Tuesday, March 06, 2007

Ta thường thua chính mình???

Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc tài chính của ACE Life VN - trong buổi cà phê đầu năm trở lại chủ đề anh quan tâm: người Việt hay làm mình yếu đi trong môi trường cạnh tranh quốc tế. Câu chuyện của anh là sự trải nghiệm ở môi trường của các tập đoàn quốc tế anh đã làm việc qua.

 Tôi thấy trên diễn đàn có người hào hứng kêu gọi mỗi người nên đóng một chiếc tàu và cùng ra khơi. Đó là một ý tưởng tốt, nhưng nghĩ kỹ tôi lo ngại những sự cố có thể gặp phải trên chuyến hải hành này bởi lý do người Việt mình đủ sức làm mọi thứ, nhưng lại không đủ sức chiến thắng chính mình để cùng phát triển.
Hồi đó, lần đầu tiên tới Mỹ, tôi chú ý câu chuyện làm ăn của các cộng đồng nhỏ. Cộng đồng người Việt có nghề thế mạnh là làm nail (làm móng): ở đâu có người Việt là có nghề này. Nhưng rồi nơi nào người Việt nhiều một chút, sự cạnh tranh xảy ra, giá rớt thê thảm.

Trong khi đó người Hàn Quốc làm một nghề khác: giặt khô. Đi tới nơi nào cũng thấy họ làm nghề này, nhưng khi người Hàn tập hợp lại cùng làm thì bao giờ giá cũng tăng lên. Chuyện này là một điển hình nhiều người đã nói. Đem các quan hệ trong các công ty nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia ra mổ xẻ thấy có nhiều thứ phải nghĩ lắm.

Những năm đầu tiên khi các tập đoàn đa quốc gia vào VN, người nước ngoài rất nhiều nhưng họ làm ăn vẫn đì đẹt vì những cản trở văn hóa. Dần về sau, khi tuyển được nhân viên người Việt đông lên, công cuộc làm ăn tiến triển rất mạnh dưới sự lãnh đạo của người nước ngoài. Nhưng sự tiến triển sẽ chậm lại hoặc gặp phải nhiều sóng gió khi vai trò lãnh đạo chuyển dần sang người Việt. Hoặc nội bộ sẽ lủng củng hoặc sẽ phải thay đổi người mới hoàn toàn.

Thứ nhất, người Việt có đặc tính: hoặc là tự ti, rất tự ti hoặc là tự tin, quá tự tin. Sự tự ti, mặc cảm... nhiều khi cũng có tác động tích cực của nó. Khi người Việt làm việc dưới quyền các lãnh đạo là người nước ngoài, công việc tiến triển suôn sẻ, hiệu quả cao vì trong bản thân mỗi người có một mệnh lệnh: phải vươn lên, phải làm tốt công việc, không được để "nó" khinh mình. Lúc đó là cả một tập thể kết dính. Nhưng một khi người nước ngoài ra đi, chỉ còn ta với nhau, sẽ là lúc người Việt trở nên tự tin một cách thái quá: "nó" làm được thì mình cũng làm được và kết quả là... rối cả đám.

Nhiều công ty nước ngoài khi muốn "địa phương hóa" nguồn nhân lực, ngoài những khó khăn thông thường của sự lựa chọn, người ta phải giải quyết nhiều vấn đề mang tính tế nhị cho sự lựa chọn của mình: cử người được chọn ra nước ngoài một hoặc hai năm trước khi bổ nhiệm. Việc đó được lý giải là anh này phải được đi đào tạo trong môi trường quốc tế. Thật ra việc học đó cũng ít, cái mà các nhà quản lý nước ngoài muốn làm là bứt rời anh ra khỏi các mối quan hệ cũ để có thể "làm mới mình" trước khi trở về giữ một chức vụ quản lý nào đó. Người còn lại sẽ có cái an ủi: nó đã làm được "ở bên kia", ít ra nó cũng khá hơn mình. Và bản thân người trở về cũng sẽ xử lý tốt hơn các mối quan hệ với đồng nghiệp cũ.

Người nước ngoài có thể choảng nhau nảy lửa trong các cuộc họp nhưng khi bước ra ngoài, họ hoàn toàn có thể bắt tay mỉm cười với nhau. Tại sao? Vì cơ bản trong các cuộc họp đó người ta ít khi dùng những đại từ nhân xưng để chỉ công việc. Họ chỉ nói: "Việc này (vấn đề này) giải quyết như vậy là không đúng, là sai, là bậy..." và... cãi nhau để tìm ra hướng giải quyết tối ưu cho công việc. Trong khi cùng một tính chất như vậy, người Việt ngồi vào bàn họp và nói thẳng ngay: "Anh giải quyết tầm bậy rồi! Anh sai, anh không đúng!". Đối tượng chính (công việc) đã trở thành phụ và nhân vật giải quyết công việc trở thành đối tượng bị công kích cá nhân. Giữa "công" và "tư" - ta bị một cái "tôi" làm nhập nhằng và gây lắm chuyện không rạch ròi...

Tóm lại, tôi muốn nói: không ai thắng người Việt mình được trừ phi chính mình để cho họ thắng. Phải chấp nhận trong cuộc ra khơi này không phải ai cũng có chí lớn cả, nhưng mỗi người trong các mục tiêu riêng của mình cần có một sự kết dính để tạo cái chung, cho cả một con tàu lớn ra khơi an toàn, vững chắc.

NGUYỄN HỒNG SƠN - TIẾN HÙNG ghi

Sưu tầm

No comments: