Famous: Nguyen Cong Tru
Nguyễn Công Trứ (1778- 1858) quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một nhà quân sự, một nhà kinh tế và một nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại.
Tiểu sử
Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp:
- Đã mang tiếng ở trong trời đất
- Phải có danh gì với núi sông.
Năm 1820 khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên. Từ đây bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió của ông. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, kinh tế tới thi ca.
Cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú v.v.
Năm Tự Đức thứ nhất 1847 ông nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên.
Sự nghiệp
Quân sự
Do chính sách hà khắc của nhà Nguyễn dưới triều đại Gia Long và Minh Mạng nên đã xảy ra liên tiếp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Công Trứ tuy là quan văn nhưng phải cầm quân, làm tướng, đánh đâu thắng đó: 1825 dẹp Khởi nghĩa Lê Văn Lương, 1827 dẹp Khởi nghĩa Phan Bá Vành, 1833 dẹp Khởi nghĩa Nùng Văn Vân, 1835 dẹp giặc Khách. Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi Pháp tấn công Đà Nẵng, thì ông đã 80 tuổi nhưng vẫn xin vua cho đi đánh giặc.
Kinh tế
Ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) vào những năm cuối thập niên 1820, đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Những hoạt động của ông trong lĩnh vực kinh tế được nhân dân các vùng kể trên ghi nhớ. Hiện nay còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông ở hai huyện nói trên và quê hương ông.
Thơ ca
Nguyễn Công Trứ là người có tài. Là một người của hành động, trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Ông khinh bỉ và ngán ngẩm nó.
- Thế thái nhân tình gớm chết thay
- Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy
Hay:
- Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
- Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi
Hoặc:
- Ra trường danh lợi vinh liền nhục
- Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Trong xử thế ông cười nhạo sự thăng giáng, coi làm quan thì cũng như thằng leo dây và không giấu sự ngạo mạn:
- Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào
- Đã sa xuống thấp lại lên cao.
Chán trường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời. Ông vốn yêu đời, là người chịu chơi, với ông cái gì cũng có thể đêm chơi kể cả tài kinh bang tế thế.
- Trời đất cho ta một cái tài
- Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Nguyễn Công Trứ là người đào hoa, mê hát ả đào, ông viết nhiều bài ca trù đa tình. Ngất ngưởng, ngông nghênh, về hưu đi chơi ông không dùng ngựa mà dùng bò. Bảy mươi ba tuổi ông cưới vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:
- Năm mươi năm trước, anh hai ba
Ngay lúc chua chát nhìn lại đời mình, ông vẫn là người đầy khí phách:
- Kiếp sau xin chớ làm người
- Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
- Giữa trời vách đá cheo leo
- Ai mà chịu rét thì trèo với thông
Ghi chú: Cây thông trong cách hiểu Nho-Khổng giáo là người quân tử.
Đời ông đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Có thể nói thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn nhưng hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi.
Chí làm trai
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng (1) vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. (2)
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
(1) Tang bồng: từ "tang bồng hồ thỉ" -- cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng. Theo Lễ Kinh: cha mẹ mới sinh con trai, lấy cung tên bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng treo ở ngoài cửa, có ý mong cho con mình sau này lấy cung tên làm nên sự nghiệp vang thiên hạ.
(2) Hai câu thơ trong bài Quá Linh Đinh Dương của Văn Thiên Tường đời Tống. Người ở đời chẳng ai mà không chết, phải làm sao lưu lại tấm lòng son soi trong sử xanh.
Cách Ở Đời
Vừa lòng cũng khó há rằng chơi
Nghe như chọc ruột, tai làm điếc
Giận đã căm gan, miệng mỉm cười
Bởi số chạy đâu cho khỏi số
Lụy người nên mới phải chiều người
Mặc ai chớ để điều ân oán
Chung cục thời chi cũng tại trời.
Thế Thái Nhân Tình
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Ðã có đồng tiền dở cũng hay
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi
Hẳn hoi không hết một bàn tay
Suy ra cho kỹ chi hơn nữa
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.
Thoát Vòng Danh Lợi
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Đám phồn hoa trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao xiết kể.
Quá giả vãng nhi bất thuyết, (1)
Cái hình hài làm thiệt cái thân chi.
Cuộc đời thử gẩm mà suy,
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu.
Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ,
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ,
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt.
Mặc xa mã thị thành không dám biết,
Thú yên hà trời đất để riêng ta.
Nào ai, ai biết chăng là ?
(1) Lấy ý ở sách Luận Ngữ: việc đã qua rồi không nên nhắc nữa.
Thú Tiêu Dao
Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay
Của trờì trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước này.
Ðiền viên thú nọ vẫn xưa nay
Giang hồ bạn lứa câu tan hợp
Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say
Tòa đá Khương công* đôi khóm trúc
Áo xuân Nghiêm tử ** một vai cầy
Thái bình vũ trụ càng thong thả
Chẳng lợi danh chi lại hóa hay
*Khương Công: Khương tử Nha đời nhà Chu. Khi còn đi ẩn thường ngồi câu ở sông Vị
**Nghiêm tử: Nghiêm Quang đời Ðông Hán, mặc áo tơi đi cầy ở núi Phú Xuân
Tự Thuật
Cuộc thế xem qua đã chán chường
Lúc đạt chẳng qua nhờ vận mệnh
Khi cùng chớ có cậy văn chương
Theo thời cũng rắp tìm nghề khác
Bẩm tính đã quen giữ nết ương
Thời thế, rủi thay, thời cũng mặc
Ai dư nước mắt khóc sang hèn
Cùng đạt có riêng chi mệnh số,
Hành tàng nào hẹn với văn chương ?
Đường công danh sau trước cũng là thường,
Con tạo hoá phải rằng ghen ghét mãi ?
Duyên ngư thuỷ còn dành cơ hội lại,
Quyết tang bồng cho phỉ chí trượng phu.
Trong trần ai, ai kém ai đâu ?
Tài bộ thế, khoa danh, ờ, lại có!
Thơ rằng "độc thư thiên bất phụ ,
Hữu chí sự cánh thành"
Giang sơn đành có cậy trông mình,
Mà vội mỉa anh hùng chi bấy nhẽ?
Đã sinh ra ở trong phù thế,
Nợ trần ai đành cũng tính xong.
Nhắn lời nói với non sông:
Giang sơn hầu dễ anh hùng mấy ai ?
Thanh vân, trông đó mà coi.
No comments:
Post a Comment