Tuesday, May 29, 2007

William Crapo Durant - Người sáng lập General Motors

bio_durant.jpgKhông phải là một nhà kỹ thuật thiên tài như Henry Ford hay Daimler, thế nhưng William Crapo Durant lại được xếp ngang hàng với các đại gia ôtô trên thế giới.

Cho dù đến cuối đời, William Crapo Durant không có may mắn về tài chính nhưng nói đến lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới là người ta phải nhắc đến tên ông. Chính William Crapo Durant chứ không phải ai khác là người đầu tiên đã sáng lập ra General Motors, tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất thế giới hiện nay.

Mặc dù sự nghiệp có nhiều thăng trầm nhưng William Crapo Durant trước kia và cho đến bây giờ vẫn được coi là một hiện tượng đặc biệt trong ngành công nghiệp ôtô thời kỳ sơ khai. Ông đã bắt đầu từ những xưởng sản xuất bé tí rồi biến chúng thành cả một tập đoàn sản xuất ôtô.William Crapo Durant không phải là nhà kỹ thuật nhưng ông dường như đã dự đoán được trước nhu cầu về ôtô và tăng trưởng của ngành này. William Crapo Durant là nhà quản lý điều hành chuyên nghiệp với những tham vọng lớn lao. Những tham vọng đó đã đem đến cho ông rất nhiều thành công và cả thất bại.

William Crapo Durant được đánh giá là nhà quản lý, doanh nghiệp rất xuất sắc cho dù cái cách mà ông điều hành doanh nghiệp cũng rất hay bị tranh cãi. Những thành công của William Crapo Durant trong lĩnh vực sản xuất ôtô vào đầu thế kỷ 20 là rất đáng ngưỡng mộ và khâm phục.

Ham mê kinh doanh từ bé

William Crapo Durant sinh năm 1861 tại thành phố Boston (Mỹ) trong một gia đình nghèo. Năm 1875, khi mới 14 tuổi, cả gia đình Durant chuyển về sinh sống tại khu phố Flint thuộc thành phố Michigan. William Crapo Durant khi nhỏ là cậu bé rất thông minh và lanh lợi.Tuy vậy, William Crapo lại không thành đạt trên con đường học hành. Tất cả chỉ vì cá tính thích tự làm theo ý mình của cậu. Ở trường, William Crapo Durant nhiều lần hỏi lại giáo viên những quan điểm mà cậu cho là chưa hợp lí.

Năm mới 16 tuổi, sau một lần tranh luận căng thẳng với ông hiệu trưởng, William Crapo Durant đã tự ý quyết định thôi học đi làm để tự kiếm tiền nuôi mình và giúp mẹ. Bà mẹ của William Crapo rất buồn rầu nhưng không khuyên can nổi cậu con trai.William Crapo Durant sẵn sàng làm mọi nghề và tỏ ra có năng khiếu đặc biệt trong kinh doanh. Đầu tiên cậu nhận bán củi thuê cho một người anh họ. Ít lâu sau, William Crapo chuyển sang bán thuốc tây rong. Thấy bán thuốc lá lời hơn, William Crapo Durant lại bỏ thuốc tây để bán thuốc lá.

Năm 18 tuổi, thấy William Crapo nhanh nhẹn tháo vát, người chủ một công ty kinh doanh bất động sản đã mời ông về làm. Tại đây, William Crapo Durant còn được học thêm nghề kế toán. Ông cũng đồng thời học mót được rất nhiều các kiến thức về tài chính, ngân hàng thông qua các hoạt động bán bảo hiểm nhà cửa cho công ty.Cũng qua sự giới thiệu của ông chủ công ty bất động sản, William Crapo Durant đã về làm cho công ty sản xuất nước sạch ở khu phố Flint. William Crapo Durant làm kế toán cho công ty. Mới vào việc chưa lâu thì công ty nước sạch bị lâm vào cơn khủng hoảng và có nguy cơ phá sản. Dù chỉ ở vị trí kế toán nhưng William Crapo Durant đã có những cái nhìn rất sâu sắc và chính xác, đâu là nguyên nhân của khủng hoảng.

William Crapo Durant được cất nhắc vào vị trí chủ chốt và đây là bước ngoặt của công ty nước sạch. Những ý tưởng tuyệt vời và sự quyết đoán mạnh mẽ của William Crapo Durant đã giúp công ty này thoát hiểm. Từ trên bờ vực phá sản, chỉ sau hai năm cải tổ, công ty nước sạch đã trở nên có lãi.

Thành công với công ty cấp nước đã khiến cho nỗi khao khát tự lập kinh doanh trong con người William Crapo Durant ngày càng lớn mạnh. William Crapo Durant năm đó chưa đầy 25 tuổi và trong người đầy ắp ý tưởng và khát vọng được tự mình thực hiện các ý tưởng đó.

Từ sản xuất xe ngựa kéo sang sản xuất ôtô

William Crapo Durant năm ngoài hai mươi tuổi chưa hề tỏ ra thích thú với lĩnh vực sản xuất ôtô còn sơ khai. Với ông quan trọng là có công ty của riêng mình. Thế nhưng William Crapo Durant gần như không có đồng tiền vốn nào.Ông đã sớm nghĩ đến việc vay ngân hàng. Và những gì mà ông làm sau này đều phải cần đến sự hỗ trợ rất nhiều của các ngân hàng. Các ngân hàng đã đứng đằng sau ông, vừa là hỗ trợ vừa là giám sát.

Cùng với người bạn Durant Dort, năm 1886, William Crapo Durant đã mạnh dạn vay53217414_th.jpg 1.500 USD để mua lai một xưởng sản xuất xe ngựa kéo.Công ty Durant-Dort Company được thành lập và chuyên sản xuất các loại xe gỗ có hai bánh do ngựa kéo. Với tài kinh doanh và quản lý khéo léo, William Crapo Durant đã xây dựng được một doanh nghiệp nhỏ.Xe ngựa kéo bán rất chạy và William Crapo Durant đã trở nên một người giàu có, một ông chủ có tên tuổi tại Michigan. Năm 1895 công ty của William Crapo Durant đã đạt doanh số bán xe ngựa lên tới kỷ lục là 75.000 USD.

Không dừng lại ở những gì đã đạt được, ông tìm cách đầu tư với những tài sản có được. Nhưng những thất bại đáng kể khi tham gia đầu tư chứng khoán đã khiến ông tỉnh lại. Có lẽ chỉ quản lý điều hành doanh nghiệp sản xuất mới là sở trường của ông.Mặt khác, sau hơn 10 năm xe ngựa ở thời kỳ hoàng kim thì William Crapo Durant cũng đã kịp nhận thấy xu hướng xe có động cơ sẽ thay thế xe ngựa.

Năm 1905, William Crapo Durant quyết định đánh một canh bạc của đời mình. Có bao nhiêu tài sản, William Crapo Durant bỏ hết ra để mua lại công ty sản xuất động cơ ôtô của Buick, ông chủ kiêm nhà thiết kế động cơ người xứ Scotlen. Không có đủ 1,5 triệu USD, William Crapo Durant lại phải tìm đến ngân hàng để vay.

William Crapo Durant như đoán được sự bùng nổ của ôtô nên đã dồn hết tâm lực, thời gian để xây dựng công ty sản xuất ôtô của riêng mình. Vừa là ông chủ, vừa làm giám đốc, William Crapo Durant trực tiếp điều hành tất cả mọi việc từ lên dự án thiết kế, tổ chức sản xuất, quảng cáo bán hàng đến quản lý tài chính.Ông sâu sát và cụ thể đến từng chi tiết cho dù công ty ngày càng lớn với hàng nghìn người làm thuê. William Crapo Durant là người nhiều tham vọng và dám chi mạnh cho đầu tư để đạt mục tiêu của mình.

Cuộc khủng hoảng kinh tế cuối năm 1907 đã làm rất nhiều công ty nhỏ và vừa phá sản vì không đủ tiềm lực tài chính. Công ty Buick Motor của William Crapo Durant may mắn thoát hiểm nhưng cũng từ đó William Crapo Durant nhận ra rằng phải tìm cách liên kết mới có thể cạnh tranh được.

Sáng lập tập đoàn General Motors

William Crapo Durant đã nhiều lần gặp gỡ và đàm phán với Henry Ford và Ransom Olds, sau này là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của General Motors. Ông lại huy động được các nguồn vốn đầu tư của ngân hàng và mua lại hàng loạt công ty thiết bị ôtô nhỏ, rồi sáp nhập, cơ cấu lại thành bộ phận, xưởng sản xuất của Buick Motors.

Lại một lần nữa, William Crapo Durant dám chơi một canh bạc đầy mạo hiểm với hàng chục công ty nhỏ rất khác nhau, trong khi công ty mẹ Buick cũng không to gì hơn. Sự quyết đoán đến liều lĩnh của William Crapo Durant còn được thể hiện ở chỗ phần lớn nguồn tiền là các khoản đầu tư của ngân hàng. Chính vì thế mà sau này ông đã chịu rất nhiều áp lực và cả chi phối đáng kể của ngân hàng.

Năm 1908, Công ty Buick Motors đã được đổi tên là Công ty Cổ phần General Motors, trong đó William Crapo Durant là một cổ đông chính và làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đầu tiên. Để cạnh tranh với các hãng ôtô khác, đặc biệt là Công ty Ford đang phát triển rất nhanh, William Crapo Durant đã phải nỗ lực rất nhiều.

Ông có điểm mạnh ở khả năng quản lý nhưng lại không có khả năng thiết kế mẫu mã nhưimages.jpeg Henry Ford. Chính trong giai đoạn General Motors đang rất bí các mẫu mã xe mới để có thể cạnh tranh thì William Crapo Durant cũng đã phải vào cuộc với những ý tưởng khá độc đáo và bất ngờ. Ông yêu cầu các kỹ sư của mình khi không có mẫu mã mới thì cứ đem các loại xe cổ nhất ra sửa lại một số chi tiết để tung ra thị trường.

Tất cả các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật đều lắc đầu nhưng William Crapo Durant vẫn quyết định làm theo ý mình vì sợ không có hàng mới để cạnh tranh. Những mẫu xe Oldtimes thuộc thế hệ đầu tiên được ông chủ William Crapo Durant yêu cầu làm rộng hơn, dài hơn để cho ngồi thoải mái, duỗi thẳng chân ra đuợc và được sản xuất hàng loạt.Chính dòng xe Cadillac khổng lồ mà sang trọng của General Motors đã ra đời từ những mệnh lệnh bằng miệng của ông Chủ tịch William Crapo Durant.

Năm 1911, dưới áp lực của các cổ đông là ngân hàng, William Crapo Durant rời bỏ vị trí Chủ tịch điều hành của General Motors. Thế nhưng ngay lập tức, với sự trợ vốn của một số nhà đầu tư, William Crapo Durant lại thành lập ngay một công ty sản xuất ôtô mới là Chevrolet Motors. Chỉ 3 năm sau công ty sản xuất ôtô của William Crapo Durant có lãi, trước sự bất ngờ và khâm phục của nhiều người.

Lợi nhuận ròng của Chevrolet Motors năm 1915 đạt trên 1,3 triệu USD, trong khi General Motors lại khó khăn và thua lỗ. William Crapo Durant, lại được trải thảm đỏ về làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của General Motors.

William Crapo Durant đã có những đóng góp rất lớn góp phần để General Motors chiếm được thị phần đáng kể và trở thành tập đoàn sản xuất ôtô lớn nhất thế giới về sau này. Sau này khi không còn làm cho General Motors, William Crapo Durant lại một lần nữa lập ra công ty sản xuất ôtô gia đình mang tên Durant Motors.

Theo VNECONOMY,wikipedia,millville

Source:http://www.i4c.info/2006/08/19/william-crapo-durant/

1 comment:

Anonymous said...

Good post.