Friday, June 30, 2006

For Soul

Có ba điều tôi phải dấu mẹ
Thiện Lâm Đào (Trung Quốc)
Thái Nguyễn Bạch Liên dịch

Mẹ tôi là người nhà quê trình độ học vấn thấp, nhưng không vì thế mà tình thương yêu con kém thua bất cứ một ai trên thành phố, chỉ có điều nhiều khi biểu hiện hơi đặc biệt một chút thôi. Năm tôi học lớp 12 phải ở trọ trên thị trấn huyện. Chiều thứ bảy nọ, mẹ đi nhờ xe lên thăm tôi. Sau khi trao cho tôi lọ dưa muối, bà vui vẻ nhét thêm lon nước dinh dưỡng vào tay tôi. Tôi hỏi mẹ nhà mình nghèo mua làm gì những thứ đắt tiền này. Bà nghiêm mặt dặn dò tôi: Người ta nói đây là thuốc bổ não, uống vào sẽ thi đậu đại học. "Nhưng mà mẹ lấy đâu ra tiền?" - Tôi băn khoăn hỏi mẹ. Bà nói vừa bán cái vòng bạc. Đó là của hồi môn duy nhất mà ngoại dành dụm cho con gái trước khi về nhà chồng, mẹ không dám đeo bao giờ, chỉ cất kỹ dưới đáy rương.
Đêm thứ bảy ấy tôi mở lon nước thánh, uống từ từ loại dịch thể màu nâu mà mẹ nói bổ não, thi đậu đại học. Nào ngờ tới khuya phải đưa đi cấp cứu vì bị ngộ độc. Té ra của quý mẹ mua là hàng dỏm biến chất. Tôi thương mẹ quá chừng. Ngày nhận giấy báo vào đại học, mẹ hoan hỉ xoa đầu tôi: "Thật là không uổng phí, thế mà bố mày cứ bảo người ta lừa tao đấy!"
Một ngày hè oi nồng đang vật lộn với bài vở ở ký túc xá, tôi bỗng nhận được gói nhỏ do anh bưu tá đưa tới. Mở hết ba tầng bảy lớp giấy bao xi măng mới đến cái hộp bìa cứng, vội vàng mở hộp và trong đó là năm quả trứng gà luộc chín, nhưng vì trời nóng, đi xa lâu ngày nên đã bốc mùi thối. Tôi tự hỏi ở tỉnh lỵ thiếu gì trứng gà mà mẹ tôi phải gởi thế này. Và hôm sau nhận được thư mẹ, bà nhờ người viết hộ bảo rằng con ăn hết năm quả trứng gà tự tay mẹ luộc là sẽ bình an, khoẻ mạnh. Đọc đến đây tôi như thấy mẹ hiện ra trước mắt, hiền từ nhìn tôi ăn một lúc hết năm quả trứng. Nghỉ hè năm đó tôi về với mẹ, bà hỏi ngay trứng có bị hư không, tôi lắc đầu và bịa ra chuyện ăn trứng, tôi thương mẹ quá chừng vì nét mặt bà rạng rỡ hẳn lên và đầy ắp những niềm vui.
Trước khi tốt nghiệp tôi viết thư báo với mẹ là mình đã có bạn gái, bà mừng khôn tả gửi ngay cho tôi một dải khăn màu đỏ. Tôi đem khăn tặng bạn, cô ta nói: "Rõ quê, anh xem con gái thành phố bây giờ có ai quàng loại cổ lỗ này không?" Bạn tôi nói quả là rất đúng và tình cảm của hai chúng tôi nhạt dần cho tới lúc chia tay. Tôi hỏi dải khăn đỏ đâu rồi, cô bĩu môi bảo "anh cần tôi sẽ mua cho cả tá". Tôi không cần, tôi chỉ lấy dải khăn đỏ mẹ cho. "Vứt từ lâu, anh hiểu không?" Tôi uất ức vô cùng và tự trách mình đã có lỗi với mẹ. Sau đó tôi và vợ tôi bây giờ thương yêu nhau, tôi tặng nàng dải khăn màu đỏ giống hệt như mẹ đã cho và nói đây là quà của mẹ, nàng sung sướng giữ gìn hơn cả báu vật. Ngày hợp hôn mẹ tôi khoe với bà con thân hữu nhờ có dải khăn màu đỏ ấy mà đã cột được cô dâu này. Nét mặt mẹ tôi lại rạng rỡ vô cùng, lại đầy ắp những niềm vui, và lần thứ ba tôi phải giấu mẹ về chuyện dải khăn.



Gửi tiền
Bạch Húc Sơ (Trung Quốc)
Thái Nguyễn Bạch Liên dịch


Lo xong chuyện hậu sự cho cha, Thành Cương bèn lựa lời thưa với mẹ, mong bà cùng anh ra thành phố sinh sống. Mẹ anh cứ khăng khăng không chịu. Bà bảo nhà quê thanh tịnh, lên thành phố ồn ào sợ khó quen. Thành Cương lại cho rằng mẹ mình không nỡ bỏ mặc chồng vừa nằm xuống phải lạnh lẽo khói hương. Trước khi lên đường, Thành Cương nói thật: "Lâu nay mẹ không cho con gửi tiền về nhà, nhưng bây giờ mẹ già cả, neo đơn, cứ mỗi tháng con xin gửi mẹ 200 đồng gọi là sinh hoạt phí". Mẹ anh đáp: "Nhà quê tiêu pha không tốn kém, cho mẹ 100 đồng là đủ rồi".
Quê Thành Cương là một xóm nghèo ở nơi xa xôi biên viễn, anh bưu tá mỗi tháng chỉ đến một đôi lần mà thôi. Dạo này thanh niên trai tráng trong xóm đua nhau lên thành phố làm thuê kiếm sống, ở quê nhà toàn là trẻ nhỏ, cụ già, bà lão ngày ngày mong ngóng tin tức người thân đang lưu lạc phương xa. Vì vậy, hễ thấy anh bưu tá đạp xe về xóm là y như mọi người lại vây kín, hỏi han xem có thư từ bưu kiện gì không, rồi tỏa ra hoan hỉ cùng chia sẻ niềm vui.
Rồi hôm nọ anh bưu tá vừa đến, mẹ Thành Cương đang ở sau vườn hái rau nghe người hàng xóm kêu toáng lên: "Bà Thành ơi, có giấy báo, những 2.400 đồng cơ, ôi thằng Cương mới hiếu thảo làm sao". Tin bà Thành nhận được số tiền lớn như vậy chẳng mấy chốc lan nhanh trong cả xóm, ai cũng tấm tắc khen ngợi, còn bản thân bà sung sướng vô cùng, suốt đêm không sao chợp mắt. bà ngồi dậy biên mấy chữ cho Thành Cương. Tuy bà không được đến trường, nhưng ông ngoại Thành Cương là thầy giáo tiểu học nên đã dạy con gái cũng có thể đọc được, viết được. Bà hỏi Thành Cương đã dặn mỗi tháng chỉ cần 100 đồng, sao lại gửi nhiều thế? Anh trả lời: Nhân viên bưu điện ít khi về tới xóm, sợ mẹ không kịp có tiền tiêu nên gửi luôn một thể. Thành Cương còn giải thích thêm: "Lương của con cũng khá, mẹ cứ nhận lấy 200 đồng, tiêu không hết thì để dành phòng khi cần kíp cũng được chứ sao". Đọc xong thư con, bà Thành nhoẻn miệng cười một mình.
Nhưng vài tháng sau Thành Cương bỗng nhận được thư mẹ, viết rất ngắn, bà dặn con không gửi sinh hoạt phí cả năm vào một lần, sang năm cứ chia tháng ra mà gửi, mỗi tháng một lần. Ngoảnh đi ngoảnh lại năm cũ cũng trôi qua. Thành Cương bận rộn với một vài công trình, nhớ lời mẹ dặn, nhưng sợ lỡ dịp không kịp gửi tiền về để bà tiêu nên anh đành gửi luôn thể cả 2.400 đồng như trước.
Hai mươi ngày sau, Thành Cương nhận được 2.200 đồng của mẹ anh trả lại, đang phân vân không hiểu vì lý do gì thì thư của bà đã tới. Một lần nữa bà căn dặn rõ ràng: "Nếu không gửi theo tháng, dẫu một xu mẹ củng chẳng cần!" Mãi đến hôm nay Thành Cương gặp người ở quê lên chơi, hỏi ra mới biết mẹ mình tuy cô đơn nhưng mỗi tháng cũng có một lần cùng bà con vui như tết, ấy là khi anh bưu tá đạp xe về xóm đem cho họ những giấy báo lĩnh tiền, tuy chẳng nhiều nhặn gì cho cam mà cái xóm nhỏ xa xôi ấy cứ râm ran suốt mấy ngày. Thành Cương nước mắt lưng tròng, anh đã thấu tỏ tâm tư của mẹ, bà muốn mỗi năm thụ hưởng 12 lần vui sướng, bà đâu chỉ mong ngóng nơi đồng tiền con gửi mà là tấm lòng, tấm lòng của những người xa xứ.



Nguồn gốc mùi cà ri
Một nụ cười (Internet)

Một ông lão có thói quen ngủ ngày. Ông có một đứa cháu cực kỳ ranh mãnh. Một ngày nọ nhân lúc ông đang ngủ say, cậu bé đã lén lấy một chút bột cà ri bôi vào hàng râu mép dài và rất đẹp của ông. Loại bột cà ri này do một người bạn của bố cậu mới mang về từ Ấn Độ. Đối với một số người cà ri rất thơm, nhưng nhiều người lại thấy nó hôi kinh khủng.
Đang say ngủ, đột nhiên ông lão tỉnh giấc vì một mùi quá khó chịu. Ông nghĩ: Sao giường mình hôm nay lại hôi như thế, và đi ra phòng khách cho đỡ khó chịu. Chừng năm phút ông lão nói: "Ôi, phòng khách hôm nay hôi thế này, có khách tới thì biết làm sao?" Vừa nói ông vừa đi vào bếp thì thấy nhà bếp cũng hôi kinh khiếp. Ông đi ra hàng hiên và vẫn thấy cái mùi nồng nồng hăng hăng đó quanh mình. Không thể ở trong một căn nhà mà mọi nơi đều bốc mùi, ông lão quyết định đi xuống phố.
Ông lão thong dong bước và cố hít thật sâu để mong có được một hơi thở trong lành. Nhưng ông đã đi đến một kết luận làm ông đau lòng vô kể: "Trời ơi, sao cả thế giới này lại hôi đến thế nhỉ?"

Có bao giờ bạn thấy xung quanh mình đều là những điều không vui, là những bất hạnh, dối trá, khó khăn, không có một chút hy vọng nào cả? Hay đơn giản hơn, bạn thấy ai ai xung quanh bạn cũng xấu, cũng sai phạm, cũng cần phải sửa cái này cái kia, ai cũng cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa... Hãy nhớ đến câu chuyện này và hãy nhìn lại mình trước tiên, bạn nhé!




Tô mì của người lạ
Bích Ngọc phỏng dịch

"Câu chuyện này tôi nhận được từ một người bạn ở Malaysia gửi qua email. Chuyện cũng bình thường thôi nhưng tôi chợt xúc động vì đã có lúc tôi cư xử giống như cô bé trong truyện. Tôi cũng mong câu chuyện rất thường này được đăng để may ra cô con gái lớn của tôi, người hay bỏ nhà đi sau khi bị tôi mắng, có thể đọc đượ".

Tối hôm đó Sue cãi nhau với mẹ, rồi không mang gì theo cô đùng đùng ra khỏi nhà. Trong lúc đang lang thang trên đường phố, cô mới nhớ ra rằng mình chẳng có đồng bạc nào trong túi, thậm chí không có đủ mấy xu để gọi điện về nhà.
Cùng lúc đó cô đi qua một quán mì, mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm cô chợt cảm thấy đói ngấu. Cô thèm một tô mì lắm nhưng lại không có tiền!
Người bán mì thấy cô đứng tần ngần trước quầy hàng bèn hỏi: "Này cô bé, cô có muốn ăn một tô không?"
"Nhưng... nhưng cháu không mang theo tiền..." - cô thẹn thùng trả lời.
"Được rồi, tôi sẽ đãi cô - người bán nói - Vào đây, tôi nấu cho cô một tô mì".
Mấy phút sau ông chủ quán bưng tới cho cô một tô mì bốc khói. Ngồi ăn được mấy miếng, Sue lại bật khóc.
"Có chuyện gì vậy?" - ông ta hỏi.
"Không có gì. Tại cháu cảm động quá!" - Sue vừa nói vừa lấy tay quẹt nước mắt.
"Thậm chí một người không quen ngoài đường còn cho cháu một tô mì, còn mẹ cháu, sau khi cháu cự cãi đã đuổi cháu ra khỏi nhà. Chú là người lạ mà còn tỏ ra quan tâm đến cháu, còn mẹ cháu... bả ác độc quá!" - cô bé nói với người bán mì...
Nghe Sue nói, ông chủ quán thở dài: "Này cô bé, sao lại nghĩ như vậy? Hãy suy nghĩ lại đi, tôi mới chỉ đãi cô có một tô mì mà cô đã cảm động như vậy, còn mẹ cô đã nuôi cô từ khi cô còn nhỏ xíu, sao cô lại không biết ơn mà lại còn dám cãi lời mẹ nữa?"
Sue giật mình ngạc nhiên khi nghe điều đó.
"Tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ? Một tô mì của người lạ mà mình cảm thấy mang ơn, còn mẹ mình đã nuôi mình hàng bao năm qua mà thậm chí mình chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến mẹ dù chỉ một chút. Mà chỉ vì một chuyện nhỏ mình lại cự cãi với mẹ".
Trên đường về cô thầm nghĩ trong đầu những điều cô sẽ nói với mẹ: "Mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết đó là lỗi của con, xin mẹ tha thứ cho con..."
Khi bước lên thềm cửa, cô thấy mẹ đang mệt mỏi và lo lắng vì đã tìm kiếm cô khắp nơi. Nhìn thấy Sue, mẹ cô nói: "Sue, vào nhà đi con. Chắc con đói bụng lắm rồi phải không? Cơm nước mẹ nấu xong nãy giờ rồi, vào mà ăn ngay cho nóng..."
Không thể kềm giữ được nữa, Sue òa khóc trong tay mẹ.

"Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ cảm kích những hành động nhỏ mà một số người chung quanh làm cho chúng ta, nhưng đối với những người thân thuộc, nhất là cha mẹ, chúng ta lại xem sự hy sinh của họ là sự đương nhiên..."
Tình yêu và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ là món quà quý giá nhất mà chúng ta được tặng từ khi mới chào đời.
Cha mẹ mong đợi chúng ta trả công nuôi dưỡng, nhưng..
Liệu có bao giờ chúng ta biết quý trọng sự hy sinh vô điều kiện này của cha mẹ chúng ta chưa?



Hương cổ tích
Võ Thanh Phong (Cần Đước, Long An)

Hè năm rồi có một nhóm sinh viên về quê tôi tham gia chiến dịch Mùa hè xanh. Nhà tôi thêm vui khi có hai cô sinh viên sư phạm đến ở trọ. Hai cô vui tính, dễ thương nên gia đình tôi rất quý mến. Hôm chia tay về lại thành phố, tôi đưa hai cô đi tham quan chợ quê. Trong lúc đi dạo chợ, hai cô phát hiện một thứ quả rất quen tên nhưng chưa tưng thấy - đó là quả thị. Quả thị thì người Việt Nam nào cũng từng nghe qua câu truyệncổ tích Tấm Cám, nhưng số người được thấy, sờ và ngửi mùi hương cổ tích ấy chắc là không nhiều vì quả thị không có giá trị kinh tế nên hiện nay rất ít người còn trồng. Thấy hai cô thích quá, tôi mua biếu hai cô cả rổ thị để làm quà. Hai cô vui sướng vì có món quà đặc biệt để tặng các bạn ở chung trong ký túc xá với một suy nghĩ rất lãng mạn "ký túc xá của các cô sẽ thơm nức mùi hương cổ tích".
Niềm vui hồn nhiên của hai cô bạn trẻ làm tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của mình. Bà tôi đi chợ hay mua thị về làm quà cho cháu. Quả thị thơm quá nên tôi thường tiếc không ăn mà chỉ để ngửi. Đến khi quả thị nhũn ra mới chịu bỏ đi. Lũ trẻ con chúng tôi thường lấy hạt thị đem mài vì nghe nói mỗi hạt thị đều mang hình dáng cô Tấm dịu hiền. Chuyện ấy giờ xưa quá!
Trước dòng chảy thời gian, nhiều vật thể mang giá trị tinh thần đang dần mất đi. Biết đâu trong một tương lai không xa, con cháu chúng ta chỉ còn được nghe kể lại thứ quả mang hương thơm cổ tích trong những câu chuyện bắt đầu bằng câu: "Ngày xửa… ngày xưa".


Cái đẹp
Nhị Tường (từ Internet)

"Tôi có thể nhìn con được không?". Người mẹ đón đứa bé sơ sinh trong cánh tay rồi nhẹ mở các nếp khăn để nhìn kỹ khuôn mặt nhỏ bé và không giấu được vẻ kinh hoàng.
Vị bác sĩ vội quay nhìn ra cửa sổ. Đứa bé vừa sinh không có tai.

oOo

Thời gian đã chứng minh thính giác của đứa bé hoàn hảo, nhưng một ngày kia cậu bé từ trường chạy ào về nhà, lao vào vòng tay của mẹ và nức nở: "Có đứa gọi con là đồ quái thai".
Cậu bé lớn lên, đẹp trai, tài năng phát triển, một tinh hoa về âm nhạc và văn chương, được bạn bè yêu mến, lẽ ra có thể làm lớp trưởng, thế nhưng chỉ vì đôi tai…
"Con có thể hòa đồng với những thanh niên khác mà" – mẹ anh động viên, nhưng đó chỉ là sự ân cần của trái tim người mẹ.
Cha anh đã liên hệ với một nhà phẩu thuật. "Tôi tin có thể ghép đôi tai nếu tìm được" – bác sĩ khẳng định. Sau đó là cuộc tìm kiếm một đôi tai.
Hai năm trôi qua.
"Con sắp vào bệnh viện đấy con trai ạ. Mẹ và cha đã tìm được người tặng tai cho con. Nhưng đó là một điều bí mật" – người cha nói.
Cuộc phẩu thuật thành công rực rỡ và một nhân vật mới nổi lên. Tài năng anh nở rộ, cuộc sống ở trung học và đại học là những chuổi ngày hân hoan. Anh lập gia đình và làm công tác ngoại giao.
"Nhưng con cần phải biết! – Anh van nài cha – Ai đã tặng con quá nhiều như thế? Con không bao giờ có thể đền đáp xứng đáng cho người ấy".
"Cha cũng tin là con không thể" – Người cha trả lời – "Nhưng giao ước không cho con được biết… đúng hơn là chưa được biết".

oOo

Nhiều năm trôi qua với điều bí mật của họ, nhưng ngày ấy vẫn đến, ngày đau đớn nhất trong đời đứa con. Anh cùng cha đứng nghiêng mình trước quan tài người mẹ. Dịu dàng và chậm rãi, người cha đưa tay vén mái tóc dài để lộ ra đôi tai không còn nữa của người mẹ.
"Mẹ đã nói rằng mẹ hạnh phúc khi không bao giờ cắt tóc" – Người cha thì thầm – "Và không ai có thể nghĩ mẹ bớt đẹp đi phải không?".
… Vẻ đẹp thật sự nằm bên trong trái tim.



Điều kỳ diệu
Đ.Q (Internet)

Whit là một thuật sĩ, anh ta làm thuê trong một nhà hàng ở Los Angeles, ở đó mỗi tối khi khách ăn anh giúp vui bằng những màn ảo thuật nho nhỏ của mình. Vào một buổi tối nọ, anh ta ngồi xuống cạnh một gia đình nọ, sau khi đã tự giới thiệu về mình, Whit lấy ra một bộ bài và bắt đầu biểu diễn. Anh yêu cầu cô gái trẻ ngồi cạnh mình hãy chọn ra một lá bài. Cha cô ta bảo với Whit rằng Wendy bị mù.
"Không sao," anh ta trả lời, "nếu là như vậy tôi muốn chơi một trò khác." Quay sang cô gái Whit nói: "Wendy, cô có thể giúp tôi trong trò chơi này không?"
Một chút do dự, cô gái nhún vai và trả lời: "Vâng".
Whit kéo ghế lại ngồi ngang cô gái và nói: "Tôi sẽ đưa một quân bài ra, Wendy, và nó có hai màu hoặc là đỏ hoặc là đen. Tôi muốn cô sử dụng khả năng tinh thần của mình để nói tôi biết màu của lá bài, đỏ hay đen. Cô đồng ý chứ?" Wendy gật đầu.
Whit cầm lá bài lớn nhất và hỏi: "Đây là lá đỏ hay đen?"
Nghĩ một chút, cô gái mù đáp: "Đen". Gia đình cô mỉm cười sung sướng.
Whit cầm lá bảy cơ: "Đây là lá đỏ hay đen?"
Wendy trả lời: "Đỏ".
Whit lấy lá bài thứ ba, lần này là con ba rô và hỏi: "Đỏ hay đen?"
Không do dự, Wendy đáp: "Đỏ!" Các thành viên trong gia đình hết sức kinh ngạc. Anh ta lấy ra ba lá bài và cô đoán đúng cả ba. Và tiếp tục, cô đoán đúng đến lá bài thứ sáu. Gia đình cô ta không thể nào tin đó là sự may mắn của cô.
Đến là bài thứ bảy, Whit cầm con năm cơ: "Wendy, tôi muốn cô nói số và loại của lá bài này, một trong những loại cơ, rô, chuồn, bích".
Sau một lúc nghĩ ngợi, Wendy đáp: "Con năm cơ!" Mọi người kinh ngạc đến cực điểm, họ há hốc miệng nhìn cô gái.
Cha cô ta hỏi Whit có hay không có điều kỳ diệu này. Whit đáp: "Ông hãy hỏi Wendy".
"Wendy, đó là cái gì?" ông quay sang hỏi con gái. Wendy mỉm cười đáp: "Đó là điều kỳ diệu!"
Whit bắt tay gia đình và ôm chặt lấy Wendy, dọn những quân bài, anh tạm biệt gia đình. Dĩ nhiên, điều kỳ diệu anh mang đến cho gia đình thì không thể nào quên.
Điều kỳ diệu xảy ra đã ảnh hưởng đến Wendy. Nó không chỉ là cơ hội đem chút "ánh sáng" cho cô và làm cô trở nên đặc biệt trong gia đình, mọi người đều hãnh diện khi kể về khả năng của cô với bạn bè mình.
Vài tháng sau, khi câu chuyện đã bị quên lãng, Whit nhận được gói bưu phẩm kèm theo một lá thư do Wendy gởi đến. Trong thư, cô cảm ơn Whit vì đã làm cô cảm thấy trở nên đặc biệt, giúp cô "thấy" được dù chỉ trong giây lát, cô cảm thấy rất hạnh phúc và cuộc sống còn nhiều ý nghĩa đối với cô. Cô nói sẽ giữ những điều xảy ra như bí mật của riêng mình và sẽ không bao giờ kể với ai. Cuối cùng cô gởi tới anh một bộ bài dành cho người mù để anh có thể đem nhiều hạnh phúc nữa cho những người như cô.


Tại sao Wendy biết được màu của những con bài? Whit chưa bao giờ gặp cô trước khi cô vào nhà hàng và anh cũng không nói trước với cô về những quân bài. Và cô ta bị mù thì không thể nào thấy được màu sắc cũng như giá trị những lá bài. Vậy làm như thế nào?
Whit đã truyền thông tin bằng mật mã của bàn chân từ người này đến người khác mà không dùng lời nói. Khi Whit bắc ghế ngồi ngang với Wendy: "Tôi sẽ đưa một quân bài ra, Wendy, và nó có hai màu hoặc là đỏ, hoặc là đen", anh đạp nhẹ chân cô ta một cái khi anh nói từ "đỏ" và hai cái khi anh nói từ "đen".
Ngừng một chút để cô hiểu, anh lặp lại điều quy định đó bằng cách: "Tôi muốn cô sử dụng khả năng tinh thần của mình để nói tôi biết màu của lá bài, đỏ (khẽ đạp chân cô một cái) hay đen (đạp hai cái.)" Khi cô nói vâng, anh biết cô đã hiểu mật mã và trò chơi bắt đầu.
Tại sao cô biết được con năm cơ? Đơn giản. Anh đạp chân cô năm lần. Khi anh yêu cầu cô đoán loại của lá bài cơ, rô, chuồn, bích, anh khẽ đạp khi nói từ "cơ".




Khi trẻ con học
Võ Hoàng Lan (từ Intenert)

- Khi trẻ con học được rằng hạnh phúc không đến từ những gì một người đang có, mà từ chỗ người ấy là ai.

- Khi trẻ con học được rằng cho đi và tha thứ thì cao quý hơn là chỉ biết nhận lấy và nuôi mãi oán thù.

- Khi trẻ con học được rằng nỗi thống khổ sẽ không dịu đi nếu chỉ ngồi than thân trách phận, mà phải vượt qua bằng ý chí kiên cường xuất phát từ sức mạnh nội tâm.

- Khi trẻ con học được rằng chúng không thể chế ngự được thế giới chung quanh, nhưng chúng hoàn toàn có thể làm chủ được cuộc sống của chính mình.

- Khi trẻ con học được rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng biết đặt tình bạn lên trên cái tôi ích kỷ, biết khiêm tốn thay cho tự mãn, biết lắng nghe thay vì chỉ ban phát lời khuyên.

- Khi trẻ con học được rằng chúng không nên ghét bỏ một người chỉ vì lo sợ khi thấy họ khác mình, trái lại phải biết sợ hãi chính lòng căm ghét ấy...

- Khi trẻ con học được rằng niềm vui nằm trong việc có được sức mạnh chân chính để nâng người khác dậy, chứ không phải ở sức mạnh giả tạo để hạ người khác xuống.

- Khi trẻ con học được rằng những lời khen tặng sẽ chỉ là những lời phỉnh nịnh vô nghĩa nếu không phản ánh đúng năng lực của mình.

- Khi trẻ con học được rằng giá trị cuộc sống không phải được đo bằng những năm tháng lo tích góp tài sản, mà bằng những phút giây quên đi hạnh phúc cá nhân để chia sẻ niềm tin, khơi nguồn hy vọng, lau khô nước mắt và xoa dịu những nỗi đau.

- Khi trẻ con học được rằng vẻ đẹp của một người không chỉ được nhận biết bằng mắt mà bằng cả trái tim, và dù thời gian cùng nỗi khổ có thể có thể tàn phá hình hài thì chúng cũng đồng thời làm tăng nhân cách và giá trị của con người.

- Khi trẻ con học được rằng không nên xét nét người khác, rằng mọi người đều có quyền hưởng hạnh phúc dù họ tốt hay xấu, vì suy cho cùng việc họ trở nên tốt hay xấu chính là tùy thuộc vào việc họ được người chung quanh giúp đỡ hay chỉ gây cho họ những thương tổn...

- Khi trẻ con học được rằng mỗi con người đều được Thượng đế ban tặng một món quà riêng biệt, và cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi mọi người biết chia sẻ món quà ấy với những người chung quanh.

- Khi trẻ con học được tất cả những điều trên và xem đó là nghệ thuật sống, chúng không còn là trẻ con nữa - chúng trở thành niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người và xứng đáng là mẫu mực cho toàn nhân loại.


Một câu chuyện đẹp
Võ Đức Duy (theo Internet)

Đây là một câu chuyện mà mẹ Teresa kể lại trước khi mẹ đi vào thế giới vĩnh hằng.
Khi tôi dám nhận một người từ hè phố, họ đói, tôi cho họ bánh mì. Nhưng một người đang cảm thấy chán nản, cô đơn, mặc cảm, lại là người muốn bước ra hè phố. Đó là một người thiếu nghị lực. Nghèo về tinh thần là điều khó khăn hơn để vượt qua những nghịch cảnh của cuộc đời. Có thể những người nghèo không của cải, nhưng họ lại thấy cuộc đời đầy thú vị và ấm áp biết bao.
Một buổi tối nọ tôi đi ra ngoài và đón nhận bốn người ăn xin, một trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch. Tôi báo với người cùng đi là hãy chăm sóc ba người kia, còn tôi sẽ mang người đó về nhà, đặt lên giường, nhưng mắt người đó đã nhắm nghiền, tuy vậy nụ cười vẫn trên môi, nắm lấy bàn tay tôi và cô ta thốt lên "cảm ơn", sau đó nhắm mắt và ra đi vĩnh viễn.
Tôi không thể làm gì hơn nhưng tự hỏi lòng mình: "Tôi sẽ nói gì nếu tôi trong tình trạng giống như cô ta?" Và tôi cũng tự trả lời rất đơn giản: "Tôi sẽ phải cố gắng làm mọi cách để mọi người chú ý đến mình và cho tôi ăn, tôi sẽ nói tôi lạnh, tôi đau đớn..."
Nhưng cô ta đã cho tôi thấy nhiều hơn nữa, đó là tình yêu, sự cảm kích của mình. Cô ta chết với một nụ cười sung sướng.
Sau đó có lần tôi đón nhận một người đàn ông từ một ống cống, nửa người của anh ta đã bị ruồi nhặng phá hoại. Sau khi mang anh ta về nhà, anh ta chỉ nói: "Tôi đã sống như một con thú và tôi sắp chết như một thiên thần, đã được yêu mến và chăm sóc." Sau đó anh chết vẫn với một nụ cười trên môi.
Điều đó quả thật tuyệt vời, anh ta đã không đổ lỗi cho hoàn cảnh, bất cứ ai hay so sánh với điều gì. Như một thiên thần giàu có về lòng thương, tình nhân ái ngay cả khi nghèo khổ về của cải.
- Cuộc sống như một cơ may, hãy nắm lấy nó.
- Cuộc sống thì rất đẹp, hãy chiêm ngưỡng nó.
- Cuộc sống như một giấc mơ, hãy đón nhận nó.
- Cuộc sống như một thử thách, hãy đáp ứng nó.
- Cuộc sống như một trò chơi, hãy chơi với nó.
- Cuộc sống như một gia tài, hãy giữ gìn nó.
- Cuộc sống như một tình yêu, hãy thưởng thức nó.
- Cuộc sống như một nỗi buồn, hãy vượt qua nó.
- Cuộc sống như một lời hứa, hãy cố thực hiện.
- Cuộc sống như một sự bí ẩn, hãy khám phá nó.
- Cuộc sống như một cuộc tranh đấu, hãy chấp nhận nó.
- Cuộc sống như một sự phiêu lưu, hãy can đảm lên.
- Cuộc sống như một bài ca, hãy reo hò cùng với nó.
- Và cuộc sống thì vô cùng tuyệt với, đừng bao giờ phá hủy nó.

No comments: