Bốn thay đổi lớn trên thị trường máy tính năm 2007
PC đã trải qua một năm thành công hơn dự kiến. Sản lượng máy tính xách tay tăng mạnh, hệ thống Windows Media Center bắt đầu giành chỗ trên các kệ hàng, sánh vai cùng đầu DVD trong phòng khách và các công ty tiếp tục rót ngân sách đầu tư.
Nhưng năm nay và có lẽ cả năm tới, thị trường này không đón nhận nhiều những tính năng "gây chấn động". Những công nghệ PC quan trọng như mạng không dây, notebook theo đúng nghĩa "lưu động" hay lưu trữ quang học sẽ rất khó tìm được hướng đi trên thị trường máy tính tầm trung 2006. Thiết bị xử lý lõi kép sẽ thành dòng chuẩn mực, tuy nhiên, những công ty như Microsoft lại lo ngại rằng các chuyên gia về ứng dụng máy tính chưa có đủ thời gian để chuyển đổi phần mềm sao cho phù hợp với "thế giới" lõi kép mới.
Do vậy, hệ thống PC kiểu mới sẽ chỉ thực sự rõ nét vào năm 2007. Tại thời điểm đó, Microsoft đã phát hành Windows Vista, phiên bản hệ điều hành tiếp theo Windows XP. Các nhà phát triển phần mềm máy khách đã có cơ hội nghiên cứu kỹ và thành thạo với phần mềm 64 bit đa phân luồng. Một số công nghệ như PC card không dây, video độ phân giải cao sẽ là từ vựng phổ thông của người dùng PC.
Xuất hiện từ 2007, Windows Vista sẽ chỉ phổ biến vào 2008
Tính năng trong hệ điều hành mới nhất của Microsoft sẽ được giản lược tương đối so với những gì hãng ban đầu hứa hẹn, nhưng vẫn mang đến cho người dùng sự cải thiện đáng kể về bảo mật và đồ họa. Tập đoàn phần mềm Mỹ cho biết khách hàng cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm fila và tài liệu.
Hãng nghiên cứu Gartner khuyên người sử dụng nên bắt đầu thử nghiệm Windows Vista ngay trong năm tới để chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi quy mô vào năm 2008. Tuy nhiên, Sam Bhavnani, chuyên gia phân tích của Current Analysis (Mỹ), lại cho rằng người tiêu dùng sẽ chỉ nhận thấy Vista đang thay thế Windows XP Home trong các cửa hàng và trên trang web của Dell.
Windows Vista sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng khi Microsoft và các hãng sản xuất PC phổ biến 64 bit vào 2007. Microsoft cũng sẽ thúc đẩy 64 bit trở thành một bước tiến mang tính cách mạng trong điện toán và người tiêu dùng sẽ dần chuyển đổi theo.
Thông tin linh động
Nhà cung cấp dịch vụ Veziron Wireless của Mỹ đang cung cấp card máy tính kết nối tới mạng di động EV-DO cho người sử dụng PC. Dell, Hewlett-Packard và Lenovo cũng dự định phát hành máy tính tích hợp chip EV-DO hoặc HSDPA (High Speed Downlink Packet Access - truy cập gói dữ liệu kết nối từ vệ tinh tốc độ cao) năm tới, tương tự như quá trình diễn ra với chip Wi-Fi hai năm trước đây.
Khi tốc độ trong mạng di động cải tiến, mô hình máy khách giản lược sẽ mở rộng hơn. " Thin client", dù đã được thử nghiệm một vài năm, vẫn chưa được ưa chuộng do người sử dụng muốn có khả năng lưu toàn bộ thông tin họ cần tại một vị trí duy nhất. Tuy vậy, người dùng sẽ sớm bị thuyết phục trước viễn cảnh có thể truy cập dữ liệu mạng tại bất cứ đâu, bất cứ khi nào, và khi đó họ sẽ chấp thuận lưu dữ liệu trên máy chủ nội bộ.
Công nghệ lưu trữ
Công nghệ ổ ghi trực giao, cho phép lưu nhiều thông tin hơn, đã được bàn từ nhiều năm và đang bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Năm 2007, nó sẽ là dòng chủ đạo trong ổ đĩa máy tính và mang đến cho khách hàng khả năng lưu trữ lên tới chỉ số TB (terabyte).
Sự thay đổi lớn nhất là quá trình chuyển đổi từ DVD sang Blu-ray hoặc HD DVD. Hai công nghệ này sẽ có mặt trong một số hệ thống cao cấp vào năm 2006 nhưng phải đến năm sau nữa nó mới thâm nhập được vào thị trường chung.
Pin nhiên liệu "lăn bánh"
Một yếu tố nhỏ nhưng quan trọng trong điện toán di động là thời lượng pin. Người ta chờ đợi năm 2007, những sản phẩm với tuổi thọ pin dài hơn sẽ ra đời. Một số cải tiến nhất định đang diễn ra trong ngành công nghệ năng lượng nhưng chưa thể tạo nên nhiều thay đổi đáng kể.
Pin nhiên liệu sử dụng methanol, có thể tiếp năng lượng cho laptop cả ngày, sẽ bắt đầu ghi dấu ấn trong 2 năm tới, tuy nhiên sẽ không thực sự phổ biến. Cũng như bất cứ công nghệ đang nổi lên nào khác, nó được tiếp nhận bởi một số nhà đi tiên phong, còn người sử dụng sẽ đợi đến khi nó thành chuẩn chính thức.
Hải Nguyên (theo InfoWorld)
No comments:
Post a Comment