Marcus Samuel - Thương hiệu hình vỏ sò
Khắp thế giới ai cũng biết đến cái tên Shell cùng với logo độc đáo hình vỏ sò. Đó chính là tập đoàn dầu mỏ của Anh và Hà Lan, lớn thứ hai trên thế giới. Đây là tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, có thị phần lớn và do đó ít nhiều có khả năng ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp và quốc gia khác nhau
Xuất thân từ gia đình kinh doanh vỏ sò
Marcus Samuel sinh năm 1851 tại London. Ông là người quốc tịch Anh nhưng thực ra lại có nguồn gốc là dân Do Thái, sang định cư tại Anh. Như phần lớn những người Do Thái khác trên toàn thế giới, cha của Marcus Samuel là một thương nhân khôn khéo. Và ông cũng khá thành đạt trên thương trường.
Để đạt được như vậy, ông Samuel đã mất cả hàng chục năm bôn ba buôn bán khắp các nước. Ông Samuel đã khởi nghiệp kinh doanh từ một mặt hàng rất đặc biệt. Đó chính là những chiếc vỏ sò, vỏ ốc trai tưởng như vô dụng mà người ta có thể nhặt ở mọi bờ biển trên thế giới.
Từ một sự tình cờ, ông Samuel đã có ý tưởng biến những thứ tưởng như chẳng có ích gì này thành những sản phẩm độc đáo. Samuel đã tận dụng những bàn tay khéo léo của những người dân bản xứ xa xôi vùng châu Á để có được những chiếc hộp, bàn, thùng, chậu làm từ vỏ sò, vỏ trai, ốc. Những thứ này đã giúp ông không những kiếm sống mà còn có thể làm giàu bằng những sản phẩm đó.
Marcus Samuel sinh ra trong gia đình kinh doanh như vậy. Ông không chỉ được thừa hưởng một gia tài nhỏ để làm vốn mà quan trọng hơn là thừa hưởng cái máu kinh doanh của cha. Ngay từ khi còn bé, Marcus Samuel đã được cùng cha đi khắp các nước, thậm chí được cùng ngồi đàm phán với từng khách hàng hay từng người dân bán vỏ sò.
Có thể nói từ khi sinh ra, Marcus Samuel đã gắn bó với những chiếc vỏ sò và chúng đã chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt trong đầu Marcus Samuel. Chính vì những tình cảm sâu nặng và ấn tượng đặc biệt từ tuổi ấu thơ mà sau này Marcus Samuel đã đặt cái tên Shell, có nghĩa là vỏ sò, cho công ty kinh doanh của riêng mình.
Và cũng xuất phát từ cái tên vỏ sò này mà đã xuất hiện rất nhiều giai thoại thú vị về công ty Shell và ông chủ Marcus Samuel. Người ta nói rằng, trụ sở công ty Shell bên bờ con sông Thames cũng được Marcus Samuel cho thiết kế như hình một cái vỏ sò khổng lồ. Nhiều bức tường, cửa của trụ sở được trang trí với nhiều hình mẫu vỏ sò khác nhau.
Người ta thường vẫn kể rằng triết lí kinh doanh của Shell cũng có chính từ ý tưởng kiểu sống của con sò. Theo đó, cả thế giới rộng lớn, năm châu bốn biển đều là thị trường của Shell. Và cũng như con sò hiên ngang chịu đựng được mọi sóng gió biển khơi, công ty Shell cũng phải thể hiện bản lĩnh của mình trước mọi khó khăn. Đó cũng là bản lĩnh của ông chủ Marcus Samuel.
Con hơn cha…
Khi tiếp quản vốn liếng kinh doanh của cha ông, Marcus Samuel đã quyết định chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác. Ông hi vọng có nhiều cơ hội làm giàu nhanh hơn. Đầu tiên Marcus Samuel mở một cửa hiệu kinh doanh vàng bạc đá quí tại thành phố London, nơi ông sinh sống.
Bình thường người khác có thể hài lòng với một cuộc sống khá giả và kinh doanh ổn định như vậy. Nhưng Marcus Samuel thì không. Ông không chỉ có tham vọng làm giàu, còn hơn cả cha, ông có máu bôn ba năm châu bốn bể để kinh doanh. Marcus Samuel đã chọn ngành vận tải. Ông nhận chở hàng hoá, vật liệu từ thành phố này sang thành phố khác, từ nước này sang nước kia, sang tận vùng Viễn Đông xa xôi.
Marcus Samuel là con người nhanh nhạy với mọi cơ hội kinh doanh. Không chỉ vận chuyển thuê, Marcus Samuel còn tận dụng mọi cơ hội chênh lệch giá để kinh doanh kiếm lời. Công việc thuận lợi, Marcus Samuel ngày càng có nhiều hợp đồng vận tải hơn, trong đó có rất nhiều hợp đồng của các công ty Nhật.
Phán đoán đúng tiềm năng phát triển của nền công nghiệp Nhật, ông đã quyết định xây dựng một cơ sở kinh doanh vững chắc tại đây. Marcus Samuel thường xuyên chở than đá, rồi bán than đá cho các công ty ở Nhật.
Từ vận tải và kinh doanh than đá chuyển sang vận tải và kinh doanh dầu mỏ không bao xa. Từ khi được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ, dầu mỏ đã trở thành nhiên liệu quan trọng bậc nhất đối với các nền công nghiệp. Các nước châu Á, châu Úc và đặc biệt là Nhật Bản rất cần tới dầu mỏ. Cùng lúc đó thì tại nước Nga, nhiều mỏ dầu được tìm thấy.
Thế là cơ hội kinh doanh có một không hai đã đến với Marcus Samuel. Sự nghiệp kinh doanh với dầu mỏ của Marcus Samuel và công ty Shell bắt đầu từ đây và trở thành một trong những kỳ tích kinh doanh của thế giới.
Không sợ đối đầu với John Rockefeller
Marcus Samuel đầu tư khá lớn vào các đội tầu chở dầu. Ông có tham vọng từ vùng Trung Á và Viễn Đông, sẽ có con tàu chở dầu của công ty Shell đi khắp nơi trên thế giới.
Thế nhưng, Marcus Samuel đã vấp phải sự cản trở đáng kể của ông vua dầu lửa người Mỹ lúc bấy giờ là John Rockefeller. Như một con bạch tuộc khổng lồ, Rockefeller đã chi phối cả ngành công nghiệp dầu mỏ nước Mỹ và qua đó có ảnh hưởng rất đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế. Rockefeller còn tìm cách thống trị cả các thị trường quốc tế khác như châu Âu, châu Á. Tập đoàn dầu mỏ Standard của ông này có lúc đã chiếm tới 2/3 thị phần tại châu Âu.
Không ít người cho rằng chẳng mấy chốc tập đoàn này sẽ chiếm toàn bộ thị trường châu Âu và châu Á nếu không có sự xuất hiện đúng lúc của Marcus Samuel với công ty Shell. Nhiều đại gia khác đã chịu thua hoặc lép vế trước Rockefeller.
Nhưng Marcus Samuel - vốn cũng là một thương nhân Do Thái như Rockefeller - thì không đơn giản chấp nhận như vậy. Marcus Samuel chỉ đi sau chứ không hề thua kém sự tinh quái và quyết liệt trong kinh doanh. Ngay cả về tham vọng, Marcus Samuel cũng đã thể hiện mình không hề ít hơn ông vua dầu lửa lúc đó.
Nhằm cản đường Marcus Samuel, Rockefeller đã dùng ảnh hưởng của mình để có được một quyết định từ chính quyền ngăn cản tàu chở dầu của Shell đi qua kênh đào Suez.
Nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn, Marcus Samuel cũng chứng tỏ sự quyết liệt của mình bằng các chiêu độc khác. Ông tham gia vào chính trường London với vai trò là dân biểu để có quan hệ trực tiếp với chính khách. Kênh đào Suez ở Ai Cập nhưng thuộc quyền cai trị của Anh, và Marcus Samuel đã khéo léo tìm mọi cách vận động vào các nghị sĩ Anh để họ giúp ông giải toả sự phong toả của đối thủ cạnh tranh.
Sau hơn hai năm, năm 1882, Marcus Samuel đã vô cùng thoả mãn khi những đoàn tầu chở dầu của mình được tự do qua kênh đào Suez. Cũng kể từ khi đó, Shell ngày càng phát triển với những hợp đồng chở dầu mỏ từ nước Nga, Trung Á sang châu Úc và châu Á.
Ngay cả khi bắt đầu kinh doanh trực tiếp dầu mỏ, Marcus Samuel đã có lúc phải khốn đốn vì Rockefeller đã phá giá dầu. Thế nhưng sự quyết liệt và cả kiên trì của Marcus Samuel đã giúp Shell may mắn thoát khoải chiến lược "cá lớn nuốt cá bé" của Rockefeller. Marcus Samuel cũng có những tham vọng khôn cùng. Chính vì vậy mà ông cũng từ chối việc bán công ty Shell cho Rockefeller với một cái giá rất hấp dẫn.
Trở thành ông trùm dầu mỏ
Khi đã trụ vững trên thị trường vận tải dầu mỏ thì Marcus Samuel lại muốn đi xa hơn với việc kinh doanh khai thác dầu mỏ. Không có được lợi thế về công nghệ cũng như kỹ thuật khai thác, chế biến dầu nhưng Marcus Samuel lại là người nắm rất rõ thị trường tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới.
Từ những năm 1890, sau thời gian khát dầu khi mới xuất hiện thì người ta đua nhau tìm kiếm phát hiện ra nhiều mỏ dầu mới. Marcus Samuel đã có tính toán chiến lược rất đúng là tìm đến các nhà khai thác dầu vừa xuất hiện để hợp tác hay liên doanh với họ.
Marcus Samuel là người rất kiên trì đàm phán. Chính nhờ vậy, mà ông đã thành công trong việc theo đuổi phi vụ hợp tác với công ty khai thác dầu của Vương quốc Hà Lan, cho dù công ty này vẫn đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Shell.
Nguồn gốc Anh-Hà Lan của tập đoàn Shell sau này cũng bắt đầu từ đó. Lí do chính để Marcus Samuel lựa chọn công ty khai thác dầu mỏ của Hà Lan này làm đối tác chiến lược là ông biết công ty này đang nắm quyền khai thác nhiều mỏ dầu lớn tại Indonesia.
Cũng với tính toán tương tự cộng với khả năng đàm phán thuyết phục tuyệt vời mà đầu năm 1901, Marcus Samuel lại có được một hợp đồng cung cấp dầu dài hạn tới 20 năm với một công ty khai thác dầu từ Mỹ. Có thể nói từ lúc này, dù vẫn nhỏ bé hơn Tập đoàn Standard của Rockfeller nhưng Marcus Samuel vẫn có thể bảo đảm cho Shell hoạt động một cách độc lập trên qui mô lớn.
Marcus Samuel là người rất giỏi chớp thời cơ. Đến giai đoạn tiếp theo, khi mà tập đoàn dầu mỏ của Rockefeller bị nhà nước tìm cách chia nhỏ thì cũng là lúc Marcus Samuel tìm cách tung hoành ở châu Âu với việc mua gom các công ty nhỏ khác.
Chiến lược tìm cách kiểm soát chi phối các mỏ dầu mới đã được Marcus Samuel tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt và ở qui mô rất lớn. Lần lượt nhiều mỏ dầu ở Nga, ở vùng Trung Đông đã được Marcus Samuel sớm mua lại hay giành độc quyền khai thác. Trong những năm chiến tranh thế giới thứ I, Marcus Samuel đã giành được rất nhiều hợp đồng cung cấp dầu cho quân đội Anh.
Kể từ những năm đó trở đi, khi có tiền và lực, Marcus Samuel lại chủ động vươn cánh tay của mình tới cả vùng châu Mỹ, tại Venezuela, Mehico và ngay tại nước Mỹ. Đây chính là niềm tự hào vô bờ của ông chủ Marcus Samuel tài ba. Tập đoàn Shell trở thành một tập đoàn kinh doanh dầu mỏ toàn cầu và Marcus Samuel đã trở thành một ông trùm thực sự, không kém gì Rockfeller trước đấy 20 năm.
Theo timelineindex và Vneconomy
No comments:
Post a Comment