Tuesday, March 11, 2008

Cơ chế thanh toán qua mạng

Cơ chế thanh toán qua mạng

 

Trong thanh toán B2C qua mạng, đại đa số người mua dùng thẻ tín dụng để thanh toán. Thẻ tín dụng là loại thẻ Visa, MasterCard... có tính quốc tế, chủ thẻ có thể dùng được trên toàn cầu

 

 

Tên gọi là tín dụng vì chủ thẻ dùng trước tiền của ngân hàng để chi trả, đến cuối tháng chủ thẻ mới phải thanh toán lại cho ngân hàng.


Ở Việt Nam, cá nhân hay tổ chức có thể đăng ký làm thẻ tín dụng với các ngân hàng như ACB, Vietcombank... Trên thẻ có các thông số sau: hình chủ sở hữu thẻ, họ và tên chủ sở hữu thẻ, số thẻ (Visa Electron và MasterCard đều có 16 chữ số), thời hạn của thẻ, mặt sau thẻ có dòng số an toàn (security code) tối thiểu là ba chữ số, và một số thông số khác cùng với các chip điện tử hoặc vạch từ (magnetic stripe). Chủ thẻ cũng được cung cấp PIN Code (Personal Information Number – Mã số cá nhân) để khi rút tiền từ máy, chủ thẻ phải nhập đúng PIN Code này thì máy mới xử lý yêu cầu rút tiền.

Trong thanh toán trực tuyến, chủ sở hữu thẻ không cần quét thẻ cũng như không cần cung cấp thông tin về PIN Code. Vậy làm sao để đảm bảo an toàn cho chủ thẻ không bị người khác sử dụng trái phép thẻ của mình? Một thông số khác có thể được sử dụng bổ sung: thông tin về địa chỉ nhận hóa đơn thanh toán việc sử dụng thẻ do ngân hàng gửi cho chủ thẻ. Những thông tin về thẻ tín dụng người mua phải khai báo khi thực hiện việc mua qua mạng gồm:

    • Số thẻ (16 chữ số được in trên mặt trước thẻ)
    • Họ tên chủ sở hữu in trên thẻ
    • Thời hạn hết hạn của thẻ, cũng in trên mặt trước thẻ
    • Mã số an toàn (security code) là ba chữ số cuối cùng in trên mặt sau của thẻ. Thông số này không bắt buộc phải cung cấp, tùy website có yêu cầu hay không.
    • Địa chỉ nhận hóa đơn thanh toán việc sử dụng thẻ do ngân hàng gửi cho chủ thẻ. Thông số này cũng không bắt buộc phải cung cấp, tùy website có yêu cầu hay không.

Hiện giao thức thanh toán qua mạng được sử dụng là SET (Secure Electronic Transaction – Giao dịch điện tử an toàn) do Visa và Master Card phát triển năm 1996. Hình sau minh họa cách thức xử lý thanh toán qua mạng.


Hình 1 : Quy trình xử lý thanh toán trực tuyến
(Nguồn: Richard Jewson. E-Payments: Credit Cards on the Internet.)

Giải thích quy trình:

    • Người mua đặt lệnh mua trên website của người bán sau khi đã chọn hàng hóa. Sau đó người mua khai báo thông tin thẻ tín dụng của mình.
    • Thông tin thẻ tín dụng của người mua được chuyển thẳng đến ngân hàng của người bán (trong trường hợp người bán có Merchant Account – xem giải thích bên dưới) hoặc chuyển thẳng đến nhà cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán qua mạng (gọi là Third Party – Bên thứ ba, xem giải thích bên dưới) mà người bán đã chọn. Thông tin thẻ tín dụng không được lưu trên server của người bán, do đó, hạn chế khả năng bị hacker đánh cắp thông tin.
    • Ngân hàng của người bán hoặc Bên thứ ba này sẽ kiểm tra tính hợp lệ của thẻ với ngân hàng nơi phát hành thẻ, thông qua giao thức SET. Việc kiểm tra này được thực hiện tự động rất nhanh, trong vòng vài giây.
    • Ngân hàng phát hành thẻ sẽ phản hồi (được mã hóa theo quy định) cho ngân hàng của người bán hoặc bên thứ ba về tính hợp lệ của thẻ.
    • Sau đó thông tin này được giải mã và gửi về cho người bán.
    • Người bán dựa trên thông tin phản hồi này quyết định bán hay không bán. Nếu bán thì sẽ gửi email xác nhận cũng như hóa đơn và các văn bản cần thiết khác cho người mua, đồng thời xử lý đơn hàng. Nếu không bán thì giao dịch coi như kết thúc, người bán cũng gửi thông điệp cho người mua, nêu rõ lý do không bán.

Sự khác biệt giữa người bán có Merchant Account và không có:

    • Người bán có Merchant Account: việc xin được Merchant Account không phải dễ dàng, đòi hỏi người bán phải đa phần phải là ở Mỹ, phải có ký quỹ cho ngân hàng, phải có bằng chứng đảm bảo uy tín kinh doanh trên mạng... vì trường hợp này họ được truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu của các ngân hàng để kiểm tra tính hợp lệ của thẻ.
    • Người bán không có Merchant Account: không phải người bán nào cũng có thể xin được Merchant Account, nhưng nhu cầu bán hàng qua mạng thì rất cao, từ đó có nhiều công ty xin Merchant Account để cung cấp dịch vụ xử lý thanh toán qua mạng cho các doanh nghiệp khác. Những công ty này được gọi là Third Party (Bên thứ ba) hoặc Online Payment Processor (Nhà xử lý thanh toán qua mạng).

Rủi ro trong thanh toán qua mạng

Nếu người mua dùng thẻ tín dụng của người khác trái phép để mua hàng qua mạng, khi chủ thẻ phát hiện và khởi kiện với ngân hàng phát hành thẻ và đưa ra bằng chứng mình không hề thực hiện giao dịch đó, thì thiệt hại cuối cùng thuộc về người bán. Người bán không những không được thu tiền mà còn bị mất từ 10 – 30 dollar Mỹ cho chi phí "điều tra", chi phí này được gọi là phí charge-back, thường được nêu rõ trong mục điều khoản khi người bán xin Merchant Account hoặc mua dịch vụ của Third Party.

Tỷ lệ gian lận thẻ tín dụng ngày càng giảm vì công nghệ xử lý thanh toán qua mạng ngày càng tiến bộ hơn. Đây là điều rất tốt củng cố lòng tin của người mua hàng qua mạng trong TMĐT B2C.

Theo Vitanco

 

No comments: