Truyền thông cá nhân tiếp bước truyền thông đại chúng
Mô hình truyền thông thế hệ mới đang tạo điều kiện cho mỗi người hình thành một kênh liên lạc riêng. Hiện tượng này về lâu dài sẽ làm biến đổi sâu sắc ngành công nghiệp nghe nhìn nói riêng và toàn bộ xã hội nói chung.
Năm 1448, thợ kim hoàn Gutenberg sống tại Mainz (Đức) đã phát minh ra hệ thống "movable type" (dù người Trung Quốc tuyên bố họ mới là người đầu tiên nghĩ ra công nghệ này). Người ta nhập (type) các chữ cái vào thiết bị và sau đó in các trang văn bản ra giấy (move). Phương pháp này phá vỡ kiểu phân phối thông tin chủ đạo thời đó: các nhà truyền giáo chép tay các thông tin hoặc khắc lên gỗ rồi in ra giấy. Năm 1455, Gutenberg kinh doanh công nghệ cùng người đồng hương giàu có Johannes Fust. Tuy nhiên, chi phí duy trì đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát và Gutenberg sớm bị vỡ nợ.
Dù vậy, chỉ sau vài thập kỷ, "movable type" đã lan khắp châu Âu, góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng thông tin, còn gọi là thời kỳ Phục Hưng và trong những thế kỷ tiếp theo, sách, báo, tạp chí… bắt đầu được phát hành rộng rãi.
Năm 2001, tức 5,5 thế kỷ sau, "movable type" lại hồi sinh. Ông bà Ben và Mena Trott (sống tại San Francisco, Mỹ) chịu cảnh thất nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng dotcom. Mena bắt đầu lập web cá nhân ( blog) Dollarshort để "kể về những chuyệt vặt vãnh thời thơ ấu". Trang Dollarshort dần trở nên nổi tiếng và vợ chồng Trotts quyết định xây dựng một công cụ hỗ trợ đăng blog hiệu quả hơn. Phần mềm mang tên Movable Type này hiện là sự lựa chọn số một của nhiều blogger danh tiếng và nằm trong 10 công cụ tạo web cá nhân hàng đầu do tạp chí Forbes bình chọn.
"Movable type" đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của khái niệm truyền thông đại chúng (mass media), còn Movable Type lần hai lại báo hiệu giai đoạn "truyền thông cá nhân" (personal media). Hiện tượng văn hóa mới mẻ này đặc biệt phổ biến trong giới trẻ, nhất là ở những nước phát triển. Tháng 11 năm ngoái, tổ chức nghiên cứu Pew Internet & American Life cho biết có đến 57% thiếu niên Mỹ tạo nội dung như đăng tải ảnh, nhạc và video trên Internet.
Theo Paul Saffo, Giám đốc Viện nghiên cứu vì tương lai (Institute for the Future) ở California, Mỹ, mọi người không còn tiếp cận thông tin một cách thụ động nữa mà đã góp phần tạo dựng chính những nội dung đó. "Nhưng điều này không có nghĩa là mỗi người sở hữu một tờ báo riêng", Jeremy Zawodny, kỹ sư phần mềm của Yahoo và là một blogger nổi tiếng, khẳng định. "Các bài viết trong blog đơn giản chỉ là lời đánh giá nhà hàng họ vừa tới hay bình phầm về bộ phim họ từng xem".
Trào lưu mới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mô hình kinh doanh truyền thống của ngành công nghiệp nghe nhìn, tức các hãng truyền thông lớn ganh đua giành độc giả và lớn mạnh nhờ nguồn thu quảng cáo. Hiện nay, những công ty nhỏ và các cá nhân vừa cạnh tranh vừa hợp tác cùng nhau. Một số thu được lợi nhuận, số khác thì không, nhưng họ cũng chẳng bận tâm. "Mọi người tạo website là để khuếch trương hình ảnh bản thân", Philip Evans, chuyên gia tư vấn thuộc tổ chức Boston Consulting, nói.
Tổ chức Merriam-Webster chọn "blog" là từ khóa của năm 2004, còn nhà xuất bản từ điển New Oxford American Dictionary lại coi " podcast" là từ vựng phổ biến nhất 2005, tiếp đến là " Wiki" và " vlog". Tuy nhiên, không ít người tỏ ra khó chịu trước những thuật ngữ "kỳ quặc" đó. Giới phân tích nhận định thái độ này cũng giống như hồi đầu thế kỷ 20, Charles Prestwich Scott, chủ báo Manchester Guardian, đã phản đối từ "television" (TV). Đối với ông, "cái từ nửa Hy Lạp (tele - truyền từ xa), nửa Latin (vision - hình ảnh) kia chẳng báo hiệu điều gì tốt đẹp cả".
"Hãy thử bỏ thời gian tìm hiểu nội dung mà những người nghiệp dư đã đăng lên mà xem", Jerry Michalski, một chuyên gia tư vấn về công cụ nghe nhìn, nói. "Không phải mọi thứ trong thế giới blog đều đẹp đẽ, mọi podcast là một bản giao hưởng, mọi vlog sẽ được công chiếu tại Liên hoan phim Sundance, hay mọi mục từ trên Wikipedia đều chính xác 100%. Nhưng báo chí, đài, TV và cả từ điển bách khoa toàn thư Britannica cũng mắc lỗi đấy thôi".
Hải Nguyên (theo Economist)
No comments:
Post a Comment