Saturday, May 05, 2007

Định luật Fitts và giao diện Office 12

Office12

Chắc các bạn đã nghe nói về giao diện mới sử dụng "ribbon" ("ruy-băng") của Microsoft Office 12 (tên chính thức là Microsoft Office 2007)? Thiết kế mới là sự thay đổi lớn nhất kể từ MS Office 95 và không ít người tự hỏi liệu mọi người có chịu bỏ thời gian để học làm quen với giao diện mới hay không - và liệu giao diện mới có thật sự sẽ giúp tăng hiệu quả làm việc. Vì sao giao diện mới được chọn? Vì sao những người phát triển bộ Office tin tưởng rằng giao diện mới sẽ giúp làm tăng hiệu quả làm việc? Và quan trọng hơn, dựa vào đâu họ tin tưởng rằng người dùng sẽ chịu bỏ thời gian làm quen với nó? Đó là những câu hỏi tớ đặt ra ngay từ khi mới dùng thử bản Beta 2 cách đây không lâu.

Hôm nay vô tình được đọc bài viết " Giving you Fitts" của Jensen Harris trong weblog của ông đi sâu giải thích về ý tưởng đằng sau thiết kế mới. Hóa ra, từng chi tiết trong thiết kế đều dựa trên định luật Fitts ( Fitts' Law), một định luật nổi tiếng trong thiết kế mà tớ cũng mới biết đến qua bài viết đó. Đọc ra mới thấy mọi thứ đều có lý do của nó. Hiểu cơ sở của thiết kế và đọc về các tính năng mới (như " Contextual spelling") khiến tớ tin tưởng hơn vào sự thành công của phiên bản Office 12.

Trong bài này tớ sẽ tóm lượt về Định luật Fitts dựa trên bài viết Giving you fitts của Jensen Harris, Wikipedia và một vài nguồn khác (tớ sẽ chỉ đơn giản là dịch tóm lượt và tổng hợp những chi tiết hay, nếu các bạn đã đọc 2 nguồn đó thì có lẽ sẽ không cần đọc tiếp)

Cơ bản về định luật Fitts

Định luật Fitts là mô hình của sự vận động của con người nhằm xác định thời gian cần thiết để di chuyển từ một vị trí đến một khu vực khác. Mặc dù định luật Fitts được sử dụng dể mô tả quá trình trong cả thế giới thực (sử dụng ngón tay) hay trên máy tính (con trỏ), nó thực sự được áp dụng nhiều hơn trong lĩnh vực thiết kế giao diện người dùng cho các phần mềm trên máy tính. Công thức cơ bản của định luật được tính theo khoảng cách đến mục tiêu và kích thước của mục tiêu đó. Công thức thì khá phức tạp, nhưng ý nghĩa của nó lại khá đơn giản (đến hiển nhiên) như Jensen Harris tóm tắt:

  1. Mục tiêu càng xa thì thời gian để tiếp cận được nó sẽ lâu hơn.
  2. Mục tiêu càng nhỏ thì thời gian để tiếp cận được với nó sẽ lâu hơn.

Như đã nói, hai nguyên tắc của định luật được áp dụng trên máy tính để miêu tả các tác vụ như trỏ - và - nhấn hay kéo - và - thả.

Những giới hạn của định luật gốc:

  1. Nó chỉ được áp dụng trong chuyển động một chiều.
  2. Định luật chỉ mô tả các di chuyển cơ bản chứ không tính đến sự hỗ trợ của phần mềm (ví dụ như khả năng tăng tốc độ di chuyển của con trỏ trên màn hình bởi phần mềm)
  3. Định luật chỉ mô tả những di chuyển mà người thực hiện chưa được làm quen nhiều (ví dụ nếu bạn đã dùng một giao diện trong 2 năm và đã quen với nó thì định luật sẽ không áp dụng được nữa)

Áp dụng định luật trong thiết kế giao diện:

Bài học thứ nhất được rút ra từ định luật là kích thước của các nút bấm hoặc các phần tử tương tác phải đủ lớn để tương xứng với quảng đường cần di chuyển. Như Jensen giải thích, cùng với việc độ phân giải của màn hình ngày càng cao (tức khoảng cách di chuyển chuột trên màn hình cũng sẽ dài ra) thì cách duy nhất thoả mãn định luật Fitts đó là phải tăng kích thước của nút bấm, và những tác vụ được sử dụng nhiều hơn nên được đặt trong các nút bấm to hơn.

Trong các phiên bản Office đã ra đời cũng như các phần mềm hiện tại, kích thước của các nút bấm vẫn là không đổi. Tuy nhiên, tăng kích thước của các nút bấm trong một phần mềm nhiều tính năng như Office sẽ chiếm quá nhiều diện tích của màn hình. Ý tưởng "rubbon" được giới thiệu là để giải quyết vấn đề này. Bằng cách chia nhóm, đoán và hiển thị những gì người dùng định làm, các nút bấm sẽ có nhiều không gian hơn để hiển thị.

Office12 1

Bài học thứ 2 là những tác vụ thông thường nên được để càng gần vị trí con trỏ của người dùng càng tốt. Một ví dụ áp dụng bài học này bạn có thể tìm thấy dễ dàng nhất chính là trình đơn nhỏ hiện ra khi bạn nhấn phải chuột (còn vị trí nào gần để đặt các tuỳ chọn thường gặp hơn là ngay tại vị trí bạn nhấn chuột?). Trong Microsoft Office, bài học này còn được sử dụng cho một tính năng thú vị và cực kỳ hữu ích: "Smart Tag" (thẻ thông minh) ở Office 2003 và tính năng "Mini Toolbar" trong Office 2007 sắp ra mắt. Trong Office 17, khi bạn chọn một đoạn văn bản sẽ có một thanh công cụ nhỏ gồm những tính năng định dạng cơ bản thường gặp xuất hiện ngay trên dòng chữ được chọn. Trong trường hợp này, vì các nút bấm hầu như ở ngay cạnh con trỏ chuột nên theo định luật Fitts, kích thước của nút bấm có thể nhỏ mà vẫn dễ tiếp cận.

Office12 2-1

Cuối cùng, theo định luật Fitts, trên màn hình có những vị trí đặc biệt mà thời gian bạn cần để tiếp cận những vị trí này luôn là ngắn nhất bất kể con trỏ chuột của bạn đang ở đâu trên màn hình. Những vị trí đó bao gồm 4 cạnh và 4 góc của màn hình. Lý do thật đơn giản: vì 4 cạnh của màn hình là giới hạn cuối cùng mà con trỏ bạn có thể đến được, nếu có ai đó yêu cầu bạn đưa chuột đến 1 trong bốn cạnh của màn hình thì bạn sẽ đơn giản là "phóng tay" đưa chuột về phía đó mà không cần quan tâm đến đường đi của nó hay vị trí mà nó sẽ dừng lại (bởi chỉ có một vị trí duy nhất - là nơi bạn định đến). Ngược lại, sẽ khó khăn và mất thời gian hơn rất nhiều nếu bạn được yêu cầu đưa chuột đến vị trí cách cạnh trái của màn hình 2 pixel. Điều tương tự áp dụng cho 4 góc của màn hình.

Đây chính là lý do tại sao thanh tác vụ ("Taskbar") của Windows được đặt ở dưới cùng màn hình và thanh "Finder" của Mac OS được đặt ở cạnh trên của mành hình (đây đều là những vị trí bạn có thể tiếp cận nhanh nhất). Một ví dụ khác thường được nhắc đến khi nói về ứng dụng này chính là bài học của nút Start trong Windows. Trong các phiên bản Windows 95, 98, 2000 và ME, nút Start được thiết kế cách các cạnh màn hình một pixel. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn di chuyển chuột đến nút Start, bạn sẽ phải để ý di chuyển của con trỏ chuột không được đến tận cùng của góc phải màn hình. Windows XP khắc phục điều này với thiết kế nút Start mở rộng đến góc cuối của màn hình.

Windows

Vậy trong Office 2007, nguyên tắc này được áp dụng như thế nào? Một ứng dụng bình thường trong Windows gần như không tận dụng được lợi thế của 4 cạnh hay 4 góc của màn hình. Trừ khi bạn mở rộng cửa sổ ở mức tối đa (diện tích cửa sổ sẽ chiếm toàn bộ màn hình). Từ một nhận xét rằng trong phần lớn thời gian, người sử dụng Office luôn mở cửa sổ ở mức to tối đa (tớ thừa nhận điều này - khi gõ văn bản Word, cửa sổ soạn thảo luôn được để to nhất), nhóm thiết kế giao diện Office 2007 đã tranh thủ tận dụng cạnh trên của màn hình. Họ quyết định bỏ thanh tiêu đề của ứng dụng và đặt vào đó thanh truy cập nhanh với các tính năng phổ biến nhất như sao lưu, mở file, in ấn, khôi phục,… (cũng như những tính năng mà bạn muốn).

Office12 3

Tóm lại, định luật Fitts là một trong những định luật rất thú vị và đáng để tìm hiểu. Và càng thú vị hơn khi ta có thể học cách ứng dụng định luật này trong thiết kế qua một ví dụ trực tiếp. Nếu bạn đang có trong tay bản Microsoft Office 2007 BETA 2 thì hãy cài đặt và thử xem những nguyên tắc rút ra từ định luật này có thật sự áp dụng hay không nhé (tớ sẽ phải đợi sau khi sang lại bên kia).

Source: http://www.nguoitapviet.info/2006/08/30/306/

No comments: