Ngô Giáng Uyên - Sao lại có người giỏi thế!
"Tôi không thích được gọi là thế hệ 8x hay @"
Ngô Giáng Uyên tại Notting Hill năm 2002. |
Học chuyên văn, đoạt giải quốc gia môn tiếng Anh, được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại Thương TPHCM, ra trường đầu quân cho Unilever, với một năm kinh nghiệm nhưng lại lấy được học bổng danh giá Chevening của Vương quốc Anh (được chọn học ở bất kỳ một trường ĐH nào miễn trường đó nhận), sau khi hoàn thành khóa học, Uyên trở về nước làm việc ở GSK Việt Nam. Trẻ trung và tài năng, dĩ nhiên, xinh đẹp và mạnh mẽ, đi nhiều, biết nhiều nhưng ở Uyên vẫn còn nét gì đó rất hồn nhiên. Ngay cả trong những trang viết của Uyên vẫn thể hiện rất rõ hai mảnh đối lập này - điều gì đó rất trẻ thơ và cái trăn trở nghĩ suy của người lớn. Thành công nhờ 60% thông minh và 40% nỗ lực Sự thành công của chị ngày hôm nay có bao nhiêu phần trăm của thông minh và bao nhiêu phần trăm của nỗ lực cá nhân? 60% thông minh và 40% nỗ lực cá nhân. Tôi may mắn được là người khá thông minh, làm gì cũng xuôi chèo mát mái. Duy chỉ có một chuyện không suôn sẻ là hồi thi vào chuyên Anh trường THPT Lê Quý Đôn, Khánh Hòa, tôi rớt và chuyển sang học ở Lý Tự Trọng. Cũng vì lý do này mà tôi nỗ lực học Anh văn và kết quả tôi là người duy nhất đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển học sinh giỏi của tỉnh không phải là học sinh trường Lê Quý Đôn. Thành công không phải tự đến mà do nỗ lực của từng cá nhân, nhiều khi xuất phát từ nguyên nhân muốn chứng tỏ mình. Thi thì có khi đậu, khi rớt nhưng từ trước đến giờ tôi đều thành công trong các cuộc phỏng vấn làm việc. Người ta nói tôi có khiếu giao tiếp. Nhưng khéo quá cũng không tốt, mà khiêm tốn quá cũng không nên. Quan trọng là phải tìm ra được điểm nhấn, thế mạnh của mình để phát huy và biết mình muốn gì. Có người rất giỏi nhưng không biết phát huy thế mạnh, tất cả trải đều, rất khó nhận ra. Vậy thế mạnh của chị là gì? Tôi là người giỏi tiếng Anh. Đó là thế mạnh rất quan trọng trong công việc kinh doanh. Tôi là người lanh lợi, nhận biết được cơ hội trước mắt và tập trung nắm bắt cơ hội đó. Như trong thời gian xin học bổng Chevening năm 2004 do Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức, tôi chỉ nộp hồ sơ đến một nơi và tập trung làm tốt để có được học bổng này. Và tôi tự hào đã đạt được mục đích. Năm đó, tôi là người duy nhất ở miền Nam nhận được học bổng Chevening. Khả năng hài hước cũng là thế mạnh của tôi đấy. Tôi nhớ, lúc trả lời phỏng vấn của hai ông giám đốc marketing ở Unilever trong vòng cuối, họ hỏi tôi nếu tuyển vào không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Tôi trả lời có. Hai ông ngạc nhiên bởi hầu hết những người trước đó, khi trả lời câu hỏi này họ đều nói không vì đang ngồi trước hai sếp marketing. "Tại sao phỏng vấn marketing mà làm sales?", một ông hỏi. Tôi nói: "Tại vì tôi biết nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing cũng sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng sẽ quá muộn vì sales không đồng ý cho đi". Còn lúc phỏng vấn học bổng Chevening, khi biết tôi làm marketing ở Unilever, họ đã hỏi: "Tại sao các công ty nước ngoài thường lấy người nước ngoài làm quảng cáo ở VN? Chúng tôi không thích mấy cái quảng cáo đó". Tôi trả lời: "Tôi thích những quảng cáo ấy. Vì nhà sản xuất đang nhắm tới đối tượng khách hàng là 2 triệu người Việt Nam trẻ tuổi, thích văn hóa mới và hiện đại chứ không phải là 10 ông khó tính ở Hội đồng Anh hay ở Đại sứ quán". Chị khuyên những bạn xin học bổng rằng: "Xác định rõ mình muốn gì ngay từ đầu, trước khi điền vào hồ sơ. Và khi trả lời phỏng vấn, hãy tự tin mình sẽ đạt được điều đó". Điều này chỉ phù hợp với những người có năng lực thật sự, chứ những người năng lực trung bình thì có tự tin gấp 10 lần chị cũng không thể đạt được. Vì sao chị lại có được sự tự tin cao đến như thế? Tự tin là cái hiếm gặp ở người Việt, vì nhiều khi cách giáo dục làm cho người ta trở nên nhát hơn, không dám nói ra những điều mình suy nghĩ. Như thời đi học, chúng tôi có bao giờ dám nói thầy cô sai dù biết rõ cái sai đó. Tuy nhiên, tất cả sự tự tin đều phải dựa vào cơ sở thực lực của mình. Nếu nói tự tin là cho mình không đủ, tự tin còn cho người khác. Chẳng hạn, tôi tự tin sẽ đạt điểm cao trong một kỳ thi, vì điều đó sẽ cho mẹ tôi niềm vui. Ra đi không có nghĩa là "rũ áo" Từ những nguyên nhân nào khiến chị cho ra đời cuốn sách, tập hợp những ký sự ghi lại những chuyến đi khắp châu Âu của mình? Đó như là một kỷ niệm của thời đi học, như là cảm xúc của một người trẻ khi quan sát những quốc gia, những nơi mình đặt chân đến. Tôi là người có đời sống tinh thần khá phong phú, tôi thấy được cái đẹp mà những người làm kinh doanh khác thấy bình thường. Như bữa trưa ngủ dậy, quang cảnh sau cơn mưa trở nên khác lạ, tôi có thể ngồi viết về những điều đó. Nhờ tính hài hước mà tôi không bị khó khăn làm cho căng thẳng, biết tìm niềm vui ngay trong những gì gian khổ nhất. Trước đây, tôi lấy tựa cho sách là Những mùa xứ lạ, sau đó đổi thành Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương. Oải hương là loài hoa rất châu Âu, có mùi thơm lưu luyến, một cái gì đó như còn vương vấn mãi. Câu chuyện xuất phát từ Zurich, thành phố cuối cùng trong chuyến vòng quanh châu Âu của tôi. Hôm đó ra khu phố cổ, thấy người ta bán hoa oải hương tươi được cắm trong những chiếc xô nhôm. Tôi kê mũi vào ngửi nhưng chẳng thấy mùi hương, bác bán hoa bảo tôi chà cánh hoa lên ngón tay, mùi hương sẽ xuất hiện. Khi lên tàu, đi một khoảng cách rất xa Zurich, tôi thấy cảnh vật xung quanh quen quen, rồi như một phản xạ, tôi đưa ngón tay lên ngửi, thì mùi hương của loài hoa ấy vẫn còn. Chị viết văn rất dạt dào tình cảm, còn ngoài cuộc sống, chị có thể hiện rõ cảm xúc của mình? Tôi rất thích câu danh ngôn của Italia, nhưng được người Anh sử dụng phổ biến, "La dolce vita", hàm ý mình làm điều gì đó mà mình cảm thấy vui và hạnh phúc. Còn ngược lại, có người điều hành tập đoàn lớn nhưng trong lòng lúc nào cũng không thấy vui, đó không phải là "La dolce vita". Có những điều bình thường khiến tôi cảm thấy hạnh phúc như viết một bức thư tay rồi gửi cho bạn bè qua đường bưu điện... Tôi là người lãng mạn vì đã trải qua một thời gian dài học văn nhưng "tố chất" kinh doanh vẫn nổi trội hơn. Tất cả những vui buồn, giận dữ... tôi đều biểu lộ ra bên ngoài nhưng sự lo lắng thì không. Lo lắng chỉ có mình tôi biết hoặc một số người thân thuộc nhất. Trước khi du học, chị nói lúc trở về sẽ thành lập công ty riêng. Thế nhưng, vì lý do gì kế hoạch này bị đổ vỡ? Lúc còn học ở Anh, tôi đã có công việc ổn định nhưng vẫn quyết định về nước mở công ty. Ban đầu tôi rất "hăng", tuy nhiên, về mới thấy thời điểm chưa chín muồi. Sắp tới, tôi sẽ thôi việc và nghỉ ngơi một thời gian, như là cách dừng lại để nhìn lại mình. Ở Anh có những shop từ thiện bán những món hàng do người khác mang tới tặng, lấy tiền giúp đỡ người khó khăn. Tôi muốn làm một cái gì đó giống như thế ở VN nhưng chưa có vốn. Và tôi đã quyết định quay trở lại Anh làm việc, gom góp vốn để thực hiện kế hoạch đó của mình. Nhiều người trở về, chị lại ra đi. Nếu chị yêu đất nước này thì không khó để bỏ qua những chuyện khó chịu thường gặp trong đời sống? Ra đi không có nghĩa là "rũ áo" mà đi. Trong chừng mực nào đó, làm việc ở nước ngoài tôi vẫn có thể đóng góp cho đất nước, nhất là làm việc trong lĩnh vực kinh tế. Như đã nói, đi Anh cũng là cách để tôi thể hiện kế hoạch mở chuỗi cửa hàng từ thiện. Đi nước ngoài không phải là từ bỏ đất nước. Đóng góp cho đất nước không nhất thiết là phải ở đất nước đó. Chị đã viết nhiều bài báo "quảng bá" các nước châu Âu, còn Việt Nam, tại sao chị không viết để bạn bè thế giới biết? Đó là câu hỏi đã từng đặt ra cho chính mình. Tôi dự định sẽ có 3 tháng đi du lịch khắp Việt Nam và sẽ viết báo bằng tiếng Anh. Bài đầu tiên tôi sẽ viết là bài giới thiệu về tính cộng đồng ở Sài Gòn, như quán ăn Hương Lài - nơi các đầu bếp là trẻ em lang thang đường phố, quán Hoa Anh Đào của các em bị bệnh down hay địa điểm massage của Hội người mù TPHCM... Chị thấy mình và các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X của Việt Nam có gì khác nhau? Tôi khác đa số các bạn trẻ Việt Nam ngày nay ở chỗ không tự hài lòng với bản thân mình. Nhiều bạn trẻ ngày nay có chồng, có vợ, có công việc là bằng lòng. Có thể họ có khả năng nhiều hơn, đạt được mục đích xa hơn nhưng họ lại không muốn làm hoặc không muốn nghĩ đến. Tôi không thích được gọi là thế hệ 8X hay thế hệ @. Nó có gì đó gây ảo tưởng cho những người được gọi như vậy, dễ khiến họ nghĩ mình có ưu thế hơn, có thế mạnh hơn nhưng thực ra là chưa chắc. Tôi rất nể những người đi trước, họ không có điều kiện làm những gì mà bây giờ thế hệ chúng tôi làm được. Theo Nguyên Trần
Thể thao Văn hóa
No comments:
Post a Comment