếm được từ quảng cáo cũng không hề nhỏ", thành viên soidenbattu trên diễn đàn Viet4all khẳng định.
Theo một số người từng "mài mặt trên ruộng net" khác, nếu không kiên trì và chỉ muốn kiếm tiền ngay trong thời gian ngắn (1-2 tháng) thì mọi người không nên tham gia bởi sẽ tốn công vô ích. "Không loại trừ những rủi ro khi các công ty quảng cáo 'quỵt' tiền vì thỏa thuận giữa hai bên không có cơ sở pháp lý để khiếu kiện. Đến 90% các trang thanh toán tiền cao đều lừa đảo", Phan Huy Trường (Đống Đa, Hà Nội), một "nông dân cày tiền ảo" có thâm niên suốt thời sinh viên, nói. Hồi mới vào nghề, bản thân Trường cũng "dở khóc dở cười" khi công sức mấy tháng của anh không thể chuyển thành tiền mặt được. Thay vì gửi thù lao, công ty quảng cáo đó cho phép anh được... đặt logo trên website của họ.
Mặt khác, người tham gia cũng cần đôi chút vốn liếng tiếng Anh và hết sức cảnh giác với những lần click chuột. Đôi khi trong e-mail lại chứa link để xóa tài khoản và nếu bấm nhầm vào đó thì bao nhiêu cố gắng của họ sẽ trở về vạch xuất phát. Máy tính của người sử dụng còn bị nhiễm virus, spyware, adware và nguy hiểm hơn, nguy cơ thông tin cá nhân bị rò rỉ là điều không tránh khỏi, ví dụ công ty quảng cáo có thể sẽ bán lại địa chỉ e-mail của thành viên cho những tổ chức khác.
"Kiếm tiền trên mạng chỉ là một kiểu khuyến mại của nhà quảng cáo khi đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Tất nhiên, không ai giàu được bằng quà khuyến mại, nhưng đó cũng có thể coi là một thú vui", anh Trường nhận xét.
Hải Nguyên - Hạ Thảo
No comments:
Post a Comment