Wednesday, February 14, 2007

Tin nhắn nhanh - quảng bá website doanh nghiệp kiểu mới

Chương trình "chat chit" mà các bậc phụ huynh vẫn phàn nàn rằng "chỉ tốn thời gian, chẳng đem đến lợi lộc gì" lại đang được nhiều công ty tận dụng triệt để nhằm mở rộng tên tuổi của mình với cộng đồng người sử dụng Internet.

Để thu hút được lượng truy cập đông đảo, website phải có nội dung hay, hấp dẫn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đăng những thông tin giải trí không hề liên quan đến công việc kinh doanh của họ nhưng lại có sức hút lớn như các bản nhạc đang được ưa chuộng, những câu chuyện cafe chiều thứ bảy và đặc biệt là truyện cười. Thay vì gửi qua e-mail vừa phức tạp, lại vừa dễ bị người nhận bỏ qua vì sợ đường link dẫn đến trang chứa mã nguy hiểm, những doanh nghiệp này bắt đầu để mắt đến những tính năng sẵn có của tin nhắn nhanh (Instant Message - IM).

Send to Group: Gửi tin cho cả nhóm

Đa số các dịch vụ tin nhắn nhanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay như Yahoo Messenger và MSN Messenger đều có tính năng gửi thông điệp cho nhiều người cùng lúc (Send to All in Group). "Sau khi xây dựng website, chúng tôi sử dụng chức năng gửi tập thể trên Yahoo để thông báo với tất cả mọi người lưu trong list (danh sách bạn bè), nhưng không phải ai nhận được link cũng sẵn sàng gửi tiếp cho bạn bè họ. Hữu xạ tự nhiên hương, nếu đường dẫn có nội dung hay, tự người đọc sẽ muốn 'khoe' với người khác", anh Hoàng, chủ sở hữu một cửa hàng điện thoại di động ở Cầu Giấy, nói.

Sau Ngày quốc tế phụ nữ, Lê Ngọc Oanh, sinh viên cao học khóa 14 tại trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội, cho biết danh mục website của chị giờ có thêm trang EINTVN. Bài viết "Lời kêu gọi đàn ông nhân ngày 8/3" của tác giả Lê Hoàng đã được đăng lại trên nhiều website và một trong những đường link phổ biến nhất là từ EINTVN - trang rao vặt, mua bán thiết bị điện tử, đồ gia dụng trực tuyến... "Mình thấy vui vui nên gửi link cho ông xã và bạn bè. Mình còn trở lại trang chính xem 'đứa nào' đã đăng nội dung thú vị đó lên. Ra là một trang thương mại điện tử", chị Oanh kể.

Nguyễn Anh Thương, giảng viên Anh văn tại một trường đại học ở Hà Nội, cũng có một kỷ niệm khá bất ngờ với dịch vụ "chat" của Yahoo. Cách đây 2 năm, khi cô gặp rắc rối về chuyện tình cảm, một anh bạn là chuyên gia thiết kế phần mềm đã đăng bài Boulevards of broken dreams lên site của mình để an ủi cô. Bẵng đi một thời gian dài, cô nhận được đúng đường link đó như một lời tỏ tình nhân ngày 14/2 từ người bạn ở tận trong Sài Gòn. "Trang ấy đã lưu lạc khắp nơi, không nghĩ lại có ngày quay nó lại với khổ chủ", Thương cười. Còn anh bạn kỹ sư kia cũng ngẫu nhiên ký được một hợp đồng xây dựng trang web về dịch vụ vận tải: "Một người gọi điện cho tôi và nói muốn lập website nhưng không am hiểu về tin học, mà báo giá của các công ty phần mềm lớn thì vượt quá khả năng của họ. Một lần họ được gửi link chứa bài hát này qua Yahoo Messenger, thấy profile (hồ sơ cá nhân) của tôi và quyết định thử gọi điện nhờ... tư vấn".

"IM có lợi thế hơn những công cụ giao tiếp khác nhờ sự nhanh chóng và phổ thông. Đôi khi nó giúp người ta khuếch trương tên tuổi, thương hiệu một cách đơn giản và không đắt đỏ nhưng lại hiệu quả hơn cả việc đăng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông", ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc công ty phần mềm NHD, nhận xét.

Status: Chú thích một đằng, link một nẻo

"Vừa mở Yahoo, tớ choáng nặng khi thấy status (dòng chữ bên cạnh nick) của sếp: Sex show ngày đầu tuần kèm đường dẫn đến một trang trên website của cửa hàng. Mở ra mới biết đó chỉ là 2 sản phẩm mà bọn tớ vừa nhập về", anh Linh, nhân viên tại một trung tâm máy tính trên đường Thái Hà, hỉ hả kể: "Tớ cũng bắt chước trưng lên status và nhận được vô số lời... xỉ vả từ những kẻ tò mò, nhưng cũng không ít người quay ra hỏi thêm về thiết bị đó".

Kiểu status "treo đầu dê, bán thịt chó" hiện xuất hiện nhan nhản trên Yahoo Messenger. "Vừa tức vừa buồn cười. Thấy dòng chữ Nữ sinh mà 'đú' thế này à, tớ click ngay vào. Hóa ra là ông bạn đang quảng cáo cho website chuyên kinh doanh nước khoáng của hắn chứ chẳng liên quan gì đến nữ sinh cả. Có lần, tên này đăng bán máy Sony Ericsson K750 trên mục rao vặt của VnExpress, hắn cũng để link và không quên 'chua' thêm câu cảm thán Ơ em diễn viên này yêu nhỉ", chị Oanh cho biết.

Một lý do khiến nhiều người phải gõ thêm vài lời giải thích "giật gân, câu khách" là vì việc gửi đường link qua IM đang trở thành một dạng spam (tin nhắn rác) và gây bực mình cho người sử dụng. "Hồi đầu tôi còn nhiệt tình mở, nhiệt tình đọc và cũng nhiệt tình gửi đi. Nhưng hôm nào cũng nhận được cả chục link na ná như nhau khiến tôi phát chán, thậm chí đóng cửa sổ luôn mà không cần nhìn xem chúng từ đâu tới", anh Linh bày tỏ. Ngoài ra, cảnh báo về nguy cơ virus bị phát tán qua IM xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí khiến nhiều người ngại mở những trang web có địa chỉ không rõ ràng hoặc không được bạn bè chú thích trước.

Những tác dụng phụ 'đáng yêu' khác

Sau một lần dại dột bấm vào link trên Yahoo Messenger, Thu, sinh viên năm cuối Đại học Văn hóa, đã phải khổ sở cả tuần vì máy tính của cô bị nhiễm virus Nimda. Cô trở nên cảnh giác với mọi trang web lạ, cho đến khi nhận được thông điệp "Chúng ta có vô cảm không?" và trang Petitiononline.com/AOVN - trang ký tên bày tỏ sự ủng hộ với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. "Tôi, cũng như nhiều người khác, tiếp tục chuyển địa chỉ này qua IM tới bạn bè. Số người ủng hộ đã tăng lên nhanh chóng, không chỉ có người Việt mà còn xuất hiện cả những cái tên như Takeda Shinji từ Nhật hay Kelly Campbell tại Mỹ. Rất nhiều trong số đó biết đến trang này nhờ những tin nhắn nhanh", Thu tâm sự. "Tôi yêu hơn những đường link và cảm thấy nếu có phải gặp rắc rối với virus thêm vài lần nữa cũng không sao. Không thể chỉ vì một chút dè dặt mà bạn lại bỏ lỡ cơ hội khám phá thế giới mạng mới lạ và giàu nhân ái".

Tô Vân Hòa, giảng viên trường Cao đẳng giao thông vận tải, cũng chia sẻ một kỷ niệm khác: "Có một cậu bạn mà mình rất ghét nhưng cứ liên tục gửi link cho mình. Một hôm mình lơ đãng bấm thử và đọc được câu chuyện kể một con voi kết hôn với một con kiến dù bạn bè phải đối, đêm tân hôn con voi bị đau tim và qua đời, con kiến khổ sở than rằng chỉ vì một phút nông nổi mà nó phải dành cả đời đào huyệt chôn voi. Mỗi khi nhớ đến mình lại phì cười và tự nhiên thấy cậu bạn thật dễ thương".

Giao diện trang FreeSMS.

Mấy ngày gần đây, cư dân mạng lại bắt đầu cảnh giác cao độ vì Cá tháng 4 là dịp "béo bở" để thực hiện các chiêu lừa ngoạn mục qua Yahoo Messenger. Có thể kể đến trang freesms.ubb.cc với lời mời chào vô cùng hấp dẫn và 'chân thành' như sau: "Trang này mình làm với mục đích phi lợi nhuận do được người khác chia sẻ mã nguồn, nên mình upload lên mạng để mọi người cùng xài - lộc bất tận hưởng mà. Hiện tại chỉ nhắn tin được giữa các mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel và S-Fone. Mình sẽ cố gắng để có thể nhắn tin được ra nước ngoài và mấy mạng mới ra ở Việt Nam". Tuy nhiên, ngay sau khi soạn thông điệp và bấm nút "Gửi", màn hình sẽ hiện ra một chú lừa to đùng cùng lời giải thích rất "ngây thơ" rằng: "Mình làm trang này để chào mừng ngày Cá tháng Tư. Dù chưa tới 1/4 nhưng mình phải gửi trước, không đến ngày đó thì chẳng ai tin cả". Tính đến đêm ngày 30/3, số nạn nhân của FreeSMS đã lên đến gần 20.000 người.

Hải Nguyên

No comments: