Kinh tế Việt Nam 61 năm sau Cách mạng
Trước Cách mạng tháng Tám, kinh tế nước ta là một nền nông nghiệp lạc hậu, thì đến nay, Việt Nam đang phấn đấu để cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp năm 2020.
61 năm kể từ ngày Bác Hồ kính yêu đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mặc dù trải qua 30 năm kháng chiến, chiếm một nửa thời gian từ khi Cách mạng thành công đến nay, lại mất nhiều năm hàn gắn vết thương chiến tranh và mất hàng chục năm tìm tòi cơ chế, cùng với những thành tựu về chính trị, về phát triển xã hội, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, nhất là sau Đổi mới năm 1986.
Trước Cách mạng tháng Tám, kinh tế nước ta là một nền nông nghiệp lạc hậu. Hầu hết ruộng đất nằm trong tay địa chủ, thực dân; hệ thống đê được hình thành trong lịch sử, nhưng do không được thường xuyên tu bổ, nên cứ cách vài ba năm lại vỡ đê một lần; hệ thống thuỷ lợi chỉ bảo đảm nước tưới cho 15% diện tích canh tác, còn tới 85% phải dựa vào nước trời. Năng suất, sản lượng cây trồng năm 1944 còn rất thấp.
Các giai đoạn thăng trầm kinh tế
Cách mạng tháng Tám thắng lợi chưa được bao lâu, thì đất nước lại phải trải qua cuộc kháng chiến 9 năm, nền kinh tế đã bị tàn phá nặng nề; chỉ có nông nghiệp tăng trưởng chút ít (tổng giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1955 so với năm 1939 tăng 23,9%, bình quân 1 năm tăng 1,3%, sản lựơng lúa chỉ tăng 318 nghìn tấn, đậu tương giảm 3,9 nghìn tấn, chè búp khô giảm 4,4 nghìn tấn, cao su tăng 4 nghìn tấn, lạc tăng 12,1 nghìn tấn, số lượng trâu tăng 210 nghìn con, bò tăng 114 nghìn con, lợn tăng 790 nghìn con...).
Còn công nghiệp bị sút giảm mạnh (năm 1955 so với năm 1939, giá trị tổng sản lượng công nghiệp giảm 60,1%, sản lượng xi măng giảm 14,4%, than giảm 74,4%, muối giảm 33,5%, rượu giảm 65,3%...).
Hoà bình được lập lại, nhưng đất nước lại bị chia cắt làm 2 miền và trải qua gần 20 năm chiến tranh, mãi đến năm 1976 mới thống nhất. Tuy nhiên, do so với năm 1955 là năm sau chiến tranh có điểm xuất phát quá thấp, nên năm 1976 một số chỉ tiêu kinh tế vẫn tăng lên so với năm 1955. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1976 tăng 96% (tăng 3,3%/ năm). Sản lượng lúa năm 1975 tăng 72,2% (tăng 2,8%/năm).
Một số nông sản khác tăng khá hơn, như lạc, cà phê nhân, chè; riêng đậu tương không tăng, cao su còn bị giảm. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp năm 1976 gấp 20 lần năm 1955 (tăng 15,3%/năm, chủ yếu do tăng từ không đến có)...
Sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đứng trước một cơ hội mới để xây dựng và phát triển kinh tế vì tiềm năng kinh tế của 2 miền sẽ bổ sung cho nhau và có thuận lợi cơ bản là có hoà bình. Song, do xuất phát điểm của nền kinh tế quá thấp, hậu quả của chiến tranh nặng nề, cùng với những hạn chế trong việc tận dụng thời cơ, hạn chế của cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp và những vấp váp sai lầm trong các chính sách kinh tế, đặc biệt là "giá - lương - tiền", nên cuộc khủng hoảng tiềm ẩn từ những năm cuối 80 và đã bùng phát từ năm 1985.
Từ năm 1976 đến 1985, thu nhập quốc dân tăng rất thấp, có năm còn bị giảm: Năm 1977 tăng 2,8%, năm 1978 tăng 2,3%, năm 1979 giảm 2%, năm 1980 giảm 1,4%, bình quân 1977-1980 chỉ tăng 0,4%/năm, thấp xa so với tốc độ tăng trưởng dân số, làm cho thu nhập quốc dân bình quân đầu người bị sút giảm mạnh; năm 1981 tăng 2,3%, năm 1982 tăng 8,8%, năm 1983 tăng 7,2%, năm 1984 tăng 8,3%, năm 1985 tăng 5,7%, bình quân 1981-1985 tăng 6,4%/ năm; bình quân thời kỳ 1977-1985 chỉ tăng 3,7%/ năm.
Thu nhập quốc dân sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 80-90% thu nhập quốc dân sử dụng, chẳng những không có tích luỹ trong nước mà còn không đủ tiêu dùng. Toàn bộ quỹ tích luỹ và một phần quỹ tiêu dùng phải dựa vào viện trợ và vay nợ nước ngoài.
Trong những năm 1976 - 1980, thu từ vay nợ và viện trợ của nước ngoài chiếm 38,2% tổng thu ngân sách và bằng 61,9% tổng số thu trong nước, tương ứng thời kỳ 1981 - 1985 là 22,4% và 28,9%. Tính đến năm 1985, nợ nước ngoài lên đến 8,5 tỷ Rúp và 1,9 tỷ USD. Sản xuất tăng chậm và thực chất không có phát triển, nên lạm phát ngầm diễn ra với mức độ ngày càng cao, lại gặp sai lầm "giá - lương - tiền" 1985, nên siêu lạm phát diễn ra vào năm 1986 với tốc độ phi mã, lên tới 774,7% và kéo dài cho tới những năm 1990, 1991.
Đổi Mới: làn gió mát cho nền kinh tế
Đứng trước tình hình trên, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối Đổi Mới, phát triển sản xuất hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi Mới và mở cửa đã tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ khá (%): 1986: 2,84. 1991:5,81. 1996: 9,34. 2001: 6,89. 1987: 3,63. 1992: 8,70. 1997: 8,15. 2002: 7,08. 1988: 6,01. 1993: 8,08. 1988: 5,76. 2003: 7,34. 1989: 4,68. 1994: 8,83. 1999: 4,77. 2004: 7,79. 1990: 5,09. 1995: 9,54. 2000: 6,79. Sơ bộ 2005: 8,43. Bình quân thời kỳ 2001 - 2005 đạt 7,51%; Bình quân 1986 - 2005 đạt 6,76%, cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng thời kỳ 1977 - 1985; riêng thời kỳ 1991-2005 đạt 7,55%, còn cao hơn nữa.
Như vậy, GDP năm 2005 gấp khoảng 14 lần năm 1955, gấp trên 3,7 lần 1985 và gấp gần 3 lần 1990. Tăng trưởng kinh tế đã đạt 25 năm liên tục, vượt kỷ lục 22 năm của Hàn Quốc tính đến năm 1997, chỉ còn thua kỷ lục 27 năm hiện do Trung Quốc nắm giữ.
Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch quan trọng: nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thuỷ sản giảm từ 40,2% (1985) xuống 20,9% (2005); nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 27,4% lên 41%; nhóm ngành dịch vụ tăng từ 32,5% lên 38,1%.
GDP bình quân đầu người tính bằng USD nếu năm 1995 mới đạt khoảng 282,1 USD đứng thứ 10 trong khu vực, thứ 44 ở châu á, thứ 177/200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, thì đến năm 2005 đã đạt 638 USD (năm 2004 đạt 553 USD/ người, đứng thứ 7/11 nước trong khu vực, đứng thứ 33/40 nước và vùng lãnh thổ ở châu á và đứng thứ 110/ 132 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh).
Nếu tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương thì thứ bậc còn khá hơn và tăng khá: năm 1995 mới đạt 1.236 USD, còn đứng thứ 8, thứ 41, thứ 147, thì đến năm 2003 đã đạt gần 2.490 USD, vượt lên đứng thứ 7, thứ 36 và thứ 125 trên 177 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh.
Nông nghiệp đã có sự biến đổi thần kỳ, không chỉ tăng so với các thời kỳ trước, mà quan trọng là nhiều loại đã đủ dùng trong nước và xuất khẩu với khối lượng lớn (năm 2005 xuất khẩu thuỷ sản đạt 2.738,2 triệu USD, trên 5,25 triệu tấn gạo, 54,5 nghìn tấn lạc nhân, 892,4 nghìn tấn cà phê nhân, 587,1 nghìn tấn cao su, 108,8 nghìn tấn hạt điều nhân, 235,5 triệu USD hàng rau quả, 109 nghìn tấn hạt tiêu, 87,9 nghìn tấn chè...) và đứng thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều.
Tính đến đầu năm 2005, cả nước có 23,2 nghìn doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động, với tổng số gần 3,2 triệu lao động, tổng số vốn có gần 677,2 nghìn tỷ đồng, tài sản cố định 400 nghìn tỷ đồng. Sản phẩm công nghiệp không những nhiều gấp bội về số loại mà còn gấp nhiều lần về sản lượng.
Điều quan trọng là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao gấp rưỡi tốc độ chung, hiện có tỷ trọng (tính theo giá thực tế) cao nhất lên đến 43,6%, khu vực ngoài quốc doanh mấy năm nay tăng cao nhất trong 3 khu vực và tỷ trọng đạt 29%, đều cao hơn tỷ trọng 27,4% của khu vực doanh nghiệp nước ngoài.
Về thương mại, việc mua bán ở trong nước được tự do hoá, nhiều sản phẩm cung đã vượt cầu. Việt Nam đã có quan hệ buôn bán với trên 200 nước, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2005 lên đến trên 69,4 tỷ USD, gấp 34,8 lần năm 1976, gấp 16,8 lần năm 1985 và gấp 13,5 lần năm 1990, trong đó xuất khẩu đạt trên 32,4 tỷ USD, gấp 186 lần 1976, gấp 46,3 lần năm 1985 và gấp gần 13,5 lần năm 1990. Xuất khẩu năm 2005 đã chiếm 61% GDP, vào loại cao trên thế giới. Kim ngạch bình quân đầu người đạt 390 USD, gấp 10,7 lần năm 1990.
Vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân. Năm 2004 so với 1939, số đầu máy xe lửa gấp trên 1,5 lần, toa xe hàng gấp 1,4 lần, toa xe khách gấp 1,6 lần, luân chuyển bằng đường sắt về hàng hoá gấp 7,3 lần, về hành khách gấp 11,3 lần; số xe tải gấp gần 45 lần, số xe khách gấp gần 35 lần.
Từ năm 1988 đến tháng 7/2006 đã có 7.646 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép, với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung 69 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 35 tỷ USD, đứng thứ 5 khu vực, thứ 11 châu á và thứ 34 thế giới.
Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư, 37,7% giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá so sánh, 58,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm trực tiếp cho 1 triệu lao động. Từ năm 1993 đến nay, nguồn vốn ODA cam kết đạt trên 32 tỷ USD, giải ngân đạt khoảng trên 15 tỷ USD... Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm hẳn từ 774,7% năm 1986 xuống còn 12,7% năm 1995; và 8,4% năm 2005. Tỷ lệ tích luỹ đạt 35,5% GDP, trong đó tiết kiệm từ nội bộ kinh tế đạt gần 30,9% GDP.
Việt Nam đang phấn đấu thực hiện mục tiêu để sớm ra khỏi nước kém phát triển trước năm 2010 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Dương Ngọc
No comments:
Post a Comment