Tuesday, March 06, 2007

"Thế hệ Tôi" và khủng hoảng dư thừa vật chất

Nhà tâm lý học Jean Twenge, Giáo sư của Đại học bang San Diego đã viết một cuốn sách với tựa đề:  "Thế hệ Tôi: Tại sao giới trẻ Mỹ ngày nay tự tin hơn, quyết đoán, quyền năng hơn ... và đáng thương hơn mọi thế hệ trước đó".  

Giàu có - Mục tiêu hàng đầu của giới trẻ

Học sinh đến trường với đồ hiệu, điện thoại di động đời mới không rời tay, và lái xe ôtô SUV (Sport Utility Vehicle) là "chuyện thường ngày ở huyện" tại các trường cấp 3 ở Mỹ.

Những cuộc thăm dò mới ở Mỹ cho thấy, nỗi ám ảnh về của cải vật chất đang tăng lên - và trở nên giàu có đối với giới trẻ ngày nay đã quan trọng hơn so với thời trước. Đây là  tham vọng thực sự chứ không chỉ là ước muốn nhất thời của lớp thiếu niên nữa.

Khảo sát thường niên của UCLA (Đại học California, Los Angeles) với các sinh viên mới cho thấy, gần ¾ những người được hỏi năm 2006 nghĩ, "giàu có về mặt tài chính" là "rất quan trọng".  Chỉ có 42% số người  được hỏi nghĩ như vậy vào năm 1966, năm đầu tiên khảo sát được thực hiện.  

Một cuộc khảo sát khác của Pew Research Center cho thấy, khoảng 80% thanh niên từ 18 đến 25 tuổi xem việc trở nên giàu có là mục tiêu sống hàng đầu ở thế hệ mình.

Nỗi ám ảnh vật chất của giới trẻ Mỹ thậm chí đã trở thành một đề tài được đem ra mổ xẻ trong chương trình truyền hình ăn khách của Oprah Winfrey. Đây là dịp để Oprah trút nỗi thất vọng của bà, khi được hỏi rằng, tại sao bà chọn xây một trường học ở Nam Phi chứ không phải ở Mỹ.

"Nếu bạn hỏi bọn trẻ muốn hay cần gì, chúng sẽ trả lời là iPod hay vài chiếc giày trượt" – Winfrey trả lời phỏng vấn Newsweek, đề cập tới chuyến thăm các học sinh ở một trường học trong thành phố. "Ở Nam Phi, bọn trẻ không xin tiền hay đồ chơi. Chúng chỉ cần đồng phục để có thể tới trường".

Các nhà nghiên cứu cho rằng, chủ nghĩa vật chất là một nỗi ám ảnh của mọi tầng lớp xã hội Mỹ. Cùng với những tiến bộ của công nghệ và truyền thông, thói quen hấp thụ văn hoá của giới trẻ đã đi theo chiều hướng "nhiều, dễ, nhanh và vui nhộn". Và các bậc cha mẹ cũng khuyến khích thói quen này bằng cách sẵn lòng đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của con trẻ.  

Theo thống kê của ông David Walsh, nhà tâm lý học, Giám đốc Học viện Quốc gia về Truyền thông và Gia đình ở Minneapolis, ngày nay, các bậc cha mẹ Mỹ chi tiêu cho con cái nhiều hơn gấp 5 lần so với chỉ một thế hệ trước đó. Rất nhiều "cậu ấm cô chiêu" Mỹ đang tiêu xài một số tiền lên tới hàng chục triệu đô la, phần lớn trong số này là do bố mẹ "tài trợ".

Khủng hoảng dư thừa vật chất

Tuy cuộc sống vật chất sung sướng như vậy, giới trẻ Mỹ lại vấp phải những khủng hoảng tinh thần mà thế hệ cha chú của họ không hề có.

Nhà tâm lý học Jean Twenge, Giáo sư của Đại học bang San Diego đã viết một cuốn sách với tựa đề:  "Thế hệ Tôi: Tại sao giới trẻ Mỹ ngày nay tự tin hơn, quyết đoán, quyền năng hơn ... và đáng thương hơn mọi thế hệ trước đó".  

Theo bà, thế hệ trẻ ngày này có quá nhiều ham muốn, và rất dễ rơi vào tình trạng tuyệt vọng nếu không thực hiện được những ước muốn đó.  "Xã hội chúng ta đang nói với thiếu niên rằng, chúng là những người đặc biệt và có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn – và sau đó chúng trưởng thành và nhận ra đây không phải là sự thật".

Tim Barello, 24 tuổi, người New York, thừa nhận rằng, thế hệ của anh ta đã nhiễm thói quen đòi hỏi, muốn "thêm nữa, thêm nữa, và thêm nữa".

Barello lớn lên ở vùng trung lưu tại Long Islands, trở thành một nhà báo khá thành đạt và sống trong một căn hộ sang trọng thuê ở khu chung cư của giới thượng lưu Manhattan.

Tưởng rằng đã quá đủ cho một người vừa ra khỏi trường ĐH được 2 năm, nhưng với anh cuộc sống dường như vẫn thiếu cái gì đó. "Thành thật mà nói" – anh bộc bạch – "Đôi khi, tôi thậm chí không coi trọng tất cả những thứ tôi có…Tôi thường xuyên cảm thấy trống rỗng".

Vì vậy, anh sẽ thay đổi mục tiêu trong tuần này, bắt đầu tham gia các khóa học ở Học viện Sân khấu điện ảnh Hoa Kỳ để theo đuổi giấc mơ làm diễn viên – cho dù điều đó có nghĩa là anh sẽ từ bỏ cuộc sống nhung lụa của mình.

"Còn có rất nhiều thứ khác có ý nghĩa trong cuộc sống" – anh nói – " hơn là một cuộc sống vật chất".

Đối với Greenwood, 16 tuổi, một học sinh  cấp 3, sống ở khu ngoại ô trung lưu của  Chicago, Arlington Heights, việc chống lại những cám dỗ vật chất không đơn giản như vậy.  "Tôi muốn trở thành một tuýp người hoàn toàn ngược lại",  cô bộc bạch. Cô cố gắng chi tiêu có giới hạn dưới sự giám sát của bố mẹ.  

Nhưng đôi khi, ngay cả cô cũng cảm thấy khó khăn khi phải trốn tránh những cám dỗ của trào lưu này.

"Thành thực mà nói," cô bộc bạch, "làm gì có chuyện một cô bé tuổi teen không thích trông mình thật dễ thương và mang trên mình những phụ kiện sành điệu nhất".

Theo: VNN/CNN

No comments: