Tuesday, March 06, 2007

Đại học “đẳng cấp quốc tế” là gì?

Có thể nói rằng chưa có một đại học nào trên thế giới tự cho mình có "đẳng cấp quốc tế" (trừ một số trường dỏm, quảng cáo mang tính lòe bịp). VN nên ưu tiên trong việc cải tạo mạng lưới giáo dục thay vì chạy theo xu hướng "đỉnh cao" không có thật.

Cần có một mạng lưới từ trường dạy nghề cho các em tốt nghiệp trung học cơ sở, trường cao đẳng (kỹ thuật, nghiệp vụ) cho học sinh tốt nghiệp phổ thông, rồi cấp đại học cho người muốn có trình độ cao hơn có thể đi vào nghiên cứu chuyên sâu sau khi ra trường.

Việc đào tạo nguồn nhân lực ở mức cao đẳng, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển tăng tốc như VN hiện nay là cần thiết. Vì vậy, việc động viên, khuyến khích học nghề có trình độ cao đẳng là việc làm vô cùng khẩn yếu cần được ưu tiên trong chính sách phát triển giáo dục thay vì đầu tư dàn trải, mỗi tỉnh đều có một đại học một cách vô lý, đào tạo hàng chục nghìn tiến sĩ "ngắn ngày" trong khi chưa có cơ sở nghiên cứu học thuật đầy đủ.

Nếu làm được như vậy sau 2-3 năm đào tạo, chúng ta sẽ có được một lực lượng chuyên viên kỹ thuật cho xã hội, trong khi giáo dục ở cấp đại học đòi hỏi 4-5 năm mới "sinh" ra được một lứa với kiến thức lý thuyết chán ngắt.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản

Từ những ngày đầu của cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản rất chú trọng đến việc xây dựng trường cao đẳng (kỹ thuật) khắp nơi. Từ năm 1893, kể từ lúc bộ luật về việc hoàn chỉnh trường đào tạo nghề ra đời, chỉ trong vòng năm năm Nhật Bản đã lập trên 5.500 trường khắp nước, phủ kín các lĩnh vực, tuy thế mạnh kinh tế của từng địa phương mà xây dựng cho phù hợp. Chính phủ Nhật Bản xem đó là quốc sách ưu tiên nhằm chuyển nguồn nhân lực ở nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp nhanh chóng.

Sang thế kỷ 20, vào những năm 1950, sau Thế chiến thứ hai, một số trường cao đẳng được chọn lọc chuyển thành đại học khi nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở cấp độ cao hơn ngày càng lớn do nền kinh tế phát triển đòi hỏi. Nhật Bản ngay từ đầu đã không phát triển giáo dục đại học một cách dàn trải. Hơn nữa, việc đào tạo nguồn nhân lực phải phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của phát triển xã hội, không thể có quá nhiều kỹ sư, cử nhân ra trường thất nghiệp đổi hướng đi học ngành khác để tìm việc làm, hoặc có quá nhiều bằng cấp đại học cùng một lúc mà không cái nào "tinh" cả.

Thế nào là đẳng cấp thế giới?

Sở dĩ các trường đại học trên thế giới được ca ngợi, xem là có trình độ cao là vì những lý do sau đây:

1) Lực lượng giảng dạy và nghiên cứu là những người có uy tín trong học thuật, bản thân những người này có những công trình khoa học hàng đầu, đang được giới học thuật trong ngành chú ý hay trích dẫn, tham khảo để nối tiếp. Bên cạnh những nhà nghiên cứu này là một đội ngũ sinh viên - thầy giáo cùng hợp tác và có những phòng nghiên cứu riêng trong đại học.

2) Sinh viên ra trường đều được đánh giá cao với luận văn tốt nghiệp có giá trị khoa học thật sự, và hầu hết tìm được việc làm ở những viện nghiên cứu chuyên ngành, đại học, nhà máy, cơ quan khoa học... có thể tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu chuyên môn hay thi thố tài năng của mình.

3) Có đủ bộ máy quản lý nhân sự, khoa học lẫn tài chính nhằm tổ chức giảng dạy và nghiên cứu học thuật hoàn chỉnh, là nơi đào tạo nhân tài đáng tin cậy.

Không thể có một đại học "đẳng cấp"quốc tế mà các giáo sư chẳng có công trình khoa học, mặc dù có học vị cao và chỉ đứng giảng theo lối từ chương, lật sách đọc bài sáo mòn từ năm này sang năm khác hay ngược lại duy trì phương pháp đào tạo "ếch cõng nhái"!

Nguồn: Tuổi Trẻ/LÊ HỒNG THỌ (Tokyo)

No comments: