Tuesday, March 11, 2008

Tránh sập bẫy khi khởi nghiệp

Tránh sập bẫy khi khởi nghiệp

Xem hình

 

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu thị trường, nhiều doanh nghiệp không có cơ hội kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2 của mình và bị "khai tử" ngay trong năm đầu hoạt động. Thương trường với luật chơi khắc nghiệt của nó không bao giờ nương tay đối với những doanh nghiệp "ngây thơ".

Để có thể tồn tại lâu hơn trong môi trường cạnh tranh ngày một gay gắt, các doanh nghiệp trẻ nên hết sức chú ý để tránh sa vào những "cái bẫy" dẫn đến sai lầm trong chiến lược hoạt động và phát triển.


Bẫy thứ nhất: Quá quan tâm tới khách hàng mà không để ý đến vấn đề tài chính

Có nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh vỡ nợ chỉ bởi vì họ tập trung quá nhiều vào doanh thu mà xem nhẹ khâu quản lý công việc kinh doanh. Để tránh rơi vào tình trạng này, bạn nên lập bảng theo dõi để dễ dàng kiểm tra hàng tuần. Bảng theo dõi này ít nhất phải bao gồm doanh thu, lợi nhuận biên, ngân quỹ, số lượng hàng bán được, chi phí…


Mỗi quý cần kiểm tra xem nhu cầu khách hàng tăng trưởng như thế nào để có mức cung phù hợp. Bạn đã phân tích nhu cầu tiềm năng của khách hàng hay chưa? Bạn đã có kênh phân phối tốt chưa? Giá cả có cạnh tranh được với thị trường hay không? Đối với vấn đề tài chính, ba câu hỏi cần đặt ra là: tôi phải thu cái gì, tôi phải trả cái gì và tôi còn bao nhiêu tiền trong tài khoản?

Để làm được việc này, bạn nên tuyển một kế toán giàu kinh nghiệm. Họ sẽ giúp bạn phát hiện những bất thường trong vấn đề tài chính để cảnh báo bạn kịp thời.


Bẫy thứ hai: Không dám đàm phán với chủ nợ

Trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính, nhiều chủ doanh nghiệp không dám đàm phán với ngân hàng cho họ vay tiền mà quên mất rằng, nếu doanh nghiệp của mình đóng cửa thì ngân hàng đó cũng không lấy lại được số tiền đã cho vay. Điều này có nghĩa là ngân hàng thường sẵn sàng đàm phán với bạn.


Bẫy thứ ba: Yếu kém trong việc phân tích các nguồn khách hàng có nguy cơ rủi ro cho doanh nghiệp

Chẳng ích gì khi bạn cứ mãi chạy theo một hợp đồng không có khả năng thanh toán. Chính vì vậy, việc quan trọng nhất là phải tìm hiểu khả năng tài chính của khách hàng. Tuy nhiên, khi không may gặp phải khoản nợ khó đòi, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của các cơ quan pháp luật hoặc các công ty đòi nợ chuyên nghiệp.


Bẫy thứ tư: Phụ thuộc vào khách hàng

Đôi khi, doanh nghiệp bị phá sản là do phần lớn nguồn doanh thu phụ thuộc vào một khách hàng chủ chốt nào đó và khi khách hàng này chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp khác hoặc rơi vào cảnh phá sản, ngay lập tức họ sẽ bị lao đao theo.

Để tránh nguy cơ này, bạn cần đa dạng hoá nguồn khách hàng đồng thời phải xác định rõ rằng, nguồn lợi từ một khách hàng không được chiếm quá 30% doanh thu của công ty. Lý tưởng nhất là đa dạng hoá khách hàng theo loại hình kinh doanh: một phần ba là các doanh nghiệp lớn, một phần ba là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (những đối tượng khách hàng trung thành nhất) và một phần ba là các đơn vị khác.


Bẫy thứ năm: Đầu tư không hiệu quả

Đơn hàng đến dồn dập có thể khiến chủ doanh nghiệp đầu tư tràn lan và tuyển dụng nhân viên ồ ạt trong khi không tính đến tiềm lực tài chính cũng như khả năng thu hồi vốn về lâu dài. Đây chính là một trong những nguyên nhân thất bại cổ điển nhất nhưng cũng là "cái bẫy" nhiều doanh nghiệp mắc phải nhất. Cách phòng tránh hiệu quả là nghiên cứu thị trường thật kỹ lưỡng và nghiêm túc để có hướng đầu tư phù hợp với khả năng của mình, không bị lúng túng hay choáng ngợp khi đơn hàng đổ về nhiều.


Bẫy thứ sáu: Kinh doanh theo kiểu cá thể, đơn lẻ

Một số doanh nghiệp không thể tồn tại nếu họ đứng một mình, không tiếp cận với những tổ chức mang lại cho họ nguồn khách hàng hoặc không tiếp xúc với những chuyên gia tư vấn để có thể nhận được những lời khuyên bổ ích. Tuỳ theo từng loại mặt hàng kinh doanh, bạn có thể tham gia vào các hiệp hội khác nhau, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp khác để tận dụng hệ thống phân phối và cũng như khai thác nguồn khách hàng của họ.


Bẫy thứ bảy: Không quan tâm tới việc bảo hiểm sản phẩm hay dịch vụ của mình

Nhiều doanh nghiệp không được bảo hiểm một cách tối ưu nên khi gặp sự cố, một mình họ không thể xoay sở được. Bảo hiểm là cách tự bảo vệ mình, cũng là chia sẻ rủi ro với những doanh nghiệp khác, vì thế bạn cần tìm hiểu các hình thức bảo hiểm để có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất.


Nguồn : DDDN

 

No comments: