Friday, October 13, 2006

7 năm học ở phổ thông: Tại sao không biết nói tiếng Anh?

TT - TP.HCM được xem là địa phương có phong trào học ngoại ngữ mạnh
nhất nước và có số lượng học sinh (HS) thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ
nhiều nhất... Thế nhưng có một thực tế là sau bảy năm học tiếng Anh ở
trường phổ thông và cả học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ, đến khi
chuẩn bị ra trường, đa số HS lại không có khả năng hoặc không tự tin
để giao tiếp với người nước ngoài...

86,8% học sinh lớp 12 không có khả năng giao tiếp

Với sự giúp đỡ của tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, chúng tôi đã làm một
cuộc khảo sát bỏ túi đối với gần 200 HS của bốn lớp 12 (hai lớp công
lập, hai lớp bán công) của một trường THPT tại TP.HCM có đầu vào lớp
10 trên 50 điểm.

Kết quả thật đáng ngạc nhiên: 86,8% HS trong số đó đã tự nhìn nhận
mình không có khả năng cũng như sự tự tin để giao tiếp với người nước
ngoài bằng tiếng Anh, dù chỉ là những câu nói xã giao thông thường.
Trong số HS được khảo sát cũng có đến 37,4% đã từng đi học thêm tiếng
Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, ở nhà giáo viên (GV), chủ yếu từ cấp II
(36,8%) và cấp III (36,8%), thậm chí có 6,1% bắt đầu làm quen tiếng
Anh từ mẫu giáo...

Đáng lưu ý là đa số (69,2%) HS cho biết thích học tiếng Anh vì muốn có
thêm ngôn ngữ để giao tiếp với người nước ngoài, để vào Internet, để
kiếm việc làm sau này... nhưng lại rất sợ môn học này vì bị mất căn
bản từ nhỏ (25,3%) và cho đây là môn khó học (55,5%).

Tuy nhiên kết quả này lại không ngoài những nhận định của các GV dạy
tiếng Anh mà chúng tôi gặp gỡ. Thầy Huy Thảo, vốn là cán bộ mạng lưới
Anh văn của quận 1 và nay là hiệu phó Trường THPT Lương Thế Vinh, cho
biết: "Có những HS rất giỏi, bài làm môn tiếng Anh không bao giờ dưới
8 điểm nhưng mỗi lần gọi lên đàm thoại là lắp ba lắp bắp cứng miệng
không nói được.

Có lớp 41 HS nhưng chỉ duy nhất một em yêu cầu thầy sử dụng tiếng Anh
khi giảng dạy. Hỏi ra mới biết em này được học tăng cường tiếng Anh từ
lớp 6. Dạy thêm ở trung tâm ngoại ngữ, thầy vẫn thường gặp những HS
mới ra trường chưa lâu, thậm chí đang mang phù hiệu HS phổ thông nhưng
hỏi đâu quên đó, hầu như chữ nghĩa trường phổ thông trả hết cho thầy
cô".

Tình trạng HS né tránh ánh mắt của thầy cô trong giờ đàm thoại tiếng
Anh hầu như rất phổ biến. Thầy Lê Thanh Tùng, tổ trưởng tổ Anh văn
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cũng bộc bạch: "Có HS đi nước ngoài
giao lưu được khen viết tốt, có ý tưởng nhưng khi nói thì không theo
trình tự, nhớ gì nói đó, nói lộn xộn mà không nêu được điểm chính.
Thậm chí có những em học tiếng Anh nhưng không biết tra từ điển, gần
như không sử dụng từ điển. Tức học một cách thụ động chờ thầy cho từ
nào thì học từ đó". Đây cũng là một trong những môn có nhiều HS chán
học, dù ngoại ngữ luôn nằm trong danh sách môn bắt buộc thi tốt
nghiệp.

Sách giáo khoa của thập niên 1980!

Nguyên nhân đầu tiên đưa đến hệ quả trên, theo các GV, chính là sách
giáo khoa. Nếu không nói ra chắc không ai... ngờ được bộ sách giáo
khoa tiếng Anh lớp 10,11,12 đang hiện hành được xuất bản từ năm...
1986. Cho đến nay bộ sách này đã có 15 lần tái bản, trong đó sau lần
tái bản và chỉnh lý chút đỉnh năm 1994, bộ sách này trở thành sách
chuẩn kiến thức.

Với tuổi đời quá dài như vậy nên nội dung của bộ sách trở nên quá lạc
hậu. Sự lạc hậu đó được cô Thủy Tiên, GV Trường THPT Phan Đăng Lưu,
chỉ ra: "Các nội dung trích dẫn trong sách thường không rõ nguồn,
nhưng dựa vào năm xuất bản có thể khẳng định những thông tin này đều
thiếu cập nhật, nhiều thông tin không còn phù hợp. Dễ thấy nhất là bài
13 "Money" trong sách giáo khoa lớp 10 hệ bảy năm vẫn còn minh họa tờ
giấy bạc 50 đồng Việt Nam. Lớp 11 có bài về computer nói về sự xuất
hiện của máy tính cũng là một ví dụ. Khi tôi dạy bài này, HS thường
bật cười vì nội dung lạc hậu quá trong khi máy tính và các tính năng
của nó đã trở nên quá quen thuộc với HS. Ngoài nội dung, các thuật
ngữ, cấu trúc câu trong các bài đọc hiểu thường rất khó hiểu, dài và
có nhiều câu phức nên rất khó ghi nhớ và sử dụng để giao tiếp. Đa số
câu trong bài đọc hiểu dài đến 3,4 hàng. Mà đạt kỷ lục phải kể đến bài
1 và 2 của sách giáo khoa lớp 12 có câu đọc đến 5, 6 hàng mới thấy dấu
chấm câu...".

Học tiếng Anh phải học bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết nhưng sách
giáo khoa chỉ chú trọng các kỹ năng đọc, viết, ngữ pháp, trong đó nặng
nhất là ngữ pháp. Cô Thủy Tiên so sánh: "Trong khi các sách Anh văn
nước ngoài như Streamline, Headway mỗi bài chỉ có một hoặc hai điểm
ngữ pháp; ngữ pháp lại đơn giản và được rèn luyện nhiều thì sách của
ta mỗi đơn vị bài thường có ba đến bốn điểm ngữ pháp, từ vựng mà phải
rèn trong 1-2 tiết (45 phút/tiết) nên thường GV không đủ thời gian rèn
luyện. Trong khi đó phần nghe và giao tiếp lại rất hạn chế". Thầy Huy
Thảo cho biết thêm: "Trong bảy năm trung học, HS phải học kiến thức về
ngữ pháp rất lớn, phải đi vào phân tích và học theo cấu trúc, buộc
phải nhớ những nguyên tắc, công thức... Với khối lượng và cách học như
vậy nên việc HS học trước quên sau, mất căn bản không có gì lạ".

Biết thế nhưng GV vẫn phải dạy theo sách, dạy theo phương pháp chú
trọng kỹ năng đọc - hiểu, viết để đáp ứng yêu cầu thi cử, bởi từ đề
kiểm tra một tiết, kiểm tra học kỳ cho đến thi tốt nghiệp hầu như đều
xoay quanh các yêu cầu này.

Một GV tiết lộ: "Để chuẩn bị cho việc thi tốt nghiệp THPT bằng phương
pháp trắc nghiệm, GV lại càng tăng cường thời gian dạy từ vựng, ngữ
pháp và lơ là việc rèn luyện kỹ năng nghe - hiểu, nói". 52,1% HS được
khảo sát cũng cho biết chỉ thỉnh thoảng được GV dạy giao tiếp và đến
44,4% cho rằng chưa bao giờ được GV dạy nói, giao tiếp tiếng Anh mà
chủ yếu học ngữ pháp, làm bài tập, học từ vựng... Nhiều GV đã tham gia
những đợt tập huấn về giảng dạy bốn kỹ năng nhưng không dễ gì áp dụng
vì lớp học quá đông.

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ GV cũng là một trong những yếu tố ảnh
hưởng đến chất lượng dạy và học môn này. Thầy Tùng kể nhiều cuộc hội
thảo tiếng Anh, GV cứ đùn đẩy nhau vì ngại nói bởi chính bản thân
người thầy cũng không giao tiếp nhiều. Có GV những ngày đầu mới nhận
lớp thường sử dụng tiếng Anh với HS, nhưng sau một thời gian thấy HS
cứ ngớ ra nên chuyển sang tiếng Việt để giảng, lâu ngày trở nên thiếu
tự tin.

KIM LIÊN

No comments: