Thursday, July 05, 2007

Suy ngẫm về các thời đại kinh tế

Bạn có tin sau 25 năm nữa, thu nhập của chúng sẽ có mức thu nhập là 158,000 USD/năm? Thu nhập tăng, dịch vụ tốt có đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống tăng?… Xin mời tranh luận với bài viết của Steven Landsburg.

Độc giả Thái Thanh Lâm chia sẻ với bạn đọc Tuần Việt Nam bài viết này (Nguyên bản là "A Brief History of Economic Time" của Steven Landsgurg đăng trên The Wall Street Journal ngày 9 tháng 6 năm 2007). Đúng - sai có thể còn phải tranh luận, nhưng lập luận của ông quả là sinh động, hấp dẫn, thu hút.

Xin mời bạn đọc gửi cho chúng tôi những bài viết – có thể bằng nguyên bản nước ngoài – mà bạn cho là lý thú – đáng để chúng ta suy ngẫm.

100,000 năm trước, con người hiện đại xuất hiện. Khoảng 99,800 năm tiếp theo, không có sự kiện nào diễn ra. Không hẳn là không. Có chiến tranh, những cuộc giành giật chính trị, nông nghiệp phát triển,… tuy nhiên không một sự kiện nào trong số này có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của loài người. Theo cách tính hiện đại, gần như tất cả mọi người sống trong điều kiện tối thiểu, chi dùng hết khoảng từ 400 đến 600 USD/năm. Thực ra cũng có một lượng rất rất ít người sống khá hơn mức này, nhưng con số này nhỏ đến mức không cần phải tính đến nữa.

Con người đang giàu lên

Chỉ khoảng 200 năm sau, ước chừng 10 thế hệ, con người bắt đầu giàu lên…Và tiếp tục giàu lên… Tại Châu Âu, thu nhập bình quân theo đầu người bắt đầu tăng trưởng ở mức không thể tưởng tượng được: Xấp xỉ 75% một năm. Trong 2 thập niên tiếp theo, điều tương tự xảy ra ở tất cả các khu vực trên toàn thế giới.

Sau đó, mức thu nhập bình quân đầu người không những không giảm mà còn tiếp tục tăng hơn thế nữa. Thế kỷ 20, tỷ lệ tăng bao gồm cả lạm phát là 1.5% một năm. Trung bình trong nửa cuối của thế kỷ 20, tỷ lệ này là khoảng 2.3%. Với mức tăng trưởng như vậy, nếu thu nhập của bạn đạt mức trung bình của xã hội là 50,000 USD/năm, và giả sử con cái bạn, trong 25 năm nữa cũng đạt được mức trung bình như vậy trên chiếc thang kinh tế thì chúng sẽ nhận được 89,000 USD/năm. Và rồi đến đời con của con cái các bạn (tức là đời cháu bạn) 25 năm sau nữa, cũng với cách tính như vậy…chúng sẽ có mức thu nhập là 158,000$/năm.

Nhìn vào bức tranh tổng quát như vậy thì nền kinh tế của một quốc gia tăng trưởng hay thụt lùi thất thường không phải vấn đề lớn. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề. Ở thời điểm đó, thu nhập giảm chỉ bằng mức của 20 năm trước đó. Trong những năm ấy, bọn trẻ phải sống cuộc sống giống cha mẹ chúng đã và đang sống. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Ước vọng cơ bản rằng cuộc sống hiện tại chắc chắn phải tốt đẹp hơn quá khứ quả thực là một điều kỳ diệu trong lịch sử loài người. Không một chính trị gia nào ở thế kỷ 18 nào phải trả lời câu hỏi kiểu như: "Liệu năm nay ngài có tốt hơn chính ngài của 4 năm về trước không?". Bởi vì rõ ràng rằng không có luật nào bắt ép tất cả mọi người phải tốt hơn chính họ 4 năm trước.

Thu nhập tăng lên chỉ là một phần của lịch sử.

Dịch vụ tốt lên

100 năm trước, trung bình người Mỹ làm việc trên 60 giờ/tuần; ngày nay con số đó là dưới 35 giờ/tuần. 100 năm trước, 6% tổng số người lao động đi nghỉ lễ, ngày nay là trên 90%. 100 năm trước một người giúp việc mất trung bình 12h/ngày cho việc giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp và các việc vặt khác; ngày nay là 3h/ngày.

Xét về mặt chất lượng hàng hoá, giờ đây nếu cần mua một món đồ điện tử, bạn sẽ tìm hàng trong cuốn catalogue từ năm…ví dụ là năm 2001. Năm 2001? Đó là năm cậu bạn thân của bạn mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số 1.3 megapixel, nặng tới gần 1kg với giá 600 usd! Bạn sẽ tự hỏi liệu mình còn có thể mua được gì trong đó?

Về chất lượng dịch vụ, ví dụ như dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chẳng hạn. Bạn thích trả tiền cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ như ngày nay, với giá thành tương ứng hay đồng ý trả tiền cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của năm 1970 chẳng hạn, tất nhiên với giá của những năm 70? Cá nhân tôi không biết một người hiểu biết nào lại chọn cách thứ hai, đơn giản là vì dù mọi người có kêu ca về giá cả ngày nay quá đắt đỏ thì vẫn phải thừa nhận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ngày nay đáng "đồng tiền bát gạo" hơn bao giờ hết.

Bài học rút ra là việc mức thu nhập cá nhân tăng lên, thậm chí là tăng đột biến trong 2 thế kỷ trở lại đây thực sự không phản ánh được sự phát triển của một nền kinh tế. Mức thu nhập trung bình của một người trung lưu nước Mỹ có thể thấp hơn của một quí tộc Châu Âu thời trung cổ, nhưng tôi đồ rằng Vua Henry VIII sẵn lòng đổi nửa vương quốc của mình để được tắm vòi hoa sen, uống thuốc kháng sinh khi bệnh và truy cập vào Internet.

 
 

Nguồn gốc của sự giàu có?

Nguồn gốc của sự giàu có, năng lượng của sự thịnh vượng chính là sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Năng lượng của sự tiến bộ khoa học công nghệ chính là những ý tưởng, bao gồm cả những ý tưởng trong phòng thí nghiệm và những ý tưởng về phương thức sản xuất mới trong luân canh cây trồng, hoặc thậm chí chỉ là ý tưởng về việc quản lý hàng tồn kho…

Bạn có thể bay từ New York sang Tokyo phần nào đó vì đã có một ai đó phát minh ra máy bay, và phần nào đó vì có người vận hành được nó an toàn. Tôi đang ngồi viết những dòng này trên máy tính cá nhân thay vì ngồi gõ cọc cạch trên chiếc máy chữ phần nào đó bởi có một ai đó đã tự nhủ: "Này, tại sao mình không tạo ra một bộ xử lý máy tính từ silicon?" và phần nào đó bởi có ai đó đã tự hỏi: "Để mua lại một công ty khác, tại sao không thể huy động vốn một bằng cách phát hành trái phiếu lãi cao (junk bonds) của công ty mình?"

Vậy thì đóng góp nào quan trọng hơn? Bằng phép tính thô sơ về mặt lợi nhuận thì tất cả đều bằng nhau: Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Microsoft thu về khoảng 600 triệu USD một năm nhờ tạo ra bộ xử lý máy tính thì Micheal Milken, cha đẻ của junk bonds cũng kiếm được chừng đó tiền một năm.

Một số ý tưởng hay lại thuộc về các nhà kinh tế học. Có nhà kinh tế học đề xuất ý tưởng trao quyền sở hữu voi Châu Phi cho người dân địa phương, chính sách này khuyến khích người dân sử dụng voi ở mức chấp nhận được, đồng thời ngăn cản những kẻ săn bắn trộm voi. Kết quả? Người dân sống sung túc hơn, còn lượng voi được bảo tồn ngày càng tăng.

Kỹ sư là người nghĩ cách làm thế nào để tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ; nhà kinh tế học là người nghĩ cách để khơi dậy sức mạnh của động cơ lao động. Sự phồn thịnh và giàu có của tất cả chúng ta phụ thuộc cả hai.


(Theo http://www.tuanvietnam.net)

No comments: